Áp dụng hình thức ‘sở hữu toàn dân’ là không khoa học cả về nội dung và học thuật

Nguyễn Hữu Đổng

Sở hữu toàn dân là hình thức được áp dụng từ thể chế kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp. Hình thức này được quy định manh nha lần đầu tiên tại Điều 11, 12, Hiến pháp năm 1959; sau đó, được quy định cụ thể hơn tại Điều 19, Hiến pháp năm 1980; gần đây, Điều 53 Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định tài nguyên nói chung, đất đai nói riêng “thuộc sở hữu toàn dân”.

Thực tế cho thấy, qua nhiều năm phát triển kinh tế – xã hội, việc áp dụng hình thức sở hữu toàn dân về đất đai như vậy đã làm nảy sinh nhiều bất cập, gây tranh cãi, dẫn đến nhiều “điểm nóng” liên quan đến tranh chấp tài nguyên, đất đai không chỉ ở tầm vi mô (các địa phương) mà còn cả ở tầm vĩ mô (quốc gia). Trong các văn bản pháp luật, vẫn chưa xác định rõ tư cách pháp nhân (chủ thể) của sở hữu toàn dân về đất đai; có một số vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được nhận thức thấu đáo, làm sáng tỏ, dẫn đến nhiều hệ lụy khi áp dụng hình thức sở hữu này trong thực tế.

Áp dụng hình thức sở hữu toàn dân là không có cơ sở khoa học, xét về mặt học thuật (lý luận)

Khi nền kinh tế thị trường xuất hiện thì các mặt “đối lập” (độc lập) của chủ thể, khách thể trong hoạt động sản xuất, trao đổi hàng hóa hình thành và ngày càng được coi trọng. Mặt đối lập được hiểu là “mặt đứng ở phía đối ngược lại” với mặt kia. Đối lập là muốn nói đến tính chất “phi vật thể”, tức sự vật, hiện tượng khó có thể thể nghe, hoặc nhìn, cảm thấy được bằng giác quan thường, như các hiện tượng chưa rõ về “âm thanh”, “quan điểm”, “giá trị”, “ngôn ngữ” (khái niệm).v..v…

Mô hình sản xuất, trao đổi phổ biến trong nền kinh tế hàng hóa thời phong kiến hay thời kỳ kinh tế tập trung, bao cấp, là “hàng – tiền – hàng”, tức khái niệm (khách thể) “tiền” trong kinh tế hàng hóa là chưa thể hiện rõ tính đối lập, do tiền còn đang ở “bên trong” (kín đáo) chưa có thể “đẻ ra tiền”.

Mô hình sản xuất, trao đổi phổ biến trong nền kinh tế thị trường là “tiền – hàng – tiền”, tức khái niệm tiền trong nền kinh tế thị trường đã thể hiện rõ tính đối lập, do tiền đã có thể đẻ ra tiền, và đồng tiền đã được nhiều người “thần thánh hóa”. Theo các mô hình này cho thấy, mỗi sự vật, hiện tượng trong kinh tế nói chung, kinh tế thị trường nói riêng đều bao hàm mặt đối lập và mặt “trung gian” (trung lập), tức mặt ở “giữa”. Nhiều nhà khoa học trên thế giới, ngay từ thời cổ đại đã nêu ra các mặt đối lập của sự vật, hiện tượng. C. Mác cũng từng viết rằng: “ở trong thời đại chúng ta, mọi sự vật đều tựa hồ như bao hàm mặt đối lập của nó” [1].

