Nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, rừng đầu nguồn bị tàn phá nghiêm trọng, đất sản xuất dần bị xóa sổ… là những hệ quả mà “vàng tặc” gây ra tại khu vực huyện Đăkrông (Quảng Trị), nơi giáp ranh với tỉnh Savanakhet (Lào).
Điều đáng nói là hoạt động khai thác vàng trái phép tại đây đã kéo dài trong nhiều năm qua, dù chính quyền địa phương đã nhiều lần truy quét, đẩy đuổi. Không chỉ tàn phá môi trường, tệ nạn ma túy theo chân “vàng tặc” còn khiến cuộc sống của hàng ngàn đồng bào dân tộc Pacô – Vân Kiều, vốn bao năm yên bình, bỗng trở nên xáo trộn.
Hủy hoại môi sinh
Sau hơn 5 tiếng đồng hồ cuốc bộ, vượt qua hai con dốc dựng đứng và hàng chục “trạm cảnh giới” của “vàng tặc”, phóng viên Đất Việt mới “đột nhập” được vào các bãi khai thác trái phép ở khe Ho, khe Póc, khe Ngài (xã A Vao, xã Tà Long, huyện Đăkrông). Tận mắt chứng kiến, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những “đại công trường” được “vàng tặc” dựng lên: hàng chục lán trại hoành tráng, cùng hàng trăm công nhân hối hả đào, đãi. Máy xay đá, đãi vàng chạy ầm ầm cùng tiếng nổ mìn làm chao đảo cả những khu rừng lớn. Trong bán kính khoảng hai km, không một loại cây rừng, động vật, chim muông, tôm cá nào có thể sống nổi, do a-xít, thủy ngân dùng gạn lọc vàng thải ra.
Anh Hồ Kiên, công an xã A Vao, cho biết mỗi khi phát hiện lực lượng công an truy quét, các đầu nậu và nhân công làm thuê bỏ chạy vào rừng. Trong khi đó, những dân bản được thuê thì nán lại, đem máy móc và dụng cụ đào đãi vàng đi cất giấu hoặc giả vờ làm dân đãi “xái” vàng. “Những trường hợp như thế, chúng tôi rất khó xử lý, anh Kiên cho hay.
Để có các cỗ máy lớn và thuốc nổ, hóa chất, lương thực phục vụ cho việc khai thác vàng, các đầu nậu thường thuê thanh niên, phụ nữ, trẻ em là dân địa phương vận chuyển, vượt rừng vào tập kết tại bãi vàng. Với một chuyến hàng khoảng 50 kg, người dân nhận được khoảng 10.000 đồng. Anh Hồ Văn Pun, xã A Vao kể: “Trung bình một ngày tui gùi hàng cho đầu nậu cũng kiếm được 500.000 đồng. Công việc chẳng khó gì, nên mấy năm ni tôi có ngó ngàng nương rẫy đâu”.
Chính quyền bất lực
Phó Chủ tịch UBND xã A Vao, ông Hồ A Điêng cho biết: “Dân bản vì cái lợi trước mắt nên đã bị “vàng tặc” mua chuộc nên một số đã tiếp tay cho kẻ xấu. Xã đã nhiều lần họp dân phổ biến tác hại “vàng tặc” nhưng không mấy hiệu quả, thành ra nạn khai thác vàng trái phép ở đây cứ dai dẳng”. Theo ông Điêng, tệ nạn nghiện hút từ các bãi vàng xuất hiện nhiều, luôn rình rập, đe dọa cuộc sống của nhiều gia đình ở đây.
Theo ông Đặng Quang Thanh, Trưởng Công an huyện Đăkrông, nhiều năm qua, công an huyện đã tổ chức rất nhiều cuộc truy quét, đẩy đuổi vàng tặc. Tuy nhiên, các cuộc truy quét này đều không đem lại hiệu quả. Sở dĩ như vậy là do hệ thống “vệ tinh” của đầu nậu vàng tặc luôn theo dõi công an, hễ có động tĩnh là các đối tượng này báo cho chủ vàng thu dọn hiện trường, tẩu tán tang vật và tìm cách ẩn nấp.
Công an huyện Đăkrông cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có hai điểm khai thác vàng lớn gồm: xã A Vao, Tà Long được UBND tỉnh cấp phép hoạt động cho Công ty khoáng sản 4 thực hiện thăm dò và Công ty Lũng Lô 5 khai thác. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều điểm khai thác vàng trái phép phát sinh hoặc núp bóng dưới hai Công ty này khai thác vàng ồ ạt. “Hiện, trên địa bàn xã có đến 7 ông “trùm” khai thác vàng với quy mô đồ sộ gồm: Hồ Văn Thanh, Hồ Văn Bương, Hồ Văn Bông, Hồ Văn Nghĩa, Hồ Pa Lôn. Các “trùm” này là người dân tộc, được một số “trùm” lớn người Kinh chỉ đạo để đứng ra khai thác vàng trái phép”, một cán bộ công an huyện cho hay.
VL
http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Vang-tac-dai-nao-vung-bien/20105/95121.datviet