Đó là câu hỏi do GS Trần Hữu Dũng đặt ra trên mạng viet-studies, nhân việc ĐCSVN cách chức Bí thư Thành ủy HCM của ông Đinh La Thăng và bổ nhiệm ông vào chức mới: Phó ban Ban Kinh tế TW. Quả tình tâm lý chung trong xã hội đối với việc này tỏ ra rất phân tán. Chỗ trớ trêu là một người phạm tội tày đình làm liêu xiêu nền kinh tế của đất nước, sau khi bị cơ quan kiểm tra đảng phát hiện và chính thức lên tiếng, vạch rõ tội trạng, những tưởng sẽ bị xử lý nghiêm minh, đâu ra đấy, ít nhất cũng tịch thu tài sản để bù đắp lại một phần nhỏ số tiền khổng lồ bị người đó đầu tư vung vãi, thì nào ngờ, tài sản không những không mất mà chức tước cũng chỉ… xê dịch một vài “hàng ghế” mà thôi.
Vở tuồng “hòa cả làng” diễn ra bài bản trong mấy ngày qua nói lên điều gì? Theo chúng tôi có mấy điểm đáng suy nghĩ:
1. Đối với vị TBT chủ trì các hội nghị xét kỷ luật ông Thăng, hình như ông ta vẫn theo đuổi mục tiêu “đánh chuột cố gắng giữ bình”. Việc đại sự ông ta vừa hoàn tất là cả một cố gắng về đường đi nước bước nhằm thể hiện tính nhất quán trong mối lo đại cuộc (lo cho đảng) của ông. Nhưng chính sự nhất quán ở đây lại hé lộ một tình thế muôn vàn nguy ngập: bản thân người cầm chịch công cuộc chống tham nhũng do mình phát động dường như cũng không còn làm thể nào xử lý được rốt ráo thủ phạm khi đã “bắt tận tay day tận trán” (vốn là điều kiện giúp lấy lại phần nào uy tín của đảng và làm yên lòng dân mà ông mơ ước bấy nay). Cơ nguy nhãn tiền là chỉ cần xử lý một “con chuột” cho đúng tội của nó thôi, e rằng cũng đủ làm cho đàn chuột… náo loạn đến vỡ bình. Như vậy, kết thúc là “đại đoàn viên” nhưng kỳ thực lại ngấm ngầm xác nhận mình đang lâm vòng thất thế. Đảng mà bấy lâu mình sắm vai đảng trưởng giờ đây thực là con ngựa bất kham, không sao còn điều khiển được nữa. Nó đã lồng lên, và nếu xét về mặt tổ chức thì cái tổ chức ấy đang trên chu trình vận động gần đến điểm mút chặng đường thành-trụ-hoại-diệt của một đảng theo đúng quy luật Phật giáo về mọi sự vật hiện hữu, khó có thể tiếp sức hà hơi để nó phục hồi.
2. Vì thế, dẫu có làm được mấy vụ như vụ Đinh La Thăng đi nữa, trong đời sống tinh thần của toàn xã hội nói chung, cũng chẳng tạo ra được một đổi thay đáng kể gì. Đối với giàn lãnh đạo đảng hiện tại, bao gồm cả BCT và BCHTU đảng, người dân vẫn nhìn ở một cự ly cách biệt và nhìn bằng con mắt nghi ngại, không vì những “vụ việc động trời” theo kiểu cách chức ồn ào trong nội bộ đảng mà mong xóa bỏ hay giảm thiểu đi được, giống như dân thườnọ nhìn những con chuột to bự, coi đấy đều là một duộc, chẳng thể phân biệt con nào đã chén đẫy và con nào chưa no. Dĩ nhiên khi sự mất mát niềm tin đã là xu thế, thì trước những chuyện “tưng lên hạ xuống” hình thức như vậy, người ta sẽ có thêm cơ hội để cảm nhận rõ hơn sự bất lực khốn khổ của bộ phận quyền lực cao nhất trong đảng cầm quyền. Và trong thâm tâm, hẳn không ai không mủi lòng thương hại cho những trò diễn mà chắc rồi đây sẽ còn được lặp đi lặp lại: cái trò cách những chức đã không còn nữa, hoặc cách chức này trao chức khác, nó chẳng qua là thủ đoạn né tránh, đánh chiếc áo thay cho người bị đánh, để rồi sau một loạt những cuộc ầm ỹ dư luận, mọi sự lại đâu vào đấy, lũ chuột đã “hạ cánh” cũng như chưa “hạ cánh” đều bằng chân như vại, tuy có dòm ngó nhau với nhiều nỗi nghi ngờ.
