Giáo dục là quốc gia đại sự. Thêm một hội đồng xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông sẽ mang lại cho giáo dục Việt Nam thêm hơn nửa bầu trời.
1. Chỉ lướt qua Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông dài 54 trang, mà đã thấy rằng trang nào cũng phải góp ý.
2. Biết rằng, bất cứ điều gì cũng song song tồn tại sự đồng thuận và sự chống đối, và trong những vấn đề phức tạp thì sự đối kháng càng cao với tỷ lệ ủng hộ và tỷ lệ chống đối rất sít sao.
3. Bởi thế, phải thoát ra khỏi rừng cây để nhìn được rừng cây một cách tổng thể. Vậy nên xin được có đôi lời.
I. Không đẽo cày giữa đường
Lấy ý kiến chuyên gia là điều đương nhiên. Nhưng lấy ý kiến như thế nào mới là quan trọng.
Chương trình giáo dục phổ thông là vấn đề phức tạp và nhiều phương diện, nên nếu đưa cho 1000 người đọc thì cả 1000 người sẽ góp ý kiến sửa đổi.
Nhưng cả 1000 người góp ý kiến rồi, theo cả 1000 ý kiến thì sẽ thành đẽo cày giữa đường.
Mặt khác, việc đưa những ý kiến nào vào hay không đưa ý kiến nào vào Dự thảo lại là quyền của Ban soạn thảo, thì chung quy cũng là cách nhìn của Ban soạn thảo, vậy nên có góp ý chi tiết cũng không đưa đến những thay đổi căn bản.
Như chúng ta từng đã có cả hàng chục triệu người góp ý cho Hiến pháp mà rồi cuối cùng, Hiến pháp vẫn căn bản y nguyên như trước khi đưa ra lấy ý kiến.
II. Không độc quyền
Dự án nào cũng phải có tổng công trình sư chủ trì. Và kết quả của dự án rất phụ thuộc vào tài năng của tổng công trình sư.
Dự án nào cũng cần nhiều phương án thiết kế. Chỉ có nhiều phương án cạnh tranh mới thúc đẩy được sáng tạo, và giúp cho con người lựa chọn được phương án tốt hơn.
Nhớ lại, khi Liên Xô ganh đua với Anh và Pháp trong dự án máy bay hành khách thương mại siêu thanh đầu tiên trên thế giới, giữa TU 144 và Concorde, phía Liên Xô đã giao cho hai nhóm thiết kế, trong đó một nhóm là dưới sự chủ trì của Viện sĩ Tupolev. Và hai nhóm thiết kế đã đưa ra hai mô hình khác nhau.
Với vị trí và uy tín nhiều năm của Tupolev, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã phê duyệt phương án thiết kế của nhóm ông. Nhưng TU 144 đã bị rơi tại lần trình diễn quốc tế đầu tiên ở Triển lãm Hàng không Paris 1973, và không thể sửa chữa được vì lỗi hệ thống, nên buộc phải chấm dứt hoạt động. Điều đáng nói là vào những năm đầu 1980, các nhà khoa học Liên Xô mới tiết lộ, rằng thiết kế của nhóm thứ hai mới là thiết kế đúng.
Đúng sai là chuyện thường tình, nhất là cho những tình huống phức tạp. Nhưng không độc quyền mới là điều mấu chốt cần đề cập. Trong khoa học, trong kinh tế, trong chính trị hay bất cứ trong lĩnh vực nào, sự độc quyền chỉ dẫn đến tụt hậu.
III. Giải pháp
Bởi vậy, xin mạo muội kiến nghị với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hai điều cụ thể sau.
1. Thành lập tối thiểu là hai hội đồng phản biện độc lập, tốt hơn là không thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, để phản biện Chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ trì. Các hội đồng phản biện chỉ được cho một trong hai ý kiến mang tính loại trừ là: đồng thuận hay bác bỏ Chương trình giáo dục phổ thông của GS Nguyễn Minh Thuyết.
2. Thành lập một hội đồng khác, với tổng chủ biên là GS Ngô Bảo Châu để xây dựng một Chương trình giáo dục phổ thông, độc lập với Chương trình của GS Nguyễn Minh Thuyết. Các thành viên hội đồng sẽ do GS Ngô Bảo Châu lựa chọn.
Tài năng của các tổng công trình sư giữ vai trò vô cùng quan trọng cho chất lượng và sự thành bại của các dự án. Rõ ràng, dưới sự chủ trì của GS Ngô Bảo Châu, chúng ta sẽ có một Chương trình giáo dục phổ thông rất khác biệt với Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ trì. Và lúc đó chúng ta mới thực sự được quyền lựa chọn. Vì lợi ích Quốc gia, thiết nghĩ GS Ngô Bảo Châu sẽ không từ chối trách nhiệm, mà ông hiện là một trong số những người có năng lực phù hợp nhất để đảm nhận.
Giáo dục Việt Nam đang bị tụt hậu toàn diện và cải cách giáo dục là điều bắt buộc. Nhưng tiến hành cải cách giáo dục thì phải chọn đúng đường đi và chọn đúng người dẫn đường. Hấp tấp nóng vội và độc quyền bảo thủ sẽ chỉ đưa đến thất bại. Giáo dục là quốc gia đại sự. Thêm một hội đồng xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông sẽ mang lại cho giáo dục Việt Nam thêm hơn nửa bầu trời.
Người lãnh đạo phải rất quyết đoán, nhưng phải là những quyết đoán sáng suốt mà không liều lĩnh.
Muốn có quyết đoán sáng suốt thì phải lấy lợi ích dân tộc làm điều tiên quyết. Lợi ích dân tộc sẽ là ngọn đèn chỉ đường, thiêu cháy những tư tưởng nhỏ nhen ích kỷ và rọi sáng những tư tưởng quang minh lỗi lạc.
Nguồn: https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/1074212106045552