Lương dân “bao vây” LM Nguyễn Đình Thục: Nhà nước muốn kích động xung đột tôn giáo?

Anh Văn

Bản thân xung đột lương – giáo không chỉ dừng lại ở một địa phận, mà nó sẽ tạo ra sự bất ổn về mặt chính trị – xã hội trong tương lai. Cần lưu ý rằng, xung đột tôn giáo bắt nguồn từ những va chạm lương – giáo sẽ là mồi lửa đốt cháy dẫn đến một viễn cảnh ly khai, chia tách quốc gia. Và trong sự việc ngày 30/05, an ninh tỉnh (Nghệ An?) đã không nhận thức được hệ quả cực kỳ to lớn này.

clip_image001

Nhiều người sử dụng gạch đá cũng như mang theo hung khí gồm dao, tuýp sắt… đến tại giáo họ Văn Thai ở địa bàn xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An vào tối ngày 30 tháng 5 tấn công, sách nhiễu giáo dân tại đó. Courtesy photo

Mầm mống xung đột tôn giáo: an ninh làm ngơ?

Vào tối ngày 30/05, khi LM. JB Nguyễn Đình Thục đang dâng lễ tại giáo họ Văn Thái thì “làng lương bên cạnh đánh kẻng và kéo đến chặn” ở cầu vào giáo họ.. Theo Facebooker Anthanh Linhgiang, khi trò chuyện với LM Nguyễn Đình Thục xong, thì được biết, có khoảng 700 người la hét dọa tấn công. Xuất hiện an ninh, nhưng “họ không giải tán đám đông như cách quen làm mà lại đề nghị đưa cha Thục về”.

Đáp lại tình hình này, LM. Nguyễn Đình Thục vừa từ chối “lời đề nghị khó hiểu” từ phía an ninh, vừa liên lạc về giáo xứ Song Ngọc đề nghị “không được đánh chuông, không được kéo qua Văn Thai” để tránh xung đột lương – giáo.

Cũng theo Facebooker này, do không đạt được mục đích, “họ” dùng đá tấn công một số nhà dân ven làng và xúc phạm ảnh tượng Chúa.

Như vậy, nếu thực sự “an ninh” xuất hiện nhưng không giải tán đám đông mà chỉ tìm cách đưa LM. Nguyễn Đình Thục đi, thì đó có phải là chiêu trò tách cá ra khỏi nước? Và ngay cả việc xử lý như vậy có phải chính là một mồi lửa để kích động xung đột giáo dân nhằm giải quyết vấn đề mà bản thân chính quyền không đạt được, dù đã tiến hành lôi kéo lực lượng “đấu tố” LM trên cả bình diện thực địa lẫn truyền thông?

Chính quyền đang xài lại cách cũ trong quá khứ

  Nguy cơ bùng phát xung đột lương – giáo từng xuất hiện trong quá khứ, mà bản thân nó là hệ quả của sự “kích động” từ phía chính quyền nhằm đạt lấy mục đích chính trị.

Người Công giáo (đặc biệt tại miền Bắc) luôn thường trực một nguy cơ “bị tấn công về mặt thể chất bởi người lương”. Xuất phát điểm từ tình trạng căng thẳng bởi cách ứng xử cứng rắn thời Nhà Nguyễn trong suốt thế kỷ XIX với xu hướng “tả đạo”. Xung đột lương – giáo trong thời kỳ này cũng diễn ra trầm trọng tại Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh – nơi vừa có “đông người theo đạo Ki-tô và cũng là nơi có nhiều văn thân, sĩ phu nhất”, đến mức xung đột có lúc ở trạng thái như là một cuộc chiến tranh tôn giáo.

