Nhận xét về thuỷ điện Păk-Beng

Tô Văn Trường

Chuyên gia độc lập về Tài nguyên nước và Môi trường

1. Thông tin chung

Theo tôi hiểu, chiến lược phát triển kinh tế xã hội đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dựa trên Tầm nhìn chung là:“Quản lý thiên tai một cách hiệu quả, sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý, vì một ĐBSCL kinh tế ổn định và thịnh vượng, môi trường đa dạng và bền vững”.

ĐBSCL nằm ở hạ lưu, cho nên các chương trình, kế hoạch phát triển ở các nước thượng lưu đều có tác động ảnh hưởng đến hạ lưu. Việc nghiên cứu bài bản, khoa học tình hình hoạt động của các các nước thượng lưu đặc biệt là hệ thống thủy điện tác động đến đến ĐBSCL là việc làm rất cần thiết.

Sông Mekong là một trong mười con sông có dòng chảy lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng có chiều dài hơn 4.800 km, diện tích lưu vực 795.000 km2, lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 15.000 m3/s và tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỷ m3 tại châu thổ, chảy qua lãnh thổ của 6 quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Sự phân bố dòng chảy trong lưu vực sông Mekong:

————————————————————————————

Nước Tỷ lệ diện tích Tỷ lệ dòng chảy

lưu vực (%) đóng góp (%)

————————————————————————————

Trung Quốc 21 16

Myanmar 3 2

Lào 25 35

Thái Lan 22 18

Campuchia 20 18

Việt Nam 9 11

————————————————————————————

Nguồn: Ban Thư ký, Uỷ hội sông Mekong (MRC)

Đây là nơi sinh sống của khoảng 70 triệu người và có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế của các nước ven sông. Lưu vực sông Mekong có tiềm năng thuỷ điện rất lớn và phát triển thuỷ điện ở khu vực này có khả năng sẽ tăng lên đáng kể trong những thập kỷ tới.

Có 2 xu thế quan điểm xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong. Những người ủng hộ cho là con người ngày càng đông, kinh tế ngày càng phát triển, mọi nhu cầu cho con người và cho phát triển kinh tế đều cần nước, do đó phải xây dựng đập thủy điện là loại năng lượng sạch, tái tạo được, đập có tác dụng để trữ nước, phát điện, cắt lũ và điều tiết nước trong mùa khô cho hạ lưu.

Những người phản đối xây đập thủy điện, ngày càng gia tăng, lên án mạnh mẽ đập thủy điện làm ngập đất, rừng, dân cư phải di dời, làm thay đổi chế độ dòng chảy, và môi trường sinh thái. Xét về dòng chảy mùa kiệt, mùa lũ và tổng lượng nước năm lưu vực sông Lancang (tên sông Mekong tại Trung Quốc) tính đến biên giới Trung Quốc chiếm khoảng 1/4, 1/5 và 1/6 dòng chảy mùa kiệt, mùa lũ và tổng lượng nước năm sông Mê Công tại Kratie.

Như vậy, việc khai thác sử dụng tiềm năng thuỷ điện lưu vực sông Lancang chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến lượng nước, nông nghiệp, thuỷ sản, giao thông thuỷ và môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Mekong, nhất là đối với các nước Lào, Thái Lan, Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Các đập thủy điện ở Trung Quốc và các hồ chứa ở Tháí Lan, Lào và Campuchia sẽ làm chậm tốc độ dòng chảy thiên nhiên của sông, làm bồi lắng một lượng phù sa lớn tại hồ, thay đổi động lực dòng chảy gây xói lở các đoạn sông hạ lưu, đập chắn đường đi cho chu trình sinh sản, đồng thời cũng làm thay đổi chế độ phù du, dinh dưỡng sông ảnh hưởng đế chu trình sinh sản và sinh trưởng của các loài cá, tác động đến sinh kế của người dân ven sông. Xin lưu ý riêng lượng phù sa từ thương nguồn Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng lượng phù sa của sông Mekong. Tại ĐBSCL hàng năm người dân vẫn mong lũ về (còn gọi là mùa nước nổi) để khai thác thủy sản, vệ sinh đồng ruộng, lấy phù sa. Chỉ riêng các tỉnh trong vùng ven biên giới Việt Nam-Campuchia, mùa nước nổi hàng năm cũng thu nhập khoảng 4.500 tỷ đồng.