Trong khái niệm (thuật ngữ) sở hữu toàn dân về tài nguyên nói chung, đất đai nói riêng, thì “sở hữu” được coi là một mặt, còn “toàn dân” là một mặt. Khái niệm sở hữu và toàn dân lại bao hàm mặt đối lập. Xã hội phát triển được là vì có các mặt đối lập như vậy. Đã là khái niệm, hay sự vật, hiện tượng, thì khái niệm đó phải là một danh từ “hoàn hảo”, tức mặt đối lập của chúng cũng phải là một danh từ. Danh từ (sự vật, hiện tượng) hoàn hảo có căn cứ xuất phát từ hiện tượng “vòng quay đối lập” hoàn hảo của Trái Đất quay xung quanh nó trọn một ngày – đêm, hoặc trọn một tuần, một tháng, một năm. Tuy nhiên, trong khái niệm toàn dân, thì chỉ có thuật ngữ “dân” là danh từ, còn “toàn” không phải danh từ, mà chỉ là thuật ngữ “dùng phụ trước danh từ” [2].

Điều đó cho thấy rằng, xét về mặt học thuật, khái niệm sở hữu toàn dân đã được sử dụng một cách khiên cưỡng, không khoa học, tức trong khái niệm này đã không bao hàm mặt đối lập khách quan như các nhà khoa học đã chỉ ra.

Để bảo đảm tính khoa học của chủ thể sở hữu trong cụm từ sở hữu toàn dân, theo tác giả bài viết này, cần phải thay khái niệm toàn dân bằng khái niệm “quốc gia”, bởi quốc gia là một danh từ hoàn hảo, gồm hai danh từ ghép lại là “quốc” và “gia”.

Khái niệm quốc gia mà ban đầu gọi là “quốc vương” được hình thành khi nhà nước xuất hiện; tức là, khi nhà nước tách ra khỏi xã hội, và “đứng trên xã hội” [3] thì quốc vương (quốc gia) hình thành. Theo đó, khái niệm “nhà nước” và “xã hội” được coi là các mặt đối lập, trung gian cơ bản trong quốc gia; trong đó, nhà nước được coi là mặt trung gian, tức về thực chất, bộ máy nhà nước được lập ra là để thực hiện “cai quản” (quản lý, quản trị) thực hiện công bằng xã hội trong quốc gia. Bởi khi “nền dân chủ” bắt đầu xuất hiện trong kinh tế thị trường, thì cũng bắt đầu hình thành sự đối lập giữa các công dân được “bầu ra” (công dân làm thuê – “đầy tớ”) trong bộ máy nhà nước và các công dân là “cử tri” đi bầu (công dân làm chủ – “ông chủ”) trong xã hội, do phân công quyền lực khách quan giữa các chủ thể chính trị trong quốc gia dân chủ.

Hình thức sở hữu quốc gia (quốc hữu) – bao gồm sở hữu của các nhóm hay “tập thể” (dòng họ, tôn giáo,…) và sở hữu tư nhân (tư hữu) của mỗi cá nhân trong xã hội, đã được nhiều nước văn minh trên thế giới ghi nhận trong các văn bản pháp luật. Ngay ở Việt Nam, hình thức sở hữu quốc gia cũng đang được sử dụng nhiều với các khái niệm tương đồng: “chủ quyền quốc gia”, “dự trữ quốc gia”, “tài nguyên đặc biệt của quốc gia” như đã được ghi trong Hiến pháp 2013.

Áp dụng hình thức sở hữu toàn dân là không có cơ sở pháp lý, xét về mặt nội dung (thực tiễn)

Trong quốc gia dân chủ, các loại hình sở hữu đều có vị trí, vai trò, chủ thể rõ ràng. Nói một cách hình ảnh về hình thức sở hữu của thể chế quốc gia trong thể trạng con người, thì cái “đầu” có thể được coi là lịch sử “tương lai”, tức sở hữu quốc gia trong tương lai là do chính quyền trong tương lai của quốc gia thực hiện quản lý; cái “thân” được coi là lịch sử “quá khứ”, tức sở hữu quốc gia trong quá khứ là do chính quyền trong quá khứ của quốc gia thực hiện quản lý; còn cái “cổ” là lịch sử “hiện tại”, tức sở hữu quốc gia trong hiện tại là do chính quyền trong hiện tại của quốc gia thực hiện quản lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong thực tế, sở hữu toàn dân được coi là sở hữu của tất cả mọi người dân trong quốc gia, bao hàm cả sở hữu nhóm, tư nhân, quốc gia; bao hàm cả sở hữu của những người trong quá khứ (đã chết), hiện tại (đang sống) và tương lai (chưa sinh).

