Bài và ảnh: Đình Thi
Nhiều hộ dân mong muốn được di dời ra khoảng cách an toàn vì những hệ lụy từ nhà máy sản xuất alumin Tân Rai
Ngày 10-4, ông Phan Bá Thường – Tổ trưởng tổ dân phố 21, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng – cho biết ngày 11-4, ông cùng 30 hộ dân ở tổ này sẽ tiếp tục đến UBND thị trấn Lộc Thắng kêu cứu vì không thống nhất với kết quả quan trắc môi trường nhà máy sản xuất alumin Tân Rai (bauxite Tân Rai) vừa được công bố.
Không tin
Trước đó, chiều 5-4, Trung tâm Quan trắc môi trường của Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và Công ty Nhôm Lâm Đồng (đơn vị vận hành dự án bauxite Tân Rai, huyện Bảo Lâm) công bố kết quả quan trắc môi trường xung quanh tổ hợp nhà máy này. Đây là kết quả đợt quan trắc thực hiện từ ngày 10 đến 13-1 theo ý kiến của người dân sống xung quanh nhà máy.
Theo kết luận, tất cả thông số chất lượng môi trường nước thải khu vực cống xả số 3 tại thời điểm quan trắc đều đạt theo giấy phép được Bộ TN-MT cấp năm 2015. Chất lượng môi trường nước mặt tại 2 vị trí quan trắc ở khoang số 4 hồ bùn đỏ và suối chảy qua đập tràn có chất lượng khá tốt, các nguồn gây ô nhiễm nước mặt không đáng kể.
Các hồ bùn đỏ của Nhà máy Bauxite Tân Rai chỉ cách khu dân cư 30 m, đang gây lo lắng cho người dân
Chất lượng môi trường nước dưới đất ở vị trí quan trắc thứ nhất (tại hộ ông Nguyễn Viết Động, tổ dân phố 21) tốt, hầu hết các thông số đạt chuẩn, ngoại trừ coliform (vi sinh có hại) vượt nhẹ so với tiêu chuẩn. Vị trí quan trắc số 2 tại hồ bùn đỏ có chất lượng xấu hơn, nước có mùi tanh hôi, có hiện tượng thành giếng bị vỡ (do làm bằng thép, lâu ngày bị ôxy hóa) và bị lôi cuốn bùn đất gây ô nhiễm. Thông số Fe (sắt) vượt tiêu chuẩn 2,5 lần.
Chất lượng môi trường về tiếng ồn được kết luận đạt chuẩn, chỉ một số thời điểm vượt nhẹ. Nhìn chung tại thời điểm quan trắc, môi trường không khí xung quanh 3 vị trí lấy mẫu có chất lượng khá tốt, hầu hết các thông số ô nhiễm không khí như bụi, mùi hóa chất nói chung đều đạt giới hạn quy định.
Tuy nhiên, người dân không tin vào kết quả này. “Tôi không thể tin. Cá chết, cây trồng chết, bầu trời có hôm trắng muốt cả khu vực như bụi vôi đóng từng lớp dày trên lá cây cà phê, trà và mái nhà… Chưa kể mùi hôi thối từ 2 hồ bùn đỏ số 2, số 3 bốc ra thường xuyên. Gia đình tôi phải gửi 2 cháu nhỏ ở TP Bảo Lộc do bệnh tật liên miên” – bà Nguyễn Thị Kim (59 tuổi, ngụ tổ dân phố 21) bức xúc.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Người Lao Động trong ngày 10-4 tại các tổ dân phố 20, 21, 23… thị trấn Lộc Thắng, hầu như nhà nào cũng đóng cửa, mọi sinh hoạt được chuyển ra sau nhà bởi tiếng ồn, khói bụi và mùi hôi.
Ông Hoàng Viết Diếm (ngụ tổ dân phố 21) cho biết: “Nhiều lần chúng tôi phản ánh lên các cấp chính quyền nhưng chưa được trả lời thỏa đáng”.
Khẩn thiết yêu cầu di dời
Bà Trần Trung Hiền, Ban Mặt trận tổ dân phố 21, phản ánh: “Năm 2006, lãnh đạo Công ty Nhôm Lâm Đồng và Trung tâm Phát triển quỹ đất có phổ biến cho nhân dân là sẽ bồi thường và di dời dân khu vực ảnh hưởng ra xa với bán kính 2 km. Nay nhà máy đã hoạt động nhiều năm nhưng họ chưa thực hiện. Hiện nay, gần 30 hộ dân sống chỉ cách các hồ chứa chất thải nguy hại chưa đầy 30 m. Hằng ngày hít thở trực tiếp đủ các mùi hôi, khói bụi mà nhà máy thải ra dẫn đến cay mắt, nóng rát mũi, đau đầu, buồn nôn và rất khó thở”.
Ông Thường cho rằng nếu việc kêu cứu của người dân không được chính quyền can thiệp thì phải nhờ đến Bộ TN-MT. Cũng theo ông Thường, quy định về tiêu chuẩn xây dựng bãi chôn lấp chất thải nguy hại có khoảng cách từ 500-3.000 m so với khu dân cư. Tuy nhiên, hàng chục người dân của tổ này đang sống chỉ cách các hồ chứa bùn đỏ của nhà máy chưa tới 30 m.
“Bằng mọi giá phải di dời dân ra khỏi khu vực này để bảo đảm an toàn sức khỏe cho họ. Công ty Nhôm Lâm Đồng cần sớm khắc phục mùi hôi tại các hồ bùn đỏ” – ông Thường bày tỏ quan điểm.
Ông Lương Văn Ngự, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng, cho biết đã nắm được thông tin nhưng vụ việc đang trong quá trình phối hợp với Tổng cục Môi trường xử lý.
Vẫn trong ngưỡng cho phép
Ông Vũ Minh Thành, Tổng Giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng, thừa nhận qua hoạt động sản xuất của công ty ít nhiều có tác động đến môi trường và người dân nhưng vẫn trong ngưỡng cho phép. “Chúng tôi đang trong quá trình cải tiến công nghệ sản xuất, trước mắt mở rộng diện tích cây xanh ngay tại khu vực sản xuất nhằm cải thiện và bảo vệ môi trường” – ông Thành nói.
Đ.T.
Nguồn: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/dan-lo-au-khi-song-gan-nha-may-bauxite-20170410221015759.htm