Cực đoan và hơn thế nữa

Nguyễn Quang Dy

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…” (Hồ Chí Minh, trong “Tuyên ngôn Độc lập”).

Tôi viết bài này nhân ngày sinh cụ Hồ, một nhà cách mạng không cực đoan như các đồng chí của mình, nên ông là một lãnh tụ cô đơn. Đó là điều Archimedes Patti đã kể với tôi vào tháng 5/1990 khi ông đi Việt Nam lần cuối để dự sinh nhật cụ Hồ. Tháng 9/1945, Patti là đại diện OSS ở Hà Nội. Hy vọng họ vẫn là bạn khi gặp lại nhau ở thế giới bên kia.

Trong một số bài trước (như Cực đoan và Thù hận: Nguyên nhân Mọi Tai họa, 22/11/2015, và Vô cảm và Cực đoan sẽ Cản đường Hòa giải, 10/6/2016), tôi đã đề cập đến cực đoan như một yếu tố chủ chốt gây ra mọi tai họa trên đời này, nhưng có lẽ như thế vẫn chưa đủ. Vì vậy trong bài này, tôi muốn đề cập tiếp đến cực đoan như một chủ đề riêng.

Định nghĩa

Theo Wikipedia, cực đoan là một hiện tượng phức hợp (complex phenomenon) bao gồm tín ngưỡng (belief), thái độ (attitude) cảm xúc (feeling), hành động (action), chiến lược (strategy), có tính chất “bất bình thường”. Cực đoan là loại ý thức hệ (ideology) được người ta coi là nằm ngoài “dòng chủ lưu” (mainstream) được xã hội chấp nhận. Thái độ cực đoan (extremist) khác hẳn với thái độ ôn hòa (moderate) hay trung dung (centrist). Trong chính trị, tư tưởng cực đoan thường bao gồm xu hướng cực tả (far-left) hoặc cực hữu (far-right), cũng như tư tưởng cấp tiến (radicalism), cuồng tín (fanaticism), chính thống (fundamentalism)…

Theo Từ điển tiếng Việt, cực đoan là hiện tượng khi sự việc “quá nghiêng về một phía”, với mấy đặc điểm chính: (1) là “hai đầu tận cùng của vật thể”, (2) là “thái quá, không bình thường”, (3) là “vô cùng và cực độ” Theo chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh, “chủ nghĩa cực đoan là tập hợp những luận điểm thành chủ thuyết” để xây dựng và phát triển một tổ chức mang tính chính trị, “trở thành độc tôn/độc tài/độc trị (từ cá nhân lãnh đạo cao nhất xuống đến các tế bào tổ chức) bao trùm mọi mặt đời sống trong những không gian địa lý mà nó đã lan đến. (“Chủ nghĩa cực đoan như thế nào”, Nguyễn Tất Thịnh, chung ta.com, 8/5/2015).

Cực đoan gồm tư tưởng cực đoan, xu hướng cực đoan, và hành động cực đoan. Trong tiếng Anh, cực đoan có thể dịch là “extreme/extremist/extremism, hoặc ultra” như trong từ ghép “ultra-nationalism” (chủ nghĩa dân tộc cực đoan). Từ “cực đoan” (extremist) thường được người ta dùng để mô tả những người hay các phe nhóm đã trở thành “cấp tiến” (radicalized). Tuy nhiên, việc đánh giá những người nào, phe nhóm nào, hoạt động nào là “cực đoan” hay “bình thường” là do nhận thức chính trị chủ quan của mỗi người.

Nhận dạng

Tư tưởng cực đoan

Tư tưởng cực đoan thường gắn liền với cuồng tín (fanaticism), bảo thủ (conservatism), độc tài (authoritarianism), hận thù (hatred) và bạo lực (violence). Cực đoan thường dẫn đến ngộ nhận và mù quáng (nên vô minh), hoặc tham lam và tự phụ (nên vô cảm). Một khi tư tưởng cực đoan đã đi vào tiềm thức và não trạng thì rất khó thay đổi. Theo các nhà khoa học (neuroscientists), tư tưởng cực đoan có thể lây lan, thậm chí có thể di truyền (genetically).

Cực đoan về kinh tế

Tham vọng “Đại nhảy vọt” (Great Leap Forward) của Trung Quốc là một ví dụ điển hình của cực đoan về kinh tế. Tuy đã thất bại thảm hại, nhưng người Trung Quốc không từ bỏ chủ nghĩa dân tộc Đại Hán, vẫn muốn phục thù dân tộc. Nay với thành quả to lớn của phát triển kinh tế, chủ nghĩa dân tộc Đại Hán đã thai nghén ra tham vọng “Giấc mộng Trung Hoa” (China Dream) và kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” (One Belt, One Road).