Dự án thủy điện Păc-Beng trên dòng chính Mekong nằm giữa tỉnh Oudomxay và Xayabury thuộc tỉnh Oudomxay Lào cách thủ đô Vientiane hơn 600 km về phía thượng lưu có công suất thiết kế 912 MW là công trình thủy điện thứ ba được thực hiện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong sau các công trình Xayabury và Donsahong.

Vị trí thủy điện Pakbeng trong 11 thủy điện dòng chính hạ lưu vực Mê Công

2. Về mặt pháp lý

Về mặt pháp lý, liên quan đến PNPCA và Hiệp định Mekong (MRS 1995), Lào phải thông báo dự án “kịp thời” cho các nước khác và không được tiến hành xây dựng dự án khi chưa tham vấn thỏa đáng. Tuy nhiên, Lào thông báo sau khi đã thực hiện nhiều bước chuẩn bị thi công và hiện đang tiến hành các hoạt động tại hiện trường coi như “tiền trảm – hậu tấu”.

Một vấn đề cần quan tâm nữa là Ủy ban Mekong quốc gia cũng cần tổ chức tham vấn “nội bộ” kịp thời với các cơ quan, các NGO/CSOs và các nhà khoa học trong nước để có tiếng nói chung đưa ra trong tham vấn vùng.

Theo kế hoạch VNMC tổ chức tham vấn trong nước tại Hà Nội ngày 5-5 và tại Cần Thơ ngày 12-5-2017, trong khi đó MRC tổ chức Diễn đàn tham vấn với các bên liên quan lần thứ hai (2nd Stakeholders Forum) tại Vientiane cũng trùng vào ngày 5-5-2017. Mặc dù còn nhiều kênh để phản ánh ý kiến của quốc gia nhưng nếu tham vấn trong nước tổ chức trước khi có hội thảo vùng ở Lào thì vẫn logic hơn.

3. Phương pháp luận trong nghiên cứu

Báo cáo đánh giá kỹ thuật Dự án thủy điện Păc-Beng do nhóm chuyên gia quốc tế và chuyên gia của Ủy hội sông Mekong quốc tế soạn thảo nhằm hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong quá trình thảo luận và tham vấn trước của các quốc gia thành viên.

Báo cáo tập trung đánh giá các tài liệu kỹ thuật về Dự án thủy điện Păc-beng do Chính phủ Lào nộp cho Ủy hội sông Mekong quốc tế (bao gồm 22 tài liệu về nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường và xã hội, v.v…) nhằm đưa ra các thông số kỹ thuật, các tác động tiềm tàng và giải pháp khắc phục, góp phần đạt được sử dụng công bằng, hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên nước giữa các quốc gia trong hạ lưu vực sông Mê Công.

Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong (MRCS) đã thành lập sáu (06) nhóm chuyên gia để thực hiện việc đánh giá, cụ thể như sau: (1). Nhóm Thủy văn (HEG); (2). Nhóm Phù sa bùn cát (SEG); (3). Nhóm Thủy sản, đường cá đi và các hệ sinh thái thủy sinh (viết tắt là FEEG); (4). Nhóm Giao thông thủy (NEG); (5). Nhóm Kinh tế – Xã hội (SOEG); và (6). Nhóm An toàn đập (DSEG).

Các nhóm chuyên gia nêu trên đều bao gồm các chuyên gia có uy tín trên thế giới về lĩnh vực của mình, phối hợp cùng với các cán bộ kỹ thuật của Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong và một số chuyên gia của các quốc gia thành viên Ủy hội.

Với một quá trình chi tiết và chặt chẽ như vậy, việc thảo luận ở hội thảo cần phải khách quan và cụ thể để tôn trọng tính chuyên nghiệp. Có 2 vấn đề được đặt ra cần trả lời:

• Điểm quan trọng là việc đánh giá có theo đúng tiêu chuẩn quốc tế hay không? Nhất là việc so sánh kết quả giữa những “phương pháp luận” và “mô hình” khác nhau, có ăn khớp nhau không?

