Lê Tùng Phan
Đọc lời chào mừng của Wikipedia tiếng Anh, bạn sẽ thấy dòng chữ sau đây:
“Welcome to Wikipedia, the free encyclopedia that anyone can edit. 5,373,239 articles in English“.
Một bộ bách khoa từ điển “tự do” mà bất cứ ai cũng có thể biên tập. Quả thật là một thứ kho tàng tri thức mở cửa cho mọi người.
Nếu chuyển sang Wikipedia tiếng Việt, bạn sẽ đọc được lời quảng cáo dài dòng hơn, nhưng cũng đáng ngờ hơn: “Bạn chính là tác giả của Wikipedia! Mọi người đều có thể biên tập bài ngay lập tức, chỉ cần nhớ vài quy tắc. Có sẵn rất nhiều trang trợ giúp như tạo bài, sửa bài hay tải ảnh. Bạn cũng đừng ngại đặt câu hỏi. Hiện chúng ta có 1.155.079 bài viết và 537.225 thành viên”. (Wikipedia tiếng Việt, truy cập ngày 31/3/2017)
Câu hỏi đặt ra là trong một xã hội toàn trị, toàn bộ đời sống văn hóa, tư tưởng đều bị “định hướng”, liệu có thể tồn tại một thứ “bách khoa toàn thư tự do” hay không? Và “vài quy tắc” mà người ta nói đến, có thể trở thành một thứ xiềng xích ràng buộc hay không? Lâu nay tôi vẫn nửa tin nửa ngờ, nhưng mãi đến gần đây mới có cơ hội giải đáp mối nghi ngờ đó:
Sáng sớm ngày 31/3/2017, một anh bạn (vốn rất mê Wikipedia Tiếng Việt) chuyển cho tôi một trang Wikipedia có nhan đề “Nhóm Thân hữu Đà Lạt”. Trang này mới được hoàn thành hồi sáng sớm cùng ngày. Tôi đọc qua và thấy dữ liệu không có gì gây ngạc nhiên, đều là những sự kiện và chi tiết xuất hiện nhiều lần trên Internet. Điều đáng mừng là đã có người cất công sưu tầm, hệ thống hóa và giới thiệu “nhóm trí thức bất đồng chính kiến” nổi tiếng này với công chúng rộng rãi – nhất là những người không thường xuyên theo dõi tin tức trên Internet – đặc biệt là cho giới trẻ hiện nay (phần lớn say sưa với những nhu cầu trước mắt nhưng lại hoàn toàn thờ ơ, “vô cảm” đối với vận mệnh của dân tộc và đất nước).
Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”! Chỉ một lúc sau, anh bạn tôi đã gọi điện thông báo: “Trang này đang có nguy cơ bị xóa!” Nghe đến đây, tôi đề nghị anh bạn cung cấp tất cả các dữ liệu gom được trên Internet và giúp tôi viết bài này để công chúng có thể hiểu rõ hơn về thực chất của Wikipedia tiếng Việt trong tình hình hiện nay.
Điều đập ngay vào mắt tôi khi xem bài “Nhóm Thân hữu Đà Lạt”vừa được đăng là một bản thông báo: “Bài có thể bị đưa ra biểu quyết xóa tại Wikipedia: Biểu quyết xóa bài Nhóm Thân hữu Đà Lạt sau 7 ngày bởi thành viên có đầy đủ tiêu chí đề cử”.
Vào trang “Thảo luận: Nhóm Thân hữu Đà Lạt”, thấy có 3 ý kiến. Newton Einstein Hawking nhận xét: “Chỉ là một nhóm bất đồng chính kiến không nổi bật. Bài về một thành viên trong nhóm này cũng đang BQ (biểu quyết) tại Wikipedia: Biểu quyết xóa bài/Mai Thái Lĩnh”.
Nhận xét thứ hai là của Alphama: “Nhóm này độ nổi bật quá yếu, có quá nhiều nguồn yếu, hầu như không có thành tích thông tin gì đáng kể để có thể nổi bật”. Còn người thứ ba lấy bí danh là Diepphi thì đánh giá: “Bài này chỉ toàn là thông tin 1 chiều, như vậy có tính là clk (chất lượng kém) hay không?”
Điều đáng nói là nếu Newton Einstein Hawking tiết lộ vào lúc 05:35 ngày 31/3/2017 rằng “Bài về một thành viên trong nhóm này cũng đang biểu quyết (BQ) tại Wikipedia: Biểu quyết xóa bài/Mai Thái Lĩnh” thì chỉ 5 phút sau đó (05:40), bài “Mai Thái Lĩnh” đã bị xóa.
Năm thành viên đã biểu quyết xóa là: Newton Einstein Hawking, Xuân, Trongnhan, Diepphi và P.T.Đ. Cần lưu ý thêm một điều: bài “Mai Thái Lĩnh” trên Wikipedia tiếng Việt đã tồn tại từ năm 2014 và mãi đến gần đây (cuối năm 2016), mới bị sửa chữa nội dung và bị treo bảng đánh giá về “độ nổi bật”.
Kể cũng rất lạ! Một nhóm trí thức (Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh,…) đã chịu 4 án quản chế (giam lỏng không xét xử) theo NĐ 31-CP, còn bị khởi tố về tội “Phản bội Tổ quốc” nhưng không xử được, phải chuyển sang quản chế, lại “không có thành tích gì đáng kể”? Một nhóm bất đồng chính kiến có liên quan đến hai nhân vật quan trọng của ĐCSVN (Võ Văn Kiệt và Trần Độ) lại “không có gì nổi bật”?
Có lẽ nhiều người cũng muốn biết các thành viên có quyền “tuần tra” và “biểu quyết xóa bài” có trình độ ra sao (nhất là về nhận thức chính trị). Ở đây tôi chỉ giới thiệu “thông tin cá nhân” của một thành viên quan trọng lấy biệt danh là Diepphi:
Việc đánh giá phong trào bất đồng chính kiến dưới một chế độ toàn trị lại được giao cho những thành viên với vốn hiểu biết như thế hay sao? Tôi đặt câu hỏi này với người bạn và anh đưa ra giả thuyết “những thành viên như Diệp Phi chỉ là những con rối, những con robot được giật dây, điều khiển từ đằng xa”.
Do trang “Mai Thái Lĩnh” đã bị xóa, hiện nay người ta không thể đọc được “lịch sử sửa đổi”. Nhưng người bạn của tôi cho biết: thủ thuật xóa trang này đã được tiến hành một cách rất tinh vi. Vào cuối tháng 12 năm 2016, một nhân vật bí ẩn lấy tên là Motnghindong11 đã vào trang này sửa đổi nội dung, nhét vào đó một thứ hồ sơ tương tự một bản cáo trạng của công an hay viện kiểm sát, rồi sau đó lặn mất tăm. Các thành viên “có đầy đủ tiêu chí đề cử” của Wikipedia tiếng Việt đáng lẽ có nhiệm vụ ngăn chặn việc phá hoại (vandalism) để khôi phục lại nội dung cũ, lại cố tình lờ đi để thành viên Diepphi “nhanh nhẩu” dán nhãn dnb (nghĩa là nghi ngờ độ nổi bật, nguồn một chiều) và treo bảng “biểu quyết xóa bài”.
Tất nhiên sau đó nếu không ai vào trang này sửa đổi lại nội dung thì họ để yên, để mọi người tự do vào xem “bản cáo trạng”. Nhưng vì gần đây có người vào trang sửa lại nội dung cho tử tế, cho nên họ huy động cả một đám thành viên Wikipedia có “đầy đủ tiêu chí đề cử” nhào vô nhận xét, biểu quyết xóa bài “Mai Thái Lĩnh” cho đúng với chủ trương xóa những thông tin “xấu, độc” mà ông Bộ trưởng Bộ 4T kiêm Phó ban Tuyên giáo đã công bố.
Để dẫn chứng, anh bạn chỉ cho tôi xem nội dung của trang Wikipedia “Lê Hồng Hà” – đã bị sửa chữa theo cách tương tự:
Cũng là Motnghindong11 vào sửa (lúc 21:25 ngày 31 tháng 12 năm 2016) và chỉ vài giờ sau (23:44), thành viên Diepphi đã sốt sắng dán nhãn dnb (nghi ngờ độ nổi bật, nguồn 1 chiều). Hiện nay, vì chưa có ai vào sửa chữa lại bài này, trang này chưa bị “biểu quyết xóa bài”. Nhờ vậy, tôi có thể sao chép đăng lại trong phần phụ lục.
Chỉ cần xem qua nội dung bài “Lê Hồng Hà” (nhất là những phần tôi nhấn mạnh bằng màu vàng), các bạn cũng có thể trả lời được câu hỏi: Wikipedia tiếng Việt hiện đang nằm trong tay ai và nhằm phục vụ ai?
Nhưng một khi đã đặt ra câu hỏi đó thì thiết nghĩ chúng ta cũng cần hỏi tiếp: Những người chủ của Wikipedia (như Jimmy Wales) có biết đến tình hình này hay không?
Tóm lại, dưới một chế độ toàn trị cộng sản, liệu một thứ “bách khoa toàn thư tự do” (free encyclopedia) như Wikipedia có thể trở thành công cụ để giới thống trị thực hiện chính sách “ngu dân” bằng những kỹ thuật cực kỳ hiện đại hay không? Xin dành câu trả lời cho những người còn biết trăn trở, lo âu cho vận mệnh của dân tộc, của đất nước.
Sài Gòn, ngày 1/4/2017
L.T.P.
