Thiền Lâm
Tài khóa quốc gia đang “tiến nhanh, tiến mạnh” đến vực thẳm sâu hút. Một số đánh giá độc lập cho biết với đà chi vượt hẳn thu như hiện thời, ngân sách trung ương sẽ không chịu nổi đến cuối năm 2018, cho dù có cố gắng “móc túi” thêm của dân nghèo 5 tỷ USD/năm thông qua cái gọi là “thuế bảo vệ môi trường”.
Móc túi ở Trung Quốc mà Nhà nước Việt Nam với việc tăng giá xăng, đang bắt chước
Trước tết nguyên đán 2017, Bộ Tài chính và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn cố ngụy biện về việc “tăng thuế bảo vệ môi trường không phải là tăng giá xăng”, cho đến “tăng giá xăng, tất cả cùng hưởng lợi”, thậm chí “tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ được lòng dân hơn”…
Nhưng khi đó, các cơ quan Chính phủ vẫn giấu nhẹm nguồn cơn trần trụi của kế hoạch bổ đầu dân bằng thuế bảo vệ môi trường 8.000 đồng/lít xăng.
Chỉ đến gần đây, có lẽ cực chẳng đã, giới quan chức lợi ích mới phải lộ ra những con số tàn nhẫn: nếu thuế xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít thì ước tính ngân sách thu được 56.600 tỷ đồng, gấp gần 3 lần mức thu hiện tại. Dầu diesel cũng sẽ thu được hơn 41.600 tỷ đồng, gấp gần 3 lần mức thu hiện tại… Tổng cộng, nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu ở phương án tối đa ước tính đạt gần 110.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 5 tỷ USD, gấp gần 3 lần hiện tại.
Những con số trên thuộc về “nguồn tính toán từ Bộ Tài chính”. Một thuyết minh mới cho âm mưu tăng khủng này đang lấp ló: tăng thuế để “bù đắp khó khăn ngân sách”.
Vậy ngân sách quốc gia đang “khó khăn” đến mức nào?
Trong bối cảnh ngay cả khối công ích còn bị ngân sách cắt giảm mạnh, một bất công rất lớn lại vẫn xảy ra: bội chi ngân sách năm 2015 và năm 2016 không hề giảm, thậm chí còn có chiều hướng tăng. Nếu năm 2013 được xem là “đỉnh” của bội chi ngân sách là 6,6% GDP, thì những năm gần đây tỷ lệ bội chi cũng tròm trèm 6% GDP.
Trong khi đó, rất nhiều dự án kinh tế và xã hội đang bị đình đốn vì không biết lấy đâu ra tiền. Nợ công tăng vọt với mức 20% một năm và trong thực tế đã bằng cả GDP nguyên năm.
Riêng năm 2016 vẫn bội chi ít nhất 250 ngàn tỷ đồng.
Bội chi là thế, nhưng thu ngày càng giảm. Việc phát hành “trái phiếu Chính phủ” mà những năm trước vẫn thường “vắt” được của giới ngân hàng thương mại đến 280 ngàn tỷ đồng, nhưng năm 2017 đã phải giảm chỉ tiêu này xuống còn 180 ngàn tỷ đồng, tức sụt đến hơn 30%.
Hơn 30% cũng là tỷ lệ sụt giảm của lượng kiều hối của “kiều bào ta” gửi về quê nhà trong năm 2016 so với năm 2015.
Nhưng khi ngân khố cạn kiệt, một xu hướng “khôn nhà dại chợ” là phần thu nội địa ngày một tăng lên, đang gây áp lực lớn về gánh nặng thuế, phí đặt lên vai người dân và doanh nghiệp. Trong khi, thu từ thuế xuất nhập khẩu và dầu thô giảm mạnh, thì thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách. Từ mức 59% giai đoạn 2006-2010, tăng lên 68% trong giai đoạn 2011-2015, đặc biệt năm 2015 thu nội địa đã chiếm 74,4% tổng thu ngân sách.
Với xăng dầu, thời gian qua, khi thuế nhập khẩu giảm thì Bộ Tài chính đã ngay lập tức tăng thuế Bảo vệ môi trường với mặt hàng này lên tới 300%.
Đầu năm 2017, Thủ tướng Phúc bất chợt phải bật ra cảnh báo về tương lai “sụp đổ tài khóa quốc gia”. Cần đặc tả là lời tán thán này là có cơ sở, bởi ông Phúc đã nhiều năm nắm “tay hòm chìa khóa” của Chính phủ.
Trước Thủ tướng Phúc, chưa có bất kỳ một quan chức cao cấp hay trung cấp nào dám phát ngôn về “ sụp đổ” – một từ ngữ bị đảng coi là đặc biệt nhạy cảm.
Tài khóa quốc gia đang “tiến nhanh, tiến mạnh” đến vực thẳm sâu hút. Một số đánh giá độc lập cho biết với đà chi vượt hẳn thu như hiện thời, ngân sách trung ương sẽ không chịu nổi đến cuối năm 2018, cho dù có cố gắng “móc túi” thêm của dân nghèo 5 tỷ USD/năm thông qua cái gọi là “thuế bảo vệ môi trường”.
T.L.
VNTB gửi BVN