Cũng như Kế hoạch Mrachshall và “Giấc mơ Mỹ” (American Dream), tham vọng đó của Trung Quốc là chính đáng (nếu ôn hòa). Nhưng trong khi Trung Quốc dùng “quyền lực mềm” (lợi ích kinh tế) để lôi kéo các nước bằng “Charm Offensive”, thì họ bộc lộ tư tưởng cực đoan và tham vọng bá quyền, như quân sự hóa nhằm độc chiếm Biển Đông. Trung Quốc coi Việt Nam là khâu yếu nhất dễ khuất phục vì bị ràng buộc bởi cam kết “Thành Đô” và tương đồng về ý thức hệ, vì hai nước cùng theo mô hình “kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Cực đoan về chính trị

Cực đoan về kinh tế thường phản ánh và gắn liền với cực đoan về chính trị. Trung Quốc và Việt Nam đều theo học thuyết “Đấu tranh Giai cấp” (class struggle) và “Chủ nghĩa Xã hội mang bản sắc Trung Quốc” (hay Việt Nam) là biểu hiện điển hình của cực đoan về chính trị. Nó đã từng kích hoạt những chủ trương cực đoan và ấu trĩ tả khuynh như “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, cũng như cuộc vận động “Cải cách ruộng đất” và đàn áp “Nhân Văn – Giai Phẩm”. Đó là hệ quả của chủ nghĩa cực đoan Maoism xuất khẩu sang các nước láng giềng như Việt Nam. Tư tưởng cực đoan và bạo lực vốn là thương hiệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, như Mao đã từng khẳng định, “quyền lực đẻ ra từ nòng súng” (Mao Zedong).

Nhưng tư tưởng cực đoan không phải là độc quyền và đặc sản của các nước cộng sản. Phong trào Trumpism (tại Mỹ) với khẩu hiệu “America First” và “Make America Great Again” cũng như Brexitism (tại Anh) và Le Penism (tại Pháp), là sự trỗi dậy của trào lưu dân tộc, quay lưng lại với toàn cầu hóa và chính trị truyền thống. Cũng may mà cử tri Pháp đã bỏ phiếu chọn Emmanuel Macron lên làm tổng thống (chứ không phải Marie Le Pen). Châu Âu đang đứng trước một cuộc khủng hoảng kép của trào lưu Brexitism và làn sóng di cư của người Ả Rập Bắc Phi, với những hệ quả khôn lường do xung đột về văn hóa và tôn giáo.

Cực đoan về văn hóa, xã hội

Tư tưởng và hành động cực đoan không chỉ tồn tại trong hoạt động kinh tế và chính trị, mà còn ẩn tàng trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, do bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cực đoan, biểu hiện dưới nhiều hình thức đa dạng. Mỗi năm Việt Nam có gần 8000 lễ hội, trong đó có nhiều hủ tục cực đoan và bạo lực đến phản cảm, ăn sâu vào tâm thức và não trạng của cộng đồng. Chính quyền các tỉnh thành đều mắc “hội chứng tượng đài”, một biểu hiện cực đoan đầy tốn kém và lãng phí, nhưng là mảnh đất màu mỡ cho “tham nhũng văn hóa”.

Có lẽ Việt Nam là nước có nhiều tượng đài nhất nhì thế giới. Riêng Hà Nội có hơn 30 tượng đài, và người ta định xây thêm hơn 30 tượng đài khác từ nay đến năm 2020. Theo thống kê, cả nước có 137 tượng đài Hồ Chí Minh các loại, tại 31 tỉnh thành. Bộ “Văn-Thể-Du” đề xuất từ nay đến năm 2030 sẽ xây thêm 58 tượng đài Hồ chí Minh trên cả nước.

Ai cũng biết cụ Hồ khi còn sống đã ra sức kêu gọi “cần kiệm liêm chính…”. Ban Tuyên giáo cũng ra sức kêu gọi cả nước học tập “làm theo gương của Bác Hồ”. Chắc Bác buồn lắm, khi thấy các quan tham và nhóm lợi ích “ăn của dân không từ một thứ gì”, thậm chí đem hình ảnh của Bác ra làm dự án để kiếm chác, trong khi người dân còn nghèo đói và thất nghiệp, nợ công chồng chất và ngân sách nhà nước thu không đủ chi. Gần đây, Bộ “Văn-Thể-Du” còn định dựng mô hình con khỉ Việt Kong tại Hồ Gươm để “quảng bá du lịch”. May mà UBND thành phố Hà Nội đã bác kế hoạch đó (trước phản ứng bất bình của dư luận).

