Bauxite Việt Nam tổng hợp
1. LS Trần Vũ Hải lên tiếng trước khi đi: Mấy ý kiến về vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội
1. Vụ này báo chí thế giới đã đưa tin, thành sự kiện quốc tế. Lãnh đạo Hà Nội cần biết, mọi lời nói và hành động của họ liên quan vụ này sẽ bị soi xét.
2. Báo chí Việt đã thất bại hoàn toàn trước mạng xã hội khi truyền thông về vụ này. Rất mong các nhà báo, đặc biệt các bạn VTV, đừng bao giờ nói những điều kẻ khác tọng vào mồm. Các bạn còn có tai, có mắt và có trái tim đó!
3. Vào tìm hiểu thực tế, người có kinh nghiệm sẽ hiểu, tình hình phức tạp hơn nhiều. Vì vậy, những người giải quyết (dù phía bên này hay bên kia, hay ai đó) không chỉ cần bản lĩnh, mà cần kiên nhẫn và biết lắng nghe, cầu thị. Mọi nôn nóng đều có thể dẫn đến phát triển theo chiều hướng “đổ vỡ khủng khiếp”.
4. Chính quyền và người dân sẽ phải cùng nhau đối mặt giải quyết nhiều việc phức tạp. Phía chính quyền cần hiểu, người dân vẫn trụ đó, và các cán bộ xã cũng phải trở lại (dù là người cũ hay mới thay thế). Nhưng cần đối xử với dân thế nào, để không lặp lại tình trạng cán bộ xã (lẫn cán bộ huyện) phải trốn tránh dân, là bài toán cho lãnh đạo huyện và lãnh đạo thành phố. Theo tôi, phải tuyệt đối chấm dứt mọi bắt bớ hay truy ép dân xã Đồng Tâm.
5. CEO của Viettel là môt ủy viên trung ương ĐCS có thế lực, vụ này là một thử thách chính trị cho cá nhân ông. Nếu ông xử sự không đàng hoàng, Viettel có thể bị phản ứng rất bất lợi, như đã xảy ra với hãng hàng không United Airlines của Mỹ mới đây. Viettel giờ đây giữ một vai trò then chốt để giải quyết vụ này.
Hy vọng, một kết cục tốt đẹp sẽ đến với dân Đồng Tâm, với sự thiện chí và tỉnh táo từ phía chính quyền và Viettel.
Nguồn: FB Vu Hai Tran
2. Tường thuật của LS Nguyễn Hà Luân: Sức nóng Đồng Tâm…
Có tới tận nơi mới cảm nhận được sức nóng của sự việc.
Sáng hôm nay, tôi cùng Luật sư Trần Vũ Hải (Vu Hai Tran) và Lê Văn Luân (Luân Lê) cùng về Đồng Tâm để tiếp xúc với người dân.
Con đường chính vào làng đã bị chặn từ xa. Xe của chúng tôi được một tốp cảnh sát giao thông chặn tại ngã ba Phúc Lâm và thông báo “Đường phía trước đang sửa chữa nên các anh không đi được”.
Chờ khoảng nửa tiếng và liên lạc nhiều lần, chúng tôi được một người dân dẫn đường đi vào con đường tắt qua cánh đồng lúa xanh ngắt. Sau khi anh ấy đã kiểm tra và tin chắc rằng, chúng tôi chính là những người mà anh ấy cần gặp.
Tại nơi hẹp nhất của con đường độc đạo, xe chúng tôi gặp một chiếc xe con ngược chiều do một phụ nữ điều khiển. Loay hoay tầm 5 phút mới hướng dẫn cho chị tiến lên được.
Rồi chính chiếc xe đó đã vô tình giúp chúng tôi đi thoát, khi bắt đầu dời bánh thì thấy xe của cảnh sát đã xuất hiện phía đằng sau, do không lách qua được chiếc xe ngược chiều này, nên chúng tôi đã tiến tới cổng làng mà không gặp trở ngại nào nữa.
Dừng xe tại cổng làng, chúng tôi được người dân (có người bịt kín mặt) đưa lên xe máy và đi ngoằn ngoèo vào đường làng và dừng lại tại một ngôi nhà nằm trong xóm nhỏ. Cửa ngõ được khóa ngay sau khi chúng tôi đã vào nhà.
Sau khi trao đổi một số vấn đề với hai bác cao tuổi, chúng tôi được mời ra sân để tiếp tục trao đổi với những người dân khác, khi biết có sự xuất hiện của Luật sư hàng trăm người đã tập trung về khu vực này.