Điều đó cho thấy rằng, sở hữu toàn dân đã đồng nhất sở hữu của những người trong hiện tại với sở hữu của những người trong quá khứ và tương lai; xóa nhòa những sự khác biệt giữa các hình thức sở hữu trong quốc gia.

Lịch sử quá khứ, hiện tại và tương lai có thể được coi là các mặt đối lập “nhân – quả”, trong đó, lịch sử hiện tại là mặt trung gian. Do vậy, nếu sở hữu về đất đai trong quốc gia (hiện tại) không được xác định rõ ai là chủ thể, tức áp đặt hình thức sở hữu toàn dân, thì tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng có sự thiếu tôn trọng, gắn kết của những người đang sống ở hiện tại đối với sở hữu của các thế hệ trong quá khứ, cũng như thiếu sự gắn kết (vô trách nhiệm) của họ đối với sở hữu của các thế hệ trong tương lai.

Sở hữu nhóm, tư nhân, quốc gia có thể được coi là các mặt đối lập “song – hành”, trong đó, sở hữu quốc gia là mặt trung gian. Do vậy, nếu hình thức sở hữu về đất đai trong quốc gia không có sở hữu tư nhân, nhóm, quốc gia, tức áp đặt hình thức sở hữu toàn dân, thì tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng một số công chức trong chính quyền nhà nước có thể biến thành dạng các ông chủ nắm quyền sở hữu, cai quản (cai trị việc bảo quản) đất đai của quốc dân.

Nhìn nhận một cách tổng thể

Việc áp dụng hình thức sở hữu toàn dân về đất đai trong nhiều năm qua ở Việt Nam là không khoa học xét cả về mặt nội dung và học thuật.

Về mặt học thuật, việc sử dụng khái niệm, thuật ngữ toàn dân là thiếu cơ sở khoa học, bởi nó không bao hàm các mặt đối lập khách quan giữa các cá nhân, nhóm (giai cấp, dân tộc, tôn giáo), các tầng lớp nhân dân trong quốc gia (tổ quốc), tức không thể đáp ứng được chân lý khách quan trong cách mạng xây dựng xã hội mới tốt đẹp như cụ Hồ đã từng nói: chân lý của xã hội mới tốt đẹp cần xây dựng phải là những “cái gì có lợi cho Tổ quốc và nhân dân” [4].

Về mặt nội dung, việc áp dụng hình thức sở hữu toàn dân về đất đai là thiếu cơ sở pháp lý, bởi nó không chỉ ra được tư cách pháp nhân của chủ sở hữu, dẫn đến tình trạng “vô chủ”, thiếu sự tôn trọng, thiếu trách nhiệm của những người trong hiện tại đối với sở hữu của những người trong quá khứ và tương lai; xóa nhòa sự khác biệt giữa sở hữu tư nhân, nhóm và sở hữu quốc gia.

Nói cách khác, sở hữu toàn dân đã ngày càng bộc lộ tính “vô trách nhiệm” của công chức, viên chức nói riêng, công dân nói chung đối với đất đai, tài nguyên quốc gia; chẳng hạn, như diễn ra tình trạng sử dụng lãng phí (mất mát) lớn các giá trị, tài sản, niềm tin vào công lý của quốc gia; hay tình trạng quan liêu, tắc trách của nhiều công chức, viên chức trong quản lý đất đai nói riêng, lãnh thổ đất liền, biển đảo, tài nguyên thiên nhiên nói chung.