• Số liệu cơ bản (nền) cần được kiểm chứng khi sử dụng số liệu nơi khác, ví dụ số liệu tại Luang Prabang cho Păk-Beng, cần được kiểm chứng với số liệu thu thập mới tại Păk-Beng. Đối với một dự án lớn như Păk-Beng mà không có số liệu Păk-Beng cho những lãnh vực mà các quốc gia quan tâm thì khó có thể chấp nhận được.

4. Các “lỗ hổng” về số liệu cơ bản và mô hình

Qua nghiên cứu các tài liệu, tôi nhận thấy các thông tin, số liệu của phía Lào cung cấp còn nhiều bất cập. Cụ thể như sau:

– Chuỗi số liệu thuỷ văn theo 2 thời kỳ 60-85 và 85 đến nay không phân tích nói về sự đồng nhất số liệu?

– Số liệu chủ yếu ngoại suy từ trạm Cảnh Hồng của Trung Quốc không đủ độ tin cậy để phân tích đánh giá.

– Thiếu tài liệu cơ bản. Người đọc không hình dung hết được hệ thống trạm cố định, trạm đo của dự án… Các tài liệu, số liệu lịch sử đều không rõ ràng và sử dụng tài liệu nào phục vụ tính toán, thậm chí cho thiết kế công trình.

– Không rõ các loại mô hình sử dụng trong tính toán. Sử dụng mô hình thuỷ lực 2 chiều nhưng không nói rõ mô hình gì, không có hiệu chỉnh và kiểm chứng? Thiếu hoặc không có thông tin về việc xây dựng (đặc biệt là các yếu tố sông nhánh, công trình trên sông,…). Không rõ số liệu đầu vào và chuỗi thời gian mô phỏng, tham số mô hình. Việc làm này tối thiểu phải có Phụ lục hoặc phải có báo cáo riêng kèm theo.

– Việc xây dựng tần suất phục vụ tính toán cũng như thiết kế đều chưa thể hiện độ tin cậy, nhất là việc trước và sau khi có hồ thượng nguồn tham gia điều tiết.

– Tiêu chí thiết kế đập mới đạt 17/21, đặc biệt thiết kế tối ưu về phát điện nhưng chưa quan tâm đúng mức về xả bùn cát.

– Về vấn đề bồi lắng, phù sa thực sự rất phức tạp, không dễ nghiên cứu kể cả về mặt lý thuyết và thực tế. Ngày nay, các nhà khoa học đã làm chủ được công nghệ các mô hình toán về thủy văn, thủy lực, cân bằng nước nhưng vấn đề nghiên cứu về bùn cát, bồi lắng chưa có một mô hình nào thực sự hữu hiệu để mô phỏng sự bồi lắng, di chuyển bùn cát cho đúng với thực tế. Về mặt thực tế, số liệu đo đạc về bùn cát, bồi lắng cũng không phải được đầy đủ như số liệu về các yếu tố khí tượng, về mưa, về dòng chảy, mực nước.

– Không có đánh giá định lượng về bùn cát trước và sau khi có đập. Khả năng bồi lắng rất lớn nếu xây đập, đồng thời hạ lưu sẽ thiếu cát lớn gây xói lở, tuy nhiên không có phân tích, tính toán cụ thể. Ở đây có phần thiếu sót lớn về đánh giá bùn cát đến thông qua dòng chảy từ trên lưu vực, nội dung này quá nghèo thông tin.

– Cần quan tâm đến cống xả cát là một hạng mục của cụm công trình đầu mối ở các đập, có nhiệm vụ chủ yếu là xả bùn cát lắng đọng dưới mức nước chết trong hồ chứa. Ngoài ra, khi cần thiết, nó còn được dùng để tháo cạn hồ (sửa chữa đập, tận dụng lượng nước dưới mức nước chết cho các nhu cầu dưới hạ du), và tham gia xả lũ.

Khi thiết kế công trình đập dâng người ta hay xét đến vấn đề bồi lắng lòng hồ và phù sa cho hạ lưu, đây không chỉ là vấn đề môi trường mà còn với mục đích tăng tuổi thọ của công trình. Tuy thế, cũng gặp không ít vấn đề vì chưa hiểu hết quy luật vận chuyển bùn cát trong hồ chứa nên có khi xây dựng xong hồ chứa, đưa vào vận hành mới thấy cống xả cát đã thiết kế không có tác dụng.

