Ngọc Thắng
Sao phải xảo ngôn, xảo thuật như vậy, thưa ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch?
Tối nay, tôi ngồi nghe lại toàn bộ băng ghi âm phát biểu của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, trong cuộc tọa đàm về phát triển du lịch bền vững tại Khu du lịch quốc gia Sơn Trà do Bộ VH-TT-DL tổ chức ở Hà Nội sáng nay 30/5. Và không thể kìm được bức xúc, tôi đã phải hét lên giữa nhà: “Ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch quá xảo ngôn!”.
Vì sao như thế?
Ở đoạn mở đầu phát biểu của mình, ông Huỳnh Tấn Vinh đã bày tỏ ngạc nhiên khi không có bất cứ đại diện nào của 3 tổ chức Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) cùng Nhóm Nghiên cứu Giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật (DN-EBR) thuộc Đại học Đà Nẵng được mời tham dự cuộc tọa đàm.
Trong khi 3 đơn vị này từng phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà” hôm 28/4 thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận, có gửi thư mời (và gọi điện thoại trực tiếp) nhưng Tổng cục Du lịch và Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch không cử người vào dự. Từ hội thảo đó, 3 tổ chức nêu trên đã có “Thư khuyến nghị giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà” gồm 8 điểm, gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT-DL, lãnh đạo TP Đà Nẵng đề xuất các giải pháp phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà.
“Lẽ ra cuộc họp về khoa học như thế này cũng nên mời các nhà khoa học đó tham dự. Tôi rất ngạc nhiên khi 3 tổ chức đó không được mời tham dự cuộc tọa đàm hôm nay. Bởi vì nếu khoa học…” – ông Huỳnh Tấn Vinh đang nói thì ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cắt ngang: “Anh Vinh ơi, chúng tôi mời cả 3 tổ chức đó nhưng không biết vì sao 3 đơn vị đó không dự!”
Sau khi kết thúc cuộc tọa đàm, trả lời phỏng vấn báo Infonet, cũng chính ông Nguyễn Văn Tuấn nói trớ rằng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch bảo có mời các nhà khoa học đó nhưng “tôi không phải là người trực tiếp nên không nắm được”. Rồi ông nói thêm, tới đây ở Đà Nẵng còn một cuộc hội thảo nữa và chắc chắn những ai chưa dự hôm nay thì đến cuộc đấy sẽ mời!
Quả thật, nếu không dùng từ “xảo ngôn” dành cho ông thì tôi không biết nên dùng từ nào cho xứng đáng hơn, ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn ạ!
Chưa kể ngay trong việc gửi thư mời Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tham dự buổi tọa đàm thì Ban tổ chức cũng giở trờ “xảo thuật”. Như tôi đã nêu, ngày 22/5, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái đã ký Kế hoạch số 2183/KH-BVHTTDL về việc tổ chức buổi tọa đàm này. Thành phần tham dự buổi tọa đàm có ghi rõ tên Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
Thế nhưng trả lời phỏng vấn báo Infonet, ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết, mãi đến ngày 28/5, chỉ 2 ngày trước khi cuộc tọa đàm diễn ra thì ông mới nhận được email thư mời của Ban tổ chức. Ông Huỳnh Tấn Vinh nói: “Tôi nhận được thư mời qua email vào ngày Chủ nhật (tôi phải chuẩn bị, ngay tối qua ở khách sạn tôi cũng thức tới 4h sáng để chuẩn bị tài liệu). Tôi cảm thấy không sòng phẳng lắm nhưng không sao, có những việc mình cứ làm thôi, được tới đâu hay tới đó”.
Tại sao tổ chức một cuộc tọa đàm mang tính chất khoa học và cầu thị mà phải dùng tới những chiêu trò xảo ngôn, xảo thuật như vậy, thưa ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn?
