GM Nguyễn Thái Hợp: Nạn nhân thảm họa Formosa có quyền đòi lại bãi biển trong lành

Trọng Thành

Ban hỗ trợ nạn nhân Giáo phận Vinh đến Văn phòng Môi trường và Nhân đạo LHQ (OCHA) tại Genève. Trong ảnh, giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp (giữa) và kỹ sư Emilia Wahlstrom, đại diện OCHA (bên trái Đức cha). Ảnh: thamhoaformosa.com

Trong hai tuần đầu tháng 5/2017, Ban hỗ trợ nạn nhân môi trường biển Giáo phận Vinh đi châu Âu để vận động quốc tế hỗ trợ các nạn nhân thảm họa do công ty Formosa gây ra tại miền Trung Việt Nam cách nay một năm. RFI tiếng Việt phỏng vấn Đức cha Nguyễn Thái Hợp về chuyến đi này.

Thảm họa biển tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam, do công ty luyện thép Đài Loan Formosa gây ra, diễn ra cách nay đúng một năm. Cho đến nay, bất chấp những tuyên bố đền bù, và một số biện pháp khắc phục thảm họa từ phía chính quyền, theo nhiều thông tin tại chỗ, đời sống của người dân vẫn còn rất khó khăn, đặc biệt tình trạng đền bù không công bằng, thông tin về thảm họa không minh bạch tiếp tục gây phẫn nộ trong dân chúng.

Ban hỗ trợ nạn nhân môi trường biển Giáo phận Vinh, đứng đầu là Đức giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, đã có chuyến đi châu Âu để chuyển đến một số cơ quan của Liên Hiệp Quốc, của Liên Hiệp Châu Âu, cũng như một số chính phủ và tổ chức dân sự, Thỉnh nguyện thư về thảm họa Formosa (xem thêm trang nhà của Ban hỗ trợ nạn nhân môi trường Giáo phận Vinh).

Chính quyền từ chối giúp đỡ quốc tế: Đâu là quyền của nạn nhân?

«… Tôi rất vui mừng và hãnh diện là tại khắp nơi chúng tôi có những cuộc đối thoại và tiếp đón rất thân tình… Cũng có một số thông tin, mà ngày xưa chúng tôi có nghe, bây giờ được xác định rõ rệt hơn. Chẳng hạn, chuyện một số nước đã đề nghị chính quyền Việt Nam cho phép họ hỗ trợ Nhà nước và nhân dân để nghiên cứu và xử lý thảm họa môi trường biển. Và Nhà nước không chấp nhận. Sang bên này chúng tôi càng nhận thấy rõ rệt hơn là: chính Liên Hiệp Quốc cũng đã có những đề nghị đó.

Khi nghe như vậy, bản thân tôi thấy đau, và cũng thấy xấu hổ vì cách xử lý của những người cầm quyền…, của một số quan chức từ chối giúp đỡ…. Các nạn nhân có thể làm gì để đề nghị các cơ quan, phái đoàn đến? Đây có phải là quyền của con người không? Quyền của nạn nhân không? Đó là những điều chúng ta… cùng nhau suy nghĩ…».

Ba chuyện bất bình: Thông tin độc chất, cơ chế bồi thường, sức khỏe người dân

«Cho đến hôm nay, nhà cầm quyền địa phương, cũng như trung ương, một số lần đã có những thông cáo, có những hội nghị về thảm họa môi trường Formosa, về đề nghị giải quyết.

Trước hết, về đề nghị giải quyết… cho đến hôm nay, chưa có thông cáo khoa học nào cho biết môi trường đó bị tác động bởi chất độc nào? Độc tố đó ảnh hưởng đến bao lâu?…

Một Nhà nước tuyên bố là Nhà nước của nhân dân, của người nghèo, cho dân, vì dân, thế mà khi đối diện với thảm họa này, Nhà nước lại tự động gặp gỡ lãnh đạo công ty Formosa, hai bên quyết định mức bồi thường mà người dân không được tham khảo.

· Đọc thêm : Bài học xử lý thảm họa môi trường: Từ BP đến FORMOSA (Pv Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Yến)

Rồi… bồi thường đó lại không phải dựa trên nghiên cứu mỗi gia đình, mà lại theo quy chế hành chánh ở trên đưa xuống. Rồi ở đây ta thấy nạn tham nhũng trong cách bồi thường…

Chính vì vậy, qua cách bồi thường đó mà có những vụ khiếu kiện, vụ dân chúng chặn đường quốc lộ, có những vụ dân chúng biểu tình, thì cũng nên hỏi tại sao?!

Rồi riêng tỉnh Nghệ An cũng nằm trong khu vực bị thảm họa, nhưng cho đến nay vẫn không được nằm trong danh sách được đền bù

· Đọc thêm : Nhiễm độc biển Việt Nam: Im lặng ‘‘khó hiểu’’ của ngành y

(Về việc hỗ trợ khám, chữa bệnh)… Nhà nước ngăn cản chuyện đó. Tôi cũng có yêu cầu cơ quan quốc tế, Liên Hiệp Quốc, đến để khám bệnh, giúp bà con… Tôi có nghe tin nói là một số bà mẹ trẻ bị sẩy thai vì nhiễm độc… Tôi mong các cơ quan quốc tế đến để cho chúng tôi những dữ kiện rõ hơn…

… Chúng tôi thấy rằng chuyến đi này ít nhất cũng cho chúng tôi thêm một số niềm hy vọng… tầm nhìn, chân trời mở rộng hơn, ý thức hơn về vấn đề quyền của con người…

RFI xin cảm ơn Đức giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp

***

Về các thông tin độc lập liên quan đến thảm họa Formosa, đáng chú ý gần đây có cuốn «Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam», do Green Trees, một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam thực hiện (bằng tiếng Việt và tiếng Anh). Báo cáo dài 190 trang đã được Green Trees chuyển đến chính phủ, Quốc hội Việt Nam hồi tháng 10/2016 và được công bố trên mạng kể từ đầu tháng 5/2017.

Tầng đáy biển gần bờ bốn tỉnh miền Trung vẫn còn nhiễm độc. Cuối tháng 4/2017, chính phủ Việt Nam thông báo tiếp tục yêu cầu không khai thác «tầng đáy gần bờ» (trong phạm vi 20 hải lý), với lý do để «tạo điều kiện khôi phục hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản», đồng thời «bảo đảm an toàn thực phẩm». Thời gian cấm kéo dài đến khi có xác nhận của bộ Y Tế và nguồn thủy sản có dấu hiệu khôi phục. Một giới chức bộ Nông Nghiệp Việt Nam cũng thừa nhận sẽ phải mất hàng chục năm nữa mới có thể khôi phục được hệ san hô, như trước thảm họa.

T.T.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170523-gm-nguyen-thai-hop-nan-nhan-tham-hoa-mien-trung-co-quyen-doi-lai-bai-bien-trong-la

This entry was posted in Lên Tiếng, Môi Trường. Bookmark the permalink.