Điều đó cho thấy rằng, hình thức sở hữu toàn dân xác định tại Điều 53, Hiến pháp năm 2013 cần phải được chỉnh sửa lại là sở hữu quốc gia; đồng thời cần phải ghi nhận và khẳng định hình thức sở hữu tư nhân về đất đai.

Khác với các hình thức sở hữu đất đai thời phong kiến trước đây – sở hữu chủ yếu của “địa chủ”, “quốc vương” gắn với ông vua, sở hữu đất đai trong quốc gia hiện nay là phải bao hàm ba hình thức sở hữu cơ bản là: sở hữu của tư nhân, nhóm và sở hữu của quốc gia; đồng thời, chính quyền có chức năng quản lý theo quy định cụ thể của pháp luật.

Điều đó có nghĩa, khi quy định hình thức sở hữu quốc gia, sở hữu tư nhân, cần phải đi đôi với việc xây dựng, hoàn thiện thể chế quốc gia dân chủ, cộng hòa – thể chế đem lại quyền tư hữu về đất đai cho con người, tức mỗi người dân đều được hưởng quyền công dân – dân quyền, quyền dân sự – nhân quyền. Giữa quyền công dân và quyền dân sự là tồn tại pháp quyền, tức nhà nước phải dùng hiến pháp và các đạo luật đúng đắn để bảo đảm công bằng, bình đẳng về giá trị, quyền lợi, trong đó có quyền sở hữu về đất đai của các cá nhân, nhóm trong cộng đồng quốc gia.

Cùng với việc xác định rõ sở hữu quốc gia, sở hữu tư nhân, cần xác định và quy định rõ phương pháp quản lý tài nguyên nói chung, về đất đai nói riêng trong quốc gia. Nhà nước là một khái niệm gắn với quốc gia, tức nhà nước – quốc gia; trong khi đó, việc quản lý tài nguyên, đất đai quốc gia ở Việt Nam hiện nay lại chỉ thuộc về một “nhóm” (đại diện nhà nước – chính quyền) quản lý, còn các cá nhân (công dân), các nhóm (lực lượng) xã hội khác trong quốc gia lại không có quyền chính đáng (thật sự) trong việc tham gia quản lý, kiểm soát các tài nguyên đó.

Thay cho lời kết

Sở hữu toàn dân về đất đai rất cần phải được xác định lại là sở hữu quốc gia; đồng thời, cần quy định sở hữu tư nhân, phân định rõ ràng, rành mạch các cấp chính quyền trung ương, địa phương quản lý các tài nguyên quốc gia; xây dựng, hoàn thiện để bảo đảm sự đúng đắn, và thực thi nghiêm minh các đạo luật liên quan đến sở hữu, sử dụng tài nguyên, đất đai của quốc gia.

Việc chỉnh sửa lại khái niệm sở hữu toàn dân về tài nguyên, đất đai thành sở hữu quốc gia, ghi nhận sở hữu tư nhân về đất đai trong các văn bản pháp luật (Hiến pháp, các đạo luật), và thực thi những quyền đó, cần phải được đặt trong tổng thể tiếp tục đổi mới các thể chế, như thể chế kinh tế, chính trị, pháp luật và khoa học, văn hóa, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân, vì dân, và xã hội dân chủ – xã hội trong đó, mọi người dân đều có quyền sở hữu tư nhân gắn với quyền dân sự (nhân quyền), quyền sở hữu quốc gia gắn với quyền công dân (dân quyền).

Tài liệu tham khảo:

[1] C. Mác và Ph. Ăngghen (1993), Toàn tập, Tập 12, NXB CTQG, Hà Nội.

[2] Viện Ngôn ngữ học (2005), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng.

[3] C. Mác và Ph. Ăngghen, Sđd, Tập. 21.

[4] Hồ Chí Minh (1987), Toàn tập, Tập 7, NXB CTQG, Hà Nội, 1987.

This entry was posted in Pháp Luật. Bookmark the permalink.