“Chúng tôi không chọn bao nhiêu phòng, chúng tôi chọn giữ Sơn Trà – Huỳnh Tấn Vinh”; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh: “Phải nhấn mạnh rằng, chúng tôi phản đối bản quy hoạch Sơn Trà của Bộ không phải để đóng cửa Sơn Trà, không khai thác du lịch mà là để gìn giữ và bảo tồn đa dạng sinh học. Quy hoạch bán đảo Sơn Trà sẽ mở đường cho doanh nghiệp phá hủy Sơn Trà, bê tông hóa Sơn Trà, chúng tôi kiên quyết phản đối đến cùng”; Ông Vinh dẫn chứng nếu chọn khu vực B (Bán đảo Sơn Trà)… như cách của Tổng cục [Du lịch] với mật độ xây dựng [khách sạn] cao như hiện nay thì điều này đánh đổi về môi trường, các loại thú, rạn san hô có nguy cơ bị hủy diệt… Du khách đến Sơn Trà rồi ở trong đó là chính, tiền chạy vào túi DN, chứ không vào cộng đồng dân cư; Ông Vinh đề nghị bảo tồn Sơn Trà để khách đến Đà Nẵng nghỉ ở khu A [TP Đà Nẵng] và tham quan, khám phá ở khu B [Sơn Trà]. Còn nếu chọn phát triển khu B – “như anh chị có thể thấy rất nhiều dự án, là bê tông hóa, là phá rừng Sơn Trà… trong khi nếu chọn theo phương án mà Hiệp hội [Du lịch] đề xuất thì Sơn Trà sẽ còn sót lại duy nhất ở Việt Nam – điểm độc nhất vô nhị của Đà Nẵng, làm tăng thu nhập cộng đồng dân cư, tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng chứ không phải tập trung vào một số người, một số DN. Như vậy chúng ta chọn A hay B, chúng ta chọn cái gì, như thế nào?“
Thưa anh Huỳnh Tấn Vinh, chỉ bao giờ không còn những vị quan sâu mọt như ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đương chức kia – mà người dân và ngay cả nhiều trí thức đã phẫn nộ gọi thẳng ông ta là chó đẻ – thì mới mong giữ lại được bán đảo Sơn Trà như một cảnh quan thiên nhiên độc đáo, một nơi điều tiết khí hậu quan trọng của TP Đà Nẵng, cũng là nơi người Việt không hổ thẹn khi đón khách du lịch thế giới đến thăm, xác nhận nơi đây còn biết cách gìn giữ môi trường. Nhưng tiếc rằng ông Tổng cục trưởng đó còn tồn tại với đủ quyền hành để thực thi mọi mưu toan nham hiểm mà đằng sau là các nhóm lợi ích đục ngầu dục vọng, và cái cơ chế bảo lưu cho nhiều kẻ vô lại như ông ta cũng vẫn còn nguyên, thì ước vọng của anh, cũng như của nhân dân cả nước e khó mà đạt được lắm.
Sơn Trà trước sau cũng sẽ bị tận diệt mất thôi. Đau lòng mà không biết làm thế nào.
Bauxite Việt Nam
Cho rằng việc quy hoạch bán đảo Sơn Trà sẽ mở đường cho doanh nghiệp phá hủy, bê tông hóa Sơn Trà, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng khẳng định sẽ bảo vệ Sơn Trà đến cùng.
Sáng 30/5, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Đà Nẵng tổ chức buổi tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững tại Khu du lịch quốc gia Sơn Trà”.
Bên hành lang buổi tọa đàm, ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, người kiên quyết phản đối bản quy hoạch Bán đảo Sơn Trà đã có những chia sẻ thẳng thắn với PV VTC News.
Ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phát biểu tại buổi tọa đàm.
