Hoàng Xuân Phú
Dự thảo “Quyết định ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” (được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để lấy ý kiến góp ý trong thời gian từ ngày 20/01/2017 đến ngày 20/3/2017) đưa ra nhiều tiêu chuẩn tỉ mỉ mang tính định lượng. Thử hỏi, ngoài chức danh giáo sư và phó giáo sư ra, thì ở Việt Nam có loại chức danh nào khác được quy định như vậy hay không? Nếu bộ tiêu chuẩn ấy là độc nhất vô nhị, thì cũng không nên coi nó là sản phẩm đặc sắc đáng tự hào của giới khoa học. Bởi quy định như vậy có thể là cần thiết đối với thực trạng của giới khoa học nước nhà, nhưng nó chỉ là giải pháp tình thế, bất đắc dĩ mới phải ban hành, chứ thực ra nó phi khoa học.
Ở các nước tiên tiến, khi xét bổ nhiệm giáo sư và phó giáo sư, người ta chỉ căn cứ vào chất lượng, chứ không dựa vào các loại số lượng, và không có đòi hỏi về thâm niên hay thành tích đào tạo. Ứng viên thế nào là đủ chất lượng thì chẳng thể quy định một cách máy móc quan liêu, nên cũng chẳng có quy định về tiêu chuẩn giáo sư. Ví dụ, trong quy định năm 2014 về bổ nhiệm giáo sư của trường Đại học Heidelberg[1] và trong Luật Đại học của Bang Baden-Wuerttemberg – CHLB Đức (phần quy định về bổ nhiệm giáo sư)đều không có bất kỳ tiêu chuẩn nào về trình độ và thành tích đối với ứng viên giáo sư. Vì thế, hội đồng bổ nhiệm căn cứ vào truyền thống và thông lệ mà tự xác định nên chọn ứng viên nào. Hội đồng xứng đáng thì ắt chọn được ứng viên xứng đáng.
Cho nên, việc cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra những quy định hết sức chi tiết mang tính định lượng về tiêu chuẩn giáo sư và phó giáo sư đồng nghĩa với thừa nhận thực trạng, là hệ thống bổ nhiệm chức danh giáo sư ở Việt Nam không thể đánh giá chất lượng khoa học khách quan và chính xác. Song, nếu vì lý do ấy, thì tại sao lại không đề ra những tiêu chuẩn tương xứng đối với thành viên hội đồng chức danh giáo sư, mà chỉ sinh ra những đòi hỏi khô cứng dành riêng cho ứng viên giáo sư, phó giáo sư?
Kỳ lạ thay, có những tiêu chuẩn mà bản thân nhiều người đang có tiếng nói quyết định vốn không đạt được khi họ được phong giáo sư. Chẳng hạn như tiêu chuẩn về viết sách và đào tạo tiến sĩ. Nếu những tiêu chuẩn đó thực sự là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế thì đi một nhẽ, đằng này lại là không cần thiết và trái với thông lệ quốc tế. Vậy thì tại sao lại đòi hỏi, gây khó dễ cho những người đi sau?
Một trong những điểm mới mẻ của bản Dự thảo lần này là có thêm quy định cụ thể về số bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí thuộc hai hệ thống ISI và Scopus. Đối với tiêu chuẩn chức danh giáo sư, Điều 8 Khoản 4 của Dự thảo quy định:
“Đến năm 2019, ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ là tác giả chính và đã công bố được ít nhất: 02 (hai) bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus; hoặc ít nhất 01 (một) bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và 01 (một) quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới; hoặc ít nhất 01 (một) bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và 01 (một) bằng độc quyền sáng chế. Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 01 (một) bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus.”
“Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất 01 (một) bài báo khoa học theo quy định tại Khoản này.”
Và đối với tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, Điều 9 Khoản 4 của Dự thảo quy định:
“Đến năm 2019, ứng viên là tác giả chính và đã công bố được ít nhất: 01 (một) bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus hoặc 01 (một) quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới hoặc 01 (một) bằng độc quyền sáng chế.”
“Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất 01 (một) bài báo khoa học theo quy định tại Khoản này.”
