Thuỵ Nguyễn
Trong bài Đối thoại ‘tín hiệu mới rất đáng khích lệ’ đăng trên BBC, TS Cù Huy Hà Vũ cũng như Tổng biên tập báo “NgườiViệt.De” Lương Đình Cường cho rằng việc nhà cầm quyền CSVN đề nghị đối thoại với các nhà bất đồng chính kiến là “một chuyển biến rất lớn, rất là quý báu, cho nên cần phải chớp lấy cơ hội dù cho rằng trong quá trình đối thoại ấy lãnh đạo Việt Nam chọn những đối tượng đối thoại theo họ muốn”, cũng như không cần phải có thành phần thứ ba độc lập làm trung gian vì theo ông Lương Đình Cường (trích): “Toàn là người Việt Nam cả, chúng ta tại sao lại phải cần có trung gian?”. Và để biện luận cho luận cứ nêu trên thì theo TS Cù Huy Hà Vũ (trích): “vạn sự khởi đầu nan”, mọi cái chưa xảy ra, mà mình có quan điểm bi quan, thậm chí quan điểm bác bỏ, bảo là Đảng CSVN lừa đấy, thì bản thân chúng ta trong cuộc sống mà lúc nào chúng ta cũng không nhìn hướng về cái tốt, kể cả trong tình huống xấu nhất…”. Ông còn cho rằng làm như vậy là không có khoa học (trích): “Tôi cho rằng cách đặt vấn đề như thế vừa không khoa học theo con đường phát triển của xã hội, đặc biệt lý thuyết về đối thoại, nó phải đi từ ít đến nhiều. Thứ hai, tôi nghĩ đối thoại là trực tiếp giữa Đảng CSVN và những người có quan điểm chính trị khác biệt với Đảng CSVN, thì phải là đối thoại trực tiếp”.
Trong khi luật sư Lê Công Định thì ngược lại, cho rằng cần phải có trung gian cũng như cần phải đặt một số điều kiện để khởi đầu (trích): “Tôi nghĩ phải có trung gian để tránh trường hợp phía đảng cầm quyền áp đặt mọi điều kiện đối thoại. Như tôi đã nói, phải tránh khả năng đảng cầm quyền dùng đối thoại để PR, nên không thể để họ tự ý lựa chọn người và đề tài đối thoại”.
Tôi đồng quan điểm với LS Lê Công Định, vì rằng chuyện làm đối thoại là cả một nghệ thuật (c’est tout un art) có các nguyên tắc khoa học cũng như luật lệ của nó, chẳng hạn như phải có trung gian độc lập để làm trọng tài điều hòa, chứ nếu không thì hai bên sẽ cãi nhau như mổ bò, sẽ không ai nghe ai nói thì sẽ chỉ có vỡ chợ, cũng như phải có các điều kiện cần (conditions nécessaires) nếu không thì sẽ không đi đến đâu.
Nếu có thực tâm thì nhà cầm quyền CSVN phải tạo điều kiện thuận lợi (là điều kiện cần) như thả hết các nhà bất đồng chính kiến bị bắt vô cớ, v.v. Tôi đồng ý với TS Cù Huy Hà Vũ là phải có quá trình vì không thể nhảy từ A lên đến Z ngay tức khắc được, thế nhưng, ngay trong bước đầu thì cũng phải có quá trình của nó để tạo dựng nền tảng vững chắc cho những bước sau, chứ nhắm mắt nhập cuộc một cách vô điều kiện thì cũng như xây lâu đài trên cát.
Còn cho rằng CSVN có quân đội với công an trong tay (trích Lương Đình Cường): “…nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay nắm trong tay toàn bộ lực lượng công an, quân đội, tòa án, (kiểm) sát… nghĩa là toàn bộ hệ thống chính trị, còn chúng ta là những người lực lượng dân chủ, xã hội dân sự, v.v.”, hay cho rằng phải coi chừng một cuộc nội chiến thứ hai gì đó (trích Cù Huy Hà Vũ): “Chúng ta đã có cuộc chiến tranh, cuộc nội chiến trong giai đoạn trước năm 1975 rồi, chúng ta phải rút kinh nghiệm chuyện đấy, không để Việt Nam rơi vào vòng nội chiến, những người Việt đánh nhau nữa…” để bảo phải chịu bị lấn át ngay từ lúc ban đầu là hoàn toàn không có cơ sở. Hiện giờ CSVN không còn chính nghĩa nữa, và đang dần ở thế bị động. Yếu tố thời gian đứng về phía những người đấu tranh cho dân chủ: về kinh tế, CSVN sắp vỡ nợ, không có tiền để trả lương thì có quân đội với công an trong tay cũng như không.
Quan điểm nêu trên của LS Lê Công Định được GS Nguyễn Đình Cống chia sẻ trong bài NÊN TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI NHƯ THẾ NÀO đăng trên BVN. Những gì ông viết chính là “Nghệ thuật để làm đối thoại một cách khoa học và bình đẳng”, nên không thể không đồng ý với GS (Vous avez une logique impeccable , Pr. Cống!).
Tóm lại phía đấu tranh cho dân chủ không có gì phải sợ cả: hãy cứ làm đối thoại một cách bình đẳng, phải tuyệt đối giữ vai trò đối lập của mình (l’opposition doit jouer son rôle), nếu không tất cả sẽ thành vô nghĩa. Do đó phải tiếp tục duy trì áp lực chứ không nên buông lỏng như hai ông Cù Huy Hà Vũ và Lương Đình Cường đề nghị.
T.N.
Tác giả gửi BVN