Theo ông Vinh, Sơn Trà có ba điểm rất quan trọng: Thứ nhất, Sơn Trà là báu vật của Đà Nẵng. Thứ hai, là nơi đa dạng của thành phố Đà Nẵng và thứ 3, Sơn Trà là mắt thần an ninh của cả thành phố. Sơn Trà là rừng nguyên sinh duy nhất còn lại tại Việt Nam, nó tạo nên một thiên đường mà không nơi nào trên thế giới có được.
“Theo quan điểm của tôi, bản quy hoạch Sơn Trà của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa ra chưa giải quyết được vấn đề đa dạng sinh học, nó chưa đề ra các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học trên một khu rừng nguyên sinh duy nhất của nước ta hiện nay.
Chúng ta tự hỏi rằng, du khách nước ngoài đến với Sơn Trà nói riêng và đến với Việt Nam nói chung để làm gì, họ không cần các công trình tráng lệ, xa hoa, họ tìm đến đất nước ta bởi vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã, vì báu vật Sơn Trà chứ không phải cái gì khác”, ông Vinh chia sẻ.
Cũng theo ông Vinh, bản quy hoạch Sơn Trà dựa trên những quyết định thu hồi đất đai chưa rõ ràng, chưa nhất quán. Bởi vì, Sơn Trà là đất đai của toàn nhân dân TP Đà Nẵng, không thể tùy tiện khi thì nói rằng tổng diện tích là 4.000 mét vuông, lúc lại 2.000 mét vuông rồi lúc lại chữa thành 3.000 mét vuông.
Bán đảo Sơn Trà bị đào bới nham nhở khiến nhiều người xót xa.
Các cơ quan chức năng cần phải rà soát lại xem chúng ta có gì trên Sơn Trà, bờ biển chúng ta có gì và hiện đã giao cho ai quản lý, sử dụng thế nào. Chúng tôi đề nghị tạm dừng cấp phép, tạm dừng thi công bất cứ dự án nào trên Sơn Trà.
Hy vọng Chính phủ sẽ lắng nghe ý kiến của tôi và hơn một vạn người dân Đà Nẵng bởi việc phá hủy thì rất là nhanh còn phục hồi, bảo vệ Sơn Trà mới là chuyện khó. Liệu rằng, với cách làm này, con cháu chúng ta sau này sẽ lấy gì để phát triển.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng khẳng định sẽ bảo vệ Bán đảo Sơn Trà đến cùng.
“Phải nhấn mạnh rằng, chúng tôi phản đối bản quy hoạch Sơn Trà của Bộ không phải để đóng cửa Sơn Trà, không khai thác du lịch mà là để gìn giữ và bảo tồn đa dạng sinh học.
Quy hoạch bán đảo Sơn Trà sẽ mở đường cho doanh nghiệp phá hủy Sơn Trà, bê tông hóa Sơn Trà, chúng tôi kiên quyết phản đối đến cùng”, ông Vinh khẳng định.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, một số ý kiến giữ nguyên hiện trạng, không xây mới trên cơ sở lưu trú Bán đảo Sơn Trà có thể dẫn đến một số hệ quả đối với các dự án dang dở thì phải tháo dỡ toàn bộ, đối với các dự án đã được phê duyệt thì phải hủy bỏ.
Đây là vấn đề phức tạp cần phải được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo. Nhất là khi các dự án này được chấp thuận trước thời điểm lập quy hoạch.
N.T.
Đọc thêm:
1. Khai thác hay giữ nguyên Sơn Trà: Vẫn còn nhiều tranh cãi
N.Huyền
Phát biểu tại buổi tọa đàm tại Bộ VHTTDL, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng cần giữ nguyên bán đảo Sơn Trà như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng cần khai thác, phát triển du lịch và không làm ảnh hưởng đến môi trường.
LIÊN QUAN
Cần được xem xét thấu đáo
Tại buổi tọa đàm phát triển du lịch bền vững tại khu du lịch quốc gia Sơn Trà do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức vào hôm nay 30/5 tại Hà Nội, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra.