Có lẽ, mục đích của quy định ấy là nâng cao chất lượng bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư và hạn chế bớt sự tùy tiện của các hội đồng chức danh giáo sư. Đó là một cố gắng đáng ghi nhận của những người đề xuất. Song, buồn thay, quy định ấy cũng góp phần bóc trần thực trạng chất lượng bổ nhiệm giáo sư ở Việt Nam. Qua đó ta thấy, nếu rũ bỏ những quy định cồng kềnh và phi khoa học, thì tiêu chuẩn khoa học đáng kể nhất để bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư ở Việt Nam chỉ còn sót lại ở tầm hoặc dưới tầm nghiên cứu sinh bảo vệ tiến sĩ. (Tất nhiên, đó là so với nghiên cứu sinh bảo vệ tiến sĩ ở những cơ sở đào tạo có chất lượng tốt, chứ giáo sư trình độ thấp đến mấy thì vẫn đủ khả năng đào tạo ra tiến sĩ với trình độ… thấp hơn hẳn so với thầy.) Chất lượng thấp thảm hại như vậy, mà được bổ nhiệm chức danh giáo sư hay phó giáo sư, thì đương nhiên sẽ gây ra những hậu quả tai hại cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Hơn nữa, khi cái danh nghĩa ấy góp phần giúp những người kém cỏi leo lên vị trí quản lý có vai trò quyết định, thì hậu quả còn tai hại gấp bội.
Chưa rõ tác dụng thực tế của quy định “ISI, Scopus” kể trên sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn nó sẽ trở thành bằng chứng không thể chối cãi để phủ định chất lượng bổ nhiệm giáo sư và phó giáo sư ở Việt Nam, tạo cớ cho dư luận đàm tiếu và chê bai cộng đồng giáo sư và phó giáo sư của Việt Nam. Tất nhiên, khi thực trạng đáng chê thì cũng đành ráng chịu. Song hậu quả đáng nói hơn là cái quy định được đề xuất nhằm nâng cao chất lượng lại góp phần làm giảm chất lượng.
Thật vậy, cho dù chất lượng chung của các hội đồng chức danh giáo sư thấp đến đâu đi nữa, thì vẫn có thể tồn tại những hội đồng chất lượng cao, đủ năng lực để lựa chọn những ứng viên xứng đáng được bổ nhiệm giáo sư và phó giáo sư. Cho đến nay, những hội đồng chất lượng cao như vậy có thể không bầu chọn một số ứng viên có khá nhiều công trình đã được công bố nhưng chất lượng không đủ cao, và lý do dễ giải thích nhất với đương sự thường là “còn ít bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI, Scopus”. Quả thật, đối với các ngành khoa học tự nhiên thì 10 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI, Scopus vẫn có thể coi là chưa đủ để bổ nhiệm chức danh giáo sư, nếu nội dung các bài báo ấy chẳng có gì thật sự nổi bật. Song, nếu tiêu chuẩn “đã công bố được ít nhất 02 (hai) bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus” được thông qua và có hiệu lực thực hiện, thì đương sự có quyền hiểu rằng: Khi 2 bài báo đã thỏa mãn điều kiện pháp định, thì 5 hay 10 bài không thể bị coi là ít. Vì thế, những hội đồng nghiêm túc sẽ gặp khó khăn hơn hẳn khi muốn nhấn mạnh yếu tố chất lượng thay vì dựa vào số lượng thuần túy.
Đó chỉ là một ví dụ, để minh họa rằng bản Dự thảo còn chứa nhiều quy định chưa hợp lý, cần được cân nhắc kỹ lưỡng và sửa đổi hay hủy bỏ. Để ý kiến không bị phân tán, sau đây chỉ tập trung vào ba nội dung cần phải hủy bỏ và một nội dung cần khắc phục.
1. Phải bỏ quy định bắt buộc có sách, giáo trình
Rất ít giáo sư có đủ năng lực và thời gian để viết sách khoa học với chất lượng tốt. Vì vậy, nếu đòi hỏi mọi ứng viên giáo sư đều phải viết sách, thì chất lượng của phần lớn số sách ấy sẽ thấp đến mức thảm hại.
Số lượng kiến thức khoa học được đưa vào các chương trình đào tạo ít đến mức mỗi chuyên ngành chỉ cần một số sách và giáo trình chuẩn thì đã đủ phủ kín phạm vi kiến thức. Số sách còn lại chủ yếu chỉ giao hoán nội dung của các tài liệu gốc và biến báo chút ít. Vì vậy, nếu đòi hỏi mọi ứng viên giáo sư đều phải có sách phục vụ đào tạo, thì ép họ phải đạo văn, tức là ép họ vi phạm bản quyền và đạo đức khoa học.
Ở nước ngoài, tôi chưa thấy nơi nào đòi hỏi ứng viên giáo sư phải có sách đã xuất bản. Trên thực tế, hầu hết các giáo sư nước ngoài mà tôi biết đều chưa hề có sách được xuất bản trước khi họ được bổ nhiệm giáo sư, và phần lớn trong số đó cũng chẳng có sách ngay cả lúc đã về hưu. Thế nhưng họ vẫn được bổ nhiệm giáo sư, rồi rất xứng đáng với cương vị giáo sư và trở thành những nhà khoa học có uy tín cao trên Thế giới.
Ở Việt Nam, riêng yếu tố tiền bạc và háo danh đã đủ để gây ra nạn loạn sách và tệ đạo văn tràn lan. Khi đòi hỏi ứng viên giáo sư phải có sách đã xuất bản, thì ép thêm nhiều người vốn không muốn cũng đành phải hòa mình vào tệ nạn ấy.
Yêu cầu mọi ứng viên giáo sư đều phải có sách phục vụ đào tạo không chỉ góp phần làm tha hóa giới khoa học, mà còn có hại cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Dạy và học theo sách chất lượng thấp thì đương nhiên kết quả đào tạo cũng thấp. Khi thầy cô ép học trò phải học theo quyển sách do mình viết, thì đồng thời cũng cản trở học trò tiếp cận những tài liệu gốc tinh hoa. Hơn nữa, khi học trò đọc tác phẩm kém chất lượng chứa đầy lỗi của thầy cô, hoặc phát hiện ra thầy cô mình đã đạo văn đâu đó để đưa vào sách, thì uy tín của thầy cô cũng như của môi trường giáo dục bị sứt mẻ nặng nề.
Vì các lý do nêu trên, cần phải cương quyết loại bỏ các đòi hỏi viết sách và giáo trình mang tính bắt buộc. Cụ thể, cần phải bỏ trong Dự thảo hai quy định sau đây đối với chức danh giáo sư:
“Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ là tác giả chính hoặc chủ biên ít nhất 01 (một) sách phục vụ đào tạo. Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn là tác giả chính hoặc chủ biên ít nhất 03 (ba) sách phục vụ đào tạo, trong đó có 01 (một) sách chuyên khảo và 01 (một) giáo trình.” (Điều 8, Khoản 5)
“Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ phải có ít nhất 4,0 điểm tính từ sách phục vụ đào tạo. Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn phải có ít nhất 6,0 điểm tính từ sách phục vụ đào tạo.” (Điều 8, Khoản 8.c)
Đồng thời phải loại bỏ trong Dự thảo hai quy định sau đây đối với chức danh phó giáo sư:
“Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ tham gia biên soạn ít nhất 01 (một) sách phục vụ đào tạo. Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn tham gia biên soạn ít nhất 02 (hai) sách phục vụ đào tạo.” (Điều 9, Khoản 5)
“Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ phải có ít nhất 1,0 điểm công trình khoa học tính từ sách phục vụ đào tạo. Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn phải có ít nhất 2,0 điểm công trình khoa học tính từ sách phục vụ đào tạo.” (Điều 9, Khoản 8.c)
2. Phải bỏ đòi hỏi đã hướng dẫn xong nghiên cứu sinh, học viên cao học
Ở CHLB Đức, thường chỉ giáo sư và phó giáo sư (được gọi chung là Professor) mới đứng tên hướng dẫn nghiên cứu sinh, mặc dù trên thực tế nghiên cứu sinh có thể do một tiến sĩ trong nhóm tuyển chọn và trực tiếp hướng dẫn. Thông lệ ấy không chỉ để đảm bảo chất lượng đào tạo, mà còn nhằm bảo quyền lợi của người học. Nếu giáo sư hay phó giáo sư không hướng dẫn trực tiếp, thì cũng phải chính thức đứng ra đảm bảo về chất lượng đào tạo và chịu trách nhiệm trước nhà trường và người học.