Ô nhiễm thực phẩm, nguồn nước, không khí đã tới mức báo động. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, trung bình 315 người chết mỗi ngày. (VietnamNet, 22/12/2016). Nếu Hà Nội nổi tiếng với quyết định chặt hạ 6700 cây xanh (năm 2015) thì Việt Nam gây sốc với 8.600 người chết vì tai nạn giao thông (năm 2016), trung bình mỗi ngày 24 người chết và 60 người bị thương. (VnExpress, 17/1/2017). Trong khi đó, Việt Nam là nước tiêu thụ nhiều bia nhất nhì thế giới (khoảng 3 tỷ lít/năm), xếp thứ nhất ASEAN và thứ 3 ở Châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản). Nếu tính giá bia Hà Nội, thì người Việt uống một lượng bia vào khoảng 3 tỷ USD/năm. Đó là hệ quả của cực đoan!

Biểu hiện

Một số dấu hiệu cực đoan

Thứ nhất, những người cực đoan thường chỉ thích nói mà không chịu lắng nghe, và chỉ nghe những gì mình thích, mà bỏ ngoài tai những gì mình không thích, không cần biết đúng sai, phải trái. Họ quen độc quyền, độc đoán, độc tài, nên vô cảm, không có lòng nhân ái vị tha. Thứ hai, họ thường khẳng định ý kiến của mình (luôn đúng), và phủ định ý kiến người khác (luôn sai), không thích nghe phản biện và không chịu thừa nhận thực tế. Thứ ba, họ thường bảo thủ cứng nhắc, coi thường người khác, nên không chịu thỏa hiệp và hợp tác, hay dị ứng với cái mới và sự khác biệt. Họ hay định kiến và cố chấp, nên thường ngộ nhận.

Mấy bài học về cực đoan

Thứ nhất, hầu hết các chính khách cực đoan và cuồng tín của cả hai phía (cộng sản và chống cộng) đều có những đặc điểm chung giống nhau như độc tài, tham lam, và dối trá. Thứ hai, người Việt thường mang nặng ân oán, nhưng lại nhẹ dạ cả tin, nên dễ bị lợi dụng và lừa gạt bởi những chính khác cực đoan nhưng mỵ dân, chuyên đầu cơ chính trị. Thứ ba, muốn hòa giải và hòa hợp với nhau, người Việt phải thoát khỏi định kiến, thù hận và lo sợ. Họ phải bạch hóa và giải độc quá khứ để làm rõ sự thật, thì mới kiến tạo được tương lai.

Cực đoan và khủng bố

Thứ nhất, chủ nghĩa khủng bố là con đẻ của chủ nghĩa cực đoan và bạo lực, là hệ quả của cuồng tín và ngộ nhận dẫn đến nhầm lẫn về lý tưởng và các giá trị cốt lõi. Thứ hai, để chống khủng bố, không chỉ tiêu diệt các căn cứ và đầu não của IS hay Al Qaeda, vô hiệu hóa sự bảo trợ ngầm của các nước và tổ chức liên đới, mà còn phải chống cực đoan và cuồng tín. Thứ ba, phải vận dụng tổng hợp cả sức mạnh cứng (giải pháp quân sự hiệu quả) lẫn sức mạnh mềm (văn hóa giáo dục) để từng bước vô hiệu hóa và hóa giải tận gốc chủ nghĩa cực đoan.

Nguyên nhân

Theo chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh, chủ nghĩa cực đoan được hình thành bởi “lỗ đen văn hoá xã hội” (social/cultural black holes) cộng với “khoảng trống của con người” (human vacuum). Chủ nghĩa cực đoan thường khởi đầu “phi chính thống”, nhưng tự nó dần dần trở thành chính thống và mạnh lên dần để rồi cuối cùng buộc chính quyền và cộng đồng phải công nhận nó. Vì vậy, để loại trừ được lý do và không gian ra đời của chủ nghĩa cực đoan, Việt Nam cần đổi mới thể chế chính trị đã lỗi thời, và xây dựng một nhà nước dân chủ vững mạnh.

Tuy nhiên, độc tài và độc đảng thực ra không phải xấu (nếu ôn hòa). Nó chỉ xấu và nguy hiểm khi trở thành cực đoan và tham nhũng. Singapore (cũng như Hàn Quốc và Đài Loan) trong giai đoạn phát triển và “cất cánh” để trở thành các “con rồng/con hổ” kinh tế tại Châu Á, là một mô hình phát triển khá độc tài và gần như độc đảng. Các nước này chỉ thực sự dân chủ hóa sau khi đã phát triển thành công như những quốc gia công nghiệp phát triển.