Trong buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định việc ban hành quy hoạch du lịch bán đảo Sơn Trà được làm đúng quy trình, lấy ý kiến các nhà khoa học, cũng như sự cho phép của Chính phủ.
Tuy nhiên, thời gian qua có một số ý kiến góp ý, trong đó có ý kiến nên giữ nguyên hiện trạng, không xây mới ở bán đảo Sơn Trà. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, đây là một việc phức tạp, cần được xem xét thấu đáo.
Theo ông Hoàng Đạo Bảo Cầm – Chủ nhiệm Đề án quy hoạch du lịch trên bán đảo Sơn Trà, đề án quy hoạch tập trung vào việc phát triển sản phẩm đặc trưng Sơn Trà là du lịch sinh thái và nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy thế mạnh của nơi này.
Ông Cầm cũng đánh giá Sơn Trà có vị trí quan trọng, có nhiều quy hoạch liên quan, nhiều dự án đầu tư ở đây. Qua đánh giá các hiện trạng tài nguyên du lịch, ông Cầm đưa ra đề xuất để phát triển du lịch Sơn Trà như sau: Phát triển bền vững phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển của Đà Nẵng và cả nước; khai thác hợp lý các thế mạnh, giá trị tài nguyên của Sơn Trà; gắn kết Sơn Trà với các điểm du lịch khác; gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh quốc phòng, kinh tế đất nước.
Ông Cầm cũng nêu ra giải pháp để phát triển du lịch Sơn Trà một cách bền vững, trong đó có những chính sách ưu tiên cho dự án thân thiện môi trường, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân và khách du lịch về việc bảo vệ môi trường.
Chúng tôi không chọn bao nhiêu phòng, chúng tôi chọn giữ Sơn Trà
Cũng tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh xin phép được “nói dài một chút”.
Rất tâm huyết, ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết: Đến nay đã có trên 1,1 vạn người ký tên “Giải cứu Sơn Trà”, nhiều tờ báo đưa tin việc này và rất mừng là Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xem lại quy hoạch này.
“Tôi mong muốn chúng ta đối xử với Sơn Trà như thế nào cho phù hợp”, ông Huỳnh Tấn Vinh nói.
Ông Vinh cũng chia sẻ, ngày 28/4, tại Đà Nẵng, Hiệp hội có tổ chức hội thảo khoa học về nội dung này.
“Sau hội thảo đó, chúng tôi có gửi đơn kiến nghị lên UBND TP Đà Nẵng (28/4), Chính phủ và mới đây Ủy ban Văn hóa – GD thanh thiếu niên của Quốc hội yêu cầu gửi thông tin – chúng tôi đã gửi. Trong thư đó, chúng tôi cũng nêu vấn đề. Vì bản quy hoạch tổng thể chưa giải quyết đa dạng sinh học, các số liệu không đồng nhất khi 2.000 khi 3.000 ha, khi bỏ vào rừng đặc dụng khi [lại] lấy ra. Do đó, đề nghị rà soát lại toàn bộ quy hoạch cũng như những dự đoán thay đổi biến động dài hạn ngắn hạn như thế nào. Nên tổ chức hội thảo rộng rãi, khoa học hơn… nhằm mục đích bảo vệ Sơn Trà chứ không sử dụng nó. Xin tạm dừng quy hoạch đó” – ông Huỳnh Tấn Vinh nói.
Ông Vinh cho biết thêm, nếu theo quy hoạch tổng thể này thì đến 2025 đón 3 triệu du khách, năm 2030 có 6.000 phòng trên Sơn Trà. “Chúng tôi xin thông báo, đến nay Đà Nẵng có 22.000 phòng chưa kể các loại hình khác. Như vậy có nhất thiết xây thêm khách sạn ở trên Sơn Trà hay không? Làm thế nào để cân bằng giữa phát triển du lịch và phát triển bền vững?” – ông Vinh nhấn mạnh.
