Kỳ Anh: Ô nhiễm mọi mặt

RFA

clip_image001

Vùng biển Kỳ Anh. RFA photo

 Vùng biển dài hơn 200 kilomet dọc theo các tỉnh Bắc Trung bộ của Việt Nam bị ô nhiễm do hóa chất độc hại từ Khu liên hợp gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thải ra và bị phát hiện hồi đầu tháng tư vừa rồi.

Ngoài việc môi trường biển bị nhiễm độc, nhà máy gang thép của Formosa Hà Tĩnh còn gây nên những tác động khác gồm tiếng ồn, khí thải mà cộng đồng dân cư xung quanh khu vực nhà máy phải hứng chịu.

Anh Trần Văn Quang – bmột người dân xã Kỳ Lợi – địa phương ngay cạnh Khu liên hợp gang thép này cho biết:

“Nói chung người dân trước đây, khi chưa có Formosa về thì yên tĩnh, từ khi Formosa về, mang theo máy móc, điện đóm, tiếng ồn gây ảnh hưởng đến người dân cũng nhiều.”

Các ống khói trong khu liên hợp gang thép Formosa nhả khí thải liên tục, ngày mưa cũng như ngày nắng, ban đêm cũng như ban ngày. Có lúc 1 ống, có lúc 2-3 ống cùng nhả khói đen, khói trắng.

Ông Lê Xuân Thế – một người dân khác tại Kỳ Lợi – than phiền rằng khí thải như vậy ảnh hưởng đến nguồn nước mưa.  việc Formosa mang chất thải đi chôn lấp tại nhiều nơi tại Kỳ Anh như báo chí trong nước đã loan tin khiến người dân sợ nguồn nước ngầm, nước giếng cũng có nguy cơ ô nhiễm.

“Nhiều gia đình không lấy nước giếng uống, mà nấu cơm, uống nước.  Nước uống phải dùng nước lọc, nấu cơm cũng nấu nước lọc.”

Hầu hết những người dân mà chúng tôi tiếp xúc đều có chung một quan điểm, đó là yêu cầu Formosa trả lại môi trường trong sạch cho người dân.

“Điều mong đợi nhất là làm thế nào nói chung cho biển sạch, để chúng tôi được tự do đi lại như trước, để cho con em buổi chiều chúng nó ra tắm biển. Khi chúng tôi đi biển về thì ăn cá, ghẹ, tôm không phải nghi ngờ gì trong vấn đề độc hại.”

Hầu hết mọi người trong vùng chịu tác động bởi thảm họa đều cho rằng mức hỗ trợ, bồi thường theo quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ, vẫn thấp hơn so với thu nhập mà họ kiếm được từ biển khơi trước khi xảy ra thảm hoạ Formosa.

Ngoài ra thời hạn mà Nhà nước hỗ trợ, đền bù chỉ là 6 tháng, trong khi phải mất hàng chục năm môi trường mới có thể hồi phục, hải sản không bị nhiễm độc. Do vậy, người dân đã có đơn thư khiếu nại.

“Vừa rồi anh em cũng định đi ra huyện, định biểu tình một lần nữa thử coi, nhưng họ cứ làm như im im, nghe mà chuẩn bị dân có tình hình như thế thì họ cứ nôn nóng, đôn đốc làm hồ sơ nhanh để lấy tiền.  Nhưng qua đó rồi họ cứ im lặng, thấy dân im lặng thì họ im lặng.  Cho nên tất cả mọi người dân ở đây là đơn thư là họ đã làm sẵn.”

Trong hoàn cảnh khó khăn này, người dân Kỳ Anh càng thấm thía giá trị của biển khơi với cuộc sống và sinh mệnh của họ và con cháu đời sau.

“Chúng tôi nói rồi, biển là quê hương, đất liền là tạm trú. Tất cả mọi thứ cho con cái học hành, mọi nghề nghiệp, mọi tài sản chúng tôi cất ở biển, chúng tôi không cất ở nhà. Vì thực sự có khi không có một nghìn, nhưng có khi sáng mai ra đã có tiền chục rồi. Nhất là các mùa nước lên, nhất là các con cá khoai đó, chục triệu, hơn chục triệu. Chỉ cần 20 ngày là hơn cả trăm triệu bạc. Có như thế con cái mới được học hành. Có như thế gia đình mới đủ khả năng cho con học, rồi đại học các thứ, nếu không có như thế thì khó lắm.”

‘Biển bạc’ là cụm từ luôn đi với ‘rừng vàng’ được dùng trước đây để nói đến nguồn tài nguyên quí giá mà thiên nhiên ưu đãi cho Việt Nam. Thế nhưng cho đến này ‘rừng vàng’ bị khai thác, phá hủy đến mức trơ trụi; còn biển bạc thì bị ô nhiễm khiến hải sản, san hô chết hằng loạt như vừa qua.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/back-to-ky-anh-vn-03062017125613.html

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.