Trung Quốc đã cải cách kinh tế thành công, “cất cánh” vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (chỉ sau Mỹ). Nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi mô hình phát triển “độc tài bền vững” (authoritarian resilience) như David Shambaugh đánh giá, thì chắc Mỹ và phương Tây vẫn ủng hộ Trung Quốc trỗi dậy (ôn hòa) bằng “constructive engagement”. Nhưng Tập Cận Bình đã lái “Giấc mộng Trung Hoa” theo xu hướng cực đoan, thách thức trật tự quốc tế cũ do Mỹ cầm đầu, và muốn thay thế bằng luật chơi mới của Trung Quốc, bắt nạt các nước láng giềng yếu hơn (như Việt Nam và ASEAN) là đồng minh và đối tác của Mỹ.

Nếu Trung Quốc có thái độ ôn hòa và thiện chí, biến Biển Đông thành “cái ao chung” để khai thác (cùng có lợi) và tự do hàng hải theo luật lệ quốc tế, thì chắc không nước nào phản đối. Nhưng Trung Quốc đã có thái độ cực đoan và ngạo mạn, bắt nạt các nước láng giềng, quân sự hóa Biển Đông để biến nó thành “cái ao riêng” của mình, bất chấp luật lệ quốc tế và lợi ích chính đáng của các quốc gia khác có chủ quyền tại Biển Đông. Thái độ ứng xử của Trung Quốc tại Biển Đông, cũng như quan hệ hợp tác với các nước khác trong khuôn khổ “Một Vành đai, Một con đường” là thước đo xem ông Tập Cận Bình định ôn hòa hay cực đoan. Nếu Trung Quốc ôn hòa thì sẽ được cộng đồng thế giới và ASEAN ủng hộ, dù Trung Quốc có vượt Mỹ, trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới (một cách chính đáng).

Bài học

Tại nước Đức, trong thập niên 1930 của thế kỷ trước, Chủ nghĩa Quốc Xã (National Socialism) là một trào lưu được nhiều người Đức ủng hộ. Hitler đã vận dụng quan điểm về chủng tộc và dân tộc Đức (trong “Main Kamp”) để lên cầm quyền, và lái trào lưu dân tộc chủ nghĩa theo xu hướng cực đoan, trở thành Chủ nghĩa Phát-Xít (Fascism), một mô hình độc tài toàn trị được quân sự hóa cao độ. Hitler đã xô đẩy nước Đức và Châu Âu vào một cuộc chiến tranh tàn khốc làm 60 triệu người chết và 90 triệu người bị tàn phế. Riêng Liên Xô có khoảng 23-27 triệu người chết, và Ba Lan có 5,6 triệu người chết (bằng 16% dân số). (Wikipedia).

Tại nước Nga, sau khi lên cầm quyền, Stalin đã thanh trừng các phe phái, trở thành nhà độc tài và lái Liên bang Xô Viết (USSR) đi theo xu hướng cực đoan, trở thành một nhà nước độc tài toàn trị. Trong các cuộc thanh trừng, khủng bố, và nạn đói dưới thời Stalin, khoảng 20 triệu người đã bị chết, trong đó có 2,7 triệu người chết trong các trại “Gulag” (theo các sử gia và học giả như như Simon Montefione, Alexander Yakolev, và Jonathan Brent).

Tại Trung Quốc, trong giai đoạn “Đại Nhảy vọt” (Great Leap Forward, 1958-1961) và “Cách mạng Văn hóa” (Cultural Revolution, 1966-1976) ước tính có khoảng 36-46 triệu người đã bị chết do nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại, hoặc bị tù đầy, tra tấn và hành quyết trong các đợt “thanh trừng” nội bộ (với khoảng 2,5 triệu người bị chết).

Tại Việt nam, trong giai đoạn Cải cách Ruộng đất (1949-1956), ước tính có khoảng 50.000 người đã bị chết, hầu hết do xử oan, điển hình là bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long). Năm 1956, tại Hội nghị TW10, lãnh đạo Việt Nam đã chính thức thừa nhận nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến và kéo dài trong cải cách ruộng đất là do “hiện tượng độc đoán chuyên quyền đã trở nên trầm trọng” (TW5, 5/10/1956).