Ở Việt Nam thì ngược lại, đòi hỏi ứng viên giáo sư, phó giáo sư phải hướng dẫn xong mấy tiến sĩ, thạc sĩ trước khi đăng ký chức danh. Vì thế, người học không đơn thuần là đối tượng để các giáo sư và phó giáo sư đào tạo, mà còn trở thành phương tiện để giúp các nhà giáo được phong giáo sư hay phó giáo sư. Quy định lạ đời ấy vừa thiếu tôn trọng người học, vừa góp phần hạ thấp chất lượng đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ (vốn dĩ đã quá thấp) ở Việt Nam. Đơn giản vì một số thầy cô muốn nhanh chóng đạt được tiêu chuẩn về hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên cao học, để sớm được phong giáo sư hay phó giáo sư, nên có thể diễn ra cảnh vơ bèo vạt tép để có học trò, nhận hướng dẫn cả loại quá kém, rồi viết luận án, luận văn và các bài báo khoa học thay cho học trò, hoặc mặc dù kết quả chưa đạt yêu cầu nhưng cũng coi như xong và cho bảo vệ. Đó là hiệu ứng tiêu cực không thể tránh khỏi trong hoàn cảnh đạo đức nhà giáo đã xuống cấp trầm trọng.
Để phù hợp với thông lệ quốc tế, tôn trọng người học và hạn chế hiệu ứng tiêu cực nêu trên, cần phải loại bỏ đòi hỏi đã hướng dẫn xong nghiên cứu sinh, học viên cao học. Cụ thể, cần phải bỏ trong Dự thảo quy định sau đây đối với chức danh giáo sư:
“Hướng dẫn chính ít nhất 03 (ba) nghiên cứu sinh đã có bằng tiến sĩ hoặc đã có quyết định cấp bằng tiến sĩ theo quy định của pháp luật.” (Điều 8, Khoản 7)
Đồng thời phải loại bỏ trong Dự thảo quy định sau đây đối với chức danh phó giáo sư:
“Hướng dẫn ít nhất 03 (ba) học viên đã được cấp bằng thạc sĩ hoặc đã có quyết định cấp bằng thạc sĩ hoặc hướng dẫn chính ít nhất 01 (một) nghiên cứu sinh hoặc hướng dẫn phụ 02 (hai) nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ hoặc đã có quyết định cấp bằng tiến sĩ.” (Điều 9, Khoản 7)
3. Phải bỏ mấy quy định về thời gian, thâm niên
Chẳng hiểu dựa vào cơ sở khoa học nào, mà quy định hiện hành cũng như Dự thảo quy định lại đòi hỏi ứng viên giáo sư, phó giáo sư phải thỏa mãn mấy tiêu chuẩn về thời gian. Ví dụ, đối với ứng viên giáo sư, Điều 8 Khoản 2 của bản Dự thảo quy định:
“Đã được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư có thời gian từ đủ 03 (ba) năm trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư tại Hội đồng Giáo sư cơ sở (gọi tắt là ngày hết hạn nộp hồ sơ).”
Kỳ lạ hơn nữa là quy định:
“Những trường hợp đã được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư nhưng chưa đủ 03 (ba) năm thì phải có ít nhất gấp hai lần các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 và Khoản 7 của Điều này.”
Như vậy, để thay thế cho 1 hoặc 2 năm xét trước thời hạn, thì theo yêu cầu của Khoản 7, ngoài 3 nghiên cứu sinh phải hướng dẫn thành công theo quy định mà mọi ứng viên thông thường đều phải đạt, ứng viên ngoại lệ phải có thêm 3 nghiên cứu sinh nữa đã bảo vệ xong luận án tiến sĩ, trong khi việc đào tạo nghiêm túc 3 nghiên cứu sinh đóng vai trò thay thế phải mất thời gian gấp nhiều lần.
Đối với giới lãnh đạo và quản lý, không hề có quy định chỉ bổ nhiệm cấp trưởng (chẳng hạn như bộ trưởng) trong số những người đã đảm đương cấp phó (tương ứng là thứ trưởng) từ 3 năm trở lên. Vậy thì tại sao lại phân biệt đối xử với giới khoa học, đòi hỏi ứng viên giáo sư phải từng là phó giáo sư từ 3 năm trở lên? Chẳng lẽ lại vì cho rằng làm giáo sư còn khó hơn và quan trọng hơn là làm bộ trưởng hay sao?
