Thảo luận thêm sau bài viết “Mekong sống hay chết”

1. TS. Tô Văn Trường

Thảo luận sâu hơn với người bạn đồng tâm, chúng tôi có chung nhận xét:

–         Tác động tiêu cực của phát triển thượng lưu (tất cả thủy điện chính và nhánh) đối với Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn về biến đổi chế độ dòng chảy, phù sa, cá. Trực tiếp nhất sẽ là hồ chứa ở Campuchia.

–         Từng thủy điện run-of-the river (đập tràn) như Xayabury, Pak Beng thì tác động chủ yếu tới hạ lưu đập không xa.

–         Don Sahong cũng là run-of-the river nhưng tác động mạnh và xa đến nguồn cá của Campuchia và Việt nam. CPC và VN đều phản ứng dữ dội về cá.

Các thông tin sau đây vẫn là “lỗ hổng”

–         Thiếu thông tin vận hành các hồ ở Trung Quốc? Vận hành các hồ sông nhánh Lào, VN? Tổ hợp các vận hành này và biến đổi dòng chảy này đến hạ lưu? đến Kratie chẳng hạn. Ví dụ câu chuyện Trung Quốc xả lũ cứu hạn cho ĐBSCL năm trước, nghe khá khôi hài, cũng là chính trị thôi!

–         Mặn tăng lên cả chục năm nay thì do biến đổi khí hậu đến đâu và do biến đổi dòng chảy thượng lưu đến đâu, có định lượng được không?

Vì thế, có thể nói mạnh được tác động tích lũy toàn dòng và lâu dài, mà không nói rõ được các tác động trong quá trình phát triển, v.v.

T.V.T.

2. GS. Phạm Gia Khải 

Tôi không phải là người nghiên cứu thủy văn, nghiên cứu tác động của môi trường lên các dòng sông và ngược lại. Nhưng trong mấy năm qua, tôi có những dịp tới đồng bằng sông Cửu Long, và thấy khá rõ ảnh hưởng của việc “mất lũ”: Không có phù sa mới, không có thủy sinh vật mà lũ vẫn mang lại… Người ta nói nhiều tới thiệt hại về nông nghiệp mà báo chí đã nói, không cần phải bịa đặt thêm những chi tiết giật gân làm gì.

Chúng ta không thể đơn phương bắt bất cứ nước nào ngừng làm thủy điện trên dòng sông đi qua đất của nước đó, do vậy, chúng ta không thể bắt Lào, TQ, ngừng xây dựng thủy điện sông Mekong được. Nhưng việc họ xây dựng thủy điên này dẫn tới một vấn đề khó giải quyết: Khi nào thì họ nên xả nước, và khi nào không nên?

Vấn đề định nghĩa “thế nào là dòng sông chết?”… Xin nhường lời cho các chuyên gia của chuyên ngành, nhưng cho người dân vùng có lũ của Mekong, mà ngày nay không còn nữa, hoặc lại có khi bất ngờ nước đổ về như thác, ngoài ý muốn của chúng ta, do phía Lào, hoặc TQ xả nước,  theo nhu cầu của họ, chúng ta sẽ rất bị động, và tình hình này là vô thời hạn, hạn hán, xen kẽ với lũ lụt, kinh tế VN sẽ ra sao?

P.G.K.

3. Thuỵ Nguyễn

Bài viết ” Mekong sống hay chết” của TS. Tô Văn Trường đăng trên báo Người Lao Động tóm tắt khá đầy đủ về hậu quả vào hệ sinh thái ở hạ nguồn của việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn. Cái lõi ở đây không phải là vấn đề làm “chết dòng chảy?” như TS Phạm Tuấn Phan tưởng mà là làm “mất lũ” làm đảo lộn hết chu kỳ của mọi thứ như GS. Phạm Gia Khải đã chỉ ra.

Thật vậy, chuyện làm “mất lũ” là rất tai hại cho ĐBSCL vì rằng nó rất cần cho các hệ sinh thái ở vùng ven sông, phải nói là thiếu nó là không được. Tiểu bang Qc bên Canada có rất nhiều đập thủy điện vì thế người ta không xa lạ gì với vấn đề này. Được cái là vì có đất rộng dân thưa, lại thêm các đập lớn thì được xây dựng ở các vùng bắc cực chỉ có vài chủng tộc người “Eskimo” sống rải rác thành ra cũng ít ảnh hưởng đến đời sống của dân hơn là ở VN.

