Mãi cho đến lúc này, thủ tướng đã nhậm chức được một năm là ông Nguyễn Xuân Phúc mới phát ra yêu cầu Bộ Công Thương tạm ngưng cấp giấy phép đầu tư cho những dự án thủy điện có thể “tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái”. Động tác này ngay lập tức đã nhận được sự ca ngợi của vài nhà báo bị xem là quá thiếu liêm sỉ vì chỉ biết “nâng bi” lãnh đạo.
Cuối năm 2016, đã xảy ra vụ xả nước của Thủy điện Hố Hô ở Quảng Bình và Hà Tĩnh giết sống gần hai chục mạng người – một “quy trình tất yếu” vì đã không một tội phạm nào bị pháp luật xử lý vào năm 2013.
Nhưng tất cả đều đã quá chậm. Hàng trăm dự án thủy điện đã quét đi hơn hàng trăm ngàn hecta rừng, hàng ngàn hecta đất ở, đất trồng trọt của người dân… khiến dân chúng phải chuyển nhà, chuyển cửa, mất nghề và khốn đốn trong sinh hoạt.
Tây Nguyên là một cái túi khốn quẫn như thế. Ngoài chuyện nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng rất cẩu thả, dẫn đến xảy ra hàng loạt tai nạn nghiêm trọng như vỡ đập, nứt đập… khiến người chết, nhà cửa, ruộng vườn bị hư hại, các công trình, dự án thủy điện đã làm Tây Nguyên mất 80.000 héc ta đất, gây xáo trộn sinh hoạt, sinh kế của 26.000 gia đình, phần lớn là người thiểu số.
Một báo cáo của Ủy ban Khoa học-Công nghệ-Môi trường của Quốc hội Việt Nam vào năm 2013 cho thấy có đến 30% đập chắn nước của các công trình thủy điện nhỏ chưa được kiểm định, 66% đập chắn nước chưa được duyệt phương án bảo vệ, 55% chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão…
Cũng vào năm 2013, một tội ác ghê gớm đã được thi hành. Tháng Mười Một năm đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn toàn vô trách nhiệm khi để 15 nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ lên đầu người dân vùng rốn Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắc Lắc… khiến gây ra cái chết tang thương của hơn 50 mạng người.
Tuy nhiên sau vụ “giết sống” trên, nhiều phóng viên báo chí quốc doanh đành nuốt nhục vì bị cơ quan tuyên giáo “chặn họng”. Nhân quả là đã không có bất kỳ một quan chức vô cảm và vô trách nhiệm nào phải đối mặt với vành móng ngựa, mặc dù chính vào lúc người dân chết chìm trong nước lũ xả trắng mênh mông, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng còn bận “công du “ ở nước ngoài.
Được cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương “bảo kê,” hồ sơ “tội ác” của EVN đã dày quá khổ, không chỉ vì quá nhiều lần tăng giá điện vô lối đánh úp túi tiền cùng kiệt của dân nghèo, mà hành vi cực kỳ nhẫn tâm còn là xả lũ lên đầu dân nghèo.
Từ Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trở xuống, đã không một kẻ nào phải ra trước vành móng ngựa để trả lời cho những cái chết trên. Mọi việc vẫn treo nguyên vẹn ở đó, hệt như dòng lũ trắng luôn treo lơ lửng trên đầu người dân vùng rốn lũ, từ năm 2013 đến tận giờ này.
Để đến cuối năm 2016, đã xảy ra vụ xả nước của Thủy điện Hố Hô ở Quảng Bình và Hà Tĩnh giết sống gần hai chục mạng người – một “quy trình tất yếu” vì đã không một tội phạm nào bị pháp luật xử lý vào năm 2013.
Nếu vụ xả lũ của EVN ở miền Trung vào năm 2013 đã hoàn toàn bị chìm xuồng, thì vụ Hố Hô cũng mất tích trách nhiệm. Sau động tác “báo cáo xin ý kiến” của giới chóp bu Bộ Công Thương với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Phúc đã hoàn toàn im lặng trước oan hồn hai chục dân nghèo ở Hương Khê. Thái độ cực kỳ tắc trách, vô cảm và đậm chất bao che đó đã khiến người ta liên tưởng lại thái độ hầu như giấu mặt của ông để có được một thỏa thuận nhận 500 triệu USD gọi là “tiền bồi thường” của Formosa.
Còn giờ đây, Thủ tướng Phúc ban bố yêu cầu “tạm ngưng cấp phép thủy điện” để làm gì? Hay chỉ nhằm xoa dịu dư luận và hợp thức hóa toàn bộ hậu quả của các dự án thủy điện mà trong đó ông Phúc cũng phải chịu một phần trách nhiệm?
Nhiều người dân đã trắng tay và cũng trắng xóa lòng tin vào chế độ cầm quyền.
T.L.
Nguồn: http://www.ijavn.org/2017/03/vntb-nhin-lai-evn-va-ho-ho-tu-tam-ngung.html