Anh Chung ơi, không sợ các đồng chí của anh thịt à… Dù sao em cũng ủng hộ anh dám nói lên sự thật này…
Ai chứ ông Nguyễn Đức Chung nói là chính xác, vì ông là công an. Thế thì đến mồng thất mới dẹp được vỉa hè.
Theo thống kê của ông Chung thì có 83% quán bia có công an bảo kê. Tôi đồ rằng ko phải 83% quán bia mà 83% vỉa hè. Không phải tham nhũng vặt đâu, khủng đấy!
Vỉa hè nhưng không phải là vỉa hè… giải quyết vỉa hè là giải quyết vấn đề thể chế. Người ta biết lâu rồi những điều ông Chung nói… nhưng ai cũng ngại, ngai trả thù. Nếu ko thay đổi từ thượng tầng thì vũ như cẫn thôi…
Chỉ đích danh như ông Chung làm nhiều người đâm nể. Đúng thôi. Nhưng vấn đề mà chúng ta nhất thiết phải đặt ra đối với chính quyền hiện nay, không bao giờ được phép mơ hồ, là các anh dẹp vỉa hè để làm gì? Vì cuộc sống người dân hay lại để kiếm những món lợi kếch xù hơn để trang trải vô số món nợ đang chồng chất lên đầu lên cổ? Kinh nghiệm bao nhiêu đời quan chức CS khiến mỗi người chúng ta không thể không nhớ nằm lòng điều ấy.
Bauxite Việt Nam
1. Chủ tịch HN: 180 quán bia vỉa hè, hơn 150 quán có công an đứng sau
Hồng Nhi
– Tôi thống kê hơn 180 quán bia vỉa hè thì có trên 150 quán bia có công an đứng đằng sau – Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ ra.
NGHE CHỦ TỊCH HN NGUYỄN ĐỨC CHUNG PHÁT BIỂU:
Sáng nay, Ban chỉ đạo 197, TP Hà Nội tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai kế hoạch về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho hay, từ năm 2000 HN đã triển khai Kế hoạch 36.
“TP ra quân bao nhiêu lần theo các kế hoạch đều thất bại và gần đây nhất, Chỉ thị 14 ngày 12/12/2012 của Thành ủy do nguyên Bí thư Phạm Quang Nghị ký vẫn còn nguyên giá trị”, ông nhấn mạnh.
Ông Chung nói: “Tôi nghĩ cứ thực hiện đúng chỉ thị là công việc sẽ tốt. Tôi đề nghị Chánh văn phòng UBND TP cùng Văn phòng Thành ủy về photo lại chỉ thị này gửi cho các sở, ban, ngành, quận huyện thực hiện đúng.
Ông Chung gói gọn lại trong mấy việc. Thứ nhất là tất cả việc liên quan đến lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, lấn chiếm trong ngõ để bán hàng, trông giữ ô tô, xe máy.
Thứ hai, liên quan đến bán hàng rong. Thứ ba, các quảng cáo, biển khoan cắt bê tông.
Ông lấy thí dụ ngay câu chuyện nhà ông: “Tôi về cổng nhà tôi cũng có dán biển khoan cắt bê tông, tôi lấy máy gọi người chủ, nhà tôi muốn khoan bê tông. Khi đến, tôi gọi Trưởng công an phường, sau đó, cả ngõ không còn tình trạng này”, lãnh đạo HN nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Hồng Nhì
Theo ông Chung, việc này làm được chứ không phải không và những năm 2013, 2014 HN đã làm rất tốt. TP đã trang bị hơn 140 xe ô tô loại 750kg, sau đó, chuyển sang hình thức xe đạp được người dân đánh giá cao, gần gũi.
“Vừa nãy đồng chí Đình (ông Nguyễn Xuân Đình – Trưởng Phòng Cảnh sát trật tự, Công an TP) có nêu là thu bàn ghế, biển quảng cáo không, có thời kỳ, báo chí nêu về hình ảnh rất phản cảm, anh cảnh sát giằng kéo rổ bán hoa quả, thu mấy cái biển, bàn ghế nhựa về công an các phường nhưng không có chế tài thanh lý.
Chúng ta có cách làm nhưng không kiên trì, có những đồng chí lãnh đạo không quan tâm nên mới xảy ra tình trạng bắt cóc bỏ đĩa, lúc làm lúc không”, ông Chung cho hay.
Ông cũng đặt vấn đề, tại sao có những quận làm tốt, có những quận không làm, bởi vì có những lãnh đạo không quan tâm và Bí thư Thành ủy cũng nhắc ông phải nhấn mạnh vấn đề này.
Theo ông, lãnh đạo các sở, chủ tịch UBND các xã, phường, trưởng công an mà quan tâm vấn đề này thì hoàn toàn có thể làm tốt.
“Cách làm của Hà Nội không thể ra quân rầm rộ mà làm như thế nào cho bền vững, để người dân không tái lấn chiếm, mọi người phải tâm phục khẩu phục và thấy mình phải có ý thức với Thủ đô, không vứt rác, lấn chiếm vỉa hè. Chứ còn ra quân, phá dỡ xong lại bán hàng.
Tôi thống kê, hơn 180 quán bia vỉa vè thì có trên 150 quán bia có công an đứng đằng sau nên tất cả các ông công an bỏ mà thôi. Mà có quán triệt là tôi nói trật tự hết.
Các bí thư, chủ tịch quận ngồi đây dám cam đoan với tôi các điểm trông giữ xe dưới phường có người nhà, có bãi đỗ xe của bí thư, chủ tịch không? Có đấy. Tôi xin nói các đồng chí có cả. Các đồng chí phải quán triệt, về bảo người nhà thôi thì sẽ đỡ đi rất nhiều rồi”, Chủ tịch TP nói.
