ĐỐI THOẠI BAO GIỜ CŨNG HƠN ĐỐI CHỌI

Tô Văn Trường

Các hiệp sĩ ngày xưa không cứu được đất nước, không bảo vệ được nhân dân, đành cố gắng bảo vệ một chút mái ấm gia đình và cùng bạn bè rong chơi “một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ” (Trịnh Công Sơn) … đành đổ thừa cho sự may rủi của số phận cá nhân và dân tộc trước các ngã rẽ cuộc đời.

Công luận bán tín, bán nghi, khi nghe ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu ngày 18/5/2017 “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”.

Đối thoại bao giờ cũng hơn đối chọi để tháo gỡ khó khăn và tìm lối ra cho đất nước, cho nên có ý kiến hoan nghênh Đảng muốn đối thoại, dù là công khai hoặc thậm chí không công khai, miễn là chân tình đối thoại, đừng biến đối thoại thành thủ đoạn tuyên truyền hoặc câu giờ.

Đối thoại và tranh luận là những hoạt động thường nhật không thể thiếu trong mọi lĩnh vực đời sống tinh thần, tri thức và sản xuất… của các cộng đồng xã hội từ muôn đời nay.

Nhà cầm quyền ở các nước tiên tiến đối thoại với người dân và giới trí thức là chuyện xưa như trái đất, chẳng có gì phải ầm ĩ vì họ sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật do chính người dân tạo dựng và thông qua lá phiếu của mình. Vậy mà đến nay, ở Việt Nam, người đại diện cho thể chế nhà nước mới công khai về chấp nhận đối thoại và tranh luận (mới ở mức không sợ!) khiến công luận quan tâm sâu sắc và gợi lên nhiều luồng suy nghĩ, chứng tỏ đây là một vấn đề rất quan trọng.

Mất lòng tin là mất tất cả

Cách đây khoảng 15 năm, ông Nguyễn Đức Bình được Bộ Chính trị giao cho việc thành lập Tạp chí Tranh luận và trực tiếp làm Tổng biên tập, song thực tế không triển khai được.

Nếu câu nói: “Không sợ đối thoại và tranh luận” của ông Thưởng được các báo chí tường thuật đúng, thì vẫn chưa tránh được bệnh “kiêu ngạo cộng sản” mà Lê Nin đã phê phán gần thế kỷ trước đây. Đáng lẽ ông Thưởng phải nói: “muốn đối thoại và tranh luận” bởi vì “muốn” và “không sợ” về ngôn ngữ của tiếng Việt hoàn toàn khác nhau.

Nói “không sợ đối thoại” tức là chưa nhận thức được rằng đối thoại là con đường phát triển của tư duy, mọi người đều cần, chứ không phải là việc đối phó với nhau vì áp lực. Nói không sợ đối thoại, tức là tự cho mình cái quyền cho phép hoặc không cho phép đối thoại. Quyền tư duy là quyền của con người.

Lần này, người dân không biết Đảng đã có chủ trương “đối thoại và tranh luận” hay đây mới chỉ là chủ trương của Ban Tuyên giáo Trung ương? Người dân, đặc biệt là giới trí thức có quyền nghi ngờ về thiện chí lắng nghe, đối thoại của Đảng vì không ít lần Đảng hô hào góp ý (ví dụ sự kiện góp ý sửa Hiến pháp 2013) sau khi nhận bản kiến nghị thẳng thắn, tâm huyết của 72 vị trí thức ký tên đại diện cho hàng chục nghìn người dân thì bị người có thẩm quyền “chụp mũ” cho là “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, v.v. Và nhiều thư kiến nghị tập thể, kể cả của các vị lão thành cách mạng về những vấn đề quốc kế dân sinh đều rơi vào “im lặng đáng sợ”, rồi một số người bất đồng chính kiến bị ‘trấn áp” làm khó dễ trong cuộc sống… Cho nên dân mất lòng tin cũng không có gì lạ!

Trong cuộc sống, tôi đã được gặp một số vị trí thức thực sự tài năng, tâm huyết hay nói như người đời, họ là những người rất “khó chịu” vì họ cứ làm cái việc đánh thức thiên hạ, không cho người ta ngủ. Nhưng rồi, họ cũng chán nản thời cuộc, xếp bút nghiên, để du ngoạn, ngắm trăng, đánh cờ vì cho rằng ý kiến của mình có đưa ra cũng như “ném đá, ao bèo”! Họ chia sẻ và đồng cảm với cụ Nguyễn Khuyến thời xưa:

“Câu thơ viết, đắn đo chẳng viết

Viết đưa ai, ai biết mà đưa”.

Đối thoại & tranh luận cái gì? Như thế nào?

Đối thoại & tranh luận đều nằm trong nội dung của phản biện, là một khâu/bước không thể thiếu trong việc thẩm định một đề xuất hay ý tưởng, đánh giá kết quả giải quyết thực hiện (cái đạt/chấp nhận được và không được) của một hay một số vấn đề ở một cấp độ hay lĩnh vực nhất định.

Đối với tầm quốc gia, đối tượng để phản biện là một chủ trương, quyết sách hành động…, cũng như đánh giá kết quả thực hiện một vấn đề hay lĩnh vực ở một giai đoạn nhất định. Và từ đó, phân tích nguyên nhân chủ quan và khách quan, dẫn chứng luận cứ lý thuyết và thực tiễn tạo ra sự thành công cũng như xác định được những yếu tố dẫn đến thất bại (không đạt, không chấp nhận được), cuối cùng phải mở ra được điều kiện cho sự phát triển tiếp tục những kết quả thành công và đề xuất giải pháp ngăn chặn và khắc phục các yếu tố sai lầm, gây tác hại.

