Ngày 27/04/2017, Đinh La Thăng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật liên quan đến sai phạm điều hành kinh tế. Hai mươi bảy năm về trước, cũng vào ngày 27 (27/03), một kỷ luật được đưa ra và áp dụng với một Ủy viên Bộ Chính trị – Trần Xuân Bách.
Ủy viên Bộ Chính trị – Trần Xuân Bách
Kỷ luật Trần Xuân Bách và sự tiếc nuối thế kỷ
Ông Trần Xuân Bách là ai? Ông là một Ủy viên Bộ Chính trị, và là Bí thư Trung ương Đảng từ khóa V (1982), Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Nhưng điều đáng nói, ông lại là một người có tư tưởng đa nguyên, với quan điểm: Dân chủ là quyền của dân.
Phải nhắc lại như vậy, để thấy rằng, ông Trần Xuân Bách và cái án “kỷ luật”, nhất là vào thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước lớn mức độ nào.
Ông là người, trên cương vị đảng viên cao cấp của ĐCSVN đã khẳng định xu thế tất yếu của chuyển đổi mô hình CNXH Stalin sang mô hình mới hơn. Cụ thể là: sở hữu tư nhân, kinh tế hàng hóa, nhà nước pháp quyền, và xã hội dân sự.
Xu thế này được nhà nước Việt Nam hiện tại hướng tới, từ công nhận kinh tế hàng hóa trong ĐH VI (1986) cho đến sẽ ra một Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân (Hội Nghị T.Ư V, Khóa XII sắp tới đây); từ nhà nước pháp quyền XHCN, cho đến thừa nhận sự tồn tại khách quan của khu vực Xã hội dân sự tại Việt Nam,… Và tương lai, sẽ là tiến tới công nhận quyền sở hữu tư nhân về mặt đất đai để chống lại sự xói mòn niềm tin trong dân như vụ dân biến tại xã Đồng Tâm (Hà Nội) vừa qua.
Tất cả những sự việc này đã và sẽ diễn ra như một quy luật tất yếu, vì nếu kháng cự lại, ĐCSVN sẽ bị nghiền nát bởi cơn khủng hoảng kinh tế và sự nổi loạn trong lòng xã hội. Bởi “cái gì thuộc về quy luật, xu thế thì nó vẫn cứ đi tới, dù có chậm lại” [Trần Xuân Bách nhận định].
Sự “chậm lại” [dù thế] cũng là một sự khốn nạn từ bên trong của dân tộc Việt Nam. Bởi nếu đầu thế kỷ XX, chúng ta có Phan Châu Trinh với tư tưởng “dân quyền”, thì những năm cuối thế kỷ XX, Việt Nam có Trần Xuân Bách với tư tưởng “quyền dân”. Tiếc rằng, cả hai tư tưởng dân chủ hóa, tạo những nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Việt Nam lại bị gạt ra khỏi lề lịch sử. Do đó, nếu hôm nay, đề nghị Kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng khiến bản thân người cũng có chút vui, thì Nghị quyết Kỷ luật của Hội Nghị T.Ư 8 (Khóa VI) ngày 27/03/1990 lại khiến tôi tiếc nuối bấy nhiêu, bởi nó kéo lùi sự phát triển của Việt Nam gần 27 năm.
Đinh La Thăng là ký sinh của hệ tư tưởng giáo điều
Có thể nói, Đinh La Thăng chính là sản phẩm của sự “đồng thuận cao” trong kỷ luật – cách chức ông Trần Xuân Bách tại Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khóa 6.
Và ngày hôm nay, đứng sau cái án kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng lại là một sản phẩm của CNXH giáo điều mang tên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi hiểu ra sự hân hoan của ông, của một chiến thuật “nằm gai nếm mật” triệt hạ từng vây cánh của đồng chí X, để đánh chuột mà không làm vỡ bình. Ngày mai ông sẽ “tự hào” mà nói với cử tri rằng, không có vùng cấm tham nhũng, Đảng ta đang tạo ra sự trong sạch và đạo đức trở lại, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không chừa một ai – kể cả Ủy viên Bộ Chính trị.
Đinh La Thăng nằm trong một bộ sậu mang biệt danh X.
Nhưng, một Đinh La Thăng bị hạ thì cũng chỉ là một nốt nhạc trong bản giao hưởng dài hơi, Đinh La Thăng nảy sinh chính từ vật thể chủ mang tên “chủ nghĩa giáo điều” mà ông Tổng Bí thư hiện tại luôn tôn vinh và nhắc nhở đảng viên của mình. Mảnh đất của hệ tư tưởng giáo điều đã tạo điều kiện tốt nhất để tha hóa con người, đưa họ trở lại với quan liêu, tham nhũng. Chính cơ chế ấy, cơ chế đó sẽ làm thế, sẽ tạo ra những nốt “Thăng Giáng” khác nhau, và độ ăn tàn phá hoại trên bản nhạc giao hưởng thiên đường sẽ không hề kém cỏi.
Sự kiện ngày 27/04/2017 vì thế nên được xem như một sự kiện chặt hạ vây cánh, hơn là một sự kiện để nói về tinh thần xây dựng quốc gia, dân tộc của Đảng. Như việc xem xét ĐH VI là mở đường thở cho ĐCSVN hơn là Đổi mới cho cả dân tộc này. Bởi chừng nào còn chưa Đổi mới Chính trị, thì chừng đó các Nghị quyết kinh tế tư nhân dù có ra đời vẫn sẽ chựng lại, kỷ luật Ủy viên Bộ Chính trị này kia sẽ mông lung như một trò đùa. Quan trọng hơn, cả dân tộc vẫn sẽ nhảy múa trong bản tang lễ buồn không tên, đầy mỏi mệt.
“Lẳng lặng mà nghe tiếng nói dân
Lấy dân làm gốc phải nghe dân
Trí khôn thiên hạ không hề thiếu
Chỉ sợ người ngu thích kẻ đần!”
(Bách Xuân – bút danh ông Trần Xuân Bách)
A.V.
Nguồn: http://www.ijavn.org/2017/04/vntb-ky-luat-inh-la-thang-viet-nam-van.html