Người thương thuyết – vai trò mềm hóa quyền lực nhà nước(*)

LS Lê Văn Luân

Các bạn hay mọi người xin đừng đòi hỏi hay phán xét gì về giá trị pháp lý đối với văn bản của ông Chủ tịch Hà Nội và các đại biểu Quốc hội đã cam kết với nhân dân xã Đồng Tâm diễn ra ngày hôm nay, 22/04/2017.

Vì bởi lẽ, khi luật pháp vốn chưa được thực thi đầy đủ và đúng nghĩa, thì công lý tiệm cận với lẽ phải là thứ cần được hiện diện và thành hình trong lòng của nó.

Khi chúng ta vẫn có tình trạng họp liên ngành tố tụng, mà nơi đó cơ quan quyền lực thứ 4 là “đảng uỷ” mới là cơ quan quyền lực thực sự, nhưng nó lại là thứ quyền lực ẩn phía sau ba cơ quan tố tụng của nền tư pháp. Bởi chúng ta có Hiến pháp (Điều 4) đã khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của đảng đối với nhà nước và xã hội. Và thêm vào đó, khi xã hội đồng lòng cam chịu trước những bất công, trước những kẻ tham nhũng quỷ quyệt và tàn ác và cũng khó lòng có thể đem chúng ra ánh sáng mà xét xử, việc chạy quyền, chạy chức, quan hệ, hậu duệ thành vấn nạn của đất nước mà chưa thể kiểm soát, và theo nhận thức của đa phần người dân, thì đó như là một thói quen sống của cả một xã hội đang vận hành.

Thế thì luật pháp đã rời xa công lý hay lẽ phải như vốn có của một nền chính trị và pháp trị đúng nghĩa theo quan niệm của văn minh trên thế giới.

Hơn nữa, như ông Martin Luther King cũng đã nói, ngay cả khi luật pháp tồn tại, nó cũng chưa chắc là điều đúng đắn, vì như chúng ta đã biết là đã từng có lúc những thứ luật pháp tàn bạo của Hitler đã trở thành hợp pháp đó thôi.

Thế thì, trong cuộc biến vừa rồi, điều nhân dân cần là cuộc đối thoại thực tâm từ phía chính quyền để giải quyết tận gốc rễ nguồn cơn sự việc mà sự bế tắc trong phẫn uất của dân chúng được dồn nén từ cả nửa thập kỷ nay, và nó chỉ bùng phát khi việc bắt bớ cụ Kình lẫn một vài người khác ngày 15/04/2017 diễn ra bất ngờ, mà như theo nhân dân nơi đây nhận định là “chưa đúng pháp luật”.

Vậy thì, điều gì cần thiết lúc này?

Đó chính là công lý của lẽ công bằng được đặt lên trên hết.

Tuy biết rằng ta không thể hiểu một cách cơ học theo kiểu đối trừ một hành vi sai bằng một hành vi sai của một người khác thực hiện trước đó. Nhưng luật pháp cũng đã quy định rõ ràng, một hành vi sai trái của một người sẽ phải chịu chế tài của luật pháp, nhưng họ sẽ được loại trừ trách nhiệm nếu đó là hành vi tự vệ chính đáng, hoặc vì tình thế cấp thiết, hay do hành vi ấy không đủ mức để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chúng ta đừng đòi hỏi luật pháp theo đường thẳng lúc này. Vì chúng ta cần thứ chính trị mềm để giải quyết những sự biến lớn của xã hội khi nền tảng xã hội đang bị đứt gãy nghiêm trọng, đặc biệt là những hệ giá trị cơ bản cốt yếu và cấu tạo nên nó.

Sau sự việc này, điều đã đạt được là một sự thành công hơn những gì chúng ta tưởng. Ngoài việc phá vỡ việc thực thi luật pháp thông thường có tính tuỳ tiện lâu nay, thì đây là lúc chúng ta đang làm mềm hoá được quyền lực nhà nước và tiến tới một nhận thức hoàn toàn mới về sức mạnh của nhân dân, của sự cần thiết thay đổi cách quản lý, điều hành và sử dụng quyền bính chính trị từ phía người cầm quyền.

Sau sự việc Đồng Tâm, tất cả đều thắng và đạt tới những giá trị cần thiết đối với một tiến trình vận động theo hướng đi lên của xã hội.

Cải cách ư. Đây chính là thứ đang thể hiện rõ nét “khúc cua” của một sự khởi đầu bắt buộc theo yêu cầu của thời đại, không thể khác được, nếu nhìn vào diễn biến tình hình thế giới và đối chiếu với cả những sự kiện diễn ra [trên] toàn xã hội trong lòng Tổ quốc ta trong suốt nhiều năm qua thì thấy rõ sự cấp thiết của nó.

Hãy nhìn cái chắp tay cúi đầu của người mặc đồ cảnh sát cơ động cúi chào nhân dân Đồng Tâm để thấy được sức mạnh của đấu tranh bất bạo động là như thế nào, và quyền lực nhà nước thực chất, cuối cùng, thuộc về nhân dân.

Đây là những động thái chính trị chưa từng có trong lịch sử của dân tộc. Đó là điều mà chúng ta vẫn chờ đợi nhưng lại chưa từng nghĩ nó chính là bước ngoặt thực sự của thời cuộc.

Sau khi kết thúc cuộc hoà đàm của nhân dân Đồng Tâm và chính quyền, tôi nghĩ đến bộ phim “Người đàm phán” mà nam tài tử Tom Hank thủ vai chính là Luật sư trong nhiệm vụ bào chữa cho gián điệp người Đức hoạt động trên đất Mỹ khi bị phát hiện và bắt giữ. Và cuối cùng, ông đã bảo vệ thành công với mức án 10 năm tù thay vì tử hình, và sau này người này trở thành một “con tin” quý giá để Hoa Kỳ trao đổi với Liên Xô. Lúc này, cũng vượt qua lằn ranh của luật pháp thông thường như người ta vẫn mường tượng. Hơn nữa, trong suốt cuộc đời mình sau đó, vị Luật sư James Donovan này cũng thương thuyết thành công để chính quyền độc tài Cuba của Fidel Castro trả tự do cho hơn 1.000 người dân là “tù nhân chính trị” của nước này từ mấy chục năm trước.

Việc của chính trị, lắm khi nằm ngoài phạm vi trói buộc của luật pháp thông thường, mà đó như một cuộc đấu tranh bằng trí tuệ và quyền lực thực sự để thuần hoá thứ quyền lực luôn có xu hướng rời xa nhân dân.

Vì, mọi hành vi chính trị của dân chúng sẽ kiến tạo ra luật pháp.

Và phải chăng trong suốt thời gian qua, họ, những người kêu gào sự gần gũi của chính quyền với người dân, đang mong chờ điều đó diễn ra trong xã hội, khi Đồng Tâm chính là một sự trông đợi đúng lúc nhất trong thâm tâm các vị, thì rồi chính các vị lại muốn phủ nhận nó, mà nó vốn như một giá trị mang tính lịch sử của sự chuyển biến tích cực hằng mong đợi?

Nguồn: FB Luân Lê

(*) Đầu đề của tác giả, BVN có bổ sung

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.