3. Và cũng bởi thế mà qua vụ Đinh La Thăng, trên FB đã có người ví von rằng Ban Kinh tế TW giống như cái Recycle Bin. Một ông Nguyễn Văn Bình một thời tung hoành trên lĩnh vực ngân hàng làm kẻ hộ vệ cho ông Ba X về tiền bạc, sau Đại hội 12 được thăng lên một nấc thang danh vị cao hơn, nhưng là để bị… “thảy” vào đấy. Một ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trải mấy năm chống cự với tình trạng thực phẩm nhiễm bẩn mà cũng chẳng xong chứ không nói đến những việc khác, cuối cùng để lại một vài phát ngôn bất hủ “Đa số thực phẩm của chúng ta an toàn nhưng nhân dân không biết”, và “Hải sản đánh bắt từ 20 hải lý trở ra đều ăn được”, rồi cũng đành chịu cho cấp trên “thảy” mình vào đấy. Thì giờ đây, một Đinh La Thăng ngã ngựa lại tiếp tục được Ban chấp hành TW “thảy” vào đấy luôn.
Người ta tự hỏi: Sao một người phá nát kinh tế của đất nước như ông Thăng mà nay lại đưa về Ban Kinh tế tối cao của đảng? Vậy thực chất Ban Kinh tế của đảng đóng vai trò gì ngoài vai trò “ga chờ” của những tội phạm sắp hạ cánh? Nếu là ga chờ thì đối với đảng, đó là chỗ ưu ái dành cho người đồng hội đồng thuyền đang thất cơ lỡ vận, hẳn nhiên là nơi ẩn náu an toàn. Còn đối với dân, liệu người dân có cùng một cách nhìn với đảng hay không? Hay là cũng như nhân dân mọi thời đại, trong lòng dân chúng thời hiện đại này vẫn tự xác lập một quy chiếu đạo lý riêng, không phải lúc nào cũng đồng nhất với hệ giá trị được coi là chính thống. Với quan điểm rạch ròi mà dân chúng hằng ấp ủ, thì phàm là người đã có tội với dân với nước, trước sau thế nào cũng phải đứng ra nhận tội thật sòng phẳng trước dân. Dù ông ta bà ta có được cất giấu đi đâu, có được chôn kín vào “thùng rác” (Recycle Bin), rồi đây, dân cũng sẽ mời họ ra đối chất đàng hoàng.
Nghĩ đến một kịch bản có vay có trả của sự đời như thế thì mới nhìn nhận ra đâu là lẽ công bằng. Đặt vào tình huống sẽ xảy đến trong tương lai chắc là không xa, những chiêu “hạ cánh” mà đảng ban cho thần tử của đảng, tuy là ưu ái thật, song không chắc đã có được hậu vận an toàn như các ngài mong muốn. Bởi lẽ, có đáng được ưu ái hay không, hạ hồi phải do dân quyết định.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng các Phó Trưởng Ban chúc mừng đồng chí Đinh La Thăng. Ảnh: Ban Kinh tế Trung ương (báo điện tử nước CHXHCNVN).
Xin mời bạn đọc đọc tiếp hai bài báo trích từ hai trang mạng khác nhau về vị trí địa lý (trong và ngoài nước), để thấy rõ hơn những góc nhìn đa chiều trước vụ việc hạ cánh của ông Đinh La Thăng.
Bauxite Việt Nam
1. Đinh La Thăng: Lãnh đạo thất sủng hạ cánh an toàn?
Cát Linh, phóng viên RFA
Ông Đinh La Thăng thời còn làm Bộ trưởng Giao thông, năm 2014. AFP photo
Đinh La Thăng: Lãnh đạo thất sủng hạ cánh an toàn
Tại Hội nghị trung ương 5 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 đến 10 tháng 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi chức Uỷ viên Bộ Chính trị. Ông Thăng sau đó phải thôi chức Bí Thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và được điều động về làm Phó Ban Kinh tế Trung ương.
Cách xử lý kỷ luật này được dư luận đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến sai phạm trong quá khứ của ông Đinh La Thăng khi còn là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN. Bên cạnh đó, cũng không thiếu những bàn luận xung quanh hình thức xử lý một lãnh đạo bị “thất sủng” như nhà nước Việt Nam thường áp dụng.
