Ba tiêu chuẩn trong phát triển kinh tế

Đoàn Hưng Quốc

Một nền kinh tế muốn vững mạnh cần phải hội đủ 3 điều kiện: tăng trưởng (growth), tăng trưởng bền vững (sustainable development) và tăng trưởng đồng bộ (inclusive development). Ba yếu tố này không thể tách rời nhưng xin được trình bày dưới đây như ba khía cạnh riêng biệt để dễ dàng phân biệt.

Tăng trưởng được nhắc đến nhiều nhất vì nhân loại trong mọi hoàn cảnh đều muốn cuộc sống ngày mai tốt đẹp hơn ngày hôm nay. Tại Trung Quốc chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2017 là 6.5%, Việt Nam là 6.7%, còn ở Mỹ trong mùa bầu cử Trump đã hứa hẹn 4%.

Nhưng nếu chỉ nhắm vào các mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn chưa đủ vì cũng giống như một lực sĩ dùng thuốc kích thích nhằm thắng một cuộc đua mà để lại nhiều hậu hoạn lâu dài cho sức khỏe. Cho nên tương lai và sự ổn định của một quốc gia còn tùy thuộc vào hai yếu tố gồm tăng trưởng bền vững và tăng trưởng đồng bộ.

 

Khái niệm về tăng trưởng bền vững nay được chấp nhận rộng rãi theo ý nghĩa không hủy hoại môi trường cho các mục tiêu kinh tế ngắn hạn. Hiểm họa này thấy rỏ tại các quốc gia chạy đua theo tăng trưởng như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam… nhưng những nước công nghiệp Tây Phương cũng phải gánh vác trách nhiệm về biến đổi khí hậu toàn cầu do hiệu ứng lồng kính. Dù vậy bảo vệ môi trường nói dễ hơn làm khi trên bình diện lớn đụng chạm đến quyền lợi của các đại tập đoàn tư bản, còn đối với giới tiểu thương, nông dân hay thường dân nói chung lo chật vật với cuộc sống trước mắt hơn là quý trọng thiên nhiên. Do đó thực hiện tăng trưởng bền vững tùy thuộc vào chính sách minh bạch cùng sự cộng tác giữa nhà nước, doanh nghiệp, các nhà đầu tư và nhất là ý thức công dân.

Tăng trưởng đồng bộ nói nôm na là khi kinh tế phát triển không thể có một thành phần hưởng lợi lớn trong khi số còn lại chỉ được chia chác chút đỉnh. Lợi tức không đòi hỏi phải san bằng nhưng nếu khoảng cách chênh lệch quá xa sẽ mang lại bất mãn và bất ổn nhất là khi mạng internet giúp loan truyền các thông tin trái chiều vô cùng nhanh chóng. Chênh lệch giàu nghèo là đề tài nổi cộm trong các thế kỷ 19-20 do bóc lột lao động và chính sách thuộc địa, sang đến thế kỷ 21 lại thêm hai yếu tố khác lan rộng từ những quốc gia đang mở mang như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam… cho đến các nước phát triển Tây Phương: tăng trưởng tập trung tại các đô thị và những vùng ven biển, và trào lưu toàn cầu hóa mang nhiều lợi nhuận cho thành phần học vấn nhưng lại bỏ rơi giới lao động thợ thuyền.

Tình trạng tăng trưởng mất quân bình giúp 300 triệu dân Trung Quốc ở các vùng duyên hải có mức sống gần bằng Âu-Mỹ trong khi 1 tỷ người sống trong nội địa chỉ có lợi tức 1-2 đô la mỗi ngày. Tại Việt Nam dân chúng các thành phố Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang v.v… ngày thêm sung túc còn các thôn xóm miền quê vẫn thiếu thốn miếng ăn. Bên Anh Quốc những người dân sống xa London và các trung tâm kinh tế đã bỏ phiếu cho Brexit. Tại Mỹ giới thợ thuyền của vòng đai han rỉ (the rust belt) dồn phiếu cho Donald Trump.

Chẳng những công ăn việc làm dễ tìm với mức lương cao tại các thành phố mà giá địa ốc ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Sài Gòn, Hà Nội, London, New York, Los Angeles v.v… tăng vọt so với sâu trong lục địa khiến mức độ rạn nứt trong xã hội ngày thêm trầm trọng.

Lợi tức của những người có bằng đại học và biết thích ứng với thời đại toàn cầu hóa tăng nhanh trong lúc đời sống của giới lao động thợ thuyền và nông dân ngày thêm chật vật. Điều này dẫn đến một tầng lớp ưu tú (elite) không những ở Âu-Mỹ mà ngay cả tại Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam… cùng với giai cấp quyền thế bay nhảy hay du học ra khắp thế giới trong khi số đông dân chúng ngày càng thêm thua sút. Sự kiện này không phải là mới nhưng cách mạng thông tin internet khiến người ta cảm nhận sự thua thiệt và thổi bùng lên làn sóng công phẫn.

Tình trạng kinh tế tăng trưởng thiếu đồng bộ mang lại những cơn chấn động về chính trị ở Hoa Kỳ và Âu Châu. Tại các nước đang mở mang người dân không có quyền phản đối bằng lá phiếu nhưng nỗi bất mãn về mức độ chênh lệch giàu nghèo trở thành mối đe dọa tiềm tàng cho các chế độ. Đây là một nan đề của thế kỷ thứ 21 mà sau Brexit và Donald Trump đang được quan tâm bàn cãi rất nhiều mà vẫn chưa tìm ra giải pháp.

Đ.H.Q.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.