Bản cam kết của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân Đồng Tâm ngày 22-4-2017

Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đọc bản cam kết của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trước toàn thể bà con. Tôi là một trong nhiều người làm chứng ký vào bản cam kết đó.

 LS Trần Vũ Hải

Đây là cam kết độc nhất vô nhị của đại diện chính quyền cấp… Thủ đô với dân, kể từ năm 1945 đến giờ (ngay cả cấp xã cũng chưa bao giờ có). Chỉ cần một cam kết này thôi đã gỡ gạc hình ảnh của chế độ và chính quyền cách mạng trong suốt 72 năm qua. Tui không thèm nói ngoa!

P/s: Lại hết chán ông Chung, he he!

Nguyễn Quang Lập

Rồi, văn bản này sẽ có chỗ trong bảo tàng lịch sử hiện đại VN. :D

Các đời sau này, khi đình làng Đồng Tâm thờ thành hoàng làng – ông Kình –
thì cái này còn quý hơn sắc vua ngày xưa phong.

Heu Tran Nguyen

Bản cam kết này rồi đây sẽ vào bảo tàng lịch sử, ghi lại giai đoạn man rợ trong chính sách đất đai.

Dongngan Doduc

Thẩm quyền miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật định thuộc về 3 cơ quan, đó là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án… hình như cả ba cơ quan này không có ai từ bảo vệ đến lái xe tên là Nguyễn Đức Chung, nên nếu có ai tên là Chung đến hứa không truy cứu trách nhiệm hình sự cả làng thì bà con phải cẩn thận, khéo là hứa lèo đấy ạ… :v

Nguyễn Lân Thắng

Ông ấy cam kết không truy tố dân Đồng Tâm nhưng cam kết này hoàn toàn vô giá trị. Bởi thầm quyền truy tố thuộc về cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Điều này cho thấy não trạng lâu nay là người đứng đầu chính quyền quyết định mọi việc thay tòa án và viện kiểm sát.

TranBen Tran

KHÔNG THỂ PHẢN BỘI CHÍNH MÌNH!

Có bạn vẫn nghi ngờ ông Chung thủ đoạn, sẽ lật kèo! Theo tôi, Ông Chung đã công bố bản Cam kết giấy trắng mực đen, tự tay ông viết và ký (Chứ không phải thư ký viết nhé). Bản Cam kết công khai trước toàn dân, trước thế giới, điều đó còn lớn hơn sinh mạng chính trị của ông. Ông có thể mất chức, chứ không bao giờ phản bội lại điều đã cam kết với dân. Vì đó là danh dự, nhân phẩm, nhân cách của con người – còn cao mọi cái. Hơn nữa ông Chung không phải dân thường, Ông là người đại diện cho Thủ đô ngàn năm Văn hiến, bao nhiêu cặp mắt dõi theo Ông, bao nhiêu niềm tin gửi gắm nơi Ông. Ông không thể phản bội lại người Dân và phản bội chính mình!

Mạc Văn Trang

Nếu sau này, bộ công an hoặc quân đội truy tố người dân đồng tâm, với lý do sự việc lớn tầm quốc gia (bẽ mặt), thì Chung con vô can, đúng không mọi người?

Nguyễn Vũ Bình

Tôi cho đây là thắng lợi chưa từng có và sẽ là khởi đầu của cả một phong trào.

Phạm Nguyên Trường

Trong ba điều ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ký cam kết với nhân dân xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) ngày 22/4/2017 thì điều 1 (thanh tra toàn diện vấn đề đất đai ở xã) phải đợi sau 45 ngày mới có kết quả. Điều 2 (không truy cứu trách nhiệm hình sự với nhân dân) thì có hiệu lực ngay khi ký xong, trừ phi sau này các ông lật ngược lại, bảo rằng cá nhân tôi, tuy là Chủ tịch thành phố, muốn thế, nhưng các cơ quan pháp luật chiểu theo luật lại không cho làm thế. Ở đây, tôi muốn nói đến điều 3, liên quan đến việc bắt giữ và gây thương tích cho cụ Kình. Sự vụ này thuộc công an Hà Nội, việc cụ Kình bị thương tích khi thay mặt dân làng ra nơi làm việc với chính quyền (mà lúc rời nhà đi vẫn bình thường, khỏe mạnh) đã rõ, có nhiều người chứng, trích xuất máy quay của công an nghiệp vụ đi cùng (mà tôi tin là luôn có) sẽ thấy. Trong đoàn đi theo ông Chung xuống Đồng Tâm có cả Thiếu tướng, Giám đốc Sở Công an thành phố, nên việc xác minh chuyện này có thể làm ngay, làm nhanh được. Chỉ nội trong một ngày, nếu muốn, đã có thể cho biết kết quả.

