Nguyễn An Dân
Ai sẽ tiến hành “đổi mới lần 2” ?
1/ Ai sẽ tiến hành “đổi mới lần 2” ?
Đó là hàm ý của ông Lê Kiên Thành, con trai ông Lê Duẩn trong bài viết “nghĩ về cuộc đổi mới lần 2” đăng trên báo CAND ngày 19/2/2017 [1]. Trong đảng gọi là đổi mới 2 – đổi mới chính trị, còn Mỹ và nhân dân VN gọi nó là “chuyển hóa”. Bài viết được đăng trên cơ quan ngôn luận của ngành công an, do đó có thể hiểu đây cũng là một phần quan điểm của Bộ trưởng công an Tô Lâm và xa hơn là tiền nhiệm bộ trưởng, ông Trần Đại Quang.
Chúng ta cần nhớ lại những kinh nghiệm lịch sử, câu chuyện Hungary không thể chuyển hóa sau nhiều lần trì hoãn vì bị Liên Xô hăm dọa tấn công là điều cần tham khảo. Mãi đến khi 1989, lúc Liên Xô suy yếu thì Hungary mới chuyển hóa được dù đã trồi lên thụt xuống trước đó khoảng 10 năm.
Chuyện này một lần nữa đang lặp lại ở Việt Nam. Hãy nhớ lời thượng nghị sĩ Mỹ John McCain khi ông thăm Hà Nội vào năm 2014 “Vì Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, chúng ta phải nhanh lên”. Từ “chúng ta” ở đây nói rộng là quan hệ Việt-Mỹ, nói hẹp là tư thế đại diện cho Mỹ của McCain nói với nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Lá bài giàn khoan HD-981 khi đó được thảy lên bàn cờ Việt –Trung chính là lời đe dọa của Trung Quốc khi muốn đè nén xu hướng đổi mới chính trị do ông Nguyễn Tấn Dũng thúc đẩy.
Nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “thua cuộc” tại Đại Hội 12 phần lớn đến từ sự đe dọa của TQ sẽ tấn công Việt Nam nếu ông có thể lên làm tổng bí thư. Phát biểu của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “nếu có va chạm ở Biển Đông, chúng ta có thể yên ổn mà tiến hành hội họp được không? ” sau khi tái cử ở Đại Hội 12 là một bằng chứng cho sự đe dọa đó. Trong bối cảnh chính sách “cải lương” của Obama với Trung Quốc đang là xu hướng lúc đó, việc Mỹ đứng sau Việt Nam khi TQ nổ súng là điều khó khả thi. Một lần nữa trong bàn cờ khu vực, Việt Nam lại bị phụ thuộc và đánh mất cơ hội thay đổi của mình.
Chúng ta có thể thấy rõ sau khi ông Dũng về hưu, trong đảng có sự chuyển dịch vai trò. Quyền lực của vị trí thủ tướng trong đối ngoại và đối nội thay vì thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kế thừa theo truyền thống thì nay có sự thay đổi mạnh mẽ. Nó chuyển sang vị trí chủ tịch nước của ông Trần Đại Quang. Sự thỏa thuận rút lui của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm xong vai trò chiến thuật của nó. Đó là giữ cho Việt Nam yên ổn để “chờ Trump và chờ Mỹ”, là để ông Trần Đại Quang kế thừa đường lối của mình. Tôi gọi những gì ông Trần Đại Quang đang làm là “theo đường lối của Dũng mà không có Dũng”.
Nghĩa là giờ đây, ông Trần Đại Quang tiếp tục thúc đẩy chính sách thân Mỹ và thực hiện “đổi mới 2” do ông Dũng khởi xướng. Điều này đã được Mỹ chứng minh qua việc ông Quang chủ trì chính khi tiếp Obama và nhận lá thư do Trump gửi [2], chứ không phải thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Trần Đại Quang đã có cái mà năm xưa ông Nguyễn Tấn Dũng không có. Đó là việc Mỹ -Việt đã kêu gọi 2 trục đồng minh Mỹ-Anh-Pháp và Nhật-Úc-Ấn-Việt quay trở lại để ngăn cản Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông. Trong bối cảnh nếu xu hướng đổi mới – thân Mỹ trong đảng lúc này thắng thế, việc TQ còn dám đe dọa Việt Nam nữa là điều Trung Quốc sẽ phải thận trọng hơn nếu không muốn trả giả nặng nề.
Tàu hải cảnh Trung Quốc hung hãn đâm thẳng vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, gần nơi Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981
Trong bối cảnh đó, Hội Nghị Trung Ương 5 chuẩn bị khai mạc, là hội nghị bản lề để tiến tới bàn bạc nhân sự ở hội nghị TW 6 vào cuối năm. Hãy nhớ lại cũng ở mốc này ở khóa 11 của đảng 6 năm trước, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thoát kỷ luật đảng để thấy nó quan trọng với đảng như thế nào. Và thay cho ông Dũng thì là ông Đinh La Thăng lần này bị mang ra Ban Chấp Hành TW “mổ xẻ”. Dù ông Dũng từng có chỉ đạo phải xử lý sai phạm ở tập đoàn dầu khí VN thời ông Thăng còn là chủ tịch, nhưng đó là quan hệ cộng việc, chứ ông Thăng vẫn là người được coi là gần gũi với ông Dũng.
