“Luật sư tố giác thân chủ”, đôi điều không thể không nói!

LS Trịnh Vĩnh Phúc

Các bạn có biết, ở Mỹ, Tunisia hay Hồng Kông, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn Luật sư sẵn sàng đổ xuống đường biểu tình để phản đối chính sách pháp luật bất công khi nó được ban ra hoặc phản đối tình trạng bạo lực, tình trạng vô pháp luật từ phía nhà nước [hay không]? Và Luật sư của họ đã làm được những đóng góp vô cùng lớn cho quốc gia của mình.

Còn chúng ta, nếu khoản 3 Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 (đang thảo luận cho đến hôm nay) mà được thông qua thì có lẽ khó lòng để các Luật sư ngồi yên. Đó không chỉ là vấn đề nghề nghiệp, mà còn là vấn đề của một nền pháp trị, một nền tố tụng tranh tụng văn minh và cũng là tương lai của đất nước. Nếu không chung tay để làm điều gì đó mà cứ im lặng hoặc tặc lưỡi (kể cả những người làm Luật sư chỉ tư vấn các thủ tục đầu tư, doanh nghiệp hoặc các dịch vụ pháp lý khác) để cho rằng không liên quan thì giới Luật sư sẽ tự tước bỏ đi vị thế của mình chứ không phải bởi một ai khác. Và người dân cũng sẽ chịu thiệt thòi vì không được đảm bảo quyền bào chữa, không còn dám tin tưởng vào giới Luật sư nữa.

Các luật sư Nelson Mandela hay Mahatma Gandhi còn thay đổi được cả những chế độ độc tài. Giới Luật sư trên thế giới thì được trọng vọng trong xã hội đối với quốc gia họ và họ là một lực lượng đông đảo đóng góp vào công cuộc chính trị đất nước, là thành phần tham gia chính trị ở tầng cao nhất để thiết lập quốc gia.

Còn chúng ta đang chật vật với thân phận vốn đã bị o ép quá nhiều của mình nhưng gần như rất ít khi lên tiếng mà chỉ cúi đầu cam chịu thành một thói quen.

Chúng ta chẳng lẽ kém cỏi đến thế?

clip_image002

Ảnh: khoảng hơn 1.000 luật sư Hồng Kông xuống đường biểu tình phản đối chính quyền Bắc Kinh vì áp đặt chính sách bất công đối với chính quyền đặc khu của họ.

LS Lê Văn Luân

Dự thảo Bộ luật Hình sự với điều luật quy định luật sư có nghĩa vụ tố giác thân chủ trong một số trường hợp lúc làm nhiệm vụ người bào chữa đã tạo ra xung đột pháp lý, dẫn đến những tranh cãi gay gắt và nếu điều luật được thông qua chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả pháp lý và những hệ lụy nguy hại khôn lường…!

Đã có rất nhiều ý kiến phản đối điều luật dự thảo, nhiều cuộc tranh luận trên diễn đàn Quốc hội và báo chí, đặc biệt làn sóng phản đối trên mạng Facebook của giới Luật sư đang dâng cao… Song thực tiễn cho thấy nhiều vấn đề quan trọng của sinh hoạt chính trị đất nước được diễn ra theo một kịch bản đã được chỉ đạo và định hướng mặc cho các ý kiến phản biện và góp ý, dù có căn cứ và có sức thuyết phục cao. Khổ thay, việc thông qua điều luật dự thảo lại phụ thuộc vào cái ấn tay lên nút bấm của các vị đại biểu Quốc hội mà quyết định đó không hẳn từ tư duy lập pháp với tính độc lập cần có.

Tình thế đã đặt giới Luật sư phải có phản ứng cần thiết và kịp thời, không thể thờ ơ và né tránh, không chỉ vì lợi ích của mỗi Luật sư hay giới Luật sư mà vì đó là trách nhiệm xã hội và ý thức thượng tôn pháp luật, vì những chuẩn mực văn minh và lòng tự trọng mà mỗi Luật sư phải tuân thủ và bảo vệ.

Tùy vào vị trí công tác, điều kiện và khả năng của mỗi người, chúng ta cần thể hiện thái độ và có những hành động phù hợp, dứt khoát và nhất quán, cương quyết không thỏa hiệp.

Tại sao giới Luật sư Việt Nam không thể bày tỏ thái độ bằng hình thức mang tính biểu đạt cao nhất để phản đối những điều phi lý và bất công cho chính giới mình?

Một cuộc tuần hành đến trụ sở Liên đoàn Luật sư Việt Nam để bày tỏ thái độ và đến Văn phòng Quốc hội để gửi thỉnh nguyện thư của đông đảo Luật sư trong trang phục chỉnh tề, tại sao không?!

T.V.P.

Nguồn: FB Trịnh Vĩnh Phúc

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.