Trần Ngọc Vương
Đến giờ này, nếu yêu cầu quân đội thôi làm kinh tế, chắc người yêu cầu sẽ lãnh đủ, không chỉ gạch đá, mà có thể cả những thứ nặng hơn gạch đá bội phần. Biết vậy, nên nếu còn những người đủ sáng suốt tiếng nói có trọng lượng thì chắc cũng sẽ không cất lời lên nổi! Nhưng chả nhẽ không ai nói gì?…
Tự cổ chí kim, tự đông sang tây, quân đội sinh ra chỉ để duy trì sức mạnh bạo lực cho một/những cộng đồng xác định. Đó là một tổ chức đặc biệt, tập hợp những người trẻ khoẻ và ưu tú của các cộng đồng. Các nhà tư tưởng, rõ nhất là hai nhà sáng lập học thuyết CNCSKH, đều khẳng định rằng trong xã hội có giai cấp, quân đội là công cụ bạo lực của giai cấp thống trị, nhưng không phải và không bao giờ nên là một giai cấp kinh tế. Với các nhà nước, quân đội được lập ra chính là để trước hết là bảo vệ cộng đồng, bảo vệ quốc gia. Chính vì lẽ đó mà cơ quan quản lý nhà nước cao nhất của quân đội mới mang tên BỘ QUỐC PHÒNG.
Trong lịch sử VN, quân đội chỉ tham gia làm kinh tế trong một vài tình huống đặc biệt:
– hiểm hoạ chiến tranh không được loại trừ dứt điểm mà có nguy cơ kéo dài, buộc phải duy trì một đội quân thường trực đủ lớn, đi kèm là chi phí tốn kém, buộc phải tổ chức cho quân đội làm kinh tế. Trong trường hợp đó, loại “đầu việc” kinh tế của quân đội thường phải hướng tới việc làm giàu cho nền kinh tế quốc gia, đóng góp tất cả sản phẩm vào quốc khố.
– một hình thức khác là “ngụ binh ư nông”, trả tạm binh lính về làng xã, nhưng “biên chế” vẫn thuộc sự quản lý của Bộ Binh.
– tổ chức để quân đội làm “kinh tế mới”, khai thác những vùng đất mới, vừa khai thác vừa bảo vệ cương thổ quốc gia.
Trong điều kiện của một xã hội thời bình, hầu hết các triều đại trong lịch sử VN và các quốc gia có hoà bình trên thế giới đều không cho phép quân đội tham gia làm kinh tế, nhất là tham gia kinh doanh trong thị trường dân sự.
Dường như ở ta mấy chục năm vừa qua, quân đội đã không được tổ chức theo nguyên lý thông thường của thế giới như vậy!
Là phúc hay là hoạ, xin những người có trách nhiệm cao nhất suy ngẫm cho kỹ !
T.N.V.
Nguồn: FB Vuong Tran Ngoc