Xử lý quan chức kiểu “dê tế thần” liệu có đủ?

Cát Linh, phóng viên RFA

clip_image001

Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng (trái) trao đổi với ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội khóa XI Hà Nội ngày 20 tháng 5 năm 2014. AFP photo

Cựu chủ tịch và bí thư tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự, nhân vật được cho là đã có nhiều sai phạm liên quan đến thảm họa môi trường Formosa, bị Đảng ủy khối cơ quan trung ương bỏ phiếu đề nghị cách chức ngày 4 tháng 4 vừa qua.

Vì sao đến một năm sau mới có quyết định? Điều này có làm nhẹ đi những bức xúc của người dân cả nước hay không?

Không chỉ một người

Cuối cùng, ông Võ Kim Cự, hiện là Bí thư Đảng đoàn – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cựu chủ tịch và bí thư tỉnh Hà Tĩnh, bị Đảng uỷ khối cơ quan trung ương bỏ phiếu đề nghị kỷ luật cách chức ngày 4 tháng 4, 201. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng có phiếu đồng thuận với đề nghị trên. Lý do vì những sai phạm của ông này trong vụ việc nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng hình phạt cách chức ông Võ Kim Cự được đề nghị sau một năm thảm hoạ Formosa là mang tính chất rất bình thường, vì liên quan đến nhiều người.

“Cái này tôi thấy nó cũng bình thường, vì chuyện này là chuyện cũ, mà chuyện cũ cũng nhiều người chịu trách nhiệm chứ không phải một người. Cho nên bóc tách đường dây khuyết điểm để xử lý kỷ luật là chuyện phải có thời gian. Nói lâu thì cũng có cái lý.”

Cái này tôi thấy nó cũng bình thường, vì chuyện này là chuyện cũ, mà chuyện cũ cũng nhiều người chịu trách nhiệm chứ không phải một người.

– Ông Nguyễn Minh Nhị

Nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh, một trong những người lên tiếng mạnh mẽ kêu gọi nhà máy gang thép Formosa phải rời khỏi Việt Nam kiên quyết cho rằng ai có lỗi trong việc đưa Formosa vào và để Formosa xả thải chất độc làm chết biển miền Trung thì những người đó cần phải được xử lý.

Và ông khẳng định thêm, một cá nhân thì chưa đủ.

“Không chỉ riêng ông Võ Kim Cự mà còn nhiều người nữa.”

Đồng thuận với ý kiến trên là ông Trần Bang, nhà đấu tranh khởi đầu cho biểu ngữ “Formosa get out”.

“Thế nhưng giả sử việc này được sự đồng thuận với cấp cao hơn thì sao? Điều đó chúng tôi mới quan tâm. Chứ còn đưa ông Võ Kim Cự ra làm chốt thí thì cũng là bình thường. Không giải quyết được vấn đề.”

Một vị đại biểu hiện đang tham gia hội nghị Đại biểu quốc hội chuyên trách tại Hà Nội, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng ý kiến với báo chí việc đề nghị cách chức ông Võ Kim Cự là bình thường.

Ngay từ khi tai hoạ ô nhiễm biển miền Trung do Formosa gây ra vào tháng 4 năm 2016, ông Võ Kim Cự, hiện là Bí thư Đảng đoàn – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cựu chủ tịch và bí thư tỉnh Hà Tĩnh, là người đầu tiên lên tiếng với truyền thông báo giới trong nước.

Phát ngôn về việc cấp phép cho Formosa thuê đất 70 năm để làm nhà máy gang thép ở Khu Công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh “được tất cả các cấp, bộ ngành đồng ý” của ông từng gây chú ý cho dư luận cả nước. Trước đó đã có nhiều nhà quan sát khẳng định việc cấp phép cho Formosa vào Việt Nam bức tử môi trường biển thì không thể một mình ông Võ Kim Cự quyết định.

