Lạm bàn về bài viết “Nhà máy điện chạy than, lợi hay hại”

Tô Văn Trường

Tôi đã đọc bài viết “Nhà máy điện chạy than, lợi hay hại” đăng ngày 3/6/2017 trên BVN của tác giả Thanh Trúc phóng viên RFA(*). Tôi chia sẻ và đồng tình với tác giả về những mặt bất cập do nhà máy nhiệt điện gây ra về lĩnh vực ô nhiễm môi trường.

Giá trị của phản biện chính là ở chỗ biện luận thuyết phục, có cơ sở khoa học, nói có sách mách có chứng. Tiếc rằng, bài báo của tác giả Thanh Trúc còn để lại nhiều “lỗ hổng” như sau:

Người viết ít am hiểu về chuyên môn, nhiều chỗ viết không chính xác, không rõ ràng và không có minh chứng khoa học, thậm chí còn nhầm lẫn giữa nguyên liệu và nhiên liệu (những chỗ tôi bôi vàng trong bài báo được trích tại Phụ chú cuối bài này). Các thông tin số liệu không được cập nhật. Ông Phạm Khánh Toàn là nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng thuộc MOIT, không phải EVN.

Tác giả không nên lấy thí dụ về một nhà máy công nghệ cũ, không có hệ thống xử lý khí thải để minh họa cho tất cả các nhà máy nhiệt điện chạy than hiện có và trong tương lai. Nhà máy ô nhiễm gây xôn xao dư luận là nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, không phải Vĩnh Tân 4 v.v…

Song song với phát triển nhiệt điện than thì giải pháp xử lý an toàn các chất thải cũng đang được Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên & Môi trường quan tâm giám sát, xử lý và tiến tới phải thắt chặt hoàn toàn hơn.

Vần đề phát thải cacbon dioxit tăng là tất yếu khi tăng công suất nhiệt điện than. Nhưng VN chưa phải là nước phát thải nhiều CO2 ở mức đáng lo ngại.

Phát triển nhiệt điện chạy than còn nhiều vấn đề cần giải quyết. An toàn hay không phụ thuộc rất nhiều vào lựa chọn công nghệ, nguồn nhân lực và đặc biệt là việc thực thi các chính sách và pháp luật của bộ máy hành pháp. Điều này thì không ai dám chắc được mọi thứ v.v…

Theo tôi hiểu, nếu muốn “mổ xẻ” về nguy cơ gây ô nhiễm của các nhà máy điện chạy than thì cần nhấn mạnh đến vấn đề giám sát môi trường của Việt Nam còn yếu nên nhìn chung các nhà máy vẫn có tình trạng phát thải SOx và NOx do không cho khói đi qua các bộ khử để giảm chi phí điện tự dùng và các hóa chất xử lý. Giám sát online mặc dù đã được áp dụng nhưng cần quản lý chặt chẽ hơn.

Những giai đoạn đốt dầu kèm thì khử bụi tĩnh điện hoạt động không hiệu quả thì phát thải lớn. Hiện nay, đang có tình trạng các nhà máy điện không phát được hết công suất do nhu cầu điện giảm và phía điều độ không cho phát toàn tải.

Cách thức làm quy hoạch dựa trên cơ sở của tốc độ phát triển GDP và cho điện phải phát triển cao hơn phát triển GDP để đón đầu sẽ có bất cập là thừa công suất phát và không dẫn đến các nỗ lực tiết kiệm năng lượng, tăng cường năng lượng tái tạo, cố gắng phát triển loại hình đồng phát nhiệt-điện.

Vấn đề giá điện vẫn là vấn đề lớn cản trở sự phát triển nguồn một cách đúng đắn. Nếu không giải quyết hợp lý thì ta luôn tìm cách lờ đi vấn đề môi trường để giữ được giá điện rẻ. Đây là sự thật không thể tránh khỏi.

Yếu tố thiết bị rẻ, đều có xuất xứ từ Trung Quốc luôn ảnh hưởng tới vấn đề môi trường, hiệu quả năng lượng, độ tin cậy vận hành của các nhà máy nhiệt điện Việt Nam. Khi mà chúng ta không biết yếu tố nào là đểu trong các trang thiết bị mà phải đấu thầu công khai thì hiển nhiên ta không thể tránh được yếu tố giá rẻ.