Tại Campuchia, dưới thời Khmer Đỏ cầm quyền (1975-1979) khoảng 2 triệu người đã bị chết do tai họa diệt chủng. (Theo Benjamin Valentino, Dartmouth College). Những vụ giết người hàng loạt như vậy thường được phân thành mấy loại: “thanh trừng giai cấp” (classicide), “thanh trừng chính trị” (politicide), “thảm sát” (democide), và “diệt chủng” (genocide). Theo sử gia Martin Malia, có khoảng 85-100 triệu người trên thế giới đã trở thành nạn nhân của vấn nạn cực đoan và bạo lực. (“Le Livre Noir Du Communisme”, Martin Malia, 1997).

Hòa giải

Phải chăng tư tưởng cực đoan và lòng hận thù, là di chứng của cuộc chiến tranh hủy diệt đẫm máu (chủ yếu là do nội chiến) vẫn còn đeo đẳng cả hai phía, làm vô hiệu hóa những nỗ lực và cơ hội hòa giải dân tộc. Cực đoan và vô cảm thường dẫn đến ngộ nhận và vô minh. Nhiều năm sau chiến tranh, người Việt trong nước và hải ngoại vẫn là nạn nhân của cực đoan và hận thù, bạo lực và khủng bố. Nhiều người Việt lo sợ chế độ cộng sản đã phải liều mạng vươt biển để định cư tại Mỹ, nhưng vẫn “sống trong sợ hãi” vì bị những đồng bào cực đoan của họ khủng bố vì bất đồng quan điểm. Đó là một nghịch lý và một sự thật đáng buồn.

Chắc nhiều người còn nhớ, khi bộ phim “Terror in Little Saigon” (Frontline & ProPublica) được PBS công chiếu (12/2015) thì tranh cãi lại nổ ra trong cộng đồng người Việt tại Mỹ liên quan đến vụ giết hại 5 nhà báo gốc Việt bị nghi là do tổ chức “K-9” của “Mặt trận” Hoàng Cơ Minh (tiền thân của đảng Việt Tân) đã gây ra, để bịt miệng và răn đe những nhà báo nào đi tìm sự thật về những hoạt động mờ ám của tổ chức này (giai đoạn 1981-1990).

Những người Việt cực đoan mang nặng hận thù, dù đứng ở phía nào trên sân khấu chính trị, (cộng sản hay chống cộng) đều giống nhau. Cực đoan thường dẫn đến độc tài và độc quyền; Cuồng tín thường dẫn đến bảo thủ và nhầm lẫn; Thù hận thường dẫn đến bạo lực và xung đột; Tham lam thường dẫn đến tham nhũng và chiếm đọat. Muốn chống khủng bố, phải chống tất cả những thái cực nguy hiểm đó, là nguồn gốc của mọi tai họa trên đời này.

Kết luận

Vì cực đoan dựa vào sức mạnh cứng, vô cảm và bạo lực hay dẫn đến xung đột và chiến tranh, nên hòa giải và hòa hợp đòi hỏi lòng nhân ái và vị tha, thái độ ôn hòa và thiện chí. Chỉ có sự tử tế và ôn hòa mới giúp ta vượt qua được chấp và ngã, mới tạo ra sức mạnh mềm để hóa giải hận thù và định kiến, ngăn ngừa bạo lực và tội ác. Nói cách khác, muốn biến gánh nặng của quá khứ thành vốn quý cho tương lai, phải “biến lưỡi gươm thành lưỡi cầy”.

Chắc loài người vẫn chưa quên thảm họa diệt chủng tại Campuchia do Khmer Đỏ gây ra, có bàn tay của Trung Quốc, do bóng ma của chủ nghĩa Mao đầy cực đoan và bạo lực xô đẩy. Chính vì vậy mà người Myanmar đã quyết dân chủ hóa để thoát Trung. Những gì đang diễn ra tại Biển Đông là sự tiếp nối hay lặp lại của lịch sử, nhưng đầy thách thức mới.

Chỉ có dân chủ hóa và thoát Trung mới thoát khỏi định mệnh như cái vòng kim cô về ý thức hệ đã kìm hãm và kéo lùi lịch sử Viêt Nam nhiều thập kỷ. Biển Đông vừa là nguy cơ có thể mất chủ quyền, vừa là cơ hội để thoát Trung. Việt Nam đã bỏ qua nhiều cơ hội đổi mới. Vì vậy, phải đổi mới thể chế chính trị đã lỗi thời trước khi quá muộn. Cụ Hồ chắc chắn sẽ phù hộ dân tộc đổi mới vì “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

19/5/2017

N.Q.D.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 19-5-17

Nguồn: http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_CucDoan.htm

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.