Bà Trần Thị Nga đã bị công an bắt vào ngày 21/1/2017 và bị khởi tố theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự – ‘tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam’.
Nhân Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3, 20 tổ chức xã hội dân sự, tổ chức đấu tranh cùng với 50 khuôn mặt quen thuộc của các phụ nữ hoạt động đã ký vào bản lên tiếng hướng về các phụ nữ đấu tranh trong tù.
Ngoài ra, theo thông báo của bản lên tiếng, các tổ chức cũng sẽ có một số hoạt động để vinh danh các phụ nữ kiên cường, như hội thảo trong và ngoài nước về vai trò phụ nữ trong công cuộc đấu tranh, và nhiều nhà hoạt động sẽ mang hoa đến trại tù và gia đình.
50 phụ nữ hoạt động cho nhân quyền và 20 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam ngày 3/3 ra tuyên bố ủng hộ các nữ tù nhân lương tâm Việt Nam.
Đại diện cho nhóm Vì Tương lai, nhóm xã hội dân sự của thanh niên vận động cho môi trường, anh Trần Minh Nhật cho biết anh đã trải qua 6 trại giam khác nhau ở Việt Nam trong 4 năm tù và anh rất cảm thông cho nỗi khổ của các nữ tù nhân là các nhà hoạt động xã hội:
“Bản thân tôi cũng là một tù nhân, tôi hiểu nỗi khổ của một người tù. Họ là những người phụ nữ có con nhỏ, có chồng mà lại ở trong tù thì đó là một nỗi khổ khó diễn tả. Với thiên chức làm mẹ, làm vợ thì chia cắt là nỗi đau rất đau đớn. Trong ngày quốc tế hướng tới phụ nữ, ngày 8/3, tôi thấy cần phải chung tay với những người khác cùng đấu tranh cho quyền lợi của họ, bởi vì trong chốn lao tù họ bị chà đạp phẩm giá nhiều nhất.”
Nông dân làng Dương Nội biểu tình bên ngoài phiên tòa xử nhà hoạt động Cấn Thị Thêu, 20/9/2016.
Bản lên tiếng ngày 3/3 viết: “Tại Việt Nam, ngày Phụ nữ Quốc tế càng có một ý nghĩa thật trang trọng và đặc biệt khi có nhiều phụ nữ đang phải chịu tù đày vì những việc làm vô cùng bình thường của mình để đóng góp vào xã hội. Chúng ta không thể kỷ niệm ngày Phụ Nữ Quốc Tế mà không nhớ đến họ.”
“Dù đã thoát ra khỏi nhà tù nhỏ hay vẫn còn trong ngục tối, họ và nhiều người phụ nữ khác không ngừng gióng lên tiếng nói lương tâm của mình như bao người phụ nữ trên thế giới đã từng làm, cho cuộc sống gia đình, tương lai con cháu và một xã hội nhân bản hơn.”
Là một trong những người ký tên vào bản lên tiếng này, anh Nhật cho biết thêm về các phụ nữ điển hình có nêu tên trong bản lên tiếng:
“Tôi biết là có rất nhiều phụ nữ đấu tranh cho công bằng xã hội, cho sự thật và họ đã bị trả thù. Tôi đăng cử một vài ví dụ như cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn, người đã viết những khẩu hiệu về Hoàng Sa, Trường Sa và hỗ trợ phát tán các thông tin về các cuộc biểu tình, hay chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một blogger, một nhà hoạt động khá lâu năm, chị viết về các vấn đề trong xã hội; hay chị Trần Thị Nga, một blogger, một Facebooker, nhà đấu tranh ở Hà Nam; chị Trần Thị Thúy là những người phụ nữ chúng ta không thể nào quên; những dân oan như Cấn Thị Thêu. Đây là những phụ nữ điển hình đáng ngưỡng mộ. Họ còn can đảm hơn rất nhiều đàn ông.”
Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Nhưng đối với người phụ nữ thì dường như họ không nghĩ về bản thân họ, họ luôn lo nghĩ cho người khác, cho người thân, và cho cộng đồng. Nhà vận động cho nhân quyền Bùi Thị Minh Hằng là một người như thế. Ngay khi ra tù, bà Minh Hằng đã lên tiếng kêu oan cho các nữ tù nhân khác là bà Cấn Thị Thêu và Nguyễn Minh Trí khi họ bị sách nhiễu trong trại giam. Từ Sài Gòn, bà Hằng nói với VOA Việt Ngữ rằng bà muốn quốc tế lưu ý đến cuộc sống trong chốn lao tù của họ:
“Chị có bàn với chị Thêu và chị Trí. Các chị đều thống nhất với chị là phải kêu cứu cho tù nhân, dân oan Nguyễn Thị Trí, người đang bị khủng bố về tinh thần và bị đánh phá trong trại giam, do sự sắp đặt cài cắm của cơ quan an ninh, gây chia rẽ cô lập đến mức độ dân oan Nguyễn Thị Trí đòi tự tử. Chị muốn báo thông tin này ra quốc tế rằng chị Trí đang bức xúc trong đó, chị bị chèn ép, khủng bố tinh thần ở trong đó.”
