Nếu có một vụ như Đồng Tâm xảy ra ở Mỹ thì Tổng thống đã xem băng hình và công khai chỉ đạo rồi. Ở ta, bác Tổng Trọng vẫn câm như hến, coi như không biết. Có lẽ bác học xây dựng đảng, không có kiến thức về xây dựng xã hội, bảo vệ nhân dân. Các quan công quyền cũng chỉ quan tâm chủ yếu tới việc cứu công an bị dân bắt làm con tin, cho dù họ cũng chỉ như người ngồi trong sân bay chờ lên máy bay, vẫn được dân cơm bưng nước rót. Cảm xúc nhân văn trong guồng máy thống trị đã cạn kiệt rồi.
Theo báo Thanh niên, sáng qua 18.4, tại hội nghị giao ban báo chí T.Ư, Thiếu tướng Bạch Thành Định, Phó giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, “cơ quan chức năng vẫn đang tìm mọi biện pháp giải quyết tình hình, ưu tiên số 1 của Hà Nội là đưa toàn bộ người còn bị giữ trái pháp luật ra ngoài an toàn”. Về nghiệp vụ nói như vậy là chuẩn. Nhưng nếu các nhà báo và Thiếu tướng Định hỏi thêm, nói thêm về mối quan tâm cùng trách nhiệm xã hội của lực lượng công an Thủ đô với việc giải quyết tận gốc căn nguyên chiếm đất của dân và bán đất công đã làm dân căm phẫn thì sẽ hay hơn.
Tôi nghĩ là anh Nguyễn Đức Chung sẽ đến Đồng Tâm, hoặc nếu không đến thì sẽ có giải pháp thỏa đáng. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người hy vọng ở anh Chung. Trẻ mà lịch lãm, có lý có tình, biết cương biết nhu, có nhiều ý tưởng mới làm đẹp làm sang Thủ đô chứ không phá hoại, khét kẹt mùi nhóm lợi ích như Nguyễn Thế Thảo…Tuy nhiên, phải thông cảm với anh Chung khi bị rơi vào thế bị kẹp giữa dân oan và nhóm lợi ích khủng của Vietel. Đây là xung đột trong cốt lõi của công an và quân đội trong bối cảnh mới. Thời chống Mỹ bộ đội không bán được súng, phải đổ máu hy sinh, trong khi công an bán lẻ được còi. Vì thế mối hận đã dẫn đến xung đột mang tính bạo lực lớn giữa hai đơn vị, BTTW Lê Quang Đạo phải trực tiếp dàn xếp. Bây giờ thì tình hình ngược lại, bộ đội chưa phải đánh nhau ngay cả khi kẻ thù cướp biển đảo, lại được Cụ Phiêu mở đường cho làm kinh tế nên dân ấn tượng là QĐ “bán súng” được giá, lãi to. Trong khi đó công an về đại cục không bán được còi. Ngày ngày công an vẫn phải đối đầu với các nhóm lợi ích, tội phạm kinh tế, đổ máu chống bọn buôn lậu, buôn ma tuý trên miền núi. Công an cũng không được làm kinh tế quy mô như quân đội. Ấn tượng xấu về công an chỉ là chuyện lèm nhèm của CSGT và sự quyết liệt của An ninh chính trị. Vì vậy, nếu CA tham gia vào việc chống lại dân để bảo vệ nhóm lợi ích quân đội thì đó là việc do tình thế, không do cảm hứng và lợi ích. Anh Chung bị kẹp trong tình thế vĩ mô phức tạp tế nhị đó, lại là người ở vị trí trên đe dưới búa nên khó chủ động, thậm chí bị ép, phải giãn tiến độ hay cân đối lợi ích hai bên…nên có chuyện anh ấy không thực hiện được dự định tốt của mình chứ không phải “lật kèo”, “lừa dân” như trên mạng đang lên án. Chúng ta cứ nên kiên nhẫn chờ thêm, đừng vội chửi bới hay quy kết.
Vụ bắt giữ con tin ở xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức TP Hà Nội giờ đã vượt ra khỏi tầm giải quyết của Hà Nội rồi. Từ xưa đến nay nhà cầm quyền chưa bao giờ có chủ trương đối thoại với dân trong bất kỳ tranh chấp nào. Nhưng lần này thì khác. Dân Đồng Tâm hiện giờ đang bắt giữ khoảng 20 cán bộ làm con tin. Chỉ cần nhà cầm quyền đưa quân vào tấn công thì sẽ không biết điều gì có thể xảy ra. Người dân Đồng Tâm đã bật đèn xanh yêu cầu đối thoại. Quả bóng đối thoại đang nằm bên phía nhà cầm quyền. Quốc tế đã và đang theo dõi rất sát hành động của nhà cầm quyền Việt Nam. Nếu nhà cầm quyền đối thoại thì sẽ tạo ra rất nhiều lần họ phải đối thoại khi lấy đất nữa. Chính vì vậy mà họ cứ lần lữa không muốn đối thoại. Nhưng nếu họ tấn công người dân tay không tấc sắt và chỉ đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng thì sẽ bị thế giới lên án.