Việc bố trí cống xả cát ở vị trí nào cho hợp lý, xả cát vào lúc nào là hữu hiệu là rất quan trọng. Thông thường với các hồ chứa kiểu hồ (có bụng hồ), có dung tích lớn khi nước chảy vào hồ tốc độ dòng chảy giảm nên cát thô thường lắng đọng ngay ở cửa vào. Với hồ chứa kiểu sông, xây đập dâng, dung tích bé thì bùn cát có thể lắng đọng ngay chân đập lợi dụng những trận lũ lớn mở cống xả cát để giảm bớt sự bồi lắng lòng hồ. Về thời điểm xả cát thường sau một mùa khô những trận lũ đầu mùa có lượng ngậm cát lớn nếu có lũ, cần tranh thủ xả cát.

– Mô hình vật lý của thủy điện Păc-Beng chỉ thí nghiệm cục bộ ở khu vực công trình. Nhẽ ra, phải kéo dài hơn về thượng lưu và hạ lưu vì sẽ xảy ra nhiều vấn đề liên quan dòng chảy, bồi xói thượng hạ lưu đập. Ví dụ khi có công trình hoạt động: khi đóng tích nước phát điện thì toàn bộ thượng lưu vận tốc giảm và bồi tụ sẽ kéo rất dài về thượng lưu (Hình 7.1-7.2, trang 20).

– Về các dữ liệu đầu vào thí nghiệm: Dữ liệu lưu lượng Q xả cần làm rõ xây dựng dựa trên dữ liệu đo đạc chuẩn như thế nào? Vì nó sẽ ảnh hưởng lớn đến công trình thiết kế. Cái này ở báo cáo chính cũng trình bày rất sơ sài và hơn nữa dữ liệu chưa đầy đủ.

– Thí nghiệm hình thái, không rõ cách làm thí nghiệm của Lào? Với vận tốc trước đập nhỏ không đủ để đẩy hết bùn cát lắng đọng cách đập một đoạn như vậy. Chỗ này thường dễ bị nghi ngờ, nên với những đơn vị thẩm định về nguyên tắc phải cho thí nghiệm lại để đánh giá (đối với những dự án đặc biệt có ảnh hưởng lớn đến hạ du).

Về cơ bản, phía Lào và người thiết kế giấu nhiều về thủ thuật thí nghiệm mô hình vật lý nên việc trình bày rất tóm tắt.

– Ở đây còn có vấn đề về âu thuyền, việc thiết kế tính toán cần được xem xét tính tối ưu với âu thuyền đơn cấp hoặc 2 cấp và vấn đề về thủy sản đối với cá di cư thuận và ngược dòng qua đập? v.v…

5. Hành động trước khi xây dựng dự án

Ban Thư ký Ủy hội Sông Mekong (MRCS) đóng vai trò quan trọng trong cơ chế chuẩn bị cho JC (Ủy ban liên hợp) và Council (Hội đồng) xem xét, phê chuẩn kết quả tham vấn về dự án này. MRCS cần chủ động bảo đảm tính chấp nhận được của các báo cáo nghiên cứu nhằm tránh các áp lực chính trị trên quyết định của JC hay Council.

Do đó, MRCS cần bảo đảm việc thi hành các kiến nghị của thảo luận cho đến khi chấp nhận được và do đó xác định tiêu chuẩn của sự chấp nhận. Các cuộc thảo luận cần đưa ra cụ thể các điểm nói trên, nhất là khẳng định vai trò cụ thể của MRCS trong lĩnh vực này.

Nếu qua tham vấn (cả ở cấp quốc gia và cấp vùng), có quá nhiều kiến nghị, đề xuất thì cần sàng lọc, ưu tiên những kiến nghị quan trọng/then chốt nhất để thực hiện trước. Tránh trường hợp phía Lào cho rằng các nước đưa ra quá nhiều nội dung để trì hoãn, kéo dài quá trình tham vấn.

6. Hành động sau khi xây dựng dự án

Đề nghị nên nghiên cứu cơ chế cho việc theo dõi và quyết định cho việc thực hiện các quyết định. Trên nguyên tắc, vấn đề này thuộc chức năng của MRCS, nhưng trên thực tế MRCS dưới sự giám sát của JC trở nên yếu kém vì vai trò chính trị của JC.

