Nguyễn Hồ Nhật Thành
Trong thời điểm ba người phụ nữ bị Phan Hùng và đồng bọn xông vào nhà thuê tại quận 2 để tấn công bằng hơi cay cùng cẳng tay thì cách đó 170 km, gần 200 công an tỉnh Vĩnh Long bao vây và bắt giải ông Nguyễn Hữu Tấn lên trụ sở công an. Ông chết ngay hôm sau, ngày 03/5 với vết cắt cổ khá sâu cùng những vết thương trên đầu do va đập.
Hai vụ việc có một điểm chung là liên quan đến quan điểm chính trị, cụ thể là cờ vàng 3 sọc đỏ, một biểu tượng của chế độ Quốc gia Việt Nam giai đoạn 1948 -1955 và Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn 1955 – 1975. Có thể nói đây là lần đầu tiên những mâu thuẫn về sự thật lịch sử đang biến tướng thành bạo lực xã hội.
Lý do công an tỉnh Vĩnh Long bắt giữ ông Nguyễn Hữu Tấn, một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo theo người thân cho biết là vì tình nghi ông liên quan đến vụ rải truyền đơn “cờ vàng” với nội dung kêu gọi “lật đổ đảng Cộng Sản” cách nơi ông ở 10 cây số. Theo đó, khi công an tiến hành khám xét nhà thì phát hiện có mảnh vải vàng trong hộp nước yến sào, vốn là cách đóng hộp thông thường của sản phẩm này. Nhưng với lối tư duy theo hướng bắt là có tội, lực lượng công an Vĩnh Long đã liên kết mảnh vải vàng yến sào đó với cuộn chỉ màu đỏ dùng để thả diều của con trai anh Tấn thành một tội lớn: Âm mưu may cờ vàng lật đổ chế độ.
Ông Nguyễn Hữu Tấn chết tức tưởi chưa đầy 24h sau khi bị bắt với hình ảnh vết cắt ngay cổ.
Những tín đồ PGHH độc lập như ông Tấn luôn là đối tượng bị sách nhiễu bởi nhà cầm quyền mỗi khi có các sự kiện tôn giáo và chính trị. Nguyên nhân mâu thuẫn này xuất phát từ cái chết của Giáo chủ PGHH Huỳnh Phú Sổ vào năm 1947 mà các tín đồ ghi nhận lại là do Việt Minh, phong trào do đảng Cộng sản thành lập khi đó thủ tiêu trong chiến dịch thanh trừng các lãnh tụ đảng đối lập và các giáo phái có tinh thần Quốc gia. Sau 1975, những tín đồ PGHH nào không theo cơ chế của Ban trị sự do nhà nước lập ra đều trở thành điểm ngắm của sự đàn áp với tâm lý lo ngại sự trả thù cho Đức Huỳnh giáo chủ.
Sự tấn công ba người phụ nữ và cái chết của một tín đồ PGHH thuần lành như ông Nguyễn Hữu Tấn nếu không được giải quyết thỏa đáng thì người dân sẽ không còn tin vào việc tìm công lý bằng các biện pháp ôn hòa. Khi đó thì bất cứ đều tồi tệ gì cũng có thể xảy ra.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Tấn cũng đã tuyên bố sẽ không chôn xác cho đến khi tìm được công lý cho cái chết của ông. Và họ cũng đã sẵn sàng chết vì điều này.
N.H.N.T.
Nguồn: http://www.ijavn.org/2017/05/mot-nguoi-chet-ba-nguoi-bi-thuong.html
****
Vĩnh Long: Gia đình Nguyễn Hữu Tấn ‘yêu cầu minh oan’
BBC
Gia đình Nguyễn Hữu Tấn bác cáo buộc trong nhà ông có lá cờ Việt Nam Cộng Hòa. Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES
Cha của người bị cho là “tự sát tại trại giam” ở tỉnh Vĩnh Long nói với BBC rằng gia đình “quyết định để thi hài đến ngày 8/5” và “nếu công an không minh oan sẽ đưa thi hài đi khắp cửa công ở tỉnh này”.
