Mềnh đi “xem”… giao hưởng

Kỳ Duyên

Thú thật, nhiều năm nay, mình rất ít tham dự trực tiếp các sự kiện văn hóa của Hà Nội, sau cái đận năm 2000 đi bộ quanh Bờ Hồ để “chiêm ngưỡng” Đại Lễ hội 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đành bỏ về giữa chừng. Bởi quá thất vọng vì một quang cảnh quanh Hà Nội rác rưởi tràn ngập, các tranh cổ động cổ vũ cho Hà Nội một cách ồn ào và nhiều đến… rác mắt, làm xấu đi rất nhiều một Hồ Gươm vốn cần thanh bình, thơ mộng

clip_image001

Thế nhưng lần này, lại quyết đi xem đêm Hà Nội có buổi biểu diễn hòa nhạc ngoài trời của Dàn Nhạc giao hưởng London, một trong năm dàn nhạc giao hưởng huyền thoại thế giới do nhạc trưởng trẻ tuổi và tài năng Niklas Benjamin Hoffman, người vừa chiến thắng cuộc thi Donatella Flick dành cho nhạc trưởng của Dàn nhạc Giao hưởng London. Theo các chuyên gia, Niklas còn là một nhà soạn nhạc với những sáng tác hướng tới sự tương tác giữa khán giả và nhạc công. Một Hà Nội đáng được có những sự kiện văn hóa đông-tây, để nâng tầm văn hóa Hà Nội trong con mắt bạn bè quốc tế, và trong chính người ở Hà Nội, dù họ đang sống hay chỉ tình cờ đến thăm một lần cho biết, dù họ là dân gốc hay chỉ ngụ cư, dù là mấy đời hay chỉ là khách vãng lai…

clip_image002

Nhưng đến tận nơi, thú thật, mình và các bạn đồng nghiệp có phần thất vọng. Cả hai con phố hai bên vườn hoa Lý Thái Tổ rào chắn “nghiêm trọng” vắng tanh vắng ngắt, chỉ thấy cảnh sát bảo vệ, và các cảnh sát cơ động, trông đã… hết hồn, chả thấy tâm thế đâu của buổi hòa nhạc sang trọng mang chất nghệ thuật đẳng cấp. Mon men đến bên hàng rào, mình hỏi các chú cảnh sát:

– Các chú CS ơi, chúng tôi muốn được vào nghe giao hưởng!

– Cô ơi, vào đây phải có giấy mời, hôm nay toàn khách VIP thôi cô ạ.

– Cho chúng tôi vào xem ghé cũng được. Chúng tôi dân báo chí mà!

– Nhưng phải có giấy mời mới được vào. Các cô chịu khó đi vòng qua phía trước có màn hình rộng để xem. Các chú cảnh sát trẻ cười rất tươi, và niềm nở.

clip_image003

Đành vậy. Bọn mình kéo nhau đi bộ phía trước vườn hoa. Người đông nghịt như đêm 30 Tết. Bên phố Sách Nguyễn Xí, có những cửa hàng tô vẽ tượng cho trẻ em, các ông bố bà mẹ trẻ đưa con đến đây tô tô vẽ vẽ, những quán café vỉa hè buổi tối trông khá tao nhã. Cũng cảm thấy vui vui. Một Hà Nội những ngày nghỉ cuối tuần. Giá đường phố được trang hoàng đèn cho lộng lẫy hơn thì đẹp biết bao.