Theo ông Vinh, kinh nghiệm ở Úc cho thấy họ bảo vệ môi trường rất tốt. Buổi tối khi mặt trời lặn, du khách mất tiền mua vé xem mặt trời lặn, chim về (họ yêu cầu tắt điện thoại, giữ im lặng)… và họ thu từ nguồn thu này rất tốt. Mô hình đó nên học tập. Hay mô hình ở Philippines cũng tương tự.
“Như vậy chúng ta bảo tồn Sơn Trà như thế nào? Chúng tôi kiến nghị, xây dựng quy chế nghiêm ngặt để bảo vệ lá phổi xanh của TP, xây dựng đưa vọoc chà vá vào thành linh vật của Đà Nẵng, quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế của du khách thậm chí hạn chế tiếng ồn…” – ông Vinh nói.
Ông Vinh dẫn chứng nếu chọn khu vực B (Bán đảo Sơn Trà); A (TP Đà Nẵng) – nếu chọn như cách của Tổng cục [Du lịch] với mật độ xây dựng [khách sạn] cao như hiện nay thì điều này đánh đổi về môi trường, các loại thú, rạn san hô có nguy cơ bị hủy diệt… Du khách đến Sơn Trà rồi ở trong đó là chính, tiền chạy vào túi DN, chứ không vào cộng đồng dân cư.
Ông Vinh đề nghị bảo tồn Sơn Trà để khách đến Đà Nẵng nghỉ ở khu A [TP Đà Nẵng] và tham quan, khám phá ở khu B. Còn nếu chọn phát triển khu B – “như anh chị có thể thấy rất nhiều dự án, là bê tông hóa, là phá rừng Sơn Trà… trong khi nếu chọn theo phương án mà Hiệp hội [Du lịch] đề xuất thì Sơn Trà sẽ còn sót lại duy nhất ở Việt Nam – điểm độc nhất vô nhị của Đà Nẵng, làm tăng thu nhập cộng đồng dân cư, tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng chứ không phải tập trung vào một số người, một số DN. Như vậy chúng ta chọn A hay B, chúng ta chọn cái gì, như thế nào?”.
“Trong hội nghị này chúng tôi muốn chọn phương án nào? Như Phó Thủ tướng nói Đà Nẵng đề xuất phương án quy hoạch xây 300 phòng như hiệp hội hay 600 hay 1.600 phòng? Chúng tôi không chọn bao nhiêu phòng, chúng tôi chọn giữ Sơn Trà… Mai mốt con anh Huỳnh Vĩnh Ái, Nguyễn Văn Tuấn lớn lên, vào Đà Nẵng sẽ nhớ ra, vào tháng 5/2017, ba đã giữ Sơn Trà cho các con…” – ông Vinh nói.
Cảnh quan tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư nên họ không thể làm xấu
Trái với ý kiến của ông Huỳnh Tấn Vinh, ông Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đánh giá, bản quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà được Chính phủ ban hành mới đây đã thực hiện khách quan theo các tiêu chí đề ra, bố trí khu chức năng như khu đón tiếp, nghỉ dưỡng, tâm linh, hoạt động du lịch sinh thái tương đối hợp lý. Trong đó khu du lịch sinh thái có diện tích lớn nhất cho thấy các nhà quy hoạch tôn trọng bảo tồn đa dạng sinh học. 3 khu đặc thù được bố trí ở độ cao dưới 150 m, đảm bảo an ninh quốc phòng và ở khu rừng trồng ít ảnh hưởng sinh học.
Tuy nhiên, ông Lương vẫn kiến nghị rà soát, thành lập tổ tư vấn gồm các chuyên gia độc lập thẩm định, xác định các vấn đề dưới góc độ bảo tồn. “Vi phạm cảnh quan hay không nằm ở các dự án chứ không phải ở quy hoạch. Dự án biển Tiên Sa có lỗi hay không thì phải sau khi hoàn thành mới biết. Tôi tin rằng cảnh quan tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư nên họ không thể làm xấu được”, ông Lương nói.