Chưa thể làm dịu dư luận

clip_image002

Người dân Hà Tĩnh tuần hành đánh dấu 1 năm thảm họa Formosa hôm 6/4/2017. RFA photo

Báo Lao Động trong nước ngày 2 tháng 8, 2016 từng đăng tải bài viết ký tên “Nhóm PV điều tra” phanh phui sự thật của vấn đề cấp phép cho Formosa là do “Lãnh đạo Bộ TNMT uỷ nhiệm bừa và… nhắm mắt ký”. Danh tính của nhiều quan chức cấp cao và những con đường “bí ẩn” dẫn đến tờ giấy phép 70 năm hoạt động của nhà máy Formosa được trưng dẫn chi tiết từ khi Bộ TNMT chấp thuận vào tháng 6.2008.

Nổi bật trong đó là lời phát biểu của ông Bùi Cách Tuyến, cựu Thứ trưởng phụ trách Tổng cục Môi trường nhấn mạnh, tuy ông ký quyết định cho phép Formosa xả thải ra biển, nhưng đó là quyết định tập thể của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên Môi trường gồm rất nhiều người.

Tuy trong cuộc gặp cử tri TP.HCM vào tháng 8 năm ngoái, chủ tịch nước Trần Đại Quang đã lên tiếng nói rằng sẽ xử lý nghiêm bất kỳ ai liên quan đến Formosa. Nhưng từ đó đến nay, ngoài khởi tố hình sự đối với ông Lê Quang Hoà, giám đốc Công ty Môi trường Kỳ Anh vì liên quan đến hợp đồng vận chuyển xử lý chất thải giữa Formosa và Công ty Cổ phần Xây dựng Quản lý Môi trường đô thị Kỳ Anh, thì hoàn toàn không có cá nhân nào hay ban ngành nào đứng ra chịu trách nhiệm đối với vấn nạn Formosa.

Thêm vào đó là hàng loạt vụ bắt bớ, đánh đập, bắt giam những ai lên tiếng đòi minh bạch cho môi trường biển và đền bù cho người dân. Những cuộc biểu tình, tuần hành ngày càng nhiều hơn với quy mô lớn hơn.

Qua những điều đó, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh không nghĩ rằng kỷ luật cách chức ông Võ Kim Cự là động thái có thể làm dịu như bức xúc của người dân.

Vấn đề không phải chỉ là xử lý những quan chức đưa đến các sai trái, mà phải đền bù thiệt hại cho người dân.

– Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh

Vấn đề không phải chỉ là xử lý những quan chức đưa đến các sai trái, mà phải đền bù thiệt hại cho người dân. Formosa gây ra thiệt hại đó thì Formosa phải đền bù thoả đáng cho người dân.”

Với ông Huỳnh Ngọc Chênh nói rằng, số tiền 500 triệu USD do Formosa đền bù là không thể bù đắp cho thiệt hại của ngư dân cả nước.

“Muốn kỷ luật ai thì kỷ luật, vấn đề cuối cùng phải là đền bù, bởi vì người dân đang chịu rất nhiều khó khăn. Khi cá chết, du lịch không phát triển được, người dân không có kế sinh nhai.”

Theo quan sát của ông Nguyễn Minh Nhị, ông nhận thấy tương lai sẽ còn nhiều người bị kỷ luật.

“Chuyện này có gây ra cái không hài lòng, bức xúc trong người dân. Nhưng chuyện xử lý này, như tôi đã nói, chỉ là một trong nhiều người thôi. Tôi nghĩ có thể còn nhiều người nữa. Người dân sẽ thấy từng bước có giải quyết và họ cũng đang chờ đợi.”

Chưa biết được dự đoán ông Nguyễn Minh Nhị có thành sự thật hay không, nhưng có một ý kiến được nhiều người quan tâm trong những ngày vừa qua, đó là chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng trên trang cá nhân của ông: “Cách xử lý tốt hơn hết là đàm phán trực tiếp với dân!”

C. L.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/punishment-f-one-scape-goat-formosa-disaster-is-it-enough-cl-04072017073504.html

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.