Cát Linh, phóng viên RFA
Ông Trịnh Xuân Thanh. Photo courtesy of badamxoe
Trịnh Xuân Thanh trong cuộc chiến quyền lực chính trị
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cần phải tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án để truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án liên quan đến Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Đề nghị này nằm trong mục tiêu kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án lớn trong năm nay, cũng do ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra.
Vì sao là Trịnh Xuân Thanh?
Đây không phải lần đầu tiên ông Nguyễn Phú Trọng nhắc đến vụ Trịnh Xuân Thanh và Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), cũng như bày tỏ sự quyết liệt trong việc điều tra xử lý vụ án. Tuy nhiên lần này, tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng diễn ra ngày 17 tháng 4 tại Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị cần phải tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án để truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước trong năm 2017.
Vào khoảng thời gian đầu diễn ra vụ Trịnh Xuân Thanh “mất tích”, ‘Lưới thưa mà khó thoát’ là cách nói của giới quan chức công an. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đưa ra phát biểu “bằng mọi giá phải bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh”. Từ “dẫn độ” từng được nhắc đến nhưng do giới báo chí đặt ra câu hỏi.
Chỉ cần lôi được Trịnh Xuân Thanh về nước thì vị thế chính trị của Nguyễn Phú Trọng trong ban chấp hành trung ương Đảng sẽ được nâng lên rất cao, cao hơn hẳn so với hiện nay – Nhà báo Phạm Chí Dũng
Nhưng lần này, qua quan sát của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, từ dẫn độ được đưa thẳng vào thông báo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng “như thể đã bắt được Trịnh Xuân Thanh rồi”.
“Làm tôi nghi ngờ rằng ít nhất phía Việt Nam cũng xác định được toạ độ của Trịnh Xuân Thanh rồi. Và tôi cũng nghi rằng khi người ta đưa ra từ dẫn độ đó, thậm chí có thể có kịch bản là họ đi trước một bước, có nghĩa là hiện nay Trịnh Xuân Thanh đã nằm ở một nơi nào đó trong vòng tay yêu mến của Công an Việt Nam”.
Ở một góc độ khác, Tiến sĩ kinh tế, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đưa ra một chi tiết mà ông cho là trước đây chưa xảy ra:
“Trong câu truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh đưa về phục vụ công tác điều tra xử lý thì có một từ mới là từ ‘dẫn độ’ trước đây chỉ có báo chí đặt ra câu hỏi đó thôi chứ giới quan chức ít dùng”.
Theo Giáo sư Tương Lai, việc “truy kích đến cùng” là việc ông Nguyễn Phú Trọng phải làm, bởi vì chính ông Tổng bí thư là người đầu tiên ra lệnh truy tố vụ án này.
“Vì ổng là người khơi mào mà. Ông Tổng bí thư mà có những việc đại sự không nhìn. Bao nhiêu những sự kiện xảy ra như vụ Formosa thì ông đến nơi tráng miệng mấy câu. Sau đó thì dân tình chết vì cá, vì biển nhiễm độc thì ổng không nói. nhưng mà nhìn phía sau đít cái biển xe xanh của ông Phó chủ tịch Hậu Giang thì ông ấy theo dõi cái đít xe ấy suốt. Và từ đó kéo dài đến nay và trực tiếp chỉ huy, và lôi tất cả vào cuộc”.
Qua sự quan sát của mình, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nhận định, đây là vụ then chốt đối với ông Nguyễn Phú Trọng.
“Đây là vấn đề quá lớn với ông. Chỉ cần lôi được Trịnh Xuân Thanh về nước thì vị thế chính trị của Nguyễn Phú Trọng trong Ban chấp hành trung ương Đảng sẽ được nâng lên rất cao, cao hơn hẳn so với hiện nay”.
Tham nhũng quyền lực
Ông Trịnh Xuân Thanh được cho là đang ở nước ngoài. File photo
Qua nội dung phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa cho thấy ảnh hưởng cũng như tầm quan trọng của vụ án Trịnh Xuân Thanh và cá nhân nhân vật này đối với vai trò lãnh đạo của ông hiện nay.
Theo phân tích đưa ra bởi Giáo sư Tương Lai, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án tham nhũng lớn trong năm 2017 là điều tất tốt. Thế nhưng, vấn đề cần phải được giải quyết triệt để đó là “cội rễ” của tất cả vụ án tham nhũng và tình trạng tham nhũng.
“Đầu trò tham nhũng là ai? Là quyền lực, có xu hướng tham nhũng. Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối. Tham nhũng lớn nhất là tham nhũng quyền lực. Nắm lấy quyền, khi có quyền, thì đương nhiên có tiền, đất đai, công ty, nhà lầu, ô tô…”
Cũng theo phân tích của giáo sư Tương Lai, xu hướng mở rộng quyền lực là một xu hướng không thể cưỡng lại được. Và khi đã có quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối là tình trạng không thể không xảy ra.
Theo bảng xếp hạng tham nhũng toàn cầu của Minh bạch Quốc Tế mới nhất, tham nhũng tại Việt Nam đứng thứ 133/176, nằm trong nhóm các quốc gia có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng và đang đe dọa sự phát triển bền vững của kinh tế và xã hội.
Vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng từng được đưa ra bàn luận trong các cuộc họp trực thuộc các cấp lãnh đạo của Bộ máy nhà nước. Vào ngày 23 tháng 2 năm nay, tại hội nghị của Ban Nội chính Trung ương, Đảng Cộng sản Việt Nam từng cho biết sẽ tiếp tục tăng cường nỗ lực chống tham nhũng.
Thanh toán quyền lực chính trị
Thế nhưng, công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua thực chất chưa giải quyết được gốc rễ của thực trạng. Thay vào đó, là hàng loạt những động thái theo Giáo sư Tương Lai gọi là “thanh toán quyền lực chính trị”.
“Hiện nay vấn đề là thanh toán tham nhũng thực chất là thanh toán đối thủ chính trị.
Theo rất nhiều dư luận, Trịnh Xuân Thanh là đầu mối dẫn đến rất nhiều manh mối khác, thậm chí là những nhân vật cao cấp khác – Nhà báo Phạm Chí Dũng
Đã thanh toán đối thủ thì dễ nhất là lôi cái bằng xương bằng thịt, cái mà dân có thể thấy được, là tiền nong có bao nhiêu? Có bao nhiêu ô tô?…”
Bằng cách bắt lấy những gì hiển hiện ra, qui ra tiền, vật chất để làm bằng chứng cho kế hoạch “thanh toán đối thủ chính trị”, theo cách phân tích của Giáo sư Tương Lai.
Triết lý này nhận được sự đồng ý hoàn toàn của Tiến sĩ kinh tế, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng. Theo ông, một trong những lý do vì sao cái tên Trịnh Xuân Thanh lại chiếm nhiều quan tâm của một vị Tổng bí thư như thế, “thanh toán đối thủ chính trị” là lý do rất đáng để xem xét.
“Theo rất nhiều dư luận, Trịnh Xuân Thanh là đầu mối dẫn đến rất nhiều manh mối khác, thậm chí là những nhân vật cao cấp khác. Và trong những cao cấp khác, không thiếu gì những người là đối thủ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
12 vụ án tham nhũng lớn phải được kết thúc điều tra, truy tố và xét xử do ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra tuy được xem là mục tiêu cho năm 2017, nhưng theo Giáo sư Tương Lai, sẽ khó mang lại sự khởi sắc cho tình trạng tham nhũng tại Việt Nam. Vì theo ông, tất cả chỉ là “các ông ấy đánh nhau mà thôi”.
K.H.