Hàng chục người tham dự cuộc biểu tình, họp báo phản đối Formosa trước Văn phòng Kinh tế, Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, Đài Loan hôm 15/3. Bản quyền hình ảnh NGUYEN DUC HUY
Một thỉnh nguyện thư về việc giải quyết thảm họa Formosa hiện thu thập được hơn 70.000 chữ ký tính đến hôm 29/3 và đặt mục tiêu có 100.000 chữ ký để gửi đến Tổng thống Đài Loan cũng như các tổ chức quốc tế.
Thỉnh nguyện thư do Ủy ban trợ giúp Nạn nhân môi trường biển thuộc giáo phận Vinh đề xuất lấy chữ ký của ngư dân bị thiệt hại được thực hiện từ cuối năm 2016 và gần đây mở rộng lấy chữ ký online tại đây.
“Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, là nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của thảm họa môi sinh do công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh – một chi nhánh của tập đoàn Formosa Đài Loan – gây ra tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam,” những người khởi xướng kiến nghị viết.
“Thảm họa cá chết cướp mất nghề nghiệp của hàng trăm ngàn lao động trong các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá”.
“Các nghề nghiệp liên quan như du lịch, khách sạn, nhà hàng… cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn do thất nghiệp, nhiều người phải bỏ quê hương xứ sở đi mưu sinh ở những nơi xa. Nhiều trẻ em có nguy cơ rơi vào cảnh thất học do gia đình mất nguồn thu nhập”.
“Chúng tôi rất cần sự hậu thuẫn của các cơ quan quốc tế, cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường lên tiếng bênh vực và có những hoạt động thiết thực để trợ giúp chúng tôi trong thảm họa này…”
‘Có lợi cho nạn nhân’
Hôm 29/3, BBC liên hệ với đức cha Paulus Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh nhưng không nhận được phản hồi.
Cùng ngày, trả lời BBC, Linh mục Anton Đặng Hữu Nam, Giáo xứ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nói: “Điểm khác biệt của thỉnh nguyện thư này so với những bản thỉnh nguyện thư trước đây là đã một năm trôi qua nhưng những vấn đề của thảm họa cá chết vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng”.
“Về khoản đền bù cho nạn nhân, tôi được biết chính quyền chỉ mới chi 150 trong số 500 triệu đôla mà họ công bố ban đầu”.
“Bên cạnh đó, việc chính quyền tiếp tục để cho nhà máy Formosa tồn tại, bao che những hiện tượng nước biển một số khu vực tại miền Trung gần đây và không có kế hoạch cải tạo biển là những điều công luận muốn làm rõ”.
Linh mục cũng nói thêm: “Trong việc quảng bá cho thỉnh nguyện thư này, các linh mục không phải là người toàn năng, không thể làm hết được”.
“Điều quan trọng hơn là hoạt động này có lợi cho nạn nhân của Formosa, nên ai có lòng thì giúp đỡ”.
Trong một diễn biến khác, báo Nghệ An hôm 20/3 tường thuật: “Tình hình an ninh trật tự vẫn còn có những vụ việc phức tạp như: một số chức sắc cực đoan trên địa bàn tiếp tục chỉ đạo, thông báo kêu gọi việc hiệp thông với những người dân bị đàn áp trên đường đi nộp đơn khởi kiện công ty Formosa Hà Tĩnh với nhiều nội dung thông tin sai sự thật, vu cáo chính quyền và các lực lượng chức năng đàn áp nhân dân gây mất trật tự an ninh trên địa bàn”.