Một điều mà chúng tôi cảm nhận ngay được là người dân không còn tin tưởng vào ai lúc này nữa, như họ nói “Chúng tôi bị lừa quá nhiều rồi”.
Trong không khí đó, ngay cả các Luật sư chúng tôi cũng hết sức vất vả để vượt qua sự hoài nghi, trước khi có thể nói chuyện với bà con.
Chỉ có thể từng bước, từng bước một… chúng tôi mới có thể được bà con nói hết những uẩn khúc của sự việc và những mong muốn của họ.
Có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng, nhưng không được giải quyết và tích tụ từ nhiều năm nay đã dẫn đến sự uất ức khó bề giải tỏa của người dân nơi đây.
Và khi ông cụ 83 tuổi [cụ Kình], người có uy tín đối với bà con bị quật ngã và mang đi ngay trước sự chứng kiến của hàng trăm con người – chính là giọt nước làm tràn ly – khiến sự việc bùng lên trong sự căm giận của hàng ngàn người dân nơi này.
Đồng Tâm đang mang sức nóng của một lò lửa thực sự. Chúng tôi cảm nhận rất rõ điều đó.
Sự cố gắng của chúng tôi có đạt được điều gì đó hay không, thật chưa thể dám đoán định trước….
(P/S:
1. Tin đồn về việc tẩm xăng vào quần áo của các Cảnh sát cơ động là không đúng…
2. Người dân nói với chúng tôi rằng, ngay cả khi họ thiếu ăn thì vẫn lo đủ suất cơm 30 nghìn đồng mỗi bữa cho các cậu ấy.
3. Theo yêu cầu của người dân, chúng tôi không chụp ảnh và ghi âm kể từ khi vào cổng làng cho tới khi rời đi).
Nguồn: FB Nguyễn Hà Luân
3. Tường thuật của LS Lê Văn Luân: Buổi làm việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức sáng nay
Khi vào gặp gỡ bà con xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức để trao đổi và làm việc, ngay từ xa đã có rất đông lực lượng công an, cảnh sát, từ thường phục đến cảnh phục canh gác cẩn mật. Chúng tôi vào được cổng làng dưới sự dẫn dắt của người dân nơi đây. Về hiện trạng thì không có gì xáo trộn bên trong mà mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường.
Phải rất khó khăn để có thể trao đổi trực tiếp với những người dân vì “chúng tôi bị lừa nhiều rồi”. Chúng tôi cần những người làm trước nói sau chứ không thể nói trước làm sau. Họ không còn niềm tin vào ai để có thể làm việc, ngay cả việc thông tin lẫn đàm phán đều rất khó khăn và bị ngờ vực.
Tuy nhiên, qua trao đổi thẳng thắn và cởi mở, những người dân có tiếng nói trong xã Đồng Tâm đều có những thái độ đúng mực và sẵn sàng đối thoại để giải quyết vấn đề đang gây bức xúc cho chính họ.
Tôi kết nối điện thoại với ông Chung Chủ tịch thành phố Hà Nội để người đại diện trong xã Đồng Tâm nói chuyện với ông Chung nhằm truyền tải các thông tin, yêu cầu của những người dân nơi đây. Sự việc gồm nhiều vấn đề nóng đã tích tụ từ gần 10 năm qua không được giải quyết thoả đáng nên đã trở thành sự phẫn nộ khi cụ Kình (hơn 80 tuổi) bất ngờ bị đưa đi trong buổi cưỡng chế đất từ phía Viettel mấy ngày trước.
Ông Chung đã hứa, sẽ trực tiếp giải quyết các yêu cầu của người dân về vấn đề thu hồi đất, cán bộ nào làm sai sẽ bị điều tra và xử lý. Ông Chung cũng đã yêu cầu Thanh tra Bộ công an vào cuộc đối với vụ việc mà như người dân tố cáo rằng một số người bắt giữ cụ Kình và khoảng 5 người dân khác trái pháp luật. Ông Chung cũng thông tin và trực tiếp cụ Kình cũng nói chuyện với bà con ở xã Đồng Tâm về việc cụ vẫn bình thường, vẫn đang làm việc với ông Chung, Tổng giám đốc Viettel và Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Cụ Kình được ông Chung hứa sẽ đảm bảo vấn đề sức khoẻ, được khám và điều trị nếu tay và chân cụ Kình biến chứng mà trở nên nghiêm trọng. Cụ Kình muốn ở lại làm việc chứ không chịu về xã Đồng Tâm vì đây là lúc cụ cần phải làm việc rõ ràng và trực tiếp với các bên mà trước đây cụ không có cơ hội để làm việc này.
Hiện số cảnh sát cơ động trong xã Đồng Tâm vẫn được ăn uống đầy đủ, chăm sóc bình thường và không có vấn đề gì về thân thể, ông Chung đã xác nhận với người dân về việc này. Tuy nhiên, ông Chung đề nghị bà con không kéo dài sự việc này để cùng giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ông Chung nói, ngày mai 18/04/2017, ông sẽ xuống xã Đồng Tâm trực tiếp gặp bà con ở đây để đối thoại. Bên Công an Hà Nội cũng đã thả 05 người bị giữ từ những hôm trước. Ông Chung cũng hứa sẽ giải quyết triệt để mọi nội dung mà người dân yêu cầu, nhưng cần theo thủ tục luật định và có thời gian để xem xét từng vấn đề một, cán bộ sai đến đâu xử lý đến đó, dân sai đến đâu cũng tuỳ mức độ để giải quyết.
Về vấn đề này, nếu ai có mặt tại bên trong xã Đồng Tâm thì mới thấy hết được sức nóng trực tiếp của bà con, tuy là những người dân quê mùa, nhỏ bé, nghèo nàn nhưng khá đoàn kết và lại nhiều nỗi bức xúc.
Một số người dân trong xã Đồng Tâm có biết tôi từ trước, và họ mong muốn hãy giúp họ thực tâm, không lừa họ như nhiều người khác đã làm trong nhiều năm qua, qua đó họ cũng tin tưởng tôi một phần nào đó trong cơn cùng quẫn, bế tắc thông qua ánh mắt và những lời chia sẻ có tính khẩn cầu trong sự sẵn sàng phản kháng lại một cách bất chấp, kể cả mạng sống hay luật pháp. Tôi chia sẻ và cảm thông với họ, nói với họ nhiều điều để họ có thể lắng nghe những gì là tích cực và thoả đáng nhất. Họ nói, họ không tin chính quyền địa phương nữa, kể cả yêu cầu ông Chủ tịch nước lên tiếng giải quyết sự việc này. Người dân cũng phản ánh rằng họ chưa từng được gặp ông Chung hay cán bộ thành phố Hà Nội để giải quyết các vấn đề khiếu kiện đất đai của những hộ dân nơi đây trong suốt nhiều năm qua.
Nên nay là lúc ông Chung cần có mặt trực tiếp tại xã Đồng Tâm để trao đổi với họ, lắng nghe họ và tương tác thẳng thắn với họ. Có thấy ông làm việc và đứng trước mặt họ thì họ mới tin tưởng mà có một giải pháp thoả đáng nào đó.
Ở đây không phải một cuộc mặc cả, mà là người lãnh đạo phải biết đứng trước nhân dân mà làm việc và xử lý vấn đề. Có thấy ông gần gũi dân thì họ mới nghe và tin những gì ông nói qua điện thoại một cách thực tế nhất.
Người dân Nhật Bản gặp thảm hoạ, Thủ tướng và các chính trị gia của họ trực tiếp cúi đầu xin lỗi và đến từng nơi, gặp từng người để động viên, an ủi và kể cả giải quyết những nhu cầu của họ.
Đó chính là cách giải quyết vấn đề thực tế và hữu ích nhất của một người làm chính trị. Vì mọi sự chỉ đạo hay tương tác qua một phương tiện gián tiếp từ xa nào đó đều khó có thể tìm thấy được sự tin tưởng ở người phát ngôn hoặc có thẩm quyền giải quyết sự việc này.
Nguồn: FB Luân Lê
4. Cú điện bất ngờ đến LS Trần Vũ Hải:
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa gọi điện thoại cho tôi, nói rằng ông không hứa hẹn khi trao đổi điện thoại với một người dân xã Đồng Tâm [về việc] sẽ đến làm việc và đối thoại với dân Đồng Tâm trong ngày hôm nay và đề nghị tôi đính chính.
Tôn trọng ông Chung, tôi rút bỏ một stt loan báo điều đó, mặc dù nhiều người dân và chính luật sư Luân Lê (việc trao đổi qua điện thoại di động của Luật sư này) cũng nghe rõ câu chuyện trao đổi qua điện thoại, được bật loa.
Nguồn: FB Vu Hai Tran
5. Lời nhắn nhủ của LS Lê Văn Luân: Nguyện vọng của bà con Đồng Tâm
Người dân xã Đồng Tâm khẩn thiết và chỉ mong muốn gặp trực tiếp ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội để giải quyết sự việc.
