RFA
Cựu trung tá quân đội Trần Anh Kim tại phiên xử ở Thái Bình trước đây. (Ảnh minh họa) AFP
Tòa phúc thẩm hôm nay 26 tháng Năm, giữ y án 13 năm tù giam đối với cựu trung tá Trần Anh Kim và 12 năm tù giam đối với cựu chiến binh Lê Thanh Tùng mà tòa dưới đã tuyên hồi tháng 12 năm 2016.
Đây là hai nhà hoạt động bị cáo buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền.
Báo chí trong nước đưa tin là vụ xét xử diễn ra công khai theo đúng trình tự pháp luật, cả hai bị cáo đều có luật sư bào chữa.
Một trong các luật sư bào chữa cho hai ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng là luật sư Trần Thu Nam, sau phiên phúc thẩm cho Đài Á Châu Tự Do biết:
“Quan điểm của các luật sư tại phiên tòa cho rằng hai bị cáo Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng không có tội, đề nghị hủy án và đình chỉ tuy nhiên hội đồng xét xử đã không chấp nhận những quan điểm của luật sư cũng như không chấp nhận kháng cáo của hai bị cáo và đã tuyên y bản án sơ thẩm”.
Luật sư Trần Thu Nam còn cho biết thêm về qui trình tư pháp tại Việt Nam là theo nguyên tắc chỉ có hai cấp xét xử. Sau phiên phúc thẩm thì có hiệu lực ngay tuy nhiên bị cáo có quyền làm đơn khiếu nại bản án phúc thẩm này lên trên tòa án tối cao. Nếu tòa án tối cao ra quyết định kháng nghị thì họ sẽ xem xét lại bản án theo thủ tục giám phúc thẩm.
Tuy vậy theo luật sư Trần Thu Nam thì những vụ án liên quan đến an ninh quốc gia rất khó vì theo tiền lệ chưa có vụ án nào được xem xét giảm phúc thẩm cả.
Luật sư Trần Thu Nam cũng cho biết về phản ứng của gia đình hai người phải ra tòa trong ngày 26 tháng Năm mà theo ông là rất điềm tĩnh sau khi tuyên án.
Xin được nhắc lại theo cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Thái Bình, ông Trần Anh Kim đã chấp hành xong án tù 5 năm 6 tháng và cả hình phạt quản chế 3 năm từ tháng Giêng năm 2015. Đến tháng 2 năm 2015 ông có ý định thành lập tổ chức có tên “Lực Lượng Quốc Gia Dựng Cờ Dân Chủ” đưa lên Internet và liên hệ với ông Lê Thanh Tùng ở Hà Nội. Cáo trạng cho biết ông Lê Anh Kim giữ chức chủ tịch Lực Lượng Quốc Gia Dựng Cờ Dân Chủ, ông Lê Thanh Tùng là người phát ngôn của tổ chức.
Trong hai lần xét xử tòa cho rằng tội trạng của ông Trần Anh Kim và ông Lê Thanh Tùng là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia.
***
Luật sư: ‘không đủ căn cứ kết tội’ nhà hoạt động Trần Anh Kim
Ông Trần Anh Kim trong một phiên xử trước đây.
Một tòa phúc thẩm hôm 26/5 đã y án, tuyên phạt hai nhà hoạt động Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng ở Thái Bình tổng cộng 25 năm tù giam, nhưng một luật sư nói rằng ‘không đủ căn cứ kết tội’.
Từ Hà Nội, luật sư Trần Thu Nam, người bào chữa cho ông Trần Anh Kim, nói với VOA-Việt ngữ:
“Phiên tòa ngày hôm nay vẫn y án phiên sơ thẩm, ông Trần Anh Kim, 13 năm và ông Lê Thanh Tùng, 12 năm tù”.
Như phiên sơ thẩm vào tháng 12 năm ngoái, ông Trần Anh Kim, 68 tuổi, và ông Lê Thanh Tùng 49 tuổi, bị xử lần lượt 13 năm và 12 năm tù giam về tội danh bị cáo buộc là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 79 của Bộ Luật hình sự.
Ngoài ra, mỗi người còn bị quản chế 4 năm ở địa phương, bị tước quyền bầu cử và ứng cử trong thời hạn 5 năm tính từ khi chấp hành xong bản án tù.
