Tô Văn Trường
Sau rất nhiều bùng nhùng bức xúc xảy ra ở những dự án hàng nghìn tỷ đồng do nhà thầu Trung Quốc luôn thắng thầu rồi làm hỏng, khi được hỏi thì các chủ đầu tư phía Việt Nam thường đều tự tin trả lời: “tất cả đều đúng quy trình và minh bạch!”
Nhưng những tổn hại về đội vốn, về môi trường, về an toàn và kéo dài thời gian ở những dự án ấy buộc công luận phải đặt các câu hỏi: “Tại sao những tổn hại ấy phần lớn chỉ xảy ra với các dự án mà các Công ty Trung Quốc trúng thầu? Có lợi ích nhóm ở đây không? Có móc ngoặc hối lộ không? Và trên hết, có những kẽ hở lỏng lẻo trong cơ chế và thủ tục xét thầu sử dụng công quỹ không?” Các câu trả lời dường như đã nằm trong các câu hỏi.
Vậy nếu coi việc loại bỏ những hậu quả tai hại từ những dự án đấu thầu sử dụng công quỹ là sửa một ngôi nhà thì chắc khâu đầu tiên là phải sửa từ nền móng!
Hiện nay, có hàng trăm nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện các dự án ở Việt Nam, hầu hết đều là các công nghệ lạc hậu, bê trễ thời gian thi công, và đội vốn, v.v… để lại các hậu quả rất nặng nề về mọi mặt. Nếu rà soát có hệ thống và khách quan, một câu hỏi tất nhiên sẽ được đặt ra: đây có phải là sự “thông đồng” có hệ thống hay chỉ là sự “ngẫu nhiên đáng ngờ” của từng dự án riêng lẻ?
Chỉ nói riêng ngành xi măng ở thập niên 1990, trong vòng chưa đến chục năm, các địa phương đã ồ ạt nhập về hơn 50 dây chuyền sản xuất xi măng công nghệ lò đứng của Trung Quốc mà sau thời gian ngắn hoạt động đã bị khai tử, làm lãng phí rất lớn tiền của và gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương. Bài học đắt giá nói trên vẫn chưa học thuộc, lại “mắc bẫy” ngay vào một sai lầm mới, đó là phong trào làm xi măng lò quay, nhà nước đã không kiểm soát được chất lượng thiết bị và công nghệ nhập khẩu ồ ạt của Trung Quốc.
Thiết bị sản xuất xi măng của Trung Quốc (Ảnh trên mạng)
Nhiều người đặt vấn đề vì sao Trung Quốc luôn thắng thầu các dự án ở Việt Nam như sản xuất xi măng, gang thép, nhiệt điện, bauxite, xây dựng cơ sở hạ tầng? v.v… Trung Quốc là quốc gia hùng mạnh, có khả năng đưa người lên vũ trụ, nhưng các đơn vị thắng thầu lại thường chỉ là các đơn vị có chất lượng kém hoặc hầu hết không khá. Vấn đề này cần xem xét, đánh giá cả từ hai phía, chủ đầu tư và bên dự thầu cũng như chủ trương của những người có thẩm quyền.
Bỏ giá dự thầu kiểu láu cá
Hạng mục nào nhắm làm không được thì nhà thầu Trung Quốc bỏ giá thấp hẳn, hạng mục ngon xơi thì giá tăng vọt, nhưng tổng giá bỏ thầu vẫn thấp nhất. Lấy ví dụ: có hạng mục tư vấn thiết kế cùng 2 đơn vị dự thầu khác (3 quốc tịch khác nhau) tính giá suýt soát nhau. Nhà thầu Trung Quốc bỏ giá chỉ bằng 18% giá trung bình của 2 đơn vị dự thầu kia. Nhà thầu các nước, tất nhiên bị loại vì không thể nào làm được với giá thấp như thế.
