Nguyễn Đăng Hưng
Lẽ ra, tôi nên gọi anh là ngài vì sau Đại hội XII, anh đã được bầu vào Bộ Chính trị và được phân công là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Anh thuộc lứa tuổi các học trò các lớp cao học của tôi trong khuôn khổ hợp tác Bỉ-Việt (1995-2007), tôi nghĩ nên gọi anh là anh, như tôi thường gọi các học trò cho thân mật.
Hơn nữa, nhân ngày Tết Việt kiều năm ngoái, mừng Xuân Bính Thân, anh tiếp chúng tôi với tư cách Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, mới vừa đắc cử vào Bộ Chính trị. Anh đã chủ động đến bàn tôi đang ngồi cùng các bạn Việt kiều khá xa khán đài, thân tình bắt tay tôi. Ngày hôm sau, thứ Bảy 10/1/2016 trên trang nhất báo Người Lao Động, có đăng hình khổ lớn với tiêu đề: “ĐAU ĐÁU HƯỚNG VỀ ĐẤT MẸ”.
Tôi viết thư này cho anh vì mấy ngày qua, trên nhiều tờ báo chính thống, thí dụ báo Pháp Luật ngày 15/5/2017, có đăng lời tuyên bố của anh: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý” (http://plo.vn/thoi-su/ong-vo-van-thuong-khong-so-doi-thoai-tranh-luan-702827.html).
Anh còn chỉ rõ thêm một cách cụ thể là anh đang cố gắng để Ban Bí thư thông qua vấn đề này trong thời gian tới.
Tôi rất vui đón nhận tin này và tôi không ngạc nhiên đã phát xuất từ anh.
Mong thay, đề đạt này nhanh chóng được Ban Bí thư, Bộ Chính trị đồng ý và các cuộc đối thoại chân tình và thẳng thắn giữa đảng, chính phủ và xã hội dân sự sẽ sớm được tổ chức.
Thật vậy, có nhiều vấn đề nóng bỏng, nhiều chính sách không phù hợp, nhiều hành xử yếu kém đã gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân ở mọi tầng lớp, thành phần nay đã đạt đỉnh điểm. Sự phân liệt, chia cắt giữa dân chúng và nhà cầm quyền đã đến giai đoạn trầm trọng và việc tạo điều kiện để đôi bên hiểu nhau, để chính phủ thấu rõ nguyện vọng của người dân là cần thiết hơn bao giờ hết!
Chắc anh đã thấy trong mấy ngày qua, sự đón nhận nồng nhiệt của người dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước, nhất là giới trí thức phản biện về những đề đạt của anh.
Riêng cá nhân tôi, tôi cũng sẽ đồng ý tham gia các buổi trao đổi ý kiến được chính quyền tổ chức. Thậm chí đối thoại trực diện giữa hai cá nhân. Dĩ nhiên, tôi sẽ luôn luôn song hành cùng người dân.
Tôi mong mỏi các cuộc thảo luận nếu có, sẽ được tổ chức một cách công khai, có giám sát của cử tọa đảm bảo tính vô tư, công bằng, dân chủ, tôn trọng lẫn nhau, chia đều thời gian phát biểu. Người điều hành buổi thảo luận cũng như đề tài phải được hai bên đồng thuận ấn định.
Tôi cho rằng 5 đề tài sau đây là bức thiết nhất:
1. Luật sở hữu đất đai.
2. Vấn đề bảo vệ môi trường.
3. Vấn đề cải cách giáo dục.
4. Vấn đề xử dụng nhân tài và bổ nhiệm nhân sự các cấp.
5. Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Sau cùng, tôi xin chúc anh thành công trong việc thực hiện đề đạt hợp tình hợp lý, hợp lòng dân này.
Trân trọng chào anh!
TSKHKK Nguyễn Đăng Hưng,
Giáo sư Danh dự Đại học Liège, Bỉ
Tác giả gửi BVN