Viết trên Facebook khi mãn hạn tù, bà Bùi Thị Minh Hằng nói vì tham gia biểu tình yêu nước mà bà bị vô cớ đàn áp và bắt bớ. Bà dần hiểu ra nhiều chuyện sai trái, lừa dối, và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Bà nói bà trở thành “đối tượng” nguy hiểm dưới cái nhìn của chế độ và vì thế mà bà bị dàn cảnh và bị bắt vì tội “gây rối trật tự giao thông”.
Bà Bùi Thị Minh Hằng trước và sau 5 tháng tù đầu tiên.
Với chí khí của một người phụ nữ mạnh mẽ, bà Hằng nghĩ rằng khi quyền lợi người dân chưa được đáp ứng thì bà sẵn sàng tranh đấu:
“Kể cả lúc trong trại cũng như lúc ra ngoài, tôi vẫn nói anh chị em là mục đích là đi đòi quyền lợi. Trong khi bây giờ quyền lợi chưa hề đòi được mà bị vào tù rồi. Mất cái này chưa đòi được thì mất cái khác. Quyền lợi của chúng tôi chưa được đáp ứng thì chúng tôi tiếp tục đi đòi.”
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh viết trên Facebook rằng “Khi nhà cầm quyền vô cớ bắt một người yêu nước là y như rằng đẩy toàn bộ người thân trong gia đình người đó vào con đường thức tỉnh, vượt qua nỗi sợ hãi, đứng lên đấu tranh chống lại bạo quyền.” Và đặc biệt đó là những người phụ nữ bình thường nhưng rất kiên cường đấu tranh cho sự thật. Họ đấu tranh vì con, vì chồng, vì anh em, và vì cộng đồng.
Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy tại phiên tòa phúc thẩm ở Hà Nội, 22/9/2016.
Trong một bình luận trên Facebook, blogger Huỳnh Ngọc Chênh viết: “Đã có Dương Thị Tân đứng lên vì Điếu Cày, đã có Nguyễn Thị Kim Liên, Đinh Như Quỳnh đứng lên vì Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy, đã có Nguyễn Thị Nhung đứng lên vì Nguyễn Phương Uyên, đã có Lê Thị Minh Hà đứng lên vì Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh… Nay thì Cô Mười Họ Lê đã làm nhiều người phải giật mình kinh ngạc vì sự sắc sảo và am hiểu chính trị của chị khi chồng chị là anh Lưu Văn Vịnh bị bắt vô cớ và thô bạo. Chị chỉ là một nông dân chất phác, một phụ nữ đảm đang chỉ biết ở nhà tảo tần buôn bán lo cho chồng con. Thế mà chế độ nầy đã đẩy chị phải bước ra khỏi nhà để đứng lên đấu tranh.”
Là giám đốc dược của 42 bệnh viện tại 14 tiểu bang Hoa Kỳ, chị Christina Cao, người đang tự nguyện đấu tranh ở một mặt trận khác, với một tiếng nói khác: chị vận động cộng đồng hãy luôn hướng về quê nhà và hỗ trợ cho phong trào đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam.
Sang Hoa Kỳ định cư vào năm 1991, khi mới 16 tuổi, chị Christina thuộc thế hệ người Việt trẻ và rất thành công trong ngành dược tại Mỹ. Tháng trước, chị Christina Cao có tham gia một hội luận về nhân quyền Việt Nam. Từ California, chị Christina Cao cho VOA biết chị đại diện cho giới trẻ hải ngoại luôn vận động cộng đồng đấu tranh cho nhân quyền và bênh vực cho tiếng nói của người dân tại Việt Nam:
“Kể cả lúc trong trại cũng như lúc ra ngoài, tôi vẫn nói anh chị em là mục đích là đi đòi quyền lợi. Trong khi bây giờ quyền lợi chưa hề đòi được mà bị vào tù rồi. Mất cái này chưa đòi được thì mất cái khác. Quyền lợi của chúng tôi chưa được đáp ứng thì chúng tôi tiếp tục đi đòi”.
Bà Bùi Thị Minh Hằng
“Đây là tiếng nói cũng như một thông điệp cho chính phủ Việt Nam về những vi phạm nhân quyền, về quyền tự do, dân chủ. Hy vọng rằng Việt Nam phải tôn trọng những điều luật về nhân quyền và làm theo những qui định đã đưa ra.”
Chị Christina nhận định về phong trào đấu tranh ở quê nhà:
“Khi người dân đã bắt đầu đứng lên nêu lên tiếng nói của mình khi họ thấy bất công trong xã hội, từ sau sự kiện Formosa, các ngư dân tại Hà Tĩnh và vùng khác ở Việt Nam thì chị cũng góp phần tiếng nói của giới trẻ ở đây kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền. Và mình làm cách nào đó để có thể gây một tiếng nói mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn. Khi mình làm việc chung giữa các cộng đồng khác nhau bằng cách tăng cường sự đoàn kết thì tiếng nói sẽ mạnh mẽ hơn.”
VOA xin trích dẫn tiểu sử của các nữ hoạt động nhân quyền đang bị giam cầm do nhóm các tổ chức xã hội dân sự cung cấp:
Bà TRẦN THỊ NGA năm nay 40 tuổi và mẹ của bốn người con, trong đó có hai người con trai nhỏ. Vì những hoạt động hỗ trợ dân oan, biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, chống Formosa,… mẹ con bà Nga liên tục bị công an bắt cóc, chặn đánh giữa đường. Sau nhiều ngày bị khủng bố, đe dọa và giam lỏng tại nhà riêng, bà Trần Thị Nga đã bị công an bắt vào ngày 21/1/2017 và bị khởi tố theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự – “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Bà CẤN THỊ THÊU có thể được coi là linh hồn trong cuộc đấu tranh chống cướp đất của nhân dân Dương Nội. Sau vụ cưỡng chế đất vào tháng Tư năm 2014 tại Dương Nội, bà từng bị bắt và bị kết án 15 tháng tù. Sau khi mãn án, bà Thêu tiếp tục đi đòi quyền lợi đất đai cho gia đình và những người cùng cảnh ngộ. Không chỉ hoạt động cho quyền lợi của những nông dân bị cướp đất, bà Thêu còn tham gia vào những hoạt động đấu tranh cho quyền con người, chống Trung Quốc xâm lược hay phản đối Formosa. Bà bị bắt lại vào ngày 10 tháng 6 năm 2016 với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”, và sau đó bị kết án 20 tháng tù.
Bà NGUYỄN NGỌC NHƯ QUỲNH – Mẹ Nấm, là một blogger viết về các vấn đề xã hội và là mẹ của hai đứa con nhỏ. Từ năm 2009 đến năm 2016, Mẹ Nấm đã bị bắt giữ nhiều lần do tham gia các hoạt động dân sự, đòi nhân quyền và biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo. Mẹ Nấm bị bắt ngày 10 tháng Mười năm 2016 tại Nha Trang với tội danh theo điều 88 – “tuyên truyền chống nhà nước”.
Cô NGUYỄN ĐẶNG MINH MẪN bị bắt giữ vào cuối tháng Bảy năm 2011 vì chụp hình một cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bị kết án 8 năm tù với tội danh “lật đổ nhà nước” theo điều 79. Tuy học làm nghề thẩm mỹ, cô gái 26 tuổi này là người nhiệt huyết cổ võ cho công bằng xã hội và nhân quyền, thể hiện qua việc làm của một ký giả nhiếp ảnh. Cô đến những nơi nào có bất ổn xã hội, có biểu tình công cộng để chụp hình và tạo chú ý cho các sự kiện này.
Bà TRẦN THỊ THÚY là một Phật tử Hòa Hảo hoạt động cho quyền lợi của dân oan, đang thụ án tù 8 năm sau khi bị kết án “có những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự. Bà bị bắt giữ hồi tháng Tám năm 2010 và đang bị giam giữ tại trại An Phước, tỉnh Bình Dương. Mang bệnh nan y trong người và sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt trong tù, bà Thúy nhiều lần bị giới chức trách khước từ cho đi chữa trị sức khoẻ. Tình trạng của bà hiện đang được quốc tế báo động.
Bà NGUYỄN THỊ MINH THÚY là một nhân viên kế toán với hai đứa con nhỏ. Bà được biết đến là cộng sự của Blogger Nguyễn Hữu Vinh – Anh Ba Sàm trong việc điều hành trang web Ba Sàm phê phán chính quyền Việt Nam và thông tin về các vấn đề xã hội. Công an bắt giữ bà Minh Thúy vào tháng 5 năm 2014 với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 258 Bộ Luật Hình Sự và sau đó kết án bà 3 năm tù.
Cô LÊ THU HÀ là thành viên Hội Anh Em Dân Chủ, đảm trách chức vụ thư ký và ngoại giao cho hội. Cô cũng là một trong những người thực hiện chương trình Lương Tâm TV, một kênh truyền thông được phát trên YouTube nói về các vấn nạn xã hội. Ngày 16 tháng 12 năm 2015, cô Lê Thu Hà bị bắt cùng Luật sư Nguyễn Văn Đài với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự.