Họ phải làm ăn, phải sống!

Vũ Kim Hạnh

Tôi kể ba câu chuyện xảy ra cùng lúc, tối qua (bây giờ đã là 2 giờ sáng của ngày mới).

1/ FB & MẠNG TRÀN NGẬP LỜI MỜI NHẬP HÀNG TÀU!

Vừa đọc trên mạng: “Bạn là chủ shop online đang tìm nguồn hàng hập dẫn?

Bạn cần tìm cho được xưởng sản xuất các hàng đẹp, rẻ trên thị trường? Sản xuất ở Trung Quốc, gắn mác Mỹ, Nhật, Thái, Việt… muốn gì cũng được. Bạn hãy nhớ, đặt hàng Trung Quốc chưa bao giờ dễ dàng thuận tiện đến thế!!!”

Tôi đọc thấy quảng cáo này trên face tối nay, cùng lúc nhận email báo cáo công tác của chị Kim Anh, phụ trách dự án “Đưa hàng Việt về nông thôn” của trung tâm BSA.

2/CAO BẰNG, NGÀY KHAI MẠC PHIÊN CHỢ “HÀNG VIỆT VỀ NÔNG THÔN”

Nội dung email: “12 giờ 10 phút. Tình hình là… giờ chót, phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” đầu tiên của đợt này ở Cao Bằng, lại rụng thêm một doanh nghiệp nữa, vì không có nhân sự theo đuổi.

Đường đi quá khó, cả bốn doanh nghiệp tự vận chuyển hàng từ thành phố Hồ Chí Minh ra tận đây, (Sữa Nutifood, quần áo trẻ em Minh Long Hưng, Nhôm nhựa Quy Phúc, Trà Tâm Lan) khởi hành đã ba ngày rồi mà giờ này chưa thấy tới. Chiều trên đường leo núi, mừng ghê khi thấy xe của công ty trà Tâm Lan đi vượt qua mặt. Đoàn gần 20 doanh nghiệp đi chung tới rồi. Còn ba công ty tự đi nữa…

May nhất là công ty dàn dựng phiên chợ đến mặt bằng đúng hẹn, làm xong cổng, sân khấu và các gian tiêu chuẩn hết rồi, hú hồn. Phướn, băng rôn, pa nô cũng treo đủ rồi khắp các tuyến đường đến chợ. Giờ còn cầu trời đừng mưa. Mưa núi thì phũ phàng lắm. Mưa dập xuống thì bà con dân tộc có thích hàng Việt cũng đành bó… chân. Em có đề nghị, tại Hội chợ Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao ở nhà thi đấu Phú Thọ cuối tháng 4 này, nên khen thưởng mấy chục doanh nghiệp luôn đồng hành với mình suốt từ Nam ra Bắc, không vắng phiên chợ nông thôn nào. Họ chịu cực vô kể mà bền bỉ đi, mỗi phiên chợ, quyết bán cho được từng sản phẩm nhỏ cho từng khách hàng nghèo. Khi nào thưa khách thì đi mở đại lý ở chợ xã, huyện. Em thấy họ như “dân công tải gạo” hay người đi “truyền đạo” hàng Việt vậy. Mà cùng chịu cực nên họ thân với nhau như một nhà, quan tâm đỡ đần, giúp đỡ nhau tận tình lắm. Em kính nể họ. Vì nể phục họ mà mình chịu cực cũng không ngán ngại”.

3/ SAU CHUYẾN ĐI WASHINGTON TUẦN TRƯỚC

Cũng tối nay 4/4/2017, tôi vừa họp với nhóm chuyên gia cùng đi Hoa Kỳ về, để gút triển khai công việc sau chuyến đi. Đi nghiên cứu về các quy định mới của Mỹ về an toàn thực phẩm và cũng quảng bá cho Bộ tiêu chí mới “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao – chuẩn hội nhập” với các cơ quan liên quan. Mới thấy sự thay đổi từ FSMA (Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm đã được Hoa Kỳ áp dụng từ tháng 6/2016) thật là lợi hại vì chuyển từ đối phó xử lý vi phạm của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm – Dược phẩm Hoa Kỳ) với hơn 114.000 công ty toàn cầu nhập khẩu vào Hoa Kỳ, sang ngăn ngừa, phòng ngự và phân bổ trách nhiệm cho tất cả đối tác với một hệ thống các quy định rõ ràng. Việt Nam cũng đang “dính chưởng” ngành gạo và thủy hải sản nặng nề. Danh sách (trên trang web FDA) tên các công ty Việt bị “cảnh báo nhập khẩu” tức vi phạm các quy định an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ ngày càng dài. Viên chức của FDA nói: Khi các công ty Việt Nam bị phạt, trả hàng, giam hàng hay tiêu hủy thì cứ từng công ty lặng lẽ thi hành, chẳng mấy công ty khiếu nại, tháo gỡ. Khác hẳn các nước khác, một công ty vấp là cơ quan nhà nước phản ứng ngay, còn doanh nghiệp lo đưa luật sư đến, nỗ lực giải trình, tìm cách tháo gỡ, giảm thiệt hại.

Rất nhiều quy định mới về an toàn thực phẩm từ phía Hoa Kỳ cần các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp Hội, cơ quan xúc tiến, truyền thông hiểu đúng và kịp thời để hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý cho nhà xuất khẩu Việt Nam. Tôi gặp vài anh chị tổng giám đốc mà tên doanh nghiệp còn nằm trên danh sách phạt của FDA. Hơi lạ, có bạn thì thào, đừng nói rộng rãi chuyện họ bị phạt, để họ đang “lo” hay họ cho rằng bị đối xử do vấn đề chính trị (?) hoặc họ báo tin là sau khi bị khó ở thị trường Hoa Kỳ thì đã chuyển qua thị trường khác rồi. Một số khác hơi bất ngờ khi thấy tôi biết rõ về các vi phạm, họ tưởng giữ bí mật được, là do không biết, chứ hồ sơ vi phạm thì vẫn cứ “phơi” trên các trang web cho toàn thiên hạ truy cập mà. Sắp tới, cả Canada, Úc, các nước châu Âu sẽ áp dụng biện pháp tương tự “Hiện đại hóa an toàn thực phẩm” như Hoa Kỳ. Khi đó, doanh nghiệp mình “chuyển hóa” thị trường xuất khẩu đi đâu?

Từ Cao Bằng đến Washington đến các ổ hàng giá rẻ Trung Quốc, chỉ vài mảnh lego ghép tình cờ cũng cho thấy trận địa thương mại Việt Nam đang thực sự ngổn ngang, phức tạp. Thực tế là doanh nghiệp vẫn đang xoay sở tự bơi là chính. Cũng thực tế: không ít doanh nghiệp qua Singapore mở công ty khởi nghiệp, nhiều doanh nhân lại chạy qua đầu tư nông nghiệp công nghiệp cao ở Thái…

Họ phải làm ăn, phải sống!

clip_image002

Singapore đang hút rất nhiều bạn trẻ Việt Nam sang khởi nghiệp, hình ảnh hoạt động cuối tuần của các nhà khởi nghiệp (ảnh Techinasia).

clip_image003

Bộ tài liệu giới thiệu Luật hiện đại hóa ATTP của FDA.

V. K. H.

Nguồn: FB Vũ Kim Hạnh

This entry was posted in Nông Thôn. Bookmark the permalink.