Người dân nơi đây đã chờ đợi ông xuống để đối thoại trong sự tha thiết của mình.
Bà con đã nhắn nhủ tới tôi mong muốn đó và cũng sẽ có đơn thư mời Ông về đối thoại gửi tới Ông gấp trong hôm nay.
Ông Chung cần lắng nghe bà con và nguyện vọng của họ để đối thoại với họ nhằm giải quyết những khúc mắc, đề nghị của họ vì hiện không ai có thể tiếp cận và chuyển tải thông tin một cách chính thức tới ông.
Bà con chỉ muốn gặp Ông để được nói chuyện và tha thiết mong ông về giải quyết sự việc này chứ không muốn mọi thứ cứ trong vòng luẩn quẩn và bế tắc.
Ít nhất, thời điểm này Ông là người họ tin tưởng và muốn gặp nhất.
Nguồn: FB Luân Lê
6. Dư luận:
Nhổ ra, liếm lại
Sáng 18/4/2017, Luật sư Trần Vũ Hải đành phải rút stt 17/2017 của ông về vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức.
Lý do: sáng cùng ngày, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, điện LS Hải, nói không hứa vô Đồng Tâm gặp dân vào hôm nay (18/4), như nội dung cú điện thoại hôm qua (17/4) của ông Chung đến LS Lê Luân (được bật loa cho nhiều người, trong đó có LS Hải, cùng nghe).
Nếu ở hoàn [cảnh] ông Chung (bị “chỉ đạo” không đối thoại với dân), tôi sẽ tuyên bố ngưng nỗ lực giải quyết vụ việc nóng bỏng này. Cấp trên có giỏi, tự đi mà giải quyết.
Nguồn: FB Võ Văn Tạo
Mình mà là ông Chung, mình sẽ tay không đi vào xã Đồng Tâm xin dân thả hết lính rồi ngồi thế chỗ vào đó cho đến khi giải quyết xong vụ đất đai ở đây. Làm thế lính cũng nể mà dân càng nể hơn. Mịa cái thằng Viettel có cúng cho ông được mấy đồng cũng không to bằng cái ghế, cái thế của ông… Bản lĩnh của cựu chiến sĩ cảnh sát hình sự số 7 Thiền Quang ở đâu rồi ông Chung ơi… :)
Nguồn: FB Nguyễn Lân Thắng
Sáng mở facebook ra đọc được tin ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nuốt lời hứa xuống làm việc với dân Mỹ Đức, Hà Nội. Dân lại bị lừa! Hoàn toàn không ngạc nhiên, chỉ thương cho bà con mình. Đây chỉ là thêm một ví dụ để người dân hiểu rằng với nhà cầm quyền VN là không thể tin tưởng, không thể thương lượng, đối thoại gì hết khi còn trong thế yếu. Cái ngày mà họ chấp nhận ngồi vào bàn thương lượng, đối thoại chỉ xảy ra khi trước mặt họ là sức mạnh phẫn nộ của hàng trăm ngàn, hàng triệu người dân còn sau lưng họ là vực thẳm không còn đường lùi!
Nguồn: FB Song Chi
Phụ lục:
Chủ tịch TP. Hà Nội đã ‘không về Đồng Tâm’ hôm 18-4
Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung không xuất hiện tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, hôm 18/4, trong lúc báo Việt Nam ghi nhận dân vùng này đã thả 18 trong số 38 cán bộ, chiến sĩ “bị bắt giữ trái pháp luật”.
Người dân làng Đồng Tâm hôm 18/4 xác nhận với BBC rằng Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung không về khu vực này
Trên Facebook cá nhân, Luật sư Trần Vũ Hải cho biết:
“Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà nội vừa gọi điện thoại cho tôi, nói rằng ông không hứa hẹn khi trao đổi điện thoại với một người dân xã Đồng Tâm, [rằng] sẽ đến làm việc và đối thoại với dân Đồng Tâm trong ngày hôm nay và đề nghị tôi đính chính”.
Do “tôn trọng ông Chung”, luật sư Hải nói ông rút bỏ đoạn thông báo trước đó trên Facebook, mặc dù ông nói nhiều người “cũng nghe rõ câu chuyện trao đổi qua điện thoại, được bật loa”.
Trước đó, Luật sư Trần Vũ Hải đã trả lời BBC, cho biết nội dung cuộc trao đổi qua điện thoại giữa ông Nguyễn Đức Chung và một vài người dân ở xã Đồng Tâm.