Hãy sớm công bố kết quả điều 3 để làm tin với nhân dân!

Phạm Xuân Nguyên

Đúng như mình đã dự đoán, vụ việc tại Đồng Tâm đã được giải quyết êm đẹp theo hướng mở. Mở con đường sống cho cả hai, chính quyền và người dân.
Chính quyền với ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TPHN đã đưa ra giải pháp tuyệt vời, cho làm rõ việc tranh chấp đất và cam kết không truy cứu toàn bộ người dân Đồng Tâm. Một việc làm vô tiền khoáng hậu của chính quyền.
Về phía người dân đã trao trả toàn bộ 19 người đang giữ và lại quay trở về cuộc sống hàng ngày của một vùng quê yên bình.

*

Đáng ghi nhận nhất trong sự việc này là vai trò cầu nối của các Luật sư.

Các Luật sư bao gồm LS Nguyễn Văn Chiến, Trần Vũ Hải, Hướng Hoàng, Nguyễn Hà Luân, Luân Lê, Ngô Tuấn đã thực hiện vai trò của mình một cách hết sức tâm huyết, chí tình chí lý.
Nhưng điều tuyệt vời nhất là họ đã nhận được sự tin yêu của người dân trong khủng hoảng. Và họ đã không phụ niềm tin yêu đó.
Sự việc có thể đã diễn ra không như mong muốn của một số người cực đoan, cũng lại ở cả hai phía. Cũng không nghe theo sự kích động của nhiều nhà báo chính thống nhưng “tăng động”. Nhưng kết quả này làm đa số những người quan tâm hài lòng và vui mừng.

*

Riêng tôi, thêm một lần nữa, tôi tự hào về các đồng nghiệp của tôi.

5 Luật sư giúp bà con Đồng Tâm kết nối với chính quyền để giải quyết cuộc khủng hoảng một cách ổn thoả, sau một tuần căng thẳng. Ảnh lấy từ FB LS Trần Vũ Hải

LS Lê Văn Luân

Vậy là kết quả có hậu, cuộc đấu tranh quyết liệt nhưng có gốc Thiện và đầy trí tuệ đã thành công, kết nối được những mảnh thiện trong cái hệ thống chính trị cái ác cái tham cái hại nước phản dân, cái định hướng gỉả, cái tôn giáo thờ tiền dán nhãn Mac Lê Nin và nhân danh phát triển rồi quốc phòng này nọ đang lấn át. Có thể rút ra mấy nhận xét sau:

1. Trước hết, việc tôi tin tưởng vào Chủ tịch Chung là đúng đắn. Các bạn giễu cợt chê bai tôi nên xem lại. Việc viết kịch bản hài về Chủ tịch – vừa cảnh báo Chủ tịch đừng nhăm nhăm vào chuyện cứu quân mình, mà quan tâm đến bà con là cái gốc, từ đó mọi chuyện sẽ được giải toả – cũng là việc làm đúng lúc và nhất quán của tôi.

2. Mặc dù có những ngày hành xử thận trọng và cảnh giác mang tính kỹ thuật nghề nghiệp và cân đối bọn cướp với nhân dân, nhưng cuối cùng Chủ tịch Chung cũng chạm đến tình cảm tin cậy và quý trọng của đồng bào. Đó là điểm son đầu tiên báo hiệu con đường phát triển tốt đẹp hơn của CT, Tuy nhiên, mọi việc còn phải được kiểm chứng sau 45 ngày CT đối diện với các nhóm lợi ich khủng, những bọn đầu trâu mặt ngựa thờ tiền, hèn với giặc, ác với dân và luôn nấp sau các tem nhãn thiêng liêng để làm trò kẻ cướp. Chúng ta cần chia sẻ, động viên, tiếp sức và giám sát cuộc chiến này của CT Chung.