Do đó, nên có một cơ chế chuyên nghiệp không bị kiềm chế của JC nhằm bảo đảm tính độc lập và chuyên nghiệp của việc theo dõi và kiểm soát việc thực thi các quyết định kỹ thuật.

Ở cấp Chính phủ cần xem xét, đánh giá việc ta có nên mua điện của Lào và giúp bạn thực hiện dự án thủy điện Luabrabang hay cứ để mặc cho Trung Quốc thiết kế và đầu tư, khi đó tất cả hệ thống vận hành các nhà máy thủy điện trên sông Mekong đều nằm trong tay Trung Quốc.

7. Vai trò trách nhiệm của Ủy ban sông Mekong Việt Nam.

Việc các nước ở thượng lưu sông Mekong tiến hành xây dựng các đập thủy điện để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế là xu thế không thể đảo ngược. Sông Mekong là sông quốc tế nên rất cần có tiếng nói chung của các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học để minh chứng cho các lập luận về nguyên tắc chia sẻ nguồn nước. Hay nói cách khác con sông Mekong có thể quanh co nhưng thái độ hợp tác của các nước ven sông phải rõ ràng, minh bạch vì quyền lợi chung của cả lưu vực.

– Ủy ban sông Mekong Việt Nam cần tập hợp phân tích các ý kiến, chú trọng các điểm mấu chốt nhất để phù hợp với thời gian cho JC thảo luận

11 sơ đồ bậc thang ở hạ lưu Mekong. Lưu ý kể cả thiết kế và đầu tư xây dựng các hệ thống công trình thủy điện ở Lào, Campuchia đều có bàn tay của Trung Quốc. Lào đã thực hiện 3 công trình Xayabury, Don Sahong và bây giờ là Pac-Beng là minh chứng.

Nếu VN cứ ra mặt phản đối cũng không được vì không có quyền “veto” (phủ quyết) nên chăng phải tìm giải pháp các bên đều có thể chấp nhận được hay nói cách khác là Win-Win.

– Lào và Việt Nam có quan hệ đặc biệt do đó vai trò chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban sông Mekong Việt nam có nhiệm vụ tư vấn cho Bộ Tài nguyên & môi trường, Chính phủ, một đối sách tổng thể không chỉ dự án Păc-Beng mà cả toàn bộ kế hoạch phát triển thủy điện trên sông Mekong. Chính sách này phải được chia sẻ, có sự tham gia, đồng thuận của người dân và chính quyền của các tỉnh ở ĐBSCL.

– Tăng cường vai trò và tiếng nói của người dân, các nhà khoa học, nhà quản lý ở ĐBSCL tham gia vào hợp tác Mekong nói chung và phát triển thủy diện chia sẻ lợi ích, phát triển bền vững, v.v…

– Ủy ban sông Mekong Việt Nam sau nghiên cứu MDS, thì tiếp theo phải làm cái gì, như thế nào, khi nào trước xu thế phát triển thủy điện ở thượng lưu? Cần có kế hoạch chương trình phối hợp với MRCS, theo dõi giám sát tác động, tích lũy, xuyên biên giới trước hoạt động phát triển ở thượng lưu, đặc biệt là phát triển thủy điện.

Kết luận và kiến nghị

Trong tương lai, có lẽ chỉ tương lai gần, thế giới sẽ phải đối phó với cuộc khủng hoảng về nước, không hẳn chỉ vì thiếu lượng nước để dùng, mà còn vì chất lượng nước tồi tệ đến mức không sử dụng được. Ban đầu là con người không thể uống được, kế đến là không thể nuôi trồng thủy sản và tiếp nữa là không thể tưới tiêu. Câu ta thán nổi tiếng của người phương Tây “Water, water everywhere, not a drop to drink” (Nước, nước ở mọi nơi, nhưng không một giọt uống được) nếu không có các biện pháp đối phó thích hợp thì chẳng bao lâu sẽ trở thành hiện thực ở vùng Châu thổ sông Mekong!

