Formosa có thể cản trở Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU

Cát Linh, phóng viên RFA

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp (phải) trao thỉnh nguyện thư đến thị trưởng Geneva, Guillaume Barazzone tại tòa đô chánh thành phố Geveva. Photo courtesy of thamhoaformosa.com

Phái đoàn giáo phận Vinh đi vận động quốc tế về vấn đề thảm họa môi trường do Formosa gây ra ở Việt Nam, thúc giục Liên minh châu Âu cẩn trọng khi xem xét việc thông qua Hiệp định Tự do Thương mại giữa EU và Việt Nam (FTA) vì những quan ngại về nhân quyền và ô nhiễm môi trường ở Việt nam. FTA được hai bên ký vào cuối năm 2015 và được hy vọng là sẽ đi vào hiệu lực vào đầu năm tới với điều kiện quốc hội các nước EU phải thông qua hiệp định này.

Nhân quyền – Tôn giáo

Trở về từ chuyến đi vận động quốc tế ở Châu Âu và trao thỉnh nguyện thư về thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, chiều tối ngày 18 tháng 5, Giám mục Nguyễn Thái Hợp cho Đài Á Châu Tự do biết tình trạng nhân quyền hiện tại ở Việt Nam đã được nhắc đến nhiều lần trong buổi gặp với Cao uỷ văn phòng Liên Hiệp Quốc Châu Âu:

“Những cơ quan đó, hiệp ước thì đã viết rồi, nhưng có một số điều kiện thì họ yêu cầu phải hoàn thành. Trong đó, những quyền về con người, nhân quyền, quyền của người lao động luôn luôn được để ý.

Chúng tôi cũng nhắc nhở họ về tình trạng vi phạm nhân quyền đối với những người bất đồng chính kiến, những người đang tranh đấu cho nạn nhân ở Formosa”.

Phái đoàn giáo phận Vinh đến một số nước Châu Âu từ ngày 2 đến ngày 11/5/2017.

Vụ xả thải ra môi trường của công ty Formosa được phát hiện vào tháng 4 năm ngoái đã khiến hàng tấn cá chết dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung Việt Nam và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 200.000 người, theo một báo cáo của chính phủ vào năm ngoái.

Hiệp ước FTA là hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. Quá trình đàm phán bắt đầu từ ngày 26 tháng 2 năm 2012 và đến đầu tháng 12 năm 2015 thì hoàn tất. Tuy nhiên quốc hội hai bên cần phải phê duyệt để FTA có thể đi vào hiệu lực. Hy vọng là vào đầu năm tới. Riêng tại châu Âu, yêu cầu để FTA có hiệu lực là quốc hội của cả 27 nước thành viên của EU phải phê duyệt hiệp ước.

Trong tháng Hai vừa qua, Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu đã đến Việt Nam để tìm hiểu về tình hình nhân quyền ở quốc gia này và có một buổi làm việc với các tổ chức xã hội dân sự độc lập Việt Nam tại trụ sở EU ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Chí Tuyến, một người bảo vệ nhân quyền (Human Right Defender) có mặt trong buổi làm việc đó kể lại, đại biểu các tổ chức xã hội dân sự độc lập đã đưa những văn bản và trình bày về thực tế câu chuyện nhân quyền ở Việt Nam.

Ông nhấn mạnh, trong buổi làm việc đó, phái đoàn dân biểu của Quốc hội Châu Âu rất ủng hộ và quan tâm những vấn đề tổ chức xã hội dân sự độc lập nêu ra:

Họ nói rằng cái hiệp định thương mại FTA này giữa Việt Nam và EU cần phải gắn chặt vấn đề nhân quyền vào, nó là một phần của bản hiệp định đó chứ không thể tách rời ra.