Thất sủng
Quyết định kỷ luật của Ban chấp hành Trung ương đối với ông Đinh La Thăng đã dẫn đến rất nhiều những tranh luận, bàn cãi trên mạng xã hội những ngày gần đây. Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, liên quan đến cá nhân ông Đinh La Thăng và hình thức xử lý kỷ luật.
Nhà báo độc lập, blogger Trương Duy Nhất cho biết trong dư luận có những ý kiến về việc thuyên chuyển ông Đinh La Thăng về làm Phó ban Kinh tế Trung ương.
“Cái sai phạm của ông Đinh La Thăng đến mức phải tước cái Uỷ viên Bộ chính trị là sai phạm về mặt kinh tế, điều hành kinh tế khi là Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Thế mà bây giờ lại điều ổng về làm Phó trưởng [ban] Ban Kinh tế Trung ương, thì không biết ổng điều hành kinh tế cái gì? Không lẽ sai phạm về mặt kinh tế lại đưa ra làm tham mưu về mặt chính sách của kinh tế Trung ương? Đó là điều khó hiểu”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) đã giải thể, có ý kiến hoàn toàn khác. Trước tiên, ông đưa ra nhận xét ở một khía cạnh được cho là “bên ngoài”, tính đến tính hiệu quả, nếu có, của việc thuyên chuyển Đinh La Thăng.
Bây giờ lại điều ổng về làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương…Không lẽ sai phạm về mặt kinh tế lại đưa ra làm tham mưu về mặt chính sách của kinh tế Trung ương? – Blogger Trương Duy Nhất
“Những người mà được gọi là bị thất sủng thì được nhồi vào các ban, bệ thực sự là vô thưởng vô phạt, có tính chất nghiên cứu. Còn tôi nghĩ rằng nếu ông Thăng là một người thông minh, có kinh nghiệm về kinh tế, thì tôi nghĩ làm Phó ban Kinh tế Trung ương, ông ấy có thể có nhiều ý tưởng hay ho?”
Vấn đề này được blogger Trương Duy Nhất gọi là cách bố trí nhân sự lâu nay trong Đảng.
“Cứ ông nào nếu thất sủng, mà hàm ở cấp cao, không biết đẩy vào đâu thì cứ nhét vào cái hàm phó ban của các bang đảng nào đó, vô thưởng vô phạt, như Ban Dân vận, Ban Kinh tế Trung ương.
Khi ông Đinh La Thăng về đó, về quyền lực thì thật sự chẳng có quyền lực nào cả. Ngồi chơi xơi nước”.
Ban Kinh tế Trung ương được thành lập với vai trò là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Hiện nay, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Nhưng theo ý kiến của blogger Trương Duy Nhất, vai trò và tiếng nói của ông Bình vốn đã không được mạnh, thì hiện tại với vị trí ‘Phó ban’ của ông Đinh La Thăng càng “nhạt nhoà’ hơn.
Blogger Trương Duy Nhất cũng nói đến trường hợp thuyên chuyển ông Nguyễn Bá Thanh từ Bí thư thành ủy Đà Nẵng ra làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương năm 2012 khi Bộ Chính trị quyết định lập Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương. Blogger Trương Duy Nhất cho rằng hai sự thuyên chuyển của ông Thăng và ông Thanh là hoàn toàn khác nhau
“Trường hợp Đinh La Thăng là trường hợp bị kỷ luật và thất sủng và đưa về cái ban kinh tế, vai trò của ban kinh tế đã yếu, lại làm phó ban thì vai trò ông Thăng gần như số o.
Ông Nguyễn Bá Thanh lúc đó khác. Ông được đưa ra làm Trưởng ban Nội chính, kiêm Phó ban thường trực của Uỷ ban phòng chống tham nhũng Trung ương Đảng. Quyền lực ông Thanh lúc đó rất to”.
Đường lối kinh tế của Đảng
Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng (giữa) trên chiếc Airbus A350XWB bay thử tại sân bay Nội Bài Hà Nội vào ngày 22 tháng 11 năm 2014. AFP photo
Sau khi cho rằng “đây là kết quả tất yếu của một cuộc đấu đá nội bộ vốn dĩ đã có từ rất lâu” thì Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang A bày tỏ việc buộc tội Đinh La Thăng là những “vấn đề nằm ở trên ngọn”.
“Tất cả những cái sai lầm hoặc những thất thoát mà ông ấy đã gây ra là do ông ấy đã thực hiện đường lối kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hay nói cách khác là cái nguyên nhân sâu xa để gây ra những lỗi lầm của ông Thăng, không phải là bản thân ông Thăng mà là đường lối của Đảng Cộng sản, mà những người to hơn ông Thăng rất nhiều đã xác định từ lâu rồi, mà ông Nguyễn Phú Trọng là một trong những nhân vật chính”.
