Giới chức bồi thường các cơ sở đông lạnh Lộc Hà về vụ cá nhiễm độc

Bản quyền hình ảnhSTR/AFP/GETTY IMAGESImage captionThảm họa môi trường hồi 4/2016 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các tỉnh miền Trung

Có 16 cơ sở đông lạnh của huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, vừa nhận được tiền bồi thường liên quan tới thảm họa cá chết ở miền Trung.

Các cơ sở nằm ở hai xã Thạch Bằng và Thạch Kim được nhận hơn 19 tỷ đồng từ Hội đồng chi trả của huyện, và “nhận tiền với thái độ vui vẻ và cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước”, báo Hà Tĩnh đưa tin.

Tuy nhiên, báo này ghi nhận “hiện còn hai cơ sở chưa thực hiện được việc chi trả do chủ kho đông lạnh chưa đến nhận tiền”.

Bà Trần Thị Loan, chủ cơ sở đông lạnh Cường Loan xác nhận với BBC rằng hôm 29/4 các cơ sở ở địa phương đã nhận được thông báo từ Phó Chủ tịch huyện Lộc Hà, Phan Văn Nhàn.

Ban đầu các chủ cơ sở định không nhận tiền vì đại diện chính quyền không chịu viết biên bản ghi rõ nội dung chi trả.

“Chúng tôi nói nếu Ủy ban không bồi thường cho chúng tôi, 30/4 chúng tôi sẽ đi biểu tình. Mãi đến tận 7 giờ tối 29/4, ông Nhàn mới chịu viết biên bản”.

Bà Loan giải thích với BBC rằng với số hàng “đông lạnh tươi” bị thối rữa và đã đem chôn, các cơ sở được bồi thường 100%, hàng chưa phân huỷ nhưng quá đát và không bán được được đền bù là 70%, trong lúc số hàng còn sử dụng được có mức bồi thường là 30% tổng giá trị.

Tuy nhiên, bà nói, trong lần chi trả vừa rồi, giới chức chỉ chi trả đủ cho số hàng thối rữa và số hàng còn sử dụng được. Riêng số hàng quá đát, các cơ sở chỉ được nhận 30% và nhà nước nợ 40% còn lại.

Bà nói mọi người đã được nhận được tiền hôm 29/4, trừ hai cơ sở đông lạnh từ chối vì cho rằng mức bồi thường không thỏa đáng.

‘Chấp nhận lỗ vì không chờ đợi thêm được nữa’

Số tiền bồi thường, kể cả là 100% đối với số hàng đã đem chôn, là vẫn chưa đủ để bù đắp thiệt hại, vì ngoài giá trị lô hàng thì các cơ sở còn phải gánh chịu các chi phí khác, trong đó có cả khoản phải trả lãi ngân hàng.

“Chúng tôi đành phải chấp nhận lỗ. Cả gần một năm trời, chúng tôi cứ trả nợ lãi ngân hàng, rồi lãi lại về nhà nước, nên chúng tôi phải lấy,” bà Loan nói.

Được biết số tiền bồi thường lần này chỉ áp dụng cho các mặt hàng “đông lạnh tươi” chứ không gồm các sản phẩm “đông lạnh khô” như cá mực, sứa, tuy đồ “đông lạnh khô” đã được các ban ngành trung ương kê khai từ cuối năm 2016.

Ngoài ra, còn một số mặt hàng khô như ruốc và nước mắm vẫn chưa được chính quyền ghi nhận, kê khai.

Ông Trần Xuân Anh nói với BBC, cơ sở Tuyết Anh của gia đình ông, chuyên đông lạnh hàng khô, vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Các mặt hàng khô sau nhiều lần kiểm kê đã dập nát nhiều, còn sứa đóng trong thùng đã phân hủy bốc mùi hôi thối.

Tại cuộc họp Của chính phủ hôm 24/4, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu ban ngành địa phương phải bồi thường, “giải quyết dứt điểm trước ngày 30/6/2017”, theo VF Express.

Báo này dẫn lời ông Bình nói: “Cho phép tiêu huỷ và bồi thường 100% giá trị lô hàng đối với sản phẩm sứa, hải sản khô, tẩm ướp, không dùng làm thực phẩm.”

Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà, ông Lê Quang Huệ cho BBC biết hiện huyện đang “chi trả cho hàng đông lạnh tươi”.

“Hàng khô đang tập trung để làm và còn phụ thuộc vào ký duyệt của tỉnh, của Chính phủ,” ông Huệ nói. “Trước mắt chúng tôi chỉ làm theo chỉ tiêu của Chính phủ.”

Số tiền dự tính bồi thường cho các cơ sở đông lạnh ở Lộc Hà là 26 tỷ. Tính đến sau đợt bồi thường mới đây, con số đã giải ngân được là trên 23 tỷ đồng, báo Hà Tĩnh viết.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39769695

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.