Phải công nhận là quy định chấm thầu của ta còn lỏng lẻo. Mặc dù các dự án quốc tế có thuê tư vấn nhưng khi tư vấn có cơ sở để bác nhà thầu Trung Quốc thì chủ đầu tư vẫn có “cách lách” để chấm cho đạt! Về mặt chuyên môn, khổ nỗi là hạng mục kia có tầm quan trọng về tiến độ và chất lượng, không làm thì cả dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng lại khó trích dẫn hồ sơ mời thầu để biện minh cho việc này!
Khi đàm phán hợp đồng, nhà thầu Trung Quốc nhìn nhận đã bỏ giá quá thấp cho hạng mục đó, nên họ hứa sẽ chuyển chi phí từ các hạng mục khác để đắp qua hạng mục bỏ giá thấp. Cuối cùng “vỡ trận”, khi được nhắc nhở về lời hứa “đắp qua”, nhà thầu Trung Quốc bảo không có chi phí đế đắp qua, và tìm đủ lý do biện minh rồi bỏ luôn hạng mục đó. Trong khi họ ăn lời ở các hạng mục ngon xơi đã bỏ giá cao. Nếu phải tổ chức đấu thầu lại, tốn rất nhiều thời gian và chi phí điều hành, rồi cũng phải trả chi phí cao để thi công, thậm chí còn cao hơn cả dự toán ban đầu.
Sử dụng công nghệ kém cỏi
Trong một dự án, tư vấn khuyến cáo với điều kiện như thế này, thì cần các loại thiết bị như thế kia. Nhưng hồ sơ mời thầu thiếu chặt chẽ, không ràng buộc cụ thể những điều kiện như thế nào, cho nên nhà thầu có quyền không nghe khuyến cáo của tư vấn, lại dùng thiết bị và công nghệ kém cỏi nhằm giảm chi phí (trước tiên là giảm giá dự thầu). Hậu quả là thiết bị hỏng hóc, tiến độ chậm, nhưng họ viện dẫn đủ lý do để bào chữa. Lại phải tổ chức đấu thầu lại cho hạng mục đó với nhiều chi phí rất tốn kém.
Còn đối với nhà thầu có lương tâm và tinh thần chuyên nghiệp, muốn tính đúng, tính đủ để làm cho tốt thì họ sẽ thua khi dự thầu vì giá quá cao.
Chỉ do 2 thủ thuật nói trên là đủ để nhà thầu Trung Quốc tuyên bố: Dù theo giá nào họ vẫn làm được, trong khi nhà thầu có lương tâm và tinh thần chuyên nghiệp thì không cạnh tranh nổi với Trung Quốc.
Lỗi tại chủ đầu tư nêu đầu bài “hở” và kiểm tra, giám sát kém
Trước hết, các chủ đầu tư đã không làm kiểu đấu thầu “2 phong bì”, phong bì kỹ thuật và phong bì giá, riêng rẽ. Cần phải lựa chọn các nhà thầu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ cao. Đây cũng có thể là khâu chủ đầu tư sơ hở từ đầu. Chẳng hạn, đã nêu yêu cầu kỹ thuật công nghệ không rõ. Ví dụ nêu “thiết bị từ các hãng G7”, nhưng sau này, họ lại lắp đặt các thiết bị G7 được sản xuất tại nước khác, chất lượng kém hơn hẳn, như kiểu xe nhập khẩu và xe lắp ráp chất lượng khác nhau.
Thành ra, dù nhà thầu kém, kể cả một số nhà thầu Trung Quốc chưa có nhiều kinh nghiệm vẫn “qua mặt” được các nhà cung cấp thiết bị chính hãng! Đến khi xét thầu theo giá thì nhà thầu Trung Quốc có lợi thế do biết cách bỏ thầu chắc thắng.
Còn kinh nghiệm của nhà thầu? Khi dẫn đoàn Việt nam đi tham quan xem công trình họ làm ở Trung Quốc rất hoành tráng, tiến độ và chất lượng đâu ra đó, cả tây lẫn ta đều trầm trồ khâm phục! Họ bảo: công trình bên ta thì nhỏ hơn nhiều, làm sẽ dễ thôi!