Người dân Đồng Tâm đã thả 18 trong số 38 cán bộ, chiến sĩ bị bắt giữ trái pháp luật, theo báo Thanh niên hôm 18/4.
Tuy vậy, báo Tuổi trẻ cho hay ba trong số 18 người này “tự giải cứu và thoát được”.
Một số báo Việt Nam hôm 18/4 đồng loạt dẫn lời ông Bạch Thành Định, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, nói người dân Đồng Tâm “có những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh, không để ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ, nhân dân Mỹ Đức cũng như người dân Hà Nội”.
Admin của fanpage Mỹ Đức, đề nghị không nêu danh tính, nói với BBC qua điện thoại: “Tôi ở ngay làng Đồng Tâm và thấy rằng đến hôm nay, người dân vẫn tiếp tục bức xúc và mệt mỏi”.
“Người dân chờ lãnh đạo thành phố xuống như đã hứa mà chưa thấy”.
“Hiện tại, sóng điện thoại di động và mạng Internet tại xã đã bị cắt, nên chỉ những ai đi ra khỏi xã mới liên lạc được với bên ngoài”.
“Đến hôm nay, vẫn còn khoảng 20 người của chính quyền bị người dân tạm giữ và tình hình vẫn rất căng thẳng”.
Từ kinh nghiệm của tôi, trong các vụ tranh chấp đất đai, chính quyền chẳng bao giờ nhận sai về phía họ cả – Luật sư Hà Huy Sơn
‘Sức mạnh’
Hôm 18/4, trả lời BBC, Luật sư Hà Huy Sơn, Công ty luật Hà Sơn, nói: “Trong vụ Đồng Tâm, các Luật sư có vai trò rất hạn chế, nên đừng lầm tưởng mình có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giữa chính quyền và người dân”.
“Môi trường thực tế tại Việt Nam chưa đủ điều kiện cho Luật sư làm việc đó”.
“Đến khi nào có nhà nước pháp quyền thì Luật sư mới có thể thực thi vai trò của họ đúng nghĩa”.
Luật sư cũng cho biết thêm: “Theo những gì tôi quan sát được hôm nay, chính quyền vẫn dựa vào sức mạnh để giải quyết vụ việc Đồng Tâm”.
“Từ kinh nghiệm của tôi, trong các vụ tranh chấp đất đai, chính quyền chẳng bao giờ nhận sai về phía họ cả”.
“Do vậy, tôi dự báo rằng trong vụ Đồng Tâm, cuối cùng thì đất vẫn sẽ bị thu hồi, một số người dân bị khởi tố và đi tù”.
Nguồn tin của BBC cho hay đến hôm 18/4 vẫn còn khoảng 20 người của chính quyền bị người dân tạm giữ
“Với việc thả một số cảnh sát cơ động hôm nay, người dân đã cho thấy thiện chí và tính chính đáng thuộc về họ nhưng theo tôi, việc đàm phán với chính quyền không phụ thuộc vào việc người thi hành công vụ bị tạm giữ”.
“Việc công an và cơ quan hành pháp tuyên bố người dân Đồng Tâm đã vi phạm pháp luật chỉ là ý kiến của một phía”.
“Lẽ ra phải có tòa án tuyên sự thật trong vụ này đúng sai thế nào”.
Cùng ngày, nhà hoạt động Paulus Lê Văn Sơn nói với BBC: “Các cộng sự của tôi ở Đồng Tâm nói rằng hiện người dân không tiếp đón bất kỳ ai, ngay cả phóng viên”.
“Nguyên do là vì họ bức xúc, không còn niềm tin vào ai nữa. Họ rào làng, thay nhau gác, họ lắp kẻng báo động”.
“Hôm nay, các báo Việt Nam tiếp tục đưa tin vụ Đồng Tâm mang tính quy chụp, không có sự khách quan, dù chỉ là một khía cạnh rất nhỏ của sự việc”.
“Có thể là vì các nhà báo không có được những thông tin chính xác về việc người dân Đồng Tâm phản kháng việc cưỡng chế đất đai của chính quyền”.
“Dường như các báo đang làm truyền thông theo chỉ đạo chứ không làm truyền thông để chia sẻ thông tin đa chiều về vụ việc”.
“Tôi thấy thương cho người dân Đồng Tâm vì họ là nạn nhân của những chính sách bất công khiến cho họ bây giờ không còn tin vào bất cứ ai”.
Hôm 18/4, BBC gọi cho Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Chủ tịch huyên Mỹ Đức nhưng các ông không nghe máy.
B.N.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39627239