clip_image004

Nhưng vòng ra phía trước vườn hoa Lý Thái Tổ, thú thật thất vọng quá. Mình không biết nên gọi là cái gì. Một nhà biểu diễn dựng tạm kín mít như bưng. Cứ tưởng là Dàn nhạc Giao hưởng London sang “hòa nhạc ngoài trời”, thì phải biểu diễn ở giữa đất trời của vườn hoa trung tâm thành phố, giữa thanh thiên bạch nhật cho dân ở Hà Nội thưởng thức, thì khung cảnh phải hài hòa với thiên nhiên, đâu phải một cái nhà bạt kín mít, bịt bùng, chả ra nghệ thuật. Cảnh sát cơ động ngồi giăng đầy. Nhà bạt đó chỉ có “các Vip” có giấy mời vào xem. Hóa ra, đến thưởng thức nghệ thuật ngoài trời cũng phân biệt đẳng cấp. Không biết các Vip nghe giao hưởng say sưa thế nào. Chỉ thấy tiếng vỗ tay thì ghê lắm. Ồn ào…

clip_image005

May mình nhìn thấy hai màn cũng hình cỡ VIP được mắc ở hai đầu… đường phố

Và đứng “xem”. Xem khán giả, Xem màn hình. Xem và nghe dàn nhạc giao thưởng biểu diễn.

Thú thật, bỗng thấy thương những người dân ở Hà Nội quá. Khán giả đông nghịt, hầu hết là những gia đình trẻ, các bạn trẻ, họ ngồi xệp xuống lòng đường nhưng rất văn hóa, yên lặng lắng nghe, chăm chú, thích thú. Bên Bờ Hồ, người vẫn qua lại như nêm. Những chiếc điện thoại di động đưa lên chụp liên tục. Thỉnh thoảng nghe tiếng thì thào của một cô gái trẻ, hoặc của một chị phụ nữ trung niên, chắc người tứ xứ:

clip_image006

– Đây là biểu diễn gì thế cô. Mình lại quay sang thì thào diễn giải, trả lời.

– Hay quá cô nhỉ. Ông nhạc trưởng trẻ ghê…

Mình cũng lấy máy ảnh chụp một vài kiểu. Nhưng thích nhất là chụp khán giả – những khán giả trẻ của Hà Nội – họ cũng say sưa lắng nghe những âm thanh hùng tráng, bi tráng của âm nhạc. Hẳn tâm hồn họ đang ngập tràn những cung bậc Overture của nhà soạn nhạc người Nga D. Shostakovich, Giao hưởng số 2 của S. Rachmaninoff, và trước đó là trình diễn Quốc ca Việt Nam với một bản phối đặc biệt…

Buổi biểu diễn phải nói là thành công ngoài mong đợi. Khán giả ngoài trời hoan hô nhiệt liệt, hào hứng với các bản nhạc được trình diễn. Chính quyền Thủ đô Hà Nội đang có những cố gắng để đem lại những sinh hoạt văn hóa xứng tầm. Đó là điều đáng ghi nhận.

clip_image007

Nhưng điều gì khó có thể gọi là thành công?

Một buổi biểu diễn nghệ thuật tiếng là ngoài trời, cho nhân dân Thủ đô mà cách tổ chức thành “trong nhà bạt kín mít”, dường như chỉ giành riêng cho số ít những người có “đẳng cấp”. Mình tin rằng, trong số hàng ngàn khán giả của thành phố, những người khách ngồi xệp dưới lòng đường chăm chú và say mê thưởng thức kia họ có quyền thưởng thức trực tiếp dàn nhạc giao hưởng với những bản phối khí và tiếng đàn điêu luyện, với sự chỉ huy của vị nhạc trưởng như một ngọn lửa trẻ trung đang truyền cảm hứng sống cho mọi khán thính giả, bất kể giàu nghèo bất kể quan chức hay thường dân.

Đã là văn hóa không nên có sự phân biệt. Đã là hòa nhạc ngoài trời, xin hãy là ngoài trời đúng nghĩa. Để rồi đây, Hà Nội còn diễn ra những sự kiện văn hóa đông – tây, và mỗi người dân ở Hà Nội được thưởng thức với niềm cảm kích, và ý thức sống – dựng xây một Hà Nội văn hóa hiện đại và tinh tế trong phép ứng xử.

K. D.

Nguồn: https://kimdunghn.wordpress.com/2017/03/07/menh-di-xem-giao-huong/

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.