Về kỹ thuật và khách quan mà nói, nếu chỉ riêng công trình Păc-Beng thì ảnh hưởng đến Việt Nam là nhỏ. Bản thân đồ án cũng chỉ tính phạm vi về hạ lưu 500 m, trong khi cách xa ta đến gần 2000 km, nhưng tổ hợp tác động lũy tích của hệ thống thủy điện sẽ gây ra tác động lớn về hạ lưu.

Mối lo ngại lớn nhất là Trung Quốc đã có kế hoạch nhảy vào đầu tư các công trình thủy điện Ban Koum, Latsua, Stung Treng và Sambor, được xem là chiếm 50% diện tích lưu vực ở phía hạ lưu và có tác động lớn trực tiếp đến nguồn nước, phù sa và thủy sản của ĐBSCL.

Nếu có các giải pháp đánh đổi “trade-off” với Campuchia thì tốt nhất là không xây dựng các đập thủy điện Stung Treng và Sambor.

Trước mắt, trên phương diện “ngoại giao” ta cần yêu cầu họ có các biện pháp cần thiết như:

(1) Cần làm rõ lộ trình thực hiện các công trình thủy điện trên dòng chính thuộc Lào để có được các đánh giá đầy đủ lũy tích của các công trình thủy điện trên dòng chính một cách đầy đủ.

(2) Cung cấp thông tin quá trình xây dựng và vận hành, các số liệu quan trắc phục vụ công tác dự báo, cảnh báo hạ lưu.

(3) Phải xây dựng công trình cá đi để đảm bảo an toàn cho sự di trú và sinh sản một số loài.

(4) Phải xây dựng công trình xả cát để có thể vận hành flushing đảm bảo nguồn bùn cát xả xuống hạ lưu (hạng mục này thường bị bỏ qua để tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng rất quan trọng mà nhiều người dưới hạ du chỉ biết kêu mà không biết yêu cầu họ phải thực hiện).

(5) Vấn đề của ta, ngoài việc kêu gọi các nước thượng lưu hợp tác giảm thiểu tác động xấu cho hạ du thì cần phải tìm cách sử dụng nguồn nước có hiệu quả nhất (hay còn nói hoa mỹ là sử dụng nước thông minh). Thay vì ngồi đó mà than vãn, lên án, hãy bắt tay vào những hoạt động nghiên cứu KHCN và xây dựng chính sách sử dụng nước cho phát triển một cách khôn ngoan nhất.

Vấn đề này phải trở thành nhận thức của các cấp quản lý và các nhà chuyên môn. Mô hình cân bằng nước xưa nay lấy xuất phát từ “water demand” đã lạc hậu nhiều năm rồi. Phải thay đổi tư duy từ việc đưa ra kế hoạch sản xuất rồi bắt ngành tài nguyên nước và thuỷ lợi làm các công trình đáp ứng. Đã đến lúc phải tính toán dựa vào khả năng của nguồn nước (kể cả do các yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tác động của thủy điện thượng lưu) để làm bài toán bố trí lại cơ cấu sản xuất kể cả yếu tố thị trường cho phù hợp với thực tế.

Xin mượn lời Giáo sư Kader Asmal, Bộ trưởng Giáo dục Nam Phi, Chủ tịch Ủy ban thế giới về đập để kết luận cho bài viết này:”Có lẽ bạn nhìn thấy một công trình bằng bê tông nhẵn nhụi, có hình dạng parabol, dường như nó phát điện-nguồn điện rẻ tiền chạy qua tuốc bin ở dưới đáy. Các kỹ sư tôn thờ nó, các nhà sinh thái nguyền rủa nó, các bộ lạc thổ dân bị mất nền văn hóa vì nó. Ngành đánh cá địa phương đổ xô vào sau khi công trình hoàn thành, nhưng lũ lụt lại giảm bớt. Con đập không làm ô nhiễm không khí và nguồn nước còn cung cấp cho các đô thị lân cận, biến đất cằn thành đất canh tác mầu mỡ, con người và động vật phải di dời, nhưng lợi nhuận kinh tế mang lại thực sự có giá trị. Con đập chính là hiện thân tham vọng của các chính khách, nhưng khi họ tiếp cận các kế hoạch đầy tham vọng trên, những người e sợ giương cao khẩu hiệu như “hãy cứu con sông thân yêu của chúng ta”.

Viết tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/5/2017

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.