__________
Phụ lục:
Lê Hồng Hà
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Ông Lê Hồng Hà (06/01/1926 – 15/11/2016), bí danh Lê Văn Quỳ, Lê Quang Hòa, Lê Hồng, quê quán tại Phú Xã, Kim Anh, Sóc Sơn, Hà Nội. Nguyên Chánh văn phòng Bộ Công an, từng bị bắt, đi tù vì “làm lộ bí mật quốc gia”.
Tiểu sử
Cha đẻ của ông là Lê Văn Sỹ, mẹ là Phạm Thị Nhã. Vợ ông là bà Lê Thi (tức Dương Thị Thoa), nguyên Viện trưởng Viện Triết, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về phụ nữ – giáo dục thuộc Trung tâm KHXH&Nhân văn Quốc gia.
– Tham gia cách mạng từ cuối năm 1944, vào Đảng CSVN tháng 7/1946. 8/1945 – 1/1949: cán bộ phòng chính trị Sở Công an Hà Nội; Quyền Trưởng Công an quận Đề Thám, Mê Linh; Trưởng ban điệp báo Sở Công an Hà Nội.
– 1949 – 1951: học lý luận trung cao cấp khoá I trường Mác – Lênin.
– 1951 – 1952: học nghiệp vụ công an ở Bộ Công an Trung Quốc tại Bắc Kinh, sau đó về làm cán bộ quản lý lớp tại Trường lý luận Bắc Kinh.
– 1953 – 1958: Hiệu phó Trường Công an Trung ương.
– 1958 – 1967: Chánh văn phòng – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Uỷ viên Đảng, Đoàn Bộ Công an.
– 1968 – 1981: Uỷ viên thư ký Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam.
– 1981 – 1992: Chuyên viên nghiên cứu của Văn phòng Bộ luật lao động – cố vấn 2. Nghỉ hưu năm 1993.
– 6/1995 bị khai trừ Đảng. Tháng 12/1995 bị xử 2 năm tù về tội “làm lộ bí mật quốc gia”.
Quan điểm
Sau khi bị khai trừ Đảng (tháng 6/1995), Lê Hồng Hà vẫn tiếp tục hoạt động chống đối, tìm cách thu thập tài liệu mật để tuyên truyền, xuyên tạc tình hình nhằm kích động gây chia rẽ nội bộ Đảng và Nhà nước ta. Tháng 12/1995, Lê Hồng Hà bị bắt, truy tố 2 năm tù về tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.
Lê Hồng Hà là trung tâm đầu mối quan hệ giữa các nhóm đối tượng “nhân văn”, “chống Đảng, xét lại”, số đối tượng có quan điểm đa nguyên, bất mãn, số cực đoan, quá khích. Là người đã từng công tác lâu năm trong ngành Công an nên Lê Hồng Hà được các đối tượng tôn trọng, xem là “quân sư trong lĩnh vực pháp lý”. Lê Hồng Hà còn tụ họp một số người có tư tưởng bất mãn và ngộ nhận để tán phát những tài liệu xấu, phê phán, đả kích chế độ, Đảng, Nhà nước ta.
Ông là người ít bộc lộ quan điểm công khai trên truyền thông. Trong lần trả lời phỏng vấn BBC, ông cho rằng Việt Nam hiện “đang quằn quại trong hai mâu thuẫn”, mà mâu thuẫn đầu tiên là “rơi vào tổng khủng hoảng toàn diện” do đường lối sai lầm của Đảng Cộng sản, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đường lối Mác – Lênin, “một đường lối phản phát triển, sai lầm”. Ông Lê Hồng Hà nói rằng cần giải thoát đất nước ra khỏi đường lối sai lầm này, điều người ta đã trông đợi từ Đại hội Đảng XI nhưng đã Đảng đã không làm.[1]
Ông có nhiều bài viết đòi thay đổi thể chế chính trị, chủ yếu đăng trên các trang chống chính quyền trong và ngoài nước.[2] Ông có ảnh hưởng lớn tới các hội nhóm chống Đảng, Nhà nước, nhiều người “lão làng” có hoạt động chống Đảng, Nhà nước lâu năm như Bùi Tín, Nguyễn Thanh Giang[3], Nguyễn Ngọc Giao[4], Vũ Thư Hiên[5] …đều có bài ca ngợi ông và vu cáo, xuyên tạc nội bộ Đảng mâu thuẫn, tạo cứ, dựng vụ án để triệt tiêu ông…
-
^ “Nguyễn Ngọc Giao – Một kỷ niệm nhỏ về Lê Hồng Hà”.
Thể loại (++):
Các trang liên quan
· Đặng Văn Minh
· Nguyễn Trung Thành (sinh 1923)
· Hồ Hiếu
-
Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 18:00 ngày 3 tháng 1 năm 2017.
__________
(*) Bài được tác giả gửi tới diễn đàn BVN và được Ban biên tập BVN đăng tải nguyên văn, với tinh thần tôn trọng văn phong và các luận điểm của người viết. Bài không phản ánh quan điểm, lập trường hay chủ kiến của BVN.
Tác giả gửi BVN.