Ở các nước tiên tiến, người ta ưu tiên bổ nhiệm giáo sư hay phó giáo sư cho các nhà khoa học tài năng đang trẻ trung sung sức, và không phong giáo sư hay phó giáo sư (lần đầu) cho những người đã nghỉ hưu. Phần lớn giáo sư và phó giáo sư được bổ nhiệm lần đầu không lâu sau khi có bằng tiến sĩ. Và người được bổ nhiệm giáo sư không nhất thiết phải kinh qua giai đoạn phó giáo sư. Thậm chí, bổ nhiệm ngay lên giáo sư còn là một cách để các trường lấy được người giỏi. Nếu quả là giỏi thì có thể dễ dàng nhận biết khá sớm. Không đủ xuất chúng thì thời gian cũng chẳng thể nhào nặn ra tài năng.
Còn ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại: Dựng lên những rào cản và đòi hỏi về thời gian để làm chậm bước tiến của các nhà khoa học trẻ, rồi lại phong chức danh giáo sư hay phó giáo sư cho cả những người đã nghỉ hưu. Tại sao lại ngược đời như vậy?
Để phù hợp với thông lệ quốc tế, thì cần phải xóa bỏ khỏi bản Dự thảo những quy định về thời gian, mang tính thâm niên. Cụ thể, ngoài việc xóa quy định tại Điều 8 Khoản 2 đối với ứng viên giáo sư (như đã trích dẫn ở trên), thì cần xóa cả hai quy định sau đây tại Điều 9 đối với ứng viên phó giáo sư:
“2. Có bằng tiến sĩ hoặc có quyết định cấp bằng tiến sĩ đủ 03 (ba) năm trở lên kể từ ngày ký bằng hoặc quyết định cấp bằng tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ. Những trường hợp có bằng tiến sĩ hoặc có quyết định cấp bằng tiến nhưng chưa đủ 3 năm thì phải có ít nhất gấp hai lần các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 và Khoản 7 của Điều này.”
“3. Có ít nhất 06 (sáu) năm, trong đó có 03 (ba) năm cuối liên tục tham gia đào tạo từ trình độ đại học trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ.”
Thời gian tự nó không thể đảm bảo được bất cứ điều gì. Nó không thay thế được năng khiếu và nghị lực phấn đấu. Nếu như thời gian có thể nhân lên thành tích của người này, thì nó cũng có thể nhân lên sai lầm và tội lỗi của người khác. Và khi đã trưởng thành thì thời gian chỉ đẩy người ta chóng bước qua quãng đời trẻ trung sung sức, tiến dần đến viễn cảnh già nua.
Vì vậy, để hòa nhập với Thế giới văn minh và rút ngắn khoảng cách tụt hậu, thì cần phải cương quyết rũ bỏ lối tư duy phi khoa học, coi thời gian như một thứ thành tích đặc biệt, đến mức không thể hoặc khó có thể thay thế.
4. Không thể tuyệt đối hóa số lượng đến mức lấn át cả chất lượng
Tiếc rằng Dự thảo quy định về tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư đã tuyệt đối hóa đòi hỏi về số lượng đến mức lấn át cả chất lượng. Quy định về số bài báo khoa học đăng trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI, Scopus có thể tạm coi là một cải tiến theo hướng nâng cao chất lượng, nhưng nó chưa đủ để đại diện cho chất lượng.
Lẽ ra, chỉ cần một số bài được đăng trên tạp chí quốc tế hàng đầu, hay được một giải thưởng quốc tế hàng đầu, thì đã đủ để cơ quan chuyên trách nhận biết tài năng và yên tâm bổ nhiệm giáo sư, mà 20,0 điểm công trình (được quy định tại Điều 8 Khoản 8 của Dự thảo) cũng không thể so bì.
