XUẤT- SIÊU – SUNG – SƯỚNG VÀ CÂU CHUYỆN 20 NĂM TÌNH CŨ

Vu Kim Hanh

Xuất siêu là tăng trưởng quá tốt, mà lại là xuất siêu với Mỹ, mà lại tới 32 tỷ USD, không sung sướng sao được?

NÓI XUẤT SIÊU VẬY MÀ KHÔNG PHẢI VẬY ĐÂU

Dù số thông kê Hải quan VN ghi rõ ràng: năm 2016, VN xuất 42 tỷ điện thoại di động và 19 tỷ máy vi tính và sản phẩm điện tử.

Nhưng… đó là số giả thôi!

Hãy nghe chuyên gia thống kê (nhiều năm làm việc ở) Liên Hiệp Quốc, ông Vũ Quang Việt phân tích: có lẽ số xuất siêu lớn này phần lớn là từ Samsung và Intel sang Mỹ. Thống kê VN không cho biết rõ nên chỉ có thể đoán thế.

Nếu là xuất của Samsung hay Intel sang Mỹ, thì theo nguyên tắc làm thống kê của LHQ, đó không phải là hàng xuất của VN, mà vì VN chỉ làm gia công, nên chỉ xuất dịch vụ gia công sang Mỹ, có thể chỉ là 5-8% giá trị số xuất trên.

Một hàng hóa mà nước ngoài đem gia công ở một nước khác thì họ đem vào cái “đầu vào” và mang sản phẩm đi ra. Họ là sở hữu chủ, quyết định giá xuất và xuất đi đâu. Như một người đem quyển sách tới nhà in. Nhà in làm xong dịch vụ in và đưa sách lại cho nhà xuất bản. Nhà in chỉ gia công, sản phẩm của họ là công in, chứ không phải sản phẩm là quyển sách.

Chuyên gia Vũ quang Việt còn viết thêm: Nguyên tắc thống kê được viết rõ như sau, trong chuẩn SNA2008 là chuẩn mực ghi thống kê gia công (processing services) được Ủy ban Thống kê LHQ, các tổ chức quốc tế và các nước đã thông qua năm 2008. Xem đường link sau: ttps://unstats.un.org/unsd/nationalaccount/docs/SNA2008.pdf, trang 490.

Tóm lại, vấn đề nghiêm trọng ở đây là: tuy số thống kê nó… chiều theo mong muốn của mình nhưng đó là con số THỐNG KÊ KHÔNG ĐƯỢC THỰC HIỆN ĐÚNG CHUẨN MỰC QUỐC TẾ.

Như vậy xuất – siêu – sung – sướng thực ra, không thưc sự sướng. Sẽ càng khổ nếu ông Tổng Trump cao hứng lấy con số TK Hải quan này mà yêu cầu ta hạ con số xuất siêu đang… bất công với Mỹ, thì làm sao đây?

Liệu mình có nên vì sung sướng (giả tạo) mà cứ làm theo ý mình, không cần chuẩn mực quốc tế chăng?

VÀ CÂU CHUYỆN 20 NĂM TÌNH CŨ

 

Động lực quan trọng? Nghị quyết về kinh tế tư nhân của Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 bảo vậy. Nhưng đọc lại thì thấy đây vẫn là câu chuyện đã nói, gần như y chang, từ 20 năm trước. Hồi nẳm, đã có báo cáo nghiên cứu về kinh tế tư nhân VN của chương trình phát triển Mekong MPDF (1997) mà những nhận định rất rất giống tình hình hiện nay.

 

 

Nói về chuyện xưa, ta thường nghe nói tới câu chuyện…10 năm tình cũ. Ở đây là câu chuyện gấp đôi thời gian, 20 năm đã đi “loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Đây nhận xét cũ: Khu vực kinh tế tư nhân VN có quy mô quá bé nhỏ, quá yếu ớt để cạnh tranh trên trường quốc tế. Lúc ấy, doanh nghiệp tư nhân có 5 khó khăn lớn nhất là: vấn đề tín dụng, quyền sở hữu và quyền sử dụng đất, hệ thống thuế, cơ chế thương mại (giấy phép xuất nhập khẩu trực tiếp) và tệ hành chính quan liêu.