Phái đoàn trao đổi với Caritas, Hội đồng Liên tôn và bộ phận Quan hệ quốc tế của Giáo hội Tin lành Na Uy. Photo courtesy of thamhoaformosa.com

Do đó, khi nói về khả năng ký phê chuẩn Hiệp định thương mại Tự do FTA, ông Nguyễn Chí Tuyến cho biết theo ông, sẽ không có trở ngại về phía Quốc hội Việt Nam nếu như phía Nghị viện Châu Âu không gây áp lực mạnh mẽ về vấn đề nhân quyền của Việt Nam. Tuy nhiên phía Quốc hội Châu Âu thì chưa chắc.

“Trong nội bộ nghị viện đó, các nước phải thảo luận và tranh luận về vấn đề đó, vấn đề nhân quyền. Khi họ quyết tâm họ nói cái đó phải gắn vào và bắt Việt Nam phải cam kết thì phía Việt Nam phải cân nhắc.

Nếu phía Châu Âu không quan tâm lắm về vấn đề nhân quyền thì phía Việt Nam chấp nhận ngay”.

Tại cuộc họp của Tiểu ban về nhân quyền thuộc Liên minh châu Âu (EU vào ngày 9 tháng 3 năm 2017, bà Beatriz Becerra, thành viên của Nghị viện Châu Âu, người đã đến Việt Nam hồi tháng 2, khẳng định vấn đề nhân quyền là một đòi hỏi không thể thiếu trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam.

“Hiển nhiên chúng tôi luôn ủng hộ mở rộng nền kinh tế với các quốc gia mà chúng tôi đã chuẩn bị cho sự hợp tác chung. Và chúng tôi sẵn sàng cho việc ký kết các thoả thuận hiệp định thương mại.

Nhưng, có một điểm cần được làm sáng tỏ và rõ ràng, đó là chúng tôi cần được chứng minh rằng vấn đề nhân quyền được thực hiện ở Việt Nam”.

Từ khi xảy ra thảm hoạ môi trường biển làm ô nhiễm vùng biển 4 tỉnh miền Trung do Formosa xả thải gây ra đến nay, rất nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ đã diễn ra trong cả nước và dưới nhiều hình thức tự phát khác nhau.

Lý do người dân cả nước nước xuống đường biểu tình phản đối Formosa vì chính quyền không có những giải quyết thoả đáng cho việc đền bù thiệt hại cho đời sống ngư dân khi không còn ngư trường để sinh sống. Thêm vào đó, họ biểu tình để yêu cầu nhà máy Formosa phải ngưng hoạt động ở Việt Nam.

Phần lớn những cuộc biểu tình bất bạo động, xuống đường đó đều bị nhà nước đàn áp nặng nề, dập tắt và bắt bớ.

Đặc biệt là các cuộc biểu tình, khởi kiện do các linh mục quản xứ Song Ngọc, quản xứ Phú Yên hướng dẫn giáo dân tại các vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp như Nghệ An, Hà tĩnh hồi tháng 2 năm 2017 đã bị nhà cầm quyền dùng vũ lực để ngăn chặn. Một số người tham gia bị đánh đập đến bị thương.

Nhiều nhà hoạt động xã hội, bloggers đưa tin hoặc lên tiếng mạnh mẽ phản đối hoạt động của Formosa ở Việt Nam bị chính quyền kết vào tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ luật Hình sự Việt Nam; “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 của Bộ luật Hình sự; “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Từ khi xảy ra Formosa đến nay, đã có bốn người bị bắt, hai người bị truy nã, điển hình là trường hợp bắt giam blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) bị dư luận quốc tế lên án. Đây là những người thường xuyên tham gia biểu tình phản đối công ty Formosa, hoặc đưa các tin và hình ảnh về vụ ô nhiễm môi trường này.

Linh mục Nguyễn Thái Hợp cho biết những vấn đề này được phái đoàn giáo phận Vinh trình bày chi tiết trong những cuộc gặp với Cao uỷ văn phòng Liên hiệp quốc Châu Âu.