3. Bà Bí thư Đảng uỷ không biết có trốn trong những ngày dân Đồng Tâm phát huy truyền thống bất khuất “rào làng giữ nước”, “vừa hợp tác vừa đấu tranh” không, nhưng cách bà phát biểu do báo thuật lại có vẻ cũng là một người con, người chiến sỹ của nhân dân, không khốn nạn bỉ ổi như nhiều thứ Bí thư bí thủng ở nhiều nơi khác.

4. Bà con Đồng Tâm đã thắng lợi. Chúc mừng bà con. Đây là trận chiến WIN-WIN, cả hai bên (DÂN và CHÍNH QUYỀN) đều thắng, chỉ bọn Viettel và bọn chính quyền địa phương bán đất là thua điểm bước đầu: Những thứ chúng định giấu trong bóng tối sau những tem nhãn trắng trợn, thì nay sắp bị lôi ra ánh sáng.

5. Bà con Đồng Tâm thực sự là những người Việt mang phẩm giá của truyền thống văn hoá Việt. Trước đây, quân Lê Lợi đã đánh cho quân Minh bạt vía kinh hồn ở đất này, trong trận Tốt Động – Chúc Động diễn ra trong các ngày 5-7 tháng 10 năm Bính Ngọ (1426), giữa nghĩa quân Lam Sơn với quân nhà Minh đóng ở Đông Quan (tức là Thăng Long, Hà Nội) là một chiến thắng quân sự lớn của nghĩa quân Lam Sơn được nhắc đến trong Bình Ngô đại cáo “Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm;Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm”. Cách ứng xử quyết liệt của nhân dân Đồng Tâm vừa mang hào khí của Tổ tiên vào cuộc chiến chống giặc nội xâm, vừa mang văn hoá làng truyền thống, vừa thể hiện phẩm chất nhân hậu trong cốt lõi của người dân Việt “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” (Nguyễn Đình Thi).

Việc bà con xin lỗi, mong khoan thứ là từ cái nhân hậu cái biết điều và văn hoá nhún nhường truyền thống. Bọn đầu trâu mặt ngựa thời nay chớ có tưởng là dân sợ, bám lấy cái đó để ép Chủ tịch Chung mặc cảm với những thiện ý quân tử mà hành xử theo hướng bá đạo, thấp tầm của các nhóm lợi ích tham lam thô bỉ. Các băng nhóm, băng đảng lợi ích làm nẩy sinh ra những phản ứng của dân như vụ này đều do ĐCSVN đẻ ra và nuôi cho lớn dậy, đến nỗi khi Đảng đã tỉnh ngộ đang cố chống lại đứa con quỷ dữ ấy vẫn không khỏi bị chúng bắt sống, doạ dẫm, mua chuộc, bịt miệng và vô biệu hoá. Vì thế, bà con và chúng ta không thể lạc quan tếu mà phải sẵn sàng cuộc chiến thứ hai quyết liệt hơn khi chúng kết nối với những quyền lực khủng để vô hiệu hoá những nỗ lực thực hiện trách nhiệm với dân của CT Nguyễn Đức Chung.

Đỗ Minh Tuấn

ĐỒNG TÂM – THÀNH CÔNG VÀ THẤT BẠI

Cuộc đàm phán sáng nay (22/4/2017) giữa Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung và cư dân xã Đồng Tâm, và cuộc thả con tin vào buổi chiều, đã kết thúc và sẽ đi vào lịch sử.

Ta thấy gì trong sự kiện này? Thấy cả niềm vui và nỗi buồn.