Thực tế, khi qua VN họ làm không phải “dễ thôi”, mà là quá lôi thôi. Tổng kết các vụ việc, cần tự hỏi: Có phải họ cố ý muốn phá hoại ta không? Cũng chính nhà thầu đó, mình đã đi tham quan, chứ lẽ nào họ “sơ ý” làm kém cỏi như thế?!? Một dự án chỉ cần trễ hạn vài tháng là bao nhiêu thiệt hại, rồi còn phải đối phó với những hỏng hóc cứ xảy ra chỗ này chỗ nọ, khi này khi khác! Các dự án do Trung Quốc thực thi trễ cả năm trời là chuyện “thường ngày ở huyện”!
Ai bật đèn xanh?
Nhiều người am hiểu thời cuộc cho rằng mọi dự án định đưa ra đầu thầu phía Trung Quốc đã có tay trong của phía ta và của phía họ cho biết trước rồi. Cái đám “lobby 2 bên này” bàn kế hoạch giữa ta và nó để xúc tiến, đấu thầu kiểu gì Trung Quốc cũng trúng, bằng mọi thủ đoạn: dèm pha các đối thủ khác, bỏ thầu thấp, “bôi trơn” gầm bàn, hứa hẹn lo nguồn tài chính, v.v…
Khi Trung Quốc thắng thầu rồi, họ giở thủ đoạn mới, ví dụ yêu cầu ta nên mở rộng công suất, vì bịa ra là triển vọng dự án tốt lắm, nên thêm cái nọ thay cái kia…, trên cơ sở đó làm lại giá thầu đã được duyệt giữa họ và Việt Nam. Thủ đoạn này cuối cùng thường nâng giá dự án lên gấp đôi hoặc hơn nữa – điển hình là bauxite Tân Rai, Nhân Cơ lúc đầu là 600 triệu đô la, ký rồi nâng lên tới khoảng 1,2 tỷ đô (viện lẽ mở rộng công suất của dự án). Dự án bauxite này vừa thua lỗ về kinh tế, vừa ô nhiễm môi trường, đã được nhiều người, kể cả các vị lão thành cách mạng cảnh báo từ khi mới sơ khởi.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông vì vay vốn của Trung Quốc do Trung Quốc làm tổng thầu liên tục chậm tiến độ, không bị phạt, lại đòi tăng vốn lên 250 triệu đô la. Việt Nam phải bấm bụng vay thêm rồi nhà thầu vẫn ỳ ra, và chưa đưa vào vận hành đã thấy có nhiều điều vênh váo. Đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đang trở thành nỗi thất vọng do gói thầu A3 của Trung Quốc liên tục làm ăn gian dối, gây bê trễ về thời hạn thi công và tác hại lớn về kinh tế xã hội, v.v…
Song cái nguy thật sự nằm ở chỗ có sự đồng lõa và bật đèn xanh thường là ở cấp có thẩm quyền. Nói nghiêm khắc, đây là một trong những tội ác tham nhũng trầm trọng, mất lòng dân nhất.
Giải pháp
Về hồ sơ mời thầu: Cần chặt chẽ về kỹ thuật, quy trình, nêu rõ mục tiêu phải đạt, tiêu chí, loại thiết bị/công nghệ tầm G7 (có cho phép dùng thiết bị tương đương hay không). Cần tính toán dòng tiền đầu tư, công vận hành bảo dưỡng trong lâu dài. Cần so sánh: giá đầu tư có thể cao ban đầu nhưng về lâu về dài tổng chi phí sẽ thấp, so với giá đầu tư thấp nhưng sau đó có nhiều “hidden cost” (chi phí ẩn) nếu tính đúng, tính đủ thì tổng giá sẽ cao. Trong 2 ví dụ nêu trên, chi phí nhân sự khi hạng mục đình trệ, rồi soạn hồ sơ mời thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng mới, v.v… là rất cao nhưng không được thể hiện trên giấy tờ.