Cũng trong cuộc họp của Tiểu ban Nhân quyền hồi tháng 3 vừa qua, ông Lars Adaktusson, chính trị gia Thuỵ Điển và là thành viên của Nghị viện Châu Âu (Member of the European Parliament) đã lên tiếng chỉ trích tình trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam:

“Rất tiếc rằng khi nói về tôn giáo, thì tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam đang ngày càng xấu đi. Theo một báo cáo từ Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam, các thành viên của các sắc tộc tôn giáo không được thừa nhận ở Việt Nam đang phải chịu sự áp bức của cả hệ thống chính quyền, như đàn áp, bắt bớ, hăm doạ, bức tử… một cách rất thương tâm. Đây là những hành vi không thể chấp nhận.

Môi trường

Phái đoàn của Giáo phận Vinh cùng Đức Hồng Y Jozef de Kesel, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Giáo hội Công giáo tại Bỉ. Photo courtesy of thamhoaformosa.com

Giám mục Nguyễn Thái Hợp cho biết sở dĩ các linh mục rất quan tâm đến vấn nạn ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra vì đó là môi trường cuộc sống của người dân.

“Formosa chỉ mới chạy thử đã như vậy. Bây giờ nếu Formosa chạy thật sẽ như thế nào? Không những nước biển sẽ ô nhiễm, mà nước sông, rồi cả đất nữa. Cho nên đó là vấn đề chúng tôi phải quan tâm”.

4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do thảm họa môi trường Formosa bao gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Rất đông người dân sống trong các tỉnh này là người công giáo. Sau thảm họa, công ty Formosa đã lên tiếng xin lỗi và đồng ý trả bồi thường 500 triệu đô la. Tuy nhiên rất nhiều người dân ở khu vực miền trung vẫn xuống đường biểu tình và khiếu kiện Formosa vì cho rằng mức đền bù mà họ nhận không thỏa đáng và vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được nhà nước xử lý đúng mức.

Linh mục Trần Đình Lai, Quản xứ Đông Yên, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, thành viên của Ban Hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển, người có mặt trong chuyến đi vân động này cho Đài Á Châu tự do biết ông có nhấn mạnh về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, một hệ luỵ do vấn nạn biển nhiễm độc gây ra trong việc ký Hiệp định FTA.

“Châu Âu sắp ký một Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam, chúng tôi nói với họ rằng nếu quý vị cứ đặt bút ký mà không đếm xỉa gì đến đề nghị của chúng tôi thì liệu hải sản nhập từ Việt Nam có an toàn không? Có đảm bảo được sức khỏe của người dân của quý vị hay không thì họ có nói là sẽ điều tra trước khi ký hiệp định đó. Thì đây cũng là một yếu tố để chúng tôi khai thác”.

Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Chí Tuyến cho rằng hiện Việt Nam đang rất cần FTA với châu Âu vì sự bế tắc trong một hiệp định khác với Mỹ.

“Cho đến hiện nay, Việt Nam không có tiến triển gì với TPP, nên họ rất mong đợi hiệp đinh thương mại song phương với Nghị viện Châu Âu. Họ chỉ hy vọng vào cánh cửa này trong lúc tình hình kinh tế không khởi sắc”.

Thương mại hai chiều giữa EU và Việt Nam hiện ở mức khoảng 40 tỷ đô la một năm. EU, với dân số khoảng 500 triệu, là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Trung Quốc và Mỹ.

Hồi tháng 1 năm nay, Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất trong hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuyên bố rút khỏi hiệp định khiến TPP đi vào bế tắc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào lúc đó có nói rằng không có TPP thì Việt Nam vẫn còn các hiệp định với các nước khác.

Trong tháng tư vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có chuyến thăm chính thức ba nước Châu Âu là Cộng Hòa Czech, Hungary và Thụy Điển. Đây là chuyến đi nhằm đẩy mạnh hợp tác về nhiều mặt, thúc đẩy Quốc hội ba nước ủng hộ việc sớm phê chuẩn FTA Việt Nam-EU.

C.L.

NGUỒN: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/formosa-should-be-a-barrier-f-process-to-go-to-fta-cl-05222017114929.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.