Dân Mỹ Đức thả 15 cảnh sát, đòi chính quyền đối thoại

Trọng Thành

clip_image002

Vụ cưỡng chế đất ở Mỹ Đức- Hà Nội ngày 14/04/2017.Ảnh : @trelangblog.com

Không khí tiếp tục căng thẳng tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, nơi dân làng bắt giữ hơn 30 cảnh sát cơ động từ hôm thứ Bảy, 14/04/2017, để phản đối việc chính quyền địa phương cưỡng chế đất trái luật, bắt bớ nhiều người. Sáng nay 18/04, 15 nhân viên an ninh đã được trả tự do, tất cả những người dân bị bắt cũng đã được thả.

Qua điện thoại, RFI tiếp xúc được với ông Bùi Viết Thiểu, 74 tuổi, một người dân xã Đồng Tâm. Ông Thiểu xác nhận thông tin về những người được thả của cả hai bên. Theo ông, quan điểm của những người phản đối vụ cưỡng chế đất là dân sẵn sàng thả các cảnh sát còn lại, nhưng yêu cầu lãnh đạo chính quyền đối thoại minh bạch về vụ tranh chấp. Người dân duy nhất của xã Đồng Tâm hiện chưa trở về nhà là ông Lê Đình Kình, 83 tuổi, bị chấn thương trong vụ bắt bớ hôm 14/04, hiện đang được điều trị tại bệnh viện.

Theo trang mạng trong nước Vnexpress, việc trả tự do cho 15 cảnh sát «đã diễn ra khá êm thấm… Họ được đối xử lịch sự, cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ».

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã có cuộc họp báo để thông tin về nguồn gốc vụ việc. Báo mạng Tuổi trẻ dẫn lại nguồn tin trên, khẳng định khu đất 46 ha bị trưng thu vốn thuộc quyền quản lý của quân chủng Phòng không Không quân (Bộ Quốc phòng), hiện đã được giao cho Tập đoàn Viettel. Ban Tuyên giáo Hà Nội cũng thừa nhận đã có tình trạng lấn chiếm đất quốc phòng ở đây, với sự tiếp tay của nhiều lãnh đạo chính quyền xã khóa trước (vụ án đã được khởi tố, nhiều quan chức xã bị tạm giam), nhưng việc người dân chống lại dự án thi công của Viettel là bất hợp pháp.

Ông Bùi Viết Thiểu, dân Đồng Tâm, phản đối lập luận này và cho biết quan điểm :

Ông Bùi Viết Thiểu, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức (Hà Nội)18/04/2017

 

«Tổng khu vực đấy là 104 ha, nhưng quyết định thu hồi năm 1980 của Chính phủ là 47,36. Số còn lại là gần 59 ha là đất nông nghiệp. Thế nhưng bây giờ người ta bảo tất cả là ‘‘đất quốc phòng’’, nên dân phẫn nộ.

Thứ hai là, việc bán cho tập đoàn viễn thông quân đội, trong giấy người ta viết là giao cho Viettel quân đội 47,36 ha, theo quyết định 113. Nhưng người ta không làm chỗ 47,36 ha, mà người ta lại làm ở chỗ 59 ha.

Quân chủng Phòng Không Không Quân thông báo vẫn quản lý đầy đủ sân bay Miếu Môn, trong đó có 47,36 ha của Đồng Tâm. Thế mà họ lại bảo dân Đồng Tâm lấn chiếm đất.

Việc lấy chỗ 59 ha này để bán cho Viettel khiến dân phẫn nộ. Hơn nữa, trong 59 ha này, người ta (chính quyền địa phương) đã phân cho nhau 6,8 ha, bán đi khắp nơi với giá 6 triệu đồng/m² rồi. Họ muốn bán nốt 53 ha còn lại.

Như vậy, có sự tráo lộn: Giao thì giao đất sân bay, nhưng khi làm lại làm trên đất nông nghiệp.

Tại sao gọi là ‘‘đất quốc phòng’’ mà (cơ quan) địa chính với cán bộ huyện lại bán được đất? Điều này là vô lý ! Đây là chỗ mà cán bộ các cấp coi là vỉa tiền. Người dân phẫn nộ lắm!»

Ông Bùi Viết Thiểu cho biết trong những năm 1980 – 1984 ông là chủ nhiệm hợp tác xã tại Đồng Tâm, và chính ông đã là người trực tiếp «bàn giao mốc giới sân bay Miếu Môn».

T.T.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170418-vu-cuong-che-dat-my-duc-viet-nam-dan-tra-tu-do-cho-15-canh-sat-yeu-cau-chinh-quyen

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.