Về tính toán hiệu quả: Công trình sớm 1 ngày là có lợi ích ngày đó, nhưng nhiều lúc khó tính ra thành tiền (ngoài những dự án sinh ra tiền như điện, hóa chất, sản phẩm bán được…) cho nên làm nghiên cứu khả thi và dự toán cần đặt nặng ở lợi ích về lâu, về dài, rồi cố gắng huy động nguồn vốn cho đủ mà làm cho tốt.
Cả trong hồ sơ thuyết minh tiền khả thi và khả thi cần phân biệt hiệu quả kinh tế quốc gia (tính tất cả chi phí và kết quả, bao gồm cả các khoản giảm thuế, làm công trình kế cận, sử dụng chung…) với hiệu quả tài chính dự án (đã trừ đi các chi phí giảm thuế, làm đường, bến cảng…) để thấy hiệu quả đích thực và cái giá mà quốc gia phải trả có xứng đáng không.
Cũng từ đó: định giá sàn để đảm bảo chất lượng, khuyến khích đơn vị dự thầu đề xuất công nghệ/thiết bị phù hợp tầm G7 dù cho nhà thầu là Trung Quốc, Hàn quốc, Thái Lan,…
Vai trò của tư vấn: Cần nâng cao vai trò của tư vấn. Ở nước ngoài, nếu có chuyện băn khoăn 50/50 về quy định, quy trình, cơ sở khoa học… giữa việc chấp nhận và bác bỏ vấn đề gây quan ngại thì chủ đầu tư nghe theo khuyến cáo của tư vấn, vì tư vấn có tính độc lập nhưng vẫn muốn bảo vệ chủ đầu tư. Đã thuê tư vấn, phải trả tiền cao cho người bảo vệ mình mà lại không nghe theo họ thì làm sao mà bảo vệ được quyền lợi của mình?
Sửa lại móng nhà: Nguyên lý điều hành quản lý nhà nước là trách nhiệm, quyền hạn và quyền lợi. Nếu quyền hạn lớn hơn trách nhiệm dễ sinh ra tham nhũng, quan liêu. Nếu quyền lợi không gắn với trách nhiệm sẽ mất động lực. Theo quan điểm duy vật lịch sử, hệ thống chính trị là một bộ phận của thượng tầng kiến trúc có mối quan hệ hữu cơ gắn bó với cơ sở kinh tế.
Vấn nạn thắng thầu – tham nhũng và “đi đêm” thì nước nào cũng có, đặc biệt khu vực công là nơi mà nó thể hiện rõ nét nhất. Để giảm thiểu vấn nạn này thì có hai con đường: (1) Hoàn thiện môi trường Luật pháp và (2) Giảm thiểu tới mức cần thiết khu vực công. Có nhiều mô hình của các nước tiên tiến mà ta có thể tham khảo, nhưng hình như yếu tố cốt lõi của vấn đề ở đây, mang tính bao trùm lên tất cả, chính là… thể chế chính trị – xã hội.
Lời kết
Những người phụ trách và quyết định cho đấu thầu và trúng thầu của chúng ta, là những người thuộc một nước có nền công nghiệp lạc hậu, và có những điều kiện bất lợi do lịch sử để lại. Phải nói là Trung Quốc rất hiểu tâm lý cán bộ ta, vừa vụ lợi, vừa bị cầm tù trong tâm lý coi họ là bạn, cùng một hệ thống tư tưởng, cho dù chúng ta đã quá hiểu về họ.
Thực ra, giá thầu với Trung Quốc đội lên rất cao, cao hơn các nguồn khác, và Trung Quốc biết chúng ta đã “há miệng mắc quai” rồi, tiếp tục mắc thêm nợ nữa, kèm theo là những ràng buộc khó gỡ đối với họ.
Chung quy lại, trước hết phải sửa từ móng nhà, thì không có chuyện Trung Quốc thắng thầu tràn lan, làm ăn bê bết để lại các hậu họa mọi mặt về chính trị kinh tế xã hội và môi trường ở Việt Nam.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN