Pháp „tiến lên“ với tân Tổng thống Emmanuel Macron!

Vũ Ngọc Yên

Xong ! Nã-Phá-Luân đệ Tứ (ấy là nói khía cạnh tuổi trẻ tài cao của chàng thôi) đã thắng cử.
Pháp trường (ấy chết, Chính trường nước Pháp) còn nhiều chuyện phía trước, nhưng mụ phát-xít mị dân đã bị đo ván, cũng đáng uống một ly. Xin mời!

Hà Dương Tường

Năm 2002 tôi có trả lời RFI bày tỏ lo ngại nếu Le Pen cha thắng cử. Năm nay tôi cũng lo sợ nếu Le Pen con thành Tổng thống Pháp quốc. Ơn giời, E. Macron đã thắng. Trước hết, cứ hãy uống một ly cognac mừng chàng ấy và dân Pháp cái đã, anh Ha-Duong Tuong.

Phạm Xuân Nguyên

 

Sự kiện Emmnuel Macron trở thành tân Tổng thống trẻ nhất của nước Pháp (39 tuổi) cho thấy một điều là ở những đất nước tự do nếu bạn có tài thì bạn sẽ được trọng dụng.

Dù Đảng Tiến lên của Macron chỉ mới thành lập được 1 năm và Macron cũng không cần phải thâm niên 60 hay 70 năm tuổi đảng nhưng vì dân Pháp quá ngán ngẩm những vị đứng đầu các đảng lớn của họ mà từ xưa đến nay chỉ được cái tài nói giỏi nhưng kinh tế nước Pháp vẫn ngày càng đi xuống.

Nhưng điều đáng nói trên hết là trong xã hội dân chủ, người dân có thể đi bầu chọn người lãnh đạo mà họ tin là sẽ phục vụ tốt cho đất nước của họ, nếu Macron làm không tốt thì nhiệm kì sau dân Pháp sẽ hô “biến”, như họ đang trừng phạt các đảng trước đây bằng cách chọn Emmanuel Macron.

Không bao giờ có chuyện Đảng Tiên tiến hoặc đảng Xã hội hay Đảng UMP là đảng duy nhất lãnh đạo nhân dân Pháp.

Chúc mừng Emmanuel Macron cầm được tấm thẻ Tổng thống có giá trị 5 năm.

Trần Thái Hòa

Khoảng 47 triệu cử tri được kêu gọi tham dự cuộc  bầu cử ngày 7.5.2017 để chọn ra Tổng thống mới lãnh đạo nước Pháp 5 năm tới. Đây được coi là cuộc bầu cử gay cấn nhất trong lịch sử nước Pháp từ trước tới nay và sự lựa chọn của cử tri sẽ quyết định vận mệnh nước Pháp đi theo một trong hai chủ trương phát triển trái ngược, do hai ứng cử viên, một người theo đường lối ủng hộ toàn cầu hóa và đoàn kết với Liên minh Âu châu (EU) là cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron của Phong trào Tiến lên (En Marche! – EM) và một người theo xu hướng hữu khuynh dân túy,chủ trương rời EU và dẹp bỏ đồng tiền chung châu Âu (Euro) là Cựu Chủ tịch Đảng Mặt trận Quốc gia (Front national-FN) Marine Le Pen.

Tranh một chức vụ – hai viễn kiến chính trị

Emmanuel Macron 39 tuổi, tốt nghiệp Trường Hành chánh Quốc gia (École Nationale d´administration ENA) năm 2004, chuyên viên Ngân hàng đầu tư Rothschild. Từng là một đảng viên của Đảng Xã hội (2006-2009) thuộc cánh hữu, Macron được Hollande bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế vào năm 2014. Tháng 11.2016 Macron tuyên bố ra tranh cử Tổng thống Pháp dưới ngọn cờ của Phong trào Tiến lên En Marche!, một phong trào do ông thành lập vào tháng 4 năm 2016. Macron chủ trương hợp tác với Đức, cải tổ cơ cấu EU, khuyến khích thương mại tư do và chống các chính sách bảo hộ kinh tế. Về mặt kinh tế, Macron sẽ hỗ trợ kỹ nghệ cải thiện khả năng cạnh tranh và sẽ sa thải 120.000 người trong guồng máy nhà nước để tiết kiệm ngân sách. Về vấn đề người ngoại quốc nhập cư, Macron hỗ trợ các chính sách mở cửa. Macron cho rằng di dân có tác động tích cực về kinh tế. Về chính sách tị nạn, ông đòi hỏi “thời gian cứu xét  được rút ngắn và những ai không được công nhận tị nạn, phải bị trục xuất ngay lập tức“. Cựu Bộ trưởng Kinh tế, ứng cử viên Macron được nhìn nhận là trẻ trung, năng động và được kỳ vọng là nhân vật có khả năng vực dậy nền kinh tế Pháp. Những người ủng hộ xem ông là “Kennedy của Pháp”, một chính trị gia có khuynh hướng xã hội phóng khoáng thân EU (europhile).

Marine Le Pen 48 tuổi, hành nghề Luật sư 1992-1998, Nghị sĩ Nghị viện Âu châu kể từ năm 2004 sau giữ chức Chủ tịch Mặt trận Quốc gia (FN) kể từ  năm 2011. Năm 2012, ứng cử Tổng thống và về vị trí thứ ba trong cuộc bầu cử với 17,90% phiếu bầu, sau François Hollande và Nicolas Sarkozy.  Được mô tả là có cá tính, ít cực đoan, vì Marine Le Pen đã cải thiện hình ảnh của Đảng Mặt trận Quốc gia, thông qua việc thay thế các vị trí và xây dựng lại đội ngũ, đồng thời trục xuất các đảng viên bị cáo buộc là phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, hay ủng hộ phát xít.

Trong  chương trình tranh cử, Marine Le Pen có ý định đưa nước Pháp ra khỏi Bộ chỉ huy quân sự NATO, thay thế Liên minh châu Âu (EU) bằng một “liên minh các quốc gia châu Âu tự do và có chủ quyền”, theo đó các quốc gia tự định đoạt tương lai của mình, kiểm soát biên giới và có đồng tiền riêng phù hợp với nền kinh tế để tránh tình trạng thất nghiệp. Le Pen hứa hẹn về tăng trợ cấp xã hội, giảm tuổi nghỉ hưu xuống 60. Bà vẫn giữ tư tưởng bài ngoại, phản đối nhập cư, phản đối tự do thương mại.

Marcron – Tân Tổng thống trước những vấn đề hệ trọng

Như truyền thông Pháp và truyền thông thế giới dự báo, ông Macron đã thắng cử và trở thành Tổng thống trẻ nhất của Pháp. Theo kết quả sơ khởi , Macron nhận được 65,1 % và đối thủ, bà Marine Le Pen chỉ chiếm được 34,1 % phiếu của cử tri. Bộ Nội vụ cho biết  gần 47 triệu công dân được kêu gọi đi bầu người kế nhiệm Tổng thống Francois Hollande nhưng chỉ có 75 % cử tri bỏ phiếu, tương đối thấp so với 80 % cử tri của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012.

Đối với Pháp bắt đầu một kỷ nguyên chính trị mới. Đây là lần đầu Tổng thống không xuất thân từ hai đảng truyền thống bảo thủ và xã hội. Macron sẽ đứng trước những thử thách.

Xã hội phân hoá                      

Kể từ cuộc đại cách mạng 1789 nước Pháp đã phân hóa thành hai: Một nửa là thành phần có tinh thần Cộng hòa,bình đẳng và phóng khoáng, còn nửa khác theo công giáo, nặng tinh thần phẩm trật, bảo thủ, bảo hoàng. Nếu xét về địa chính trị, Các trung tâm phe tả, cộng hòa là Paris và các vùng dọc theo bờ biển Địa Trung Hải như thành phố Marseille. Còn thành trì phe hữu, bảo thủ, bảo hoàng là các địa phương dọc bờ Đại Tây Dương phía Tây và các vùng như Lothringen hay Savoyen ổ phía Đông. Tuy nhiên phong cảnh chính trị Pháp theo thời gian cũng đã thay đổi và nền dân chủ còn bị đe dọa với sự hiện diện của Mặt trận FN.  Khởi đầu FN ra đời vào năm 1972 là một tập hợp chính trị tự nhận không tả không hữu, quy tụ các thành phần của chế độ Vichy, Công giáo thủ cựu, cựu chiến binh chiến tranh Đông dương, Algérie, tiểu thương, những người bài ngoại và bài Do Thái. Từ khi Marie Le Pen lãnh đạo áp dụng chiến lược phi quỷ hóa “Dediaboliasation” của Phó chủ tịch FN, Florian Philippot, đã giúp FN bớt diện cực đoan, cực hữu và nay trở thành chính đảng dân túy bảo vệ giới nghèo chống lại giai tầng tinh hoa thống trị kinh tế, chính quyền.

Một cuộc đấu tranh giai cấp mới  giữa 60 % dân sống ở nông thôn, tỉnh lị và thị xã nhỏ và phần còn lại sống ở các thành phố lớn như Paris, Lyon, Toulouse hay Bordaux. Một lớp trung lưu mới gọi là “Bobos” (Bourgeois-Bohemien) có lợi tức cao, việc làm vững chắc và sống thoải mái. Lớp này giàu lên nhờ tiến trình toàn cầu hóa trong thập niên qua và đang thống trị các chính đảng từ hữu tới tả cũng như các lãnh vực truyền thông văn hóa. Còn đa số ở các tỉnh lỵ mà trước đây gọi là “La France profonde” thì không phát triển. Hạ tầng cơ sổ bết bát, hãng xưởng đóng cửa và số thất nghiệp ngày càng gia tăng.

Liên hiệp Cohabitation-Tổng thống và Thủ tướng thuộc hai đảng khác nhau

Tháng 6.2017 sẽ bầu lại Quốc hội. Phong trào Tiến Lên (EM) của tân Tổng thống có lẽ sẽ không chiếm được đa số ghế trong Quốc hội mới, nên việc lập chính quyền sẽ có nhiều khó khăn vì Tổng thống phải bổ nhiệm Thủ tướng thuộc một đảng khác. Đây là trường hợp “Cohabitation”. Tổng thống giám sát việc tuân thủ Hiến pháp và bảo vệ độc lập quốc gia. Tổng thống phụ trách đối ngoại và quốc phòng. Tổng thông bổ nhiệm Bộ trưởng theo đề nghị của Thủ tướng và Thủ tướng chỉ đạo công việc chính quyền.

Nghị viện gồm Quốc hội và Thượng viện sẽ quyết định luật pháp. Tổng thống có thể ảnh hưởng tiến trình phán quyết như đề nghị dự luật, ban hành sắc lệnh hoặc giải tán Quốc hội hay trưng cầu dân ý.

Dựa theo Hiến Pháp, Tổng thống Pháp là người có nhiều quyền lực nên các cuộc bầu cử Tổng thống mang ý nghỉa quan trọng nhất. Tổng thống được bầu với nhiệm kỳ 5 năm và sẽ được công bố chính thức vào ngày 11.05, bốn ngày sau cuộc bầu cử. Ngày 14.05 sẽ tổ chức bàn giao chức vụ giữa cựu và tân Tổng thống.

Các nhà bình luận nhận định, chiến thắng của Macron đã làm giảm lo ngại của các nước trong Liên minh châu Âu (EU) về một cú sốc tại Pháp tương tự việc nước Anh bỏ phiếu rời EU (Brexit) và bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Chủ tịch ủy hội EU, Jean-Claude Juncker bầy tỏ nỗi vui mừng là nhân dân Pháp đã chọn lựa một tương lai Âu châu. Donald Tusk, Chủ tịch  Hội đồng EU chúc mừng nhân dân Pháp đã quyết định cho “Tự do-công bằng và huynh đệ” thay vì “độc đoán và tin thất thiệt Fake News”. Thủ tướng Đức, Thủ tướng Anh và Tổng thống Mỹ cũng đã chúc mừng sự thắng cử của Macron.

Macron mong muốn đảm bảo sự đoàn kết quốc gia và  hòa giải với Âu châu dù bất mãn, lo sợ và hoài nghi.

V.N.Y.

Tác giả gửi BVN

Đọc thêm:

Năm thách thức lớn đối với tân tổng thống

RFI

Ông Emmanuel Macron phát biểu tại Paris ngay sau khi thắng cử vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp, tối ngày 07/05/2017.REUTERS/Lionel Bonaventure

Tổng thống tân cử Pháp Emmanuel Macron sẽ phải tập hợp một đất nước bị chia rẽ sâu sắc và phải xử lý những hồ sơ lớn, từ thất nghiệp đến tái thúc đẩy tiến trình xây dựng châu Âu.

Theo Stéphane Rozès, chủ tịch Văn phòng phân tích tư vấn Cap, được AFP trích dẫn, «vấn đề đầu tiên (của ông Macron) sẽ là phải có được một đa số (sau hai vòng cuộc bầu cử Quốc hội, ngày 11 và 18/06), để ông có thể tiến hành cải cách».

Giảm bớt các chia rẽ, đổ vỡ trong xã hội

Chính trị gia theo cánh trung, ủng hộ châu Âu 39 tuổi, kế thừa một đất nước bị chia rẽ, bởi vì trong vòng một cuộc bầu cử Tổng thống, ngày 23/04, đã có tới gần 50% số cử tri bỏ phiếu ủng hộ các phe phái chính trị cực đoan – chống châu Âu, chống toàn cầu hóa và giới tinh hoa.

Việc phân tích kết quả bỏ phiếu cũng cho thấy một nước Pháp bị chia rẽ thành hai, giữa các vùng đô thị, sung túc, thuận lợi, có tư tưởng cải cách hơn và các vùng nghèo khó – hay còn gọi là ngoại biên, theo từ ngữ của giới xã hội học – đã ồ ạt ủng hộ phe cực hữu.

Đắc cử Tổng thống với hơn 65% số phiếu, Emmanuel Macron biết rằng rất nhiều cử tri đã ủng hộ ông để cản đường phe cực hữu. Những lá phiếu này – nhằm «loại bỏ» cực hữu, chứ không phải là «chấp nhận» các ý tưởng Macron – không đồng nghĩa với sự lựa chọn trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng Sáu tới.

Theo chuyên gia Stéphane Rozès, sự phân chia Macron/Le Pen, một sự phân chia đối lập về bản sắc, quốc gia và hiện sinh chứ không phải là sự phân chia tả/hữu, có thể còn tiếp tục kéo dài trong cuộc bầu cử Quốc hội.

Liệu Macron có được đa số tại Quốc hội hay không ?

Emmanuel Macron cam kết vượt lên trên các đảng phái truyền thống, tả cũng như hữu, để tạo ra được một đa số mới trung dung sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng Sáu.

Ông Macron sẽ phải khai thác thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống để có được đa số tại Quốc hội cùng với phong trào mới được thành lập của ông cách nay một năm – phong trào Tiến bước!

Ông Macron tỏ ra tin tưởng rằng, với động lực của cuộc bầu cử Tổng thống, người dân Pháp sẽ tiếp tục tin tưởng vào ông trong cuộc bầu cử Quốc hội.

Tuy nhiên, cánh hữu bảo thủ, với gần 20% số phiếu ủng hộ ở vòng một cuộc bầu cử Tổng thống, rất muốn phục hồi, trỗi dậy sau thất bại của ứng viên François Fillon, để buộc tân Tổng thống phải chấp nhận tình trạng «chung cư», tức là Tổng thống và phe đa số tại Quốc hội không cùng chính đảng.

Bên cánh tả, Đảng Xã hội bị tan nát (chưa được 7% số phiếu ở vòng một), thế nhưng phe cực tả, với thủ lĩnh là Jean Luc Mélenchon, với số phiếu 19,6%, đang rập rình căng bẫy.

Vấn đề thất nghiệp

Giống như những người tiền nhiệm, ông Macron sẽ được đánh giá theo kết quả đạt được trong lĩnh vực việc làm, vào lúc nước Pháp có tỉ lệ thất nghiệp cao hơn 10% (tỉ lệ trung bình tại châu Âu là 8%).

Ông Macron đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng ban bố các sắc lệnh để cải cách thị trường lao động ngay từ mùa hè năm nay. Biện pháp này có thể dẫn đến các cuộc biểu tình, đình công phản đối mạnh mẽ. Tân Tổng thống đắc cử đề ra mục tiêu giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống còn 7% vào cuối nhiệm kỳ.

Chống khủng bố

Từ tháng Giêng năm 2015 đến nay, các loạt khủng bố trên lãnh thổ Pháp đã làm 239 người thiệt mạng. Đấu tranh chống khủng bố ở trong nước và ở nước ngoài là một trong những thách thức lớn đối với ông Macron, chính trị gia trẻ chưa có kinh nghiệm.

Xây dựng lại châu Âu

Emmanuel Macron đã hứa là cùng với Đức, thúc đẩy tiến trình xây dựng châu Âu, vốn bị lung lay sau vụ Brexit và cuộc khủng hoảng nhập cư.

Tân Tổng thống đắc cử Pháp cho biết sẽ đề xuất một lộ trình trong vòng 5 năm, xây dựng một ngân sách thực sự cho khu vực đồng euro, một Liên hiệp Châu Âu thực sự 27 thành viên trong lĩnh vực môi trường, công nghiệp và có chính sách trong lĩnh vực nhập cư.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/phap/20170507-phap-nam-thach-thuc-lon-doi-voi-tan-tong-thong

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.