Phát triển các tập đoàn kinh tế, lấy đó làm “quả đấm thép” và cho rất nhiều ưu ái để phát triển, là đường lối kinh tế của Đảng Cộng sản, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã đề cập.
“Ông Thăng chỉ là 1 người thừa hành, thực hành đường lối ấy mà thôi”.
“Khi rơi vào một bộ máy, một hệ thống như thế này thì có thể bản thân hệ thống nó làm tha hoá những người rất tử tế, rất thông minh, rất giỏi giang”.
Đối với quan điểm của ông, đấy là cái chính dẫn đến thất bại không phải chỉ riêng Đinh La Thăng mà ở tất cả các tập đoàn khác. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì với đường lối chính sách hiện tại của Đảng Cộng sản thì không có ông Thăng này cũng có ông Thăng khác vì ông Thăng không phải là nguyên nhân chính dẫn đến những thất bại ở một tổng công ty nhà nước.
Khi rơi vào một bộ máy, một hệ thống như thế này thì có thể bản thân hệ thống nó làm tha hoá những người rất tử tế, rất thông minh, rất giỏi giang – Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Theo như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong buổi bế mạc Hội nghị trung ương 5, “ông Đinh La Thăng có khuyết điểm và vi phạm rất nghiêm trọng công tác lãnh đạo, quản lý và công tác cán bộ” trong thời kỳ là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam”.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng có đề cập đến việc ông Thăng lấy tiền của PVN góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương rồi mất vốn vì ngân hàng này làm ăn thua lỗ. Số tiền bị tổn thất trong vụ rót vốn này lên đến 800 tỷ đồng.
Blogger Trương Duy Nhất cho rằng việc kỷ luật và hình thức kỷ luật đối với Đinh La Thăng là “thể hiện một quyết tâm sắt đá của ông Nguyễn Phú Trọng” đối với sai phạm của cá nhân ông Đinh La Thăng nói riêng và tập đoàn PVN nói chung. Tuy nhiên, ông cũng đặt ra một dấu hỏi:
“Nếu hồi tố trách nhiệm của ông Đinh La Thăng trong giai đoạn làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì cũng trong thời điểm đó, trách nhiệm của những cá nhân khác đối với nền kinh tài của quốc gia, rồi đối với những đổ bể của các tập đoàn kinh tế lớn khác cũng không thua kém như đổ bể của Vinashin, Vinalines?”
Vụ án Vinashin là một trong các vụ án kinh tế lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam, làm thất thoát khoảng 107.000 tỷ đồng. Một loạt các quan chức của Vinashin bị đưa ra xét xử với tội danh “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.
Trong khi đó, vụ án Vinalines, thông qua thương vụ mua ụ nổi 83M đã hư hỏng nặng. Ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT, Mai Văn Phúc, Tổng giám đốc và các đồng phạm đã cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại hơn 336 tỷ đồng.
Con đường quan lộ của ông Đinh La Thăng, người có những phát ngôn táo bạo như: “giành lại ngôi vị Hòn ngọc Viễn đông” cho Sài Gòn, hoặc lập đường dây nóng để nghe bức xúc của người dân… khi là Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh chính thức kết thúc sau 1 năm rưỡi, vào chiều ngày thứ Hai, 10 tháng 5.
Tuy nhiên, với quan sát của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông cho rằng cái chính của hình thức thuyên chuyển Đinh La Thăng là kết quả của “cuộc đấu đá không triệt để lắm” và nó sẽ khó có kết thúc thoả đáng vì theo ông, “triệt để lắm thì nó vỡ mất cái bình” theo đúng lời mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói trước kia về chiến dịch chống tham nhũng của đảng cộng sản là ‘đánh chuột tránh vỡ bình’.
C.L.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dinhlathang-disgrace-party-trip-cl-05112017073155.html
2. Kỷ luật ông Thăng: ‘Hạ cánh’ cũng không còn an toàn nữa…
(Tin tức thời sự) – Khái niệm “hạ cánh an toàn” sẽ không còn nữa. Kể cả một lãnh đạo đương chức ở một cấp rất cao cũng sẽ bị xử lý nếu để mắc sai phạm.