Để có được cơ sở cho phản biện hay đối thoại và tranh luận để xây dựng xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền, trước tiên là khuyến khích, bảo vệ và lắng nghe để có được tất cả các phát biểu khác nhau của các cá nhân hay tập thể với trình độ hiểu biết ở tất cả các mức độ, từ đơn sơ, mộc mạc, đến sâu sắc, phức tạp hay gai góc, thậm chí trái chiều,… không bị cản trở và hạn chế bởi nguồn thông tin, tài liệu làm căn cứ và tham khảo.

Nếu đối thoại và tranh luận là chủ trương của lãnh đạo Đảng và Nhà nước thì cần công khai văn bản nào? Ai ký? Ban Tuyên giáo cần đề xuất một chủ trương chính thức và thể chế hoá phương thức thực hiện.

Đàm đạo với một số vị trưởng thượng, trí thức lão thành cách mạng cũng suy tư đặt vấn đề, Đảng định đối thoại về những chủ đề gì, với những ai, nội dung đối thoại có công khai minh bạch cho xã hội theo dõi và đánh giá hay không? Đó là vấn đề chính là những điều giúp cho đối thoại đi vào thực chất, không phải là một thủ đoạn PR.

Đề tài đối thoại có thể xuất phát từ hai phía. Tốt nhất là Đảng chủ động đề xuất đề tài, hoặc hỏi dân muốn đề tài nào? Để tránh đục nước béo cò, xuyên tạc, bị lợi dụng… theo tôi, Đảng nên chủ động gặp trước một số trí thức có uy tín, bàn trước với họ nên tiến hành đối thoại như thế nào? Hỗ trợ cho đối thoại là nên sớm có nhiều tự do hơn và tiến đến có tự do thật sự cho báo chí. Dù bất cứ cách làm nào, cũng đòi hỏi Đảng phải thực lòng.

Trong bối cảnh đất nước ta hiện nay, sỹ phu ở cả trong và ngoài nước vẫn trăn trở, “vắt óc” nghĩ suy, kiến nghị, góp ý kiến với những người có thẩm quyền, đó là hồng phúc của đất nước.

Trong đối thoại và tranh luận, điều quan trọng nhất là biện luận khách quan thuyết phục cao. Muốn phản biện có ý nghĩa, có tác dụng xây dựng tích cực, thì người/cơ quan phản biện và người/cơ quan nhận phản biện (đặc biệt là Ban Tuyên giáo và cơ quan an ninh tư tưởng) phải có văn hóa phản biện, biết phản biện, và biết hoan nghênh, biết lựa chọn tiếp nhận phản biện khách quan, thuyết phục. Hiểu và làm được điều đó sẽ luôn đem lại lợi ích cho sự phát triển của toàn xã hội và nâng cao uy tín của chế độ thì có gì phải sợ như ông Võ Văn Thưởng đã nói.

Những trí thức tài giỏi thực sự, có nhiều đóng góp cho đất nước cũng chính là “hiền tài và hào kiệt”. Họ rất tự trọng, luôn có ý thức tự hoàn thiện mình và phấn đấu không ngừng, luôn hướng tới các “chân trời mới” để khám phá và cống hiến.

Tuy nhiên, không bao giờ có “chân trời thực” cả, vì thế đó chỉ là hướng đi để người trí thức và các bậc hiền tài, hào kiệt dốc sức vươn tới mà thôi. Cả đời người cũng chẳng ai có thể đi tới chân trời đó cả! Nhưng đó vẫn là động lực để người trí thức sống lạc quan và hết mình cho sự hưng thịnh, hùng cường của đất nước. Đó cũng là điều chúng ta ngưỡng mộ và tôn vinh họ.

Thế nhưng ngày nay, sự phát triển của bản lĩnh ấy có gặp trở ngại, do thiếu sự trân trọng bảo đảm quyền tự do suy nghĩ, tự do ngôn luận của con người. Một số người cầm quyền muốn mọi người phải nhất theo mệnh lệnh có sẵn. Rất may là thực tế cuộc sống đang diễn ra đúng như giáo sư Hoàng Tụy đã viết, tôi nhớ đại ý như sau: “Điều kỳ diệu là trong trí thức và trong các tầng lớp nhân dân ta, những tấm lòng yêu dân, yêu nước, nhưng ý kiến xác đáng, những việc làm đẹp đẽ có nhiều, chỉ miễn là chịu nhìn, chịu thấy, chịu lắng nghe, đó là niềm hy vọng và niềm tin của chúng ta”.

Lời kết

Không phải ngẫu nhiên, mà ông Võ Văn Thưởng phát biểu mạnh mẽ như viện dẫn ở đầu bài báo này. Biện chứng không chỉ tồn tại trong một thời gian mà thôi đâu, nếu Đảng CSVN đã thành công trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đã có một Nhà nước, người ta không bao giờ quên tác nhân quyết định của thành công đó đến từ đâu, đó là biết kết hợp nội tình với tình hình quốc tế, nhưng sự kết hợp đó phải do những đầu óc sáng suốt thực hiện.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.