Ông Nguyễn Hữu Tấn, 38 tuổi, bị công an tỉnh Vĩnh Long “bắt khẩn cấp” ngày 2/5 để điều tra hành vi “tán phát tài liệu chống phá nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Nhưng sáng 3/5, trong lúc điều tra viên rời phòng hỏi cung, nghi phạm đã lấy từ túi điều tra viên con dao rọc giấy “rồi cắt liên tiếp vào cổ để tự sát”, theo tuyên bố của giới chức Vĩnh Long.
UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức họp báo chiều 4/5 để giải thích vụ việc.
Theo báo Zing, hôm 4/5, Đại tá Phạm Văn Ngân, Phó giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long, xác nhận nghi phạm Nguyễn Hữu Tấn (38 tuổi, ngụ phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) đã dùng dao rọc giấy để tự sát trong Trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Long.
Tin cho biết vụ bắt giữ xuất phát từ việc xuất hiện nhiều lá cờ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trong ngày 30/4 tại một số cột điện ở thị xã Bình Minh và huyện Tam Bình của tỉnh Vĩnh Long.
Hôm 5/5, trả lời BBC qua điện thoại từ Vĩnh Long, ông Nguyễn Hữu Quang, cha của Nguyễn Hữu Tấn nói: “Tôi dành quyền quyết định hậu sự cho Huỳnh Thị Muội, vợ của Tấn”.
“Con dâu tôi nói với Đại tá Phạm Văn Ngân rằng gia đình chưa chôn cất con trai tôi”.
“Và nếu đến ngày 8/5 mà công an vẫn chưa minh oan cho Tấn thì gia đình sẽ dùng phương tiện đẩy thi hài đến các cửa công ở Vĩnh Long”.
“Con dâu tôi nói rằng nỗi đau này quá lớn, vì chồng nó là lao động chính trong nhà, hai vợ chồng mỗi ngày bán hủ tíu chay chỉ kiếm được 200, 300.000 đồng nuôi cả gia đình”.
“Tấn mất đi để lại con trai mới 9 tuổi”.
“Nhưng ông Ngân khuyên con dâu tôi rằng gia đình nên chôn sớm, không thì môi trường hôi thối”.
“Hiện tại, người ta viếng con tôi đến đám ma thì bình thường nhưng khi đi ra thì bị người của chính quyền xét hỏi”.
‘Mối hận ngàn thu’
Ông Quang cũng cho hay: “Về cáo buộc trong nhà tôi có cờ vàng Việt Nam Cộng Hòa là hoàn toàn không đúng.”
“Công an đã xét nhà nhưng có tìm được vật chứng đâu?”
“Nhà tôi chỉ có mấy miếng vải vàng bọc hộp nước yến thôi”.
Ông cũng xác nhận với BBC rằng gia đình đã “gửi đơn kêu cứu đến các tổ chức nhân quyền quốc tế”.
“Tôi không đời nào tin con trai mình tự sát vì vết thương ở cổ của nó quá sâu, nó không thể tự làm việc ấy.”
Nguyễn Hữu Quang
“Tôi không đời nào tin con trai mình tự sát vì vết thương ở cổ của nó quá sâu, nó không thể tự làm việc ấy”.
Cùng thời điểm, Giáo Hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy phát đi lá thư gửi Ủy Hội Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Quốc Hội và Chính phủ Hoa Kỳ, Nghị Viện châu Âu và các quốc gia Liên minh châu Âu…
Thư viết: “Dùng nhục hình bức cung là chuyện thường ngày xảy ra tại Việt Nam, tính đến nay trên cả nước có bao nhiêu trường hợp tự tử trong đồn công an, và cuối cùng mọi chuyện cũng đâu vào đó, những người bức cung vẫn an nhiên tự tại, và nạn nhân vẫn mãi mãi ôm mối hận ngàn thu”.
“Chuyện cờ vàng là một cách dựng chuyện để bắt ông Tấn, vì khi mọi việc đã xảy ra thì cờ vàng chỉ là một miếng vải màu vàng dùng để trang hoàng trong những hộp nước yến chứ công an không tìm ra được lá cờ nào của Việt Nam Cộng Hòa”.
“Dựng chuyện bắt người, dùng nhục hình bức cung dẫn đến cái chết thương tâm một con người, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là một việc làm hết sức khó hiểu trong một cái chết đầy bí ẩn, chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền phải làm sáng tỏ vấn đề, trả lại công bằng cho nạn nhân”.