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn – Đà Nẵng đồng tình với những quyết định kỷ luật của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với ông Đinh La Thăng cũng như Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số cá nhân có liên quan tới những sai phạm tại đơn vị này.
Ông Đinh La Thăng được phân công làm Phó ban kinh tế Trung ương
Theo ông Sơn, việc kỷ luật một loạt cán bộ mắc khuyết điểm điều hành công việc trên cương vị của mình trong quá khứ như ông Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng cho thấy khái niệm “hạ cánh an toàn” đã không còn nữa. Kể cả một lãnh đạo đương chức ở một cấp rất cao cũng sẽ bị xử lý nếu để mắc sai phạm.
Ông Sơn cho biết, đó cũng là tinh thần chỉ đạo chung của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu.
Đây là dấu hiệu đáng mừng. Thái độ cương quyết, vụ việc được giải quyết rõ ràng, công khai minh bạch phần nào khẳng định quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong vấn đề làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Nhà nước, của Đảng, không có “vùng cấm” trong việc xử lý các cán bộ sai phạm.
Động thái này thể hiện sự nghiêm minh và tác động lớn đến những cán bộ đang nắm giữ những cương vị quan trọng cần phải cẩn trọng và có trách nhiệm với công việc lãnh đạo cũng như điều hành, đặc biệt trong công tác quản lý.
Theo ông Sơn, lâu nay người ta nói nhiều tới quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm nhưng nói mãi mà không làm được.
Ngoài vướng mắc về cơ chế điều hành, tổ chức như hệ thống tổ chức của Việt Nam hiện nay (Bộ thì quản lý ngành dọc, địa phương quản lý ngành ngang. Các Bộ quản lý chồng chéo), nên việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu không chỉ rất khó khăn, mà còn rất không công bằng.
Bên cạnh đó, tư duy “cứ hạ cánh”, nghỉ hưu coi như không còn phải chịu trách nhiệm, như thể một cái thở phào nhẹ nhõm sau khi đã phủi tay khỏi mọi nghĩa vụ với xã hội, phủi tay trước mọi hậu quả ở thời hiện tại khi đã rời nhiệm sở cũ. Việc đó gây nên bức xúc, không đồng tình từ phía nhân dân, gây tổn hại tới uy tín của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Vì vậy, quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Thăng hay ông Hoàng của Ban chấp hành trung ương chính là một thông điệp nhằm chỉnh đốn lại những khiếm khuyết trong công tác quản lý điều hành thời gian qua.
Đặc biệt nhằm chấn chỉnh lại tư duy nhiệm kỳ, lấy lại lòng tin của Đảng và chính phủ trong nhân dân.
Vị đại biểu đoàn Đà Nẵng rất chia sẻ với những băn khoăn của nhiều cử tri, khi bày tỏ sự thiếu yên tâm về những vụ việc đang được xử lý. Một trong nhiều băn khoăn trên có liên quan tới vấn đề quy trách nhiệm cho người đứng đầu.
Điểm khó nhất là việc xem xét rạch ròi giữa công và tội, giữa thành tích với những sai phạm của những vị cán bộ là lãnh đạo đứng đầu một đơn vị. Ông Sơn đồng tình cho rằng, không thể đẩy hết trách nhiệm cho những người đó vì cơ chế trách nhiệm cá nhân chưa được quy định rõ ràng.
Để quy được trách nhiệm các Bộ trưởng thì phải trao đủ quyền. Con người và chính sách phải là một thể thống nhất. Bộ trưởng được đúng thực quyền, về mặt chủ trương, có như vậy Bộ trưởng mới dám làm, dám quyết, dám chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, những chỉ đạo vừa qua cho phép chúng ta kỳ vọng vào một sự thay đổi mới. Chúng ta đang tiến tới đặt để một thể chế hành chính minh bạch hơn. Trước hết là việc xử lý đúng mức đối với những sai phạm của từng cá nhân mỗi người khi còn đảm nhận vị trí đó trước đây.
“Tôi cho đó là một dấu hiệu cho thấy chúng ta đang trên tiến trình hoàn thiện thể chế điều hành. Trong đó có nội hàm là xử lý trách nhiệm của từng người làm lãnh đạo ở từng cấp, từng ngành. Và tôi tin, trong thời gian sắp tới việc hoàn thiện thể chế cần phải được đặt ra ở mức cao hơn nhằm đảm bảo việc quản lý điều hành đạt hiệu quả cao hơn. Có như vậy vấn đề xử lý trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu cũng dễ dàng, minh bạch hơn”, ông Sơn nói.
H.A.