Nguồn nhân lực trong ngành điện còn rất hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, năng suất lao động thấp so với các nước trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp thuộc ngành điện họ chỉ nhìn lợi ích cục bộ mà không nhìn lợi ích quốc gia. Về mặt bằng chung, lương cho người lao động không cao như các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, chi phí lót đường chiếm tỷ trọng lớn. Trong doanh nghiệp có 02 nhóm rõ rệt, nhóm lợi ích & nhóm làm công ăn lương. Nhóm 02 bị bóc lột sức lao động còn hơn các nước “đang giẫy chết” bóc lột. Họ làm việc như “bán mặt cho màn hình máy tính bán lưng cho ghế tựa”.

Trong thời gian tới với quy hoạch mà có thêm tới 40 nhà máy nhiệt điện than thì càng phải chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường. Âu lo nhất không khí ở hầu hết các thành thị trong cả nước đều đang bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng do khí thải nhà máy và xe cộ. Đến nay, những gì hiển thị trên bản đồ của NASA một lần nữa báo động về mức độ ô nhiễm không khí ở Việt Nam. Chỉ số PM2.5 của miền Bắc Việt Nam đang ở mức 20 – 25, cao gấp 2 lần so với mức an toàn mà Tổ chức Y tế Thế giới WHO đưa ra. Theo WHO, chỉ số PM2.5 nhỏ hơn 10 được coi là mức an toàn. PM là viết tắt của Particulate Matter – vật chất dạng hạt. PM 2.5 là chỉ số thường để đo mức độ ô nhiễm không khí của các dạng hạt bui lơ lửng trong không khí có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 2.5 micron mét trên một mét khối không khí. Loại bụi này rất nguy hiểm, đi thẳng vào niêm mạc phổi và gây hậu quả khôn lường.

Trong quá trình phát triển nếu đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, các giải pháp tiết kiệm điện v.v… thì phải giảm số lượng nhà máy nhiệt điện than đến mức có thể.

Đối với những nơi bắt buộc phải có nhà máy nhiệt điện, phải sử dụng thiết bị tiên tiến, tránh xa các công nghệ của Trung Quốc đã quá nhiều tai tiếng. Tôi nghe nói các nhà khoa học Nga mới giới thiệu phương pháp Electrochimique Ionisasion trong quá trình đốt than ở các nhà máy nhiệt điện. Phương pháp này giúp giảm tối đa bụi và khí thải ra môi trường, hoàn toàn không dùng tới Mazut nên hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, nên nghĩ đến phương án tìm cách mua công nghệ tiên tiến, mua máy móc trang thiết bị để chế tạo, tìm cách phát triển công nghiệp trong nước, tránh phải phụ thuộc vào trang thiết bị nước ngoài vừa khó khăn cho công tác sửa chữa bảo dưỡng sau này mà vừa lãng phí một nguồn công ăn việc làm rất lớn.

__________

(*) Nguyên là bài “Thách thức về môi trường từ các nhà máy điện than“ đăng một ngày trước đó trên RFA (BVN chú giải)

Tác giả gửi BVN.

Phụ chú:

Nhà máy điện chạy bằng than, lợi hay hại?

Thanh Trúc, phóng viên RFA

(…)

Năm 2015, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh Green ID thuộc Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, đã tổ chức buổi hội thảo để nói về những tác hại của nhiệt điện than đối với sức khỏe con người. Số liệu từ Green ID cho thấy hàng năm khoảng 4.300 người Việt Nam chết yểu vì những chứng bệnh liên quan đến nhiệt điện than. Green ID cảnh báo là con số 4.300 có thể tăng thành 25.000 khi mà tất cả các dự án nhiệt điện than theo qui hoạch đi vào hoạt động.

Vẫn theo Green ID, nhiều loại khí thải ra từ nhà máy nhiệt điện chạy bằng than như khí ozone khi phản ứng với các phân tử khác trong không khi dưới điều kiện ánh sáng mặt trời sẽ tạo thành sương mù độc hại. Nếu thường xuyên hít vào loại sương mù này con người dần dà có những triệu chứng tức ngực, ho, khó thở. Đó cũng là nguyên nhân của chứng hen suyễn, sau một thời gian dài sẽ dẫn đến viêm phổi mãn tính.