Nhưng ở công ty điện lực HQ của tiểu bang cũng vẫn có một cơ quan phụ trách về các vấn đề bảo vệ hệ sinh thái trong môi trường, và vì là rất quan trọng nên được điều khiển bởi một “phó chủ tịch đặc trách”. Trên trang mạng của công ty, thông tin cũng được đề cặp tới một cách khá rõ ràng. Qua đó có thể thấy được sự cắt nghĩa như sau: dòng chảy vào mùa đông là rất yếu do thời tiết rất lạnh thành mặt sông hay mặt hồ gì đều bị đóng một lớp băng rất dày ở từng trên, nhưng lại chính là lúc rất cần điện cho nhu cầu “sưởi” vì thế phải mở nước tối đa ở các hồ chứa để làm chạy turbin sản xuất điện, thành ra làm giảm lượng nước chứa. Ngược lại vào đầu xuân tuyết bắt đầu tan gây lụt lội do lũ nhưng đồng thời nhu cầu sản xuất/tiêu thụ điện cũng giảm vì thời tiết ấm áp hơn nên đó cũng là lúc để giữ nước lũ ở thượng nguồn để cho chảy vào “nạp lại” các hồ chứa đang bị cạn, để tích tụ cho việc sản xuất điện cho mùa đông tới.

Vận hành như kiểu nêu trên thì cũng như làm biến mất “yếu tố” về các mùa “xuân, hạ, thu, đông”, cũng như làm “biến mất lũ” làm đảo lộn hết cuộc sống của các loài ở hạ nguồn làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chúng, chẳng hạn như sẽ làm loài cá hồi bị mất phương hướng vì chúng là loài dùng tín hiệu của việc “khi có lũ” để bơi ngược dòng từ biển về lại các con sông để sinh sống nằm chờ đợi ngày sinh sản, v.v. (ở đây cho thấy là TS. Phạm Tuấn Phan cũng sai khi tuyên bố là xây đập thủy điện là yếu tố tích cực làm tăng số đánh bắt tức làm tăng sự sinh sản của cá).

Trong các nghiên cứu bằng tiếng Pháp người ta gọi hai trạng thái nêu trên là “Régime d’inversion” tức làm đảo ngược chu kỳ và “Régime d’homogénéisation” tức làm đồng nhất hóa dòng chảy khiến lũ  không còn được ghi nhận trên sông trong thực tế.

Lũ đem phù sa về nhưng nếu lũ bị cho chảy vào hồ thì phù sa cũng sẽ theo vào và về lâu về dài phù sa sẽ bị trữ lại khiến dung tích chứa của hồ giảm. Theo thông tin của TS. TVT thì các đập được xây dựng tại Xayabury, Pak Beng và Don Sahong sẽ là loại gọi là “Run of the River” tức không cần hồ chứa vì dùng sức chảy của nước để làm chạy turbin thay vì dùng sức nước chứa trong các hồ rồi cho rơi từ trên cao xuống như các tại các đập của Trung Quốc. Không biết có phải vì lý do nêu trên (tức sợ hồ chứa bị phù sa xâm nhập…) mà các đập ở Lào sẽ được xây dựng theo kiểu “Run of the River”? Ở tiểu bang Qc cũng có một cái đập có tên gọi là Beauharnois thuộc loại “Run of the River” nhưng người ta xây ở một chỗ khuất nằm giữa một hòn đảo nhỏ trên sông và đất liền, là nơi không có tàu bè đi lại, nên không có ảnh hưởng gì đến dòng chính. Nếu ở Lào mà họ xây ngay dòng chính thì chắc  là sẽ gây hậu quả không tốt ở hạ nguồn.

Trong bài viết tựa đề ” Trung Quốc và lời nguyền thủy điện trên Mekong” đăng trên VOA, tôi thấy có quan điểm là (trích: Về nguồn nước, trong các năm bình thường, các đập này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lượng nước và thời gian nước về ĐBSCL, nhưng trong những năm đặc biệt khô hạn thì các đập này sẽ làm tình hình tồi tệ thêm rất nhiều…). Câu hỏi được đặt ra là: có thể nào có trường hợp các hồ chứa của TQ bị cạn do có nhu cầu lớn nên cần phải cho các nhà máy điện chạy hết cỡ, và khi bị cạn thì họ sẽ phải cho nạp nước trở lại chứ không lẽ cho tạm ngưng nhà máy để bị thiệt hại về kinh tế. Như vậy thì sợ là “trong các năm bình thường” cũng sẽ có vấn đề ở hạ nguồn chứ không chỉ “trong những năm đặc biệt khô hạn” .

T.N.

Các tác giả gửi BVN

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.