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia đồng tình cần khai thác du lịch bán đảo Sơn Trà thay vì giữ nguyên như hiện nay. Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, nhận định nếu giữ nguyên trạng như hiện nay và cấm không cho khai thác là không ổn. Tuy nhiên, không được can thiệp thô bạo. Thực tế có nhiều dự án nghỉ dưỡng tuyệt vời mà không cần chặt cây.
Trong buổi làm việc chiều 28/5 với UBND TP Đà Nẵng và các bộ ngành để nghe các đơn vị này báo cáo việc tiếp thu các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo:
“Đối với UBND TP. Đà Nẵng cần chủ động xem xét tất cả các vấn đề để có báo cáo chính thức với Thủ tướng về kiến nghị của Hiệp hội, báo cáo đó cần có kiến nghị rất cụ thể. Thay vì trước đây cấp phép là 10, bây giờ Hiệp hội giảm xuống 1 thì UBND TP. Đà Nẵng có chấp nhận không. Nếu không xuống 1 thì giảm xuống bao nhiêu, đương nhiên phải xuống dưới 3 phần như Quy hoạch rồi. Như tôi đã nói, nếu có đề nghị trên 1.600 phòng thì tôi cũng không chấp nhận và Đà Nẵng cũng khẳng định không có đề nghị hơn vì đã đồng ý với Quy hoạch rồi. Chắc chắn Đà Nẵng sẽ phải làm việc với các nhà đầu tư, như đồng chí Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng đã báo cáo thì tôi đồng ý 3 tháng, trước 30/8, các đồng chí phải có văn bản chính thức trả lời, kiến nghị với Thủ tướng là có chấp nhận kiến nghị của Hiệp hội là giữ nguyên trạng, không xây dựng cơ sở lưu trú không, nói cách khác là có chấp nhận giảm tiếp nữa số phòng lưu trú trên bán đảo Sơn Trà không và giảm tới mức nào một cách cụ thể“.
H.H.
Nguồn: http://infonet.vn/khai-thac-hay-giu-nguyen-son-tra-van-con-nhieu-tranh-cai-post228691.info
2. Gửi “Thư khuyến nghị” lên Thủ tướng, bị Bộ VH-TT-DL gạt khỏi tọa đàm về Sơn Trà!
Hải Châu
Sáng nay 30/5 tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức tọa đàm về phát triển du lịch bền vững tại Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, nhưng cả 3 tổ chức PanNature, GreenViet và DN-EBR từng có “Thư khuyến nghị” gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT-DL lại không được dự!
Trước đó, ngày 22/5, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái đã ký Kế hoạch số 2183/KH-BVHTTDL nêu rõ, cuộc tọa đàm nhằm “xem xét một cách khoa học, khách quan về các định hướng trong quy hoạch gắn với an ninh quốc phòng, bảo vệ tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học thông qua trao đổi lấy ý kiến của các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực trọng yếu liên quan”. Thành phần tham dự gồm 70 đại biểu của Bộ VH-TT-DL, TP Đà Nẵng, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan.
“Thư khuyến nghị” 8 điểm của PanNature, GreenViet và DN-EBR về các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà” |
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, ngày 28/4, tại trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) cùng Nhóm Nghiên cứu – Giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật (DN-EBR) thuộc Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức.
Đây cũng là hội thảo khoa học đầu tiên nhằm tìm kiếm các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà kể từ khi Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có văn bản 21-3/CTHHDLĐN (ngày 21/3) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (đơn vị thực hiện quy hoạch nêu trên) được gửi thư mời (và cả gọi điện trực tiếp) nhưng không cử bất cứ đại diện nào vào tham dự.
Trong khi đó, tuy không thể đến dự vì “trong sáng 28/4, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng có chương trình công tác quan trọng không thể hoãn được” nhưng Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã có thư gửi Ban tổ chức hội thảo.