VUI:

1. Đã không có (thêm) bạo lực và đổ máu sau vụ việc sáng 15/4. Ngay cả vào thời điểm căng thẳng nhất, đêm 19/4, bạo lực của công an và côn đồ nhằm vào dân cũng đã được kiềm chế. Phía dân Đồng Tâm không có hành động bạo lực nào.

2. Sự việc tạo một tiền lệ cho quan hệ nhân dân và chính quyền: Đối thoại, không đối đầu bạo lực. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, quan chức đến gặp dân “nói chuyện đàng hoàng, người lớn với nhau”, không có màn hống hách quát tháo, không có thái độ răn dạy, “giải thích đường lối” cho dân.

3. Với việc ông Chung hứa hẹn sẽ có điều tra về vụ bắt giữ trái phép cụ Lê Đình Kình, (hy vọng) sự việc góp phần thay đổi tư duy của một số người, giúp họ nhận ra rằng chính quyền có thể sai, công an có thể phạm pháp, và dân thường luôn cần được bảo vệ.

4. Vụ việc có thể tạo tiền lệ dân bắt giữ công an để phản ứng trong trường hợp cần thiết. Nhưng nếu công an, quân đội không làm sai, không phạm tội, không tiếp tay cho chính quyền và doanh nghiệp hà hiếp dân, thì sẽ chẳng có tiền lệ đó.

BUỒN:

1. Câu chuyện Đồng Tâm cho thấy trình độ của nền báo chí Việt Nam đang ở mức nào. Việc một quan chức cấp cao như ông Nguyễn Đức Chung đến gặp dân để đối thoại là chuyện cực kỳ bình thường và là việc phải làm của một chính trị gia bình thường trong một đất nước bình thường. Nhưng một số đông đảo nhà báo đã vẽ nó thành hành động anh hùng của một anh hùng. Ít nhất họ cũng biến ông Chung thành một tiên ông trong mắt dân chúng.

2. Vụ Đồng Tâm gây chia rẽ sâu sắc giữa giới báo chí “chính thống” với cộng đồng mạng (và chia rẽ giữa chính làng báo với nhau). Nó củng cố định kiến của nhiều người về “bọn facebooker” chuyên đưa tin nhảm, tin bịa đặt. Trong khi đó, những người ấy không nhận thấy rằng để xảy ra tình trạng facebooker phải vào cuộc đưa tin, chính là tội của chính quyền và của nền báo chí công cụ. Những người đổ tội cho “bọn facebooker” cũng không nhận ra rằng, nếu ngay từ đầu nhà nước và công an không làm sai thì đã không có vụ Đồng Tâm, và nếu không có mạng xã hội, thì Đồng Tâm đã bị đàn áp tàn bạo trong im lặng như những Nghệ An, Thái Bình, Tây Nguyên năm nào.

3. Kết quả đối thoại hôm nay cho thấy Chủ tịch Nguyễn Đức Chung có ghi nhận ý kiến của cộng đồng mạng để phân định đúng, sai trong vụ Đồng Tâm, và ông cũng có ý thức “công tội phân minh”. Nhưng VTV và những cơ quan báo chí quốc doanh đã từng đưa tin sai sự thật, vu khống, mạ lị dân Đồng Tâm, thì chưa thấy phải chịu trách nhiệm gì. Chưa thấy ông Chung nhắc gì đến họ. Trên nguyên tắc, VTV và các báo đã đưa tin sai, đã viết bài bình luận nhảm nhí, thì phải đính chính và xin lỗi công khai. Trên thực tế, họ sẽ chẳng làm như thế, mà việc gì phải hạ cố xin lỗi dân khi họ đơn thuần là công cụ phục vụ chủ nhà nước, “ăn cơm chúa, múa tối ngày”?

4. Ý niệm về “tam quyền phân lập”, “nhà nước pháp quyền” còn rất xa vời ở Việt Nam, khi một lãnh đạo thành phố (nhánh hành pháp) lại quyết định được việc của cả Viện kiểm sát, Tòa án (tư pháp), và được báo chí hoan nghênh nhiệt liệt, được dân vỗ tay vang trời – dù rằng đó là quyết định đúng đắn.

Phạm Đoan Trang

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.