Tô Văn Trường
Tôi vừa đọc trên mạng thông báo “Hà Nội sẵn sàng đối thoại” với người dân ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội , nó xuất phát từ một tâm thế và quan niệm rất sai quấy của người phát ngôn, che giấu bản chất của sự việc. Thật là dại dột nếu một mặt thì nói sẵn sàng đối thoại, mặt khác lại đơn phương quy kết tội người sẽ đối thoại.
Nên nhớ rằng, chỉ có Toà án và khi bản án có hiệu lực mới có quyền kết tội. Đại diện cho Ban Tuyên giáo và Công an phải bỏ hẳn cái “tông” cao giọng quy kết, đe nẹt… để “xử lý tình huống” cho gọn một cách công bằng, chính trực, tâm phục, khẩu phục.
Nhiều người dân quan tâm theo dõi vấn đề đất đai ở xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức, Hà Nội đang trở thành vấn đề thời sự nóng nhất trong cả nước. Vụ Đồng Tâm có nét giống Thái Bình ở chỗ cán bộ cơ sở tham lam, hư hỏng nhưng khác ở mức độ liên kết với các nhóm lợi ích bên ngoài để thao túng, cướp đoạt ruộng đất của Dân một cách trắng trợn hơn.
Đúng là cái gốc của vấn đề vẫn là quan hệ sở hữu, ủy quyền và phân quyền. Vụ Đoàn Văn Vươn hay nhiều vụ dân khiếu kiện trên cả nước đều có cùng motif này. Có điều là Dân ngày càng không biết sợ nữa, lực lượng chuyên chính dần dần thấy thân phận thật của mình nên nếu không đối thoại (có thể thông qua môi giới là các tổ chức xã hội dân sự, hoặc trực tiếp) thì bạo loạn sẽ lan tràn từ nơi này qua nơi khác một khi con giun đã quằn và binh lính từ chối đàn áp bà con thân thích, đồng hương, đồng bào của mình.
Nhiều người có chung nhận xét việc Chính phủ mới giao cho Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp sửa Luật đất đai để người dân yên tâm đầu tư phát triển kinh tế lâu dài đã trở nên bức thiết, thế nhưng việc xây dựng và củng cố những thiết chế xã hội nhằm giám sát hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền và các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu của những người chủ thực sự là nhân dân cũng phải được đặt ra không kém phần cấp bách.
Đất qui hoạch quốc phòng
Đất quy hoạch quốc phòng từ năm 1980 do ông Đỗ Mười, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký nhưng chưa thực hiện. Vậy là đất “Sở hữu toàn dân” do hợp tác xã quản lý, xã viên sử dụng. Lúc này chưa có Luật về Quyền sử dụng đất 1993.
Thông tin từ Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho hay, năm 1980, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn các xã Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức).
Đến tháng 10/2014, Bộ Quốc phòng giao Quân chủng phòng không tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân của Lữ đoàn 28, với các mốc giới trên thực địa không thay đổi.
Sở hữu toàn dân trong trường hợp này là vô chủ (1980-2014).
Sau 35 năm người dân sử dụng vào sản xuất nông nghiệp ổn định (1980-2015)
Bộ Quốc phòng đã thu hồi 50,03 ha đất quốc phòng do Quân chủng Phòng không – Không quân đang sử dụng, quản lý để giao cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) tiếp nhận quản lý sử dụng vào công trình quốc phòng theo QĐ số 551/QĐ-TM ngày 27/3/2015, trong đó bao gồm 46 ha thuộc xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức).
Theo ông Kình (phát biểu trong clip được ghi lại và phổ biến trên mạng xã hội) thì đất dự định làm sân bay nhưng chưa dùng đến được giao cho một số hộ canh tác, có nộp một phần thu nhập cho đơn vị quản lý và cho ngân sách xã. Như vậy việc sử dụng đất này không phải tùy tiện.
Theo luật đất đai ban hành và tu chính qua các năm 1993, 2003, 2013 thì Quyết định 1980 của Hội đồng Bộ trưởng phải bị điều chỉnh: Dân sử dụng ổn định và thời hạn qui hoạch không còn hiệu lực. Thân phận người nông dân ở đây như sống ngoài lề.
Theo Thông báo của Ban Tuyên giáo Thành ủy HN ngày 18/4/2017
Do có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng, xây dựng công trình trên đất quốc phòng nên người dân xã Đồng Tâm đã có đơn thư khiếu tố lên các cơ quan của huyện, thành phố.
Đã khai trừ Đảng 8 đảng viên
Trong 48 nội dung khiếu tố cá nhân và chính quyền các cấp, có 25 nội dung khiếu tố có cơ sở, 23 nội dung không có cơ sở, huyện Mỹ Đức đã giải quyết khẩn trương, nghiêm túc, có trách nhiệm, tuy nhiên còn nhiều nội dung chưa đồng thuận. Thành phố đã giải quyết 15 nội dung công dân còn chưa đồng thuận tại Thông báo số 83 ngày 25/6/2015.
Về sai phạm của cán bộ, đã khai trừ Đảng 8 đảng viên, cách chức 1, cảnh cáo 5, khiển trách 5 (gồm các chức danh nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch, Phó chủ tịch xã, nguyên Trưởng công an xã), khởi tố vụ án và khởi tố 3 bị can, bắt tạm giam 2 bị can (nguyên Chủ tịch xã, cán bộ Địa chính xã), cho tại ngoại nguyên Bí thư Đảng ủy xã vì lý do sức khỏe.
UBND huyện đã thành lập 5 tổ công tác liên ngành xuống địa phương làm công tác tuyên truyền, vận động tới từng hộ dân.
Từ cuối 2016, tình hình nội bộ nhân dân tại xã Đồng Tâm diễn biến phức tạp liên quan chủ yếu đến việc số công dân khiếu kiện tổ chức các hoạt động “đòi đất” quốc phòng, mặc dù những nội dung này đã được các cấp chính quyền trả lời, giải đáp.
Vậy là có sự nhập nhèm về quản lý, pháp lý dẫn đến cán bộ đảng viên sai phạm bị kỷ luật, chứng tỏ dân biết, dân tố cáo là sự thật.
Hành xử gây bức xúc trong công chúng
Tôi đọc một bản tin nói rằng: Đất của Đồng Tâm chia thành 3 khu vực: (i) Trường bắn, (ii) Đất khu quân sự, (iii) Đất nông nghiệp. Lãnh đạo xã đầu tiên thu hồi phần đất của dân, phân lô và bán đất để xây dựng căn hộ. Dân phản đối mạnh mẽ thì nói rằng khu đất này là của quân đội. Doanh nghiệp Viettel là đơn vị kinh tế của quân đội. Dân biểu tình thì Viettel xuống xã yêu cầu dân làng chỉ rõ ranh giới giữa khu nông nghiệp và quân đội. Khi đó cụ Kình và một số đông dân làng đi ra khu đất tranh chấp để chỉ rõ ranh giới, Viettel nói đi đông quá không làm được việc, nên chỉ có 10 người đi với cụ Kình thôi.
Đến nơi, thì lập tức bắt luôn cụ Kình và một số người về HN.
Qua đây, tôi thấy nếu thông tin trên là đúng thì cách ứng xử với dân như vậy là lừa dân đưa họ đi chỉ ranh giới khu đất tranh chấp để bắt họ (tội lừa đảo). Hai là bắt dân mà không có lệnh của cơ quan có thẩm quyền là phạm pháp. Ba là cụ Kình trên 80 năm tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, dù bất cứ lý do nào mà bị hành hung đến thương tích phải đi bệnh viện cứu chữa (thậm chí mổ đùi) là do hành động của côn đồ, phải bị xử lý trước pháp luật.
Dân không còn tin chính quyền ở cơ sở nên chính quyền thành phố cần xác định ranh giới rõ ràng giữa 3 phần đất. Nếu đất là của khu quân đội thì cần phải xem xét lại. Đất quân đội là đất quốc phòng, nếu khu đất này giao cho Viettel để làm các dịch vụ phi quân sự thì nên đình chỉ và trả lại cho dân để dân sản xuất. Viettel là doanh nghiệp Nhà nước (quân đội) kinh doanh chứ không phải đơn vị đang thực thi công trình quốc phòng. Còn nếu muốn sử dụng đất, phải “thuận mua, vừa bán” trực tiếp với dân.
Về tổng thể, Chính phủ nên rà soát lại diện tích đất đai do quân đội quản lý. Dư luận của dân các nơi đều nói Quân đội chiếm quá nhiều đất. Nếu phần đất nào dùng với mục đích phi quân sự thì nên thu hồi lại để Nhà nước sử dụng vào các việc công ích khác.
Chính phủ cần có cơ chế rõ ràng trong việc thu hồi đất vì các Doanh nghiệp, nhất là các đại gia cấu kết với Chính quyền các cấp thành các nhóm lợi ích thì sẽ dẫn tới bần cùng hóa người dân và sự chênh lệch giàu nghèo, bất công xã hội sẽ tăng cao, có nguy cơ gây bất ổn cho xã hội.
Thay cho lời kết
Nhìn chung: Luật pháp về đất đai vừa lạc hậu so với thực tế, ban hành và hướng dẫn chậm, không nhất quán, cộng thêm năng lực thực thi kém, khá nhiều cán bộ vụ lợi, kiếm chác thì phải thấy lỗi trước hết thuộc chính quyền, đừng vội đổ cả cho dân.
Cần khẳng định: Dân nếu có sai thì vẫn là DÂN TA, không phải kẻ thù. Đừng xô họ về kẻ địch! Vả lại, ở Đồng Tâm cán bộ, đảng viên sai bị tố, bị kỷ luật ai cũng thấy, còn dân sai chưa ai thấy, trừ chính quyền Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà nội.
Một câu hỏi được đặt ra: lãnh đạo Hà Nội có nên nhân dịp này sửa sai và lấy lại lòng tin của nhân dân Đồng Tâm nói riêng và nhân dân cả Hà Nội nói chung hay không? Nghĩa là biến sự cố không may này thành cơ hội sửa chữa sai lầm, vực Hà Nội dậy, phát huy vai trò Thủ đô của đất nước. Là thủ đô của cả nước, Hà Nội có dám nêu gương này không? Hay là chỉ trấn áp bằng mọi thủ đoạn và đổ thêm dầu vào lửa?
Trước mắt, lãnh đạo TP Hà Nội cần tiếp tục đối thoại CHÂN THÀNH với DÂN. Hủy bỏ lệnh hoặc hoãn việc khởi tố ở Đồng Tâm đi và sau đó sẽ thỏa thuận về các phương án khác nhau. Hãy tôn trọng DÂN và hành động theo nguyên tắc WIN- WIN.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN