Xếp loại đạo đức – hạnh kiểm: Công cụ huấn luyện xúc phạm nhân phẩm

Phương Thảo

Có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới có mục xếp loại đạo đức – hạnh kiểm của học sinh trong 12 năm đi học đầu đời. Giáo viên chủ nhiệm không thể theo dõi hết tất cả các học sinh mà cần có sự trợ giúp của các tổ trưởng, sao đỏ trong lớp.

clip_image002

Việc cần có tổ trưởng – sao đỏ theo dõi các bạn trong lớp đã vô hình trung tạo nên một lực lượng “hồng vệ binh” trong trường học, khi mà những học sinh này phải ghi chép lại các vi phạm từ nhỏ tới lớn của các tổ viên do mình phụ trách để giúp cho cô giáo đánh giá đạo đức các bạn trong lớp vào cuối mỗi học kỳ. Còn tổ trưởng, lớp phó kỷ luật và những học sinh có chức sắc khác trong lớp dĩ nhiên có được kim bài miễn tử vì không lẽ chúng lại ghi chép lại các sai phạm của chính mình?

Với hàng loạt các tiêu chí để đánh giá đạo đức, một tiêu chí rất nực cười được đưa ra là được các bạn tin yêu. Con trẻ giận đó, vui đó, nhưng công cụ ghi lại các vi phạm của bạn bè đã tạo nên thói quen chỉ biết nhìn vào cái xấu và mặt tiêu cực của người khác. Chưa kể đến việc chúng có xu hướng méc cô về một bạn không được tin yêu để bạn bị phạt cho bõ ghét.

Có những quy định kỳ quái ví dụ cấm học sinh chạy nhảy trong sân trường, hành lang, cấm học sinh nói chuyện riêng trong lớp, cấm không được đi trễ… và hàng loạt các loại cấm khác một cách cứng nhắc để đào tạo ra một thế hệ ngoan ngoãn cúi đầu vì sợ hãi bị tố giác chứ không xuất phát từ nhận thức cần phải làm để hoàn thiện bản thân và có lòng yêu thương, bao dung với người khác.

Vi phạm hạnh kiểm của học sinh có thể chỉ là tạm thời do tuổi đời con non trẻ, nhưng những dòng nhận xét tiêu cực mà giáo viên chủ nhiệm vốn luôn có xu hướng duy tình sẽ là những vết ố suốt đời cho học sinh khi chúng đi học đi học cao hơn bị buộc phải có sao y học bạ.

Đúng trình tự

Trình tự đánh giá đạo đức của học sinh bắt đầu bằng việc tự đánh giá bản thân, với người lớn đó là bản tự kiểm. Người tự đánh giá bản thân luôn có xu hướng không đề cao bản thân, mà phải thực hành hạnh khiêm tốn, một loại hạnh vốn là tốt, nhưng lại vô tình làm cho người ta mất đi sự tự tin. Vì thế học sinh có xu hướng tự đánh giá xếp loại khá mà không dám tự nhận là mình tốt vì sẽ bị bạn cười.

Tiếp theo đó là tập thể lớp xếp loại, giáo viên chủ nhiệm xếp loại và thông qua các ban, tổ của nhà trường. Đó là chuỗi đấu tố thật sự khi mọi lỗi lầm của học sinh được lần lượt nêu ra trước tập thể và sau đó mới có câu vớt vát bắt đầu bằng chữ nhưng mà bạn ấy cũng đã có làm chút điều tốt. Học sinh bị đấu tố công khai trước lớp xong thì sẽ bị đem đi đấu tố kín khi giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn cũng với các ban tổ khác trong nhà trường họp xét hạnh kiểm.

Trình tự khắc nghiệt này đã làm cho học sinh ngay từ nhỏ đã phải phụ thuộc vào ý kiến đánh giá về bản thân mình của người khác, và được tạo thói quen phải sống theo quan niệm chung của mọi người mà không được khác biệt. Khác biệt được xem là cá biệt và cá biệt có nghĩa là hạnh kiểm xấu.

Được phép nói… theo quy định

Người phương Tây có hẳn nghệ thuật phê bình, chỉ trích. Khác với người Việt họ sẽ bắt đầu bằng việc nhìn nhận cái tốt và sau đó mới điểm đến cái xấu. Học sinh từ nhỏ học được cách đánh giá cao những mặt tích cực của người khác và không tìm cách làm cho người khác cảm thấy mình là tội đồ khi phạm phải một lỗi nào đó. Khi phê bình, chỉ trích còn học cách không sử dụng các hình thức tấn công cá nhân, nguỵ biện để đạt được mục đích của mình.

Từ đó họ còn học cách chấp nhận lời phê bình chỉ trích ra sao khi nhìn nhận vào bản chất của vấn đề cần được chấn chỉnh, mổ xẻ mà không cảm thấy bị xúc phạm nhân phẩm.

Trong khí đó quan niệm của người Việt là “nói ra cái xấu” là để phê bình, để hạ đạo đức cũng là nói xấu. Nói xấu tức là xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác. Đây là một vòng luẩn quẩn của phê bình và chỉ trích. Chính vì vậy mà người ta sợ nói xấu và sợ bị nói xấu.

Chính vì thế mà một học sinh trung học ở Long An mới đây đã bị hạ bậc đạo đức chỉ vì dám chê bệnh viện tỉnh nhà bằng những dòng biểu lộ trạng thái trên Facebook. Cách dùng từ ngữ có vẻ không êm tai, nhưng thật ra có điều thật trong đó. Làm dân thường, không có mối quan hệ, hoặc người ít tiền đi khám bệnh thì ai mà chưa từng bị nạt nộ không ra gì, chưa kể muốn được việc thì phải bôi trơn. Nhưng sự thật không được nhìn nhận, người ta – người làm giáo dục – lại xem đó là việc phát ngôn không có chừng mực.

Em nữ sinh phải gỡ bỏ dòng trạng thái trên Facebook kèm theo hạnh kiểm bị hạ bậc vì em đã nói thật quá. Nói cách khác, học sinh không được nói thật, không được công khai bày tỏ quan điểm của mình dù là trên trang mạng xã hội cá nhân.

Tác giả Evelyn Beatrice Hall trong một tác phẩm của mình đã viết: “tôi không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền của anh được nói ra điều đó”. Trong xã hội Việt Nam, vụ việc hạ hạnh kiểm học sinh là bằng chứng cho thấy những gì anh nói ra không được chấp nhận thì anh không có quyền nói ra điều đó.

Và như thế học sinh vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường đã tự thấm nhuần tự do ngôn luận theo hình mẫu Việt Nam là “tự do trong khuôn khổ” và chỉ có quyền nói theo “đồng phục”.

P.T.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.