Dự thảo viết:
“Giải thưởng quốc gia, quốc tế thuộc các ngành Kiến trúc, Y-Dược, Nghệ thuật, Thể dục thể thao được tính tối đa 1,0 điểm.” (Điều 11 Khoản 3)
Giải thưởng dù là quốc gia hay quốc tế, nhưng nếu nó không liên quan đến khoa học, thì tại sao lại tính nó vào điểm công trình khoa học? Còn nếu nó liên quan đến khoa học, thì tại sao chỉ tính tối đa 1,0 điểm? Và tại sao lại chỉ dừng lại ở 4 ngành Kiến trúc, Y-Dược, Nghệ thuật, Thể dục thể thao, chứ không áp dụng cho các ngành khác? Thật khó biện hộ, khi những giải thưởng khoa học hàng đầu Thế giới, như Fields Medal của Giáo sư Ngô Bảo Châu, lại không có chỗ nương thân trong tiêu chuẩn giáo sư của Việt Nam.
Không thể coi là bình thường, là lành mạnh, nếu những người đã được hoặc có thể được bổ nhiệm giáo sư tại các trường đại học hàng đầu Thế giới lại không thỏa mãn tiêu chuẩn giáo sư của Việt Nam, và nếu có được bổ nhiệm giáo sư tại Việt Nam thì cũng phải mang danh “đặc cách” hay “ngoại lệ”.
Vì vậy, cần bổ sung thêm quy định về những trường hợp có thành tích khoa học đặc biệt xuất sắc. Ví dụ:
“Đối với các nhà khoa học có thành tích nghiên cứu đặc biệt suất sắc, được giới chuyên môn trên thế giới đánh giá cao, thì có thể căn cứ vào chất lượng công trình nghiên cứu khoa học để xét bổ nhiệm giáo sư hoặc phó giáo sư, mà không cần phải thỏa mãn các tiêu chuẩn về số lượng được quy định trong văn bản này.”
Nếu chưa yên tâm, thì có thể quy định thêm về tỷ lệ phiếu đồng thuận của các hội đồng chức danh giáo sư, với mức độ cao hơn hẳn so với tỷ lệ dành cho các trường hợp ứng viên thông thường.
Tóm lại, bốn hạn chế kể trên không chỉ thuộc loại lạc điệu so với Thế giới văn minh, mà còn có thể gây tác hại trầm trọng. Nếu chúng không được khắc phục, thì quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư trở thành yếu tố cản trở, thậm chí kéo lùi sự phát triển của khoa học, giáo dục và đào tạo ở Việt Nam. Một mặt, nó làm chậm tiến độ phát triển và hạn chế mức độ đóng góp của nhiều nhà khoa học xuất sắc, tâm huyết và nghiêm túc, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ đang sung sức. Mặt khác, nó lại hợp lý hóa cho việc bổ nhiệm chức danh giáo sư hay phó giáo sư cho những người không xứng đáng, để họ có thể leo lên các vị trí chủ chốt và đóng vai trò quyết định, khiến cho môi trường nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo của Việt Nam vốn đã quá ô nhiễm lại càng ô nhiễm nặng nề hơn. Vì vậy, nếu không khắc phục các hạn chế trong bản Dự thảo, thì những người tham gia soạn thảo và ban hành quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư khó có thể chối bỏ phần trách nhiệm của mình đối với những hậu quả tệ hại không đáng có.
Cần nhấn mạnh rằng: Nếu vì thông cảm với hoàn cảnh thực tế của cộng đồng khoa học Việt Nam, là có quá nhiều người không đạt được chất lượng nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế, thì có thể chấp nhận cho họ dùng số lượng để bù một phần chất lượng. Và cũng có thể nhân nhượng cho họ tính cả một số loại thành tích xa lạ với thông lệ khoa học quốc tế, để thay thế cho một phần kết quả nghiên cứu khoa học đích thực. Nhưng quyết không thể quá chiều ý cộng đồng ấy, đến mức để yếu tố số lượng lấn át cả chất lượng, biến những thứ thay thế bất đắc dĩ được dành riêng cho họ trở thành tiêu chuẩn chung, và bắt buộc tất cả các ứng viên đều phải đạt. Để rồi nhiều nhà khoa học xuất sắc thực sự xứng đáng được bổ nhiệm giáo sư hay phó giáo sư bị lâm vào cảnh chưa đạt tiêu chuẩn, trong khi nhiều người không hề xứng đáng thì lại có thể vênh vang vì được bổ nhiệm “đúng quy trình”.
Hà Nội, ngày 28 tháng 2 năm 2017
H. X. P.