Phạm Đoan Trang
Tính đến tháng 3/2017, cả nước có gần 900 tờ báo và tạp chí in; 67 đài phát thanh-truyền hình trong đó có các đài quốc gia VTV, VTC, An ninh TV, PTTH Quân đội, TH Nhân dân; hơn 100 báo và tạp chí điện tử; hơn 1000 trang tin điện tử…
Số lượng thật đông đảo nhưng chất lượng thì… à mà thôi.
Luật Báo chí thì đã quy định rõ: “Báo chí ở nước CHXHCN Việt Nam… là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”. Báo chí có nhiệm vụ “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân”, “Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa… xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN…”.
Ý thức được rõ chức năng, nhiệm vụ công cụ đó của báo chí nên các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cũng như đội ngũ phò trợ của họ (công an, quân đội) lâu nay nghiễm nhiên coi báo chí là cái ống nhổ, tức là cơ quan ngôn luận của mình. Thường xuyên, các đồng chí ấy sai thư ký thổ ra những cái gọi là bài viết rồi gửi cho cơ quan báo chí tin cẩn, cơ quan này cứ thế mà cung cúc đăng, chẳng sửa một từ.
Nên mới có chuyện lãnh đạo tòa soạn lúc nào cũng hò hét phóng viên “viết ngắn thôi, mày định bôi ra để đếm chữ ăn tiền à?”. Nhưng văn phòng Thủ tướng, văn phòng Chính phủ, văn phòng Chủ tịch nước vẫn có thể gửi đăng các cái gọi là bài viết dài tới 2-3000 từ, in ra kín cả mấy mặt giấy, lại chẳng có thông tin gì và chẳng ra một thể loại bài vở gì nữa chứ. Vậy mà chẳng báo nào dám “lăn tăn”.
Quen mui xài ống nhổ có sẵn lại miễn phí, các đơn vị công an, dưới cái tên chung “cơ quan điều tra”, cũng hay gửi cái gọi là “thông cáo báo chí” đến các báo “nhờ” phối hợp đăng tải. Nhờ thôi, chứ không ép, nhá. Mọi công dân đều có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan điều tra để truy bắt tội phạm vì bình yên cuộc sống, vì an ninh quốc gia, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN… các đồng chí là nhà báo có ăn có học thì càng phải ý thức được về nghĩa vụ đó của mình hơn, cho nên là các đồng chí chủ động phối hợp, nhá.
Xưa mình cứ nghĩ, tội nghiệp cho các báo cứ phải đăng những thứ thổ tả ấy từ cơ quan điều tra và từ các cấp “lãnh đạo Đảng và Nhà nước”, mà chẳng theo một nguyên tắc báo chí nào, chà đạp lên đạo đức nghề nghiệp và nhiều khi ngang nhiên vi phạm nhân quyền. Nhưng từ chối đăng thì lại mệt, lại gặp rắc rối, nhất là với an ninh. Khổ cho các báo quá.
Nhưng bây giờ thì mình nghĩ, nói vậy chứ tờ báo nào cũng có quyền từ chối làm cái ống nhổ mà. Với lại, suy cho cùng, an ninh hay cơ quan điều tra hay lãnh đạo này khác chỉ “nhờ” thôi chứ có ép đâu. Cứ đăng mấy thứ nhảm nhí, bị độc giả chửi cho, lại đổ tại chuyện “bị ép” là sao?
————
PS. Phát lệnh truy nã toàn quốc, huy động cả dàn ống nhổ vào đưa tin “truy nã đối tượng”, thế mà vẫn không bắt được Bạch Hồng Quyền. An ninh Hà Tĩnh vậy là chưa hoàn thành nhiệm vụ, Đảng bộ Hà Tĩnh vậy là mất danh hiệu trong sạch vững mạnh rồi.
P.Đ.T.
Nguồn: FB Pham Doan Trang