Một đạo Dụ mang tên “Phân tháp Giáo dân” ban hành vào tháng 7 năm 1861 (thời Tự Đức) nhằm cô lập, kiểm soát, tiêu diệt “mầm mống chống đối của giáo dân”, trong đó có Khoản 2 có đề cập đến việc: Tất cả các làng bên lương phải chịu trách nhiệm canh gác các giáo dân theo tỷ lệ 5:1. Kết quả, 100 làng giáo dân bị san phẳng, 10.000 chức sắc bị bắt giam, 2.000 xứ đạo bị triệt hạ, 300.000 giáo dân bị phân tháp.

Vào thời kỳ hiện đại, người Công giáo sống dưới vùng từ Thanh Hóa đến Quảng Bình bị kiểm soát bởi Mặt trận Việt minh. Và họ tiếp tục trải qua “những tòa án hình sự, hành hình, bỏ tù cha cố Công giáo, những nhà lãnh đạo thế tục” với việc lãnh đạo Liên đoàn Công giáo khu Vinh – Phạm Tuyên, “bị hành hình sau khi bị một tòa án nhân dân kết án ngày 25 tháng Giêng 1951” hay  34 thành viên của Liên đoàn Công giáo, “bị kết tội hoạt động như thành viên của tổ chức phản động “Gây ra tinh thần chống đối chính phủ và kháng chiến, và phổ biến những tuyên truyền bí mật trong giáo dân” và xúi giục trốn thuế nông nghiệp”.

Với những gì đã và đang xảy ra trong những năm vừa qua, từ việc  kết án 14 thanh niên Công giáo tội “lật đổ chính phủ” (2013) đến đấu tố và quy chụp “phản động” lên Giám mục Nguyễn Thái Hợp; LM Nguyễn Đình Thục; LM Đặng Hữu Nam,… và những ai tham gia vào quá trình đòi Formosa trả lại công lý có thể là bằng chứng về việc, chính quyền đang xài lại cách cũ trong quá khứ nhằm triệt hạ những cái gai Công giáo trong mắt?

Xung đột tôn giáo sẽ dẫn đến điều gì?

Đó là sự chia rẽ khối “đại đoàn kết dân tộc”, cái mà ĐCSVN quan niệm là một nguyên tắc sống còn trong xây dựng XHCN.

Xung đột tôn giáo diễn ra, dù mới ở dạng thức mầm mống cũng nhắc nhở bà con giáo dân về một quá khứ kinh hoàng. Và việc này sẽ dẫn đến một cuộc “di cư” lớn về mặt đức tin như cách mà giáo dân miền Bắc di cư vào Nam vì nỗi sợ bị hạn chế thực hành tín ngưỡng vào năm 1954. Nhưng quan trọng hơn, lần “di cư” này sẽ tiếp tục tạo động lực cho người Công giáo kiên quyết hơn trong chống lại mối đe dọa bị đàn áp.

Bản thân xung đột lương – giáo không chỉ dừng lại ở một địa phận, mà nó sẽ tạo ra sự bất ổn về mặt chính trị – xã hội trong tương lai. Cần lưu ý rằng, xung đột tôn giáo bắt nguồn từ những va chạm lương – giáo sẽ là mồi lửa đốt cháy dẫn đến một viễn cảnh ly khai, chia tách quốc gia. Và trong sự việc ngày 30/05, an ninh tỉnh (Nghệ An?) đã không nhận thức được hệ quả cực kỳ to lớn này.

Bên cạnh đó, mầm mống của tối ngày 30/05 là “cái tát” vào mặt ông Tô Lâm  – Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, bởi trong buổi tiếp Đại sứ lưu động phụ trách tự do tôn giáo quốc tế David Saperstein (Bộ Ngoại giao Mỹ) sáng 29/03/2016, ông đã khẳng định tại Việt Nam không xảy ra xung đột tôn giáo. Thậm chí, ông Tô Lâm còn đề nghị, nếu Mỹ cần nghiên cứu, trao đổi về vấn đề chống xung đột tôn giáo, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.

A.V.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Nhân Quyền. Bookmark the permalink.