Thứ đến là xỉ than mà thành phần là các kim loại và chất hóa học, khi con người hít vào thì những hạt li ti đó có thể len tận mạch máu, gây rối loạn nhịp tim, đau tim, hư phổi…

Nhiệt điện ở Việt Nam sử dụng nguyên liệu truyền thống là than. Đây là loại nguyên liệu rẻ tiền và sẵn có của Việt Nam. Việc đốt than gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh là đương nhiên… – Giáo sư Phạm Ngọc Đăng

Ngoài sức khỏe của con người, khói thải từ các nhà máy nhiệt điện than còn tác động đến chất lượng đất, mùa màng ở những vùng chung quanh trong bán kính cả trăm kilomet.

Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Môi trường, Đầu tư và Khu Công nghiệp, Đại học Xây dựng, giải thích ảnh hưởng của việc đốt than và những qui định mà một nhà máy nhiệt điện phải tuân theo:

Nhiệt điện ở Việt Nam sử dụng nguyên liệu truyền thống là than. Đây là loại nguyên liệu rẻ tiền và sẵn có của Việt Nam. Việc đốt than gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh là đương nhiên do việc đốt than sinh ra bụi, SO2, NOX, CO2… Về khí thải có qui định mức tối đa cho phép đối với bụi, SO2, NOX, CO. Đây là 4 yếu tố quan trọng nhất gây ra ô nhiễm môi trường. Đồng thời cũng qui định nước thải không được vượt quá nhiệt độ thải ra môi trường gây hại cho các hệ sinh thái. Đối với chất thải rắn cũng có qui định phải xử lý triệt để làm vật liệu xây dựng hay đối với các hạt bụi có thể gây ra ô nhiễm cho các nguồn nước và các mạch nước ngầm…

Dưới mắt Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, phát triển nào cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Trong kế hoạch phát triển nhiệt điện than, ông nói, các cơ quan chức năng đã đề ra những qui chuẩn về công nghệ, về vận hành cũng như xử lý chất thải từ nhà máy nhiệt điện:

Nếu thực hiện đúng qui chuẩn kỹ thuật môi trường thì tôi chắc cũng không có vấn đề gì nghiêm trọng. Thực tế một số nhà đầu tư kinh doanh muốn giảm chi phí giải quyết ô nhiễm thì người ta lợi dụng thời cơ ít kiểm tra, kiểm soát. Có một số nhà máy gây ô nhiễm môi trường chung quanh khiến dân kiện cáo căng thẳng.

Theo tôi nếu thực hiện đúng luật pháp, những qui định, qui chuẩn môi trường thì ảnh hưởng có khả năng chấp nhận được. Cơ bản việc thực thi pháp luật ở Việt Nam còn yếu kém, cơ quan quản lý môi trường yếu kém về năng lực cũng như chưa làm tròn trách nhiệm nên trong thực tế nhiều nhà máy gây ra ô nhiễm, gây ảnh hưởng sức khỏe cũng như suy thoái môi trường chung quanh nhà máy điện. Nếu thực thi đúng những qui định về quản lý và kỹ thuật thì bảo vệ môi trường được thôi.

Hôm 26 tháng Năm vừa qua, trong một bài viết đăng trên trang mang Mongabay chuyên về môi trường và sinh thái, nhà báo David Brown có bài chi tiết về kế hoạch phát triển nhiệt điện than mà Việt Nam muốn đưa vào qui mô năm 2030, nói rằng trong lúc GDP Việt Nam tăng 315% thì lượng khí thải nhà kính Việt Nam cũng tăng vọt 937% từ 1991 đến 2012.

Trích dẫn lời Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim trước một cử tọa gồm viên chức chính phủ lẫn doanh gia các nước ASEAN năm 2016, ký giả David Brown nhắc lại lời ông Jim Yong Kim rằng nếu Việt Nam quyết đạt thêm 40 dự án điện than với công suất hàng ngàn MW, và nếu cả khu vực đều áp dụng sản xuất nhiệt điện than giống Việt Nam thì coi như con người và hành tinh này phải gánh chịu thảm họa môi trường không thể tránh trong tương lai.

T.T.

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.