Có lẽ chưa bao giờ nhà cầm quyền lại rơi vào hoàn cảnh “dở [trở] đi mắc núi dở lại mắc sông” như lần này. Đây thực ra là hệ quả tất yếu của chính sách “sở hữu đất đai toàn dân do nhà nước quản lý”.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ảnh: internet
TTO – Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết thường trực Thành ủy đã phân công chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ động tiếp xúc, đối thoại và giải quyết bức xúc của người dân Mỹ Đức.
Trả lời Đài truyền hình Hà Nội chiều 18-4 về vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức, ông Đào Đức Toàn – phó bí thư Thành ủy Hà Nội, trưởng Ban chỉ đạo giải quyết khiếu nại tố cáo TP, người được Thành ủy Hà Nội phân công trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường vụ việc phức tạp ở xã Đồng Tâm – cho biết Hà Nội: “Sẽ tiếp tục kiên trì thuyết phục, vận động và đối thoại với bà con nhân dân, để làm sao người dân nhận thức ra vấn đề hợp tác với chính quyền giải quyết vụ việc một cách thấu đáo”.
Ông Toàn cũng cho biết trước tình hình phức tạp đó, thường trực Thành ủy đã phân công chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phối hợp với các cơ quan chức năng sớm ổn định tình hình ở Mỹ Đức, chủ động tiếp xúc đối thoại với người dân ở đây để giải quyết các vấn đề theo quy định của pháp luật.
Như đã thông tin, từ cuối năm 2016 đến nay, tình hình nội bộ nhân dân tại xã Đồng Tâm diễn biến phức tạp, liên quan chủ yếu đến việc số công dân khiếu kiện tổ chức các hoạt động “đòi đất” quốc phòng.
Theo thông tin do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cung cấp ngày 18-4, khu đất liên quan vụ việc ở xã Đồng Tâm được Thủ tướng giao cho Bộ Quốc phòng xây dựng sân bay Miếu Môn từ năm 1980.
Gần đây, Bộ Quốc phòng triển khai thu hồi 50,03ha đất quốc phòng do Quân chủng phòng không – không quân đang quản lý, giao cho Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel tiếp nhận quản lý sử dụng vào công trình quốc phòng A1.
Trong đó bao gồm 46ha thuộc xã Đồng Tâm. Một số người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm đã canh tác, xây dựng công trình trên diện tích đất quốc phòng này.
Giữa tháng 11-2016, số công dân khiếu kiện, tổ chức nhiều hoạt động để ngăn cản, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng tại khu vực 14 hộ dân đang sử dụng.
Theo thông tin nói trên, từ giữa tháng 2-2017 đến nay, khi Viettel triển khai việc thi công dự án quốc phòng A1 thì số công dân khiếu kiện tổ chức nhiều hoạt động gây mất an ninh trật tự với tính chất phức tạp ngày càng tăng.
Ngày 30-3-2017, Công an TP đã ra quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng”, Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án “chống người thi hành công vụ”.
Ngày 15-4-2017, ngay sau khi Công an TP triển khai bắt giữ 4 cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, số công dân xã Đồng Tâm đã tập trung đông người bao vây, không cho ôtô của các lực lượng làm nhiệm vụ ra khỏi địa bàn.
Số người này đã giữ, đập phá 5 ôtô của lực lượng chức năng, giữ trái phép 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hà Nội tại Nhà văn hóa thôn Hoành.
Đêm 17-4, sau khi làm biên bản thỏa thuận, người dân đã bàn giao 15 chiến sĩ cảnh sát cơ động cho Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Công an Hà Nội). Công an Hà Nội đã đưa xe vào khu vực cổng làng để đón các chiến sĩ được thả ra và đưa về nội thành Hà Nội ngay trong đêm.
Theo một người dân sống tại thôn Hoành cho biết hiện còn 20 người gồm lãnh đạo và công an huyện, cán bộ huyện Mỹ Đức đang bị giữ tại nhà văn hoá thôn.
Nhóm PV