Cơ quan điều tra đã làm một việc sai lầm chết người do những kẻ điều tra vô trách nhiệm, chỉ nóng nảy muốn “lập công dâng Đảng” bằng mọi giá, bất chấp sự thật, nên từ nỗi đau của một gia đình nhân lên thành nỗi đau của hai gia đình. Không dừng lại ở đó, khi có cơ hội hàn gắn nỗi đau thì cũng vì vô trách nhiệm mà không hàn gắn được, lại đẩy nỗi đau của cả hai gia đình đến mức cùng tột, có cơ lan ra thành hội chứng xã hội, bản thân chính quyền mua lấy tiếng cười. Cách đào tạo quan chức của bộ máy công quyền trong bao nhiêu năm hình như đã làm thui chột gần hết mọi lương tri, biến vô số con người chức năng thành những cái máy vô lương, vô hồn, ở lĩnh vực nào cũng thế và cấp nào cũng thế. Sự nhọ nhem không còn để đâu cho hết.Bauxite Việt Nam
Bản thân tôi đã khóc khi nhìn vào đôi mắt của người Cha ấy, bao nhiêu căm phẫn và bất lực dồn nén đến tột cùng, mà tôi không thể có từ ngữ nào khác để diễn tả. Ròng rã 12 năm trời hầu tòa, đó là chuỗi ngày đau đớn không chỉ riêng ông mà toàn thể gia đình khi nghe tường thuật (trong lúc xét xử) về hành vi sát hại con mình. Và những lần ấy, người Cha nghĩ rằng linh hồn con gái ít nhiều được siêu thoát vì công lý được thực thi, hung thủ phải đền tội.
Thế nhưng, một điều tréo ngoe và tàn nhẫn, hung thủ không phải là ông Long. Vậy ai mới là kẻ sát hại giọt máu của mình. Một câu hỏi như nát cả ruột gan. Chúng ta, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của ông, tôi tin, dù có đau thì, chỉ có ông và gia đình, những người trong cuộc mới thấu được nỗi đau này lớn thế nào.
Một giả thiết, nếu ngày xảy ra vụ án, CQĐT Bắc Giang không vội vàng bắt giam ông Long và VKS, tòa án cẩn trọng, xem xét kỹ, có thể hung thủ đã được tìm ra. Tuy nhiên, chính cách làm thiếu trách nhiệm, hay nói cách khác là vô tâm dẫn đến một hệ quả không thể khắc phục được cho cả nạn nhân lẫn người bị oan sai.
Tôi định không viết thêm nội dung về sự việc này và không dùng những từ ngữ thực tại như trên kia (vì có thể hằn thêm nỗi đau cho nạn nhân) nhưng tôi không thể không viết khi nhìn vào đôi mắt của người Cha, đặc biệt, ngày hôm qua, ông Phó Cục trưởng cục bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp trả lời trên báo VnExpress rằng:
“Buổi xin lỗi ông Long là đúng pháp luật”.
Đó là câu nói hết sức “tàn nhẫn”. Sự tàn nhẫn thế nào, tôi để dư luận đánh giá vậy.
Người Việt, từ ngàn xưa vốn có lòng bao dung, lời xin lỗi, nó phải được xuất phát từ cái tâm về sai lầm mà mình gây ra. Nếu lời xin lỗi cho qua chuyện, không xuất phát từ sự hối hận thì không cần phải thực hiện bởi, đó là sự “phỉ báng” vào lương tri con người.
Trong câu chuyện này, tôi không thể đo lường được ông Long đau đớn hơn hay người Cha mất con kia đau đớn hơn. Có lẽ, nỗi đau đó chỉ có trời đất mới thấu hiểu được.
Vậy, câu hỏi đặt ra, giờ đây, phải làm thế nào để xoa dịu một phần nỗi đau cho gia đình nạn nhân và cả ông Long. Tôi cho rằng, những người công an, viện kiểm sát, tòa án đã thụ lý và giải quyết vụ án này cần trực tiếp đến cúi đầu xin lỗi cả hai. Đồng thời, phía CQĐT Bắc Giang phải nhanh chóng tìm mọi cách để đưa thủ phạm ra ánh sáng, trả lại công bằng cho linh hồn của cháu.
Người Cha ấy và ông Long không cần một buổi xin lỗi sáo rỗng với 03 phút đọc ngắn ngủi kèm theo đó là hàng loạt căm phẫn dồn nén vào những chiếc dép.
P/s: Có ai đó đã nói “Con gái là kiếp trước của bố”. Tôi viết những dòng này và coi đây là một nén nhang thắp cho hương hồn cháu bé 5 tuổi, mong cháu an giấc ngàn thu.
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
Sài Gòn, ngày 27/04/2017