Trong 20 năm qua, Quốc hội đã ba lần ban hành Luật Doanh nghiệp, hàng loạt nghị quyết, chương trình hành động đã được chính phủ, các Bộ ngành thực thi. Việt Nam từ lúc đó, chỉ có 25.000 doanh nghiệp hoạt động chính thức đã tăng lên hơn 600.000, và còn đặt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp năm 2020. Vậy là con số doanh nghiệp đã tăng lên hơn 20 lần.

Nhưng rồi xem lại nhận định chính thức về khu vực tư, vẫn là:

– Quy mô nhỏ, siêu nhỏ (theo tổng cục thuế, hơn 40% có doanh thu dưới 1 tỉ/năm).

– Các khó khăn của họ vẫn là: vốn (tiếp cận vốn khó khăn, chi phí vốn quá cao); đất đai (quyền sử dụng đất bấp bênh); thuế; và nóng bỏng hơn là nạn sách nhiễu qua thanh kiểm tra, đến nổi Thủ tướng còn gọi “năm 2017 là năm giảm phí cho DN”.

Trong báo cáo 20 năm trước, doanh nghiệp nhà nước là khu vực sử dụng nhiều nhất các nguồn lực xã hội, nhiều tài nguyên và độc quyền kinh doanh các ngành thiết yếu. 20 năm sau, tình hình vẫn thế, hình như có thêm một thứ độc quyền nữa: độc quyền thua lỗ, thất thoát hàng nghìn, vạn tỷ mà xem ra rất nhiêu khê, đang khó quy trách nhiệm và xử lý.

Báo cáo MPDF chưa quan tâm đến các doanh nghiệp FDI. Nhưng hiện nay, họ chiếm 70% tổng mức xuất khẩu của VN. Và xem xét hàng hóa ở khắp các kênh bán lẻ (cả hiện đại, truyền thống) sẽ thấy thị phần của họ trong một số lãnh vực quan trọng: hóa mỹ phẩm, thực phẩm chế biến… là áp đảo.

Bạn Đậu Tuấn, trưởng phòng pháp chế VCCI viết: Sau hai mươi năm, quá buồn là Việt Nam chưa hình thành được một khu vực doanh nghiệp tư nhân sản xuất lớn mạnh, có sức cạnh tranh quốc tế.

Bạn Đậu Tuấn ơi, đốt đuốc mỏi mắt tìm thì cũng có một vài, như sứ Minh Long, sữa Vinamilk (bánh Kinh Đô thì bán mất tiêu rồi), nhưng nói chung thì chuyện doanh nghiệp tư nhân VN đủ sức cạnh tranh châu lục e là… xa xỉ quá chăng?

Cà phê sáng nay với đồng nghiệp nhà báo cũ, họ nhắc, nhớ không, hồi đó, tụi mình được hướng dẫn phân biệt rõ ràng: TA, HỌ, NÓ. Ta là kinh tế chủ đạo, quốc doanh; họ là liên doanh, các FDI và nó là… kinh tế tư nhân. Giờ thì sau 20 năm việc mạnh yếu cũng vẫn có khác nhau nhưng nghĩ sâu xa thì trong lãnh đạo kinh tế, mình… muốn gì được nấy, phải không?

Nói thêm, có thực tế này lạ: gần đây, không ít doanh nhân bộc bạch, là kiến nghị mãi rồi, giờ thì đối xử sao cũng được, doanh nhân thì thiếu gì cách xoay sở, kiểu gì họ cũng sống được, cuối cùng, chỉ có nông dân sẽ không bán được hàng cho họ và công nhân thì mất việc, ra đường, nếu họ, trong bước đường cùng phải dẹp nhà máy.

Ảnh không liên quan, nhưng thấy dễ thương nên post, lấy từ tường một doanh nghiệp. Bạn ấy bình: gà trống nuôi… bạn. Số là 40 doanh nghiệp HVNCLC vẫn đang miệt mài đưa hàng Việt về tận biên giới phía Bắc, nhiều nơi hẻo lánh không hàng quán hay cách nấu không hợp, các “anh” sale chia nhau làm “chị” nuôi, nấu cho tất cả cùng ăn. Họ vẫn “chiến đấu” lặng lẽ trên thị trường, mấy ai biết?

Nguồn: https://www.facebook.com/vu.k.hanh.52/posts/10155496481861122

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.