Ít nhất là khi phát biểu ủng hộ Bob Kerrey qua VN làm chủ tịch Fullbritgh bất chấp “quan điểm ngầm” mang tính phản đối của phái bảo thủ khi đó (chỉ đạo báo Tuổi Trẻ tháo bài phát biểu của ông Thăng), ông Thăng cho thấy ông vẫn là người cùng giữ gìn đường lối của ông Nguyễn Tấn Dũng.
2/ Những gì chủ tịch Trần Đại Quang đang muốn
Ông Trần Đại Quang là người được ông Dũng cơ cấu ủng hộ và đưa vào đường lối thân Mỹ từ khi ông còn chưa là bộ trưởng. Hãy nhìn Bộ Công An đã và đang cải cách theo mô hình cơ quan an ninh của Mỹ từ 10 năm nay để thấy quyết tâm đổi mới của ông.
Điều này càng được khẳng định thêm khi chính ông Trần Đại Quang là người thực hiện việc ngăn chặn sự quá đà trong quan hệ quốc phòng Việt – Trung của cựu bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh trong quá khứ.
Từ khi là chủ tịch nước, ông Trần Đại Quang thúc đẩy dần việc đặt hiến pháp cao hơn đảng pháp, ví dụ như đề cao vai trò của hội đồng quốc phòng an ninh theo đúng tinh thần hiến pháp quy định, cũng như thúc đẩy việc chuyển giao quyền lực cầm nắm quân đội từ quân ủy trung ương sang cho chủ tịch nước, đúng với bản chất danh xưng “tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang” của chức danh này. Chúng ta có thể thấy rõ xu hướng này từ phát biểu ủng hộ việc mở rộng quyền cho chủ tịch nước từ các đại biểu quốc hội tiến bộ ở nghị trường trong năm 2016.
Trong tư thế đó, ông Quang bước vào Hội Nghị TW 5. Một hội nghị theo tôi đánh giá là khá căng thẳng, nó quyết định “mức án” mà hội nghị TW 6 sẽ tuyên cho ông Đinh La Thăng, bên cạnh đó, ông Quang còn nói với cử tri sẽ xem xét sửa đổi Luật Đất Đai (vụ Đồng Tâm) và ban hành Luật Biểu Tình đúng quy trình, thận trọng nhưng sẽ làm. Ông Quang đang thúc đẩy đảng phải làm rõ những vấn đề xưa nay đảng có xu hướng tránh né. Trong buổi tiếp xúc cử tri mới đây nhất, ông Quang còn nói “chúng ta giữ kỷ cương, pháp luật nhưng phải để phát huy dân chủ cơ sở”.
Hội Nghị TW 5 cũng sẽ bàn về nhất thể hóa chức danh bí thư và chủ tịch ở cấp tỉnh. Nếu đảng làm điều này là để giảm chi phí, tinh gọn bộ máy trong bối cảnh ngân sách đất nước đang khó khăn thì cá nhân ông Quang cũng muốn làm điều này để về sau đảng có thể nhất thể hóa chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước. Tuy nhiên, lâu nay Trung Quốc chưa bao giờ muốn VN tiến hành nhất thể hóa ở cấp tối cao.
Hội nghị TW 5 của đảng sẽ bắt đầu với những vấn đề gai góc, căng thẳng, chưa có tiền lệ như thế. Trong trạng thái mọi thứ đều “tĩnh” nhưng không hứa hẹn điều gì khả quan, thì bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ sinh ra thách thức và cơ hội, vấn đề là lực lượng đổi mới có quyết tâm như ông Lê Kiên Thành nói hay không?
Tôi mong là ông Trần Đại Quang, dù xuất thân từ lực lượng xưa nay “bảo hoàng hơn vua” nhưng sẽ bước vào hội nghị TW trong khí thế và tinh thần quyết tâm kế thừa đường lối cải cách của nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Điều đó phù hợp với tâm tư của quần chúng nhân dân, của các đảng viên yêu nước và cả chiến lược hợp tác Việt –Mỹ.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, đại tướng Martin Demsey đã từng nói khi đến thăm VN vào năm 2014 [3] “chúng ta hãy nhìn vào quan hệ Việt Mỹ ở 50 năm nữa”. Muốn đạt được mốc đó, bắt đầu từ bây giờ đã là hơi muộn, nhưng có còn hơn không.
N.A.D.
[1] http://antgct.cand.com.vn/So-tay/Sau-30-nam-nghi-ve-cuoc-doi-moi-lan-thu-hai-428419/
[3] http://vntime.vn/4686/print-article.html
Nguồn: http://thoibao.de/chinh-tri/11017/%E2%80%9Cdu-co-tra-gia-cung-phai-tien-hanh-doi-moi-2%E2%80%9D.htm