Luật sư Nam cho rằng “không có đủ căn cứ kết tội” các bị cáo:
“Chúng tôi gồm có 3 luật sư, tôi bào chữa cho ông Trần Anh Kim. Từ quan điểm của luật sư, chúng tôi cho rằng không đủ căn cứ kết tội. Các đề nghị của luật sư trong phần tranh luận như hủy án và ra quyết định đình chỉ vì các bị cáo không phạm tội, nhưng hội đồng xét xử không chấp nhận những đề nghị đó”.
Từ quan điểm của luật sư, chúng tôi cho rằng không đủ căn cứ kết tội. Các đề nghị của luật sư trong phần tranh luận như hủy án và ra quyết định đình chỉ vì các bị cáo không phạm tội, nhưng hội đồng xét xử không chấp nhận những đề nghị đó.
Luật sư Trần Thu Nam
Trước đây, ông Trần Anh Kim bị kết án 5 năm 6 tháng tù sau khi bị buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, ông Lê Thanh Tùng bị kết án 4 năm về tội “tuyên truyền chống nhà nước”.
Ông Kim ra tù mới được 8 tháng, ông Tùng ra tù 6 tháng thì bị bắt lại.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam hôm 19/12/2016 ra thông báo bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về bản án tổng cộng 25 năm tù giam dành cho hai ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng, mà đại sứ Ted Osisus gọi là “hai nhà hoạt động ôn hòa”.
Theo cáo trạng, cựu trung tá Trần Anh Kim có ý tưởng thành lập tổ chức ‘Lực lượng quốc dân dựng cờ dân chủ’, với thành viên nòng cốt là sĩ quan và hạ sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội Việt Nam Cộng hòa, có mục đích lật đổ chế độ hiện nay để thành lập một nhà nước dân chủ.
Ông Kim tự xưng là chủ tịch của lực lượng và đề cử ông Lê Thanh Tùng, cũng là một cựu sĩ quan quân đội, làm phát ngôn viên. Hai ông chưa kịp cho ra mắt tổ chức này thì bị công an Việt Nam bắt hôm 21/9/2015.
Trong tuyên bố trên trang web sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, đại sứ Mỹ nói tất cả mọi người cần được hưởng quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội. Ông chỉ ra rằng “Xu hướng gần đây bắt giữ và kết tội các nhà hoạt động ôn hòa là “đáng lo ngại: và “đe dọa làm lu mờ sự tiến bộ của Việt Nam về vấn đề nhân quyền”.
Đại sứ Osius nhấn mạnh: “Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả những cá nhân này và các tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam thể hiện quan điểm chính trị của mình mà không sợ bị trừng phạt”.
Ông Trần Anh Kim từng phục vụ trong quân đội trong hơn 30 năm. Lần trước ông bị bắt vào năm 2009 vì vai trò của ông trong hai tổ chức bị nhà cầm quyền Việt Nam cho là “phản động và bất hợp pháp”, là Đảng Dân Chủ Việt Nam và Khối 8406.
An ninh nghiêm ngặt bên ngoài phiên tòa trước đây xử ông Trần Anh Kim ở tỉnh Thái Bình.
Ông Kim bị tòa án Thái Bình kết án 5 năm 6 tháng tù giam và 3 năm quản chế vào ngày 28/12/2009.Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA – Việt ngữ sau khi ông Kim bị bắt, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một nhà hoạt động tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam, nói ông Trần Anh Kim bị bắt vì đã lập ra một tổ chức quy tụ một số quân nhân của cả hai miền Nam, Bắc mang tên là “Quân nhân Dựng cờ Dân chủ”, trong khi làm như vậy không có gì là sai trái.
Các chính phủ và tổ chức quốc tế đã nhiều lần lên án Việt Nam vì đã dùng các điều khoản 79 và 88 của Bộ Luật Hình sự để kết án những người bất đồng chính kiến. Cộng đồng quốc tế kêu gọi Hà Nội hủy bỏ những điều luật mà theo họ, “vi phạm nhân quyền”, không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hà Nội từ trước tới nay vẫn một mực khẳng định chỉ trừng phạt những người phạm pháp, chứ không hề bỏ tù ai vì bất đồng chính kiến.