Đến chiều 11/5, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch do Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu dẫn đầu vào Đà Nẵng đã tiến hành làm việc với lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng để trao đổi, giải quyết các nội dung liên quan theo kiến nghị của Hiệp hội này về quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Tuy cuộc họp không ký được biên bản do đôi bên không tìm được tiếng nói chung nhưng tại đây, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã thay mặt Ban tổ chức hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng” trao cho Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu “Thư khuyến nghị về giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà” được ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature, ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc GreenViet và PGS.TS Võ Văn Minh, Trưởng nhóm DN-EBR đồng ký ngày 10/5/2017.
“Thư khuyến nghị” gồm 8 điểm là những gì cô đọng nhất rút tỉa từ cuộc hội thảo, tuy nhiên theo tường thuật của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh thì thái độ của đoàn công tác của Tổng cục Du lịch khi nhận “Thư khuyến nghị” là “không có ý kiến gì hết”.
Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc GreenViet) cho biết thêm, “Thư khuyến nghị” cũng được gửi cho Thủ tướng Chính phủ; Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng đã có thư chuyển “Thư khuyến nghị” này cho UBND TP Đà Nẵng, đề nghị xem xét, xử lý.
Thế nhưng theo tìm hiểu của Infonet, trong số gần 100 đại biểu được mời tham dự cuộc tọa đàm về phát triển du lịch bền vững tại Khu du lịch quốc gia Sơn Trà do Bộ VH-TT-DL tổ chức sáng 30/5 lại không có bất cứ ai đại diện cho 3 tổ chức PanNature, GreenViet và DN-EBR đã có “Thư khuyến nghị” ngày 10/5 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT-DL và lãnh đạo TP Đà Nẵng.
Theo kế hoạch số 2183/KH-BVHTTDL ngày 22/5 của Bộ VH-TT-DL thì trong thành phần được mời tham dự tọa đàm sáng 30/5 không có PanNature lẫn Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam là cơ quan chủ quản của tổ chức này. Trong khi đó, đại diện Liên hiệp các Hội KHKT Đà Nẵng được cử tham dự tọa đàm là một người nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng chứ không phải đại diện của GreenViet…
Để xác minh thêm, lúc 12h đêm 29/5, PV Infonet đã gọi điện cho Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh đang có mặt tại Hà Nội chuẩn bị tham dự tọa đàm về Sơn Trà do Bộ VH-TT-DL tổ chức vào sáng mai. Ông Huỳnh Tấn Vinh nói: “Tôi chịu trách nhiệm cá nhân để khẳng định không có bất cứ ai đại diện cho PanNature, GreenViet và DN-EBR được mời tham dự cuộc tọa đàm này!”.
Sáng 30/5, ngay trước khi cuộc tọa đàm khai mạc, PV Infonet tiếp tục liên hệ với ông Trần Hữu Vỹ. Ông cho biết, GreenViet không nhận được giấy mời. Tối qua, ông đã liên hệ với PGS.TS Võ Văn Minh, Trưởng nhóm DN-EBR thì nhóm này cũng không có giấy mời. Thậm chí, đầu giờ sáng nay, ông liên hệ với ông Dũng, Phó Giám đốc PanNature, thì Trung tâm này cũng không hề nhận được giấy mời dù đóng ngay tại Hà Nội.
“PanNature, GreenViet và DN-EBR là các tổ chức rất tâm huyết và đã hiến kế một số giải pháp để bảo tồn, phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà nên chúng tôi rất mong muốn lắng nghe và đóng góp ý kiến cho cuộc tọa đàm do Bộ VH-TT-DL tổ chức. Rất tiếc cả 3 tổ chức này đều không được mời tham dự, trong khi theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì Bộ VH-TT-DL cần xem xét kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà một cách thực sự khoa học và cầu thị!” – ông Trần Hữu Vỹ nói.
H.C.