Ông Chung nhấn mạnh, nếu lần này không làm, ông sẽ chỉ rõ chỗ nào bí thư quận nào, chủ tịch, trưởng phường, kể cả lãnh đạo sở cũng có.
Chủ tịch HN hỏi Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm rằng, các điểm bãi đỗ xe xung quanh bến xe Mỹ Đình có những ai, người nhà nhà ai ở đấy, quê ở đâu?
“Các đồng chí cứ nêu xem có phải ở Bắc Ninh không? Ai quê Bắc Ninh thì tra ngược ra. Tôi không tiện nói rõ, nhưng phải có cách làm đúng mới có phương pháp đúng được. Lần này, chúng ta làm cương quyết, bền vững, nhưng không ồn ào. Các đồng chí cứ ồn ào, ra quân, không khéo xuống lại làm ùn tắc thêm đường”, Chủ tịch TP nhấn mạnh.
“Chịu khó đến từng nhà, kiên trì”
Lãnh đạo TP yêu cầu thực hiện phải kiên trì và đi đúng 3 bước. Thứ nhất, tuyên truyền nhắc nhở đến từng gia đình, chủ tịch UBND xã phường phải chịu trách nhiệm thành lập các tổ 2 – 3 người đến từng nhà.
“Các đồng chí đến 1 phường không nhiều đâu, chỉ có người ở mặt đường chứ trong ngõ không ai bán đâu. Đến từng nhà một, đầu tiên là tuyên truyền, thuyết phục. Tôi đề nghị chủ tịch các phường nên có 1 thư ngỏ nêu rõ thực hiện chủ trương của TP, quận về việc yêu cầu các hộ kinh doanh ở mặt đường, mặt ngõ không lấn chiếm vỉa hè để bán hàng, trông giữ trái phép xe đạp, xe máy và đề nghị họ chấp hành.
Các đồng chí phải ra 1 thông điệp gửi cho từng nhà, chịu khó đến từng nhà. Đồng thời ra thông điệp cho họ trong bao nhiêu ngày phải tháo dỡ và trong quá trình bán hàng là không được bày bán.
Bước 2, kiểm tra xem xét việc người dân thực hiện. Chúng ta làm có tình có lý. Hết bước kiểm tra nhắc nhở đến bước 3, cưỡng chế và phạt. Lúc đó người dân không kêu vào đâu được”, ông Chung nêu.
Về đối tượng, theo Chủ tịch Chung, chỉ cần làm tốt 14 loại hàng thì tin TP sẽ sạch đẹp: cửa hàng bán hàng ăn, bán hoa, hoa quả, hàng điện máy, sửa chữa xe đạp xe máy, đồ da và đồ thời trang, đồ thể thao, trông giữ xe máy xe đạp, hàng rong, rau quả, thực phẩm…
“Các quận hiện nay bật đèn xanh cho người bán. Chúng ta phải nhất quán. Có nhiều nhà kinh tế lên tiếng về việc giải quyết công ăn việc làm, vấn đề người nghèo. Tôi xin thưa, nếu để ùn tắc giao thông, để TP nhếch nhác, bẩn thỉu, vệ sinh môi trường như hiện nay thì chúng ta mất đi văn hóa của 1 TP văn minh. Đó là cái mất lớn. Chúng ta phải nhất quán chuyện không phải vì mấy hộ này, không phải vì mấy người bán hàng rong các tỉnh, ngoại thành vào đây để Thủ đô nhếch nhác được”, ông Chung nhấn mạnh.
Nếu làm 14 việc này thì Chủ tịch TP tin HN sẽ phong quang hết.
Ông cũng nêu cụ thể chủ tịch UBND các quận, trưởng công an các quận, phường và chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm chính liên quan 14 việc này.
“Năm nay là năm kỷ cương hành chính, nếu các đồng chí về không tổ chức triển khai, làm không nghiêm túc, không hiệu quả, làm không kiên trì, để tái diễn. Các đoàn kiểm tra công vụ của TP về kiểm tra lần thứ 3 là xem xét trách nhiệm.
Tôi xin nói thẳng thắn lần này TP cũng sẽ phải xem xét một vài đồng chí. Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã có chỉ thị rồi, trưởng công an phường tham gia cấp ủy. Với góc độ ngành dọc, chúng tôi sẽ cách chức về mặt Đảng, chứ không phải chờ ý kiến anh Khương ( GĐ Công an TP Đoàn Duy Khương – PV). Lần này TP sẽ làm một cách nghiêm túc”, Chủ tịch TP khẳng định.
H.N.
2. Ông Nguyễn Đức Chung: Tôi sẽ chỉ bãi xe nào của bí thư, chủ tịch quận
Quang Anh
·
·
·
· 35
“Có tình trạng lãnh đạo địa phương đứng sau các bãi giữ xe. Nếu không chấn chỉnh, tôi sẽ chỉ đích danh bãi xe nào của ông bí thư, chủ tịch quận”, Chủ tịch Hà Nội nói.
Video:
Có lãnh đạo ‘bảo kê’ bãi giữ xe ở Hà Nội “Có tình trạng lãnh đạo địa phương đứng sau các bãi giữ xe. Nếu không chấn chỉnh, tôi sẽ chỉ đích danh bãi giữ xe nào của ông bí thư quận, chủ tịch phường”, Chủ tịch Hà Nội nói.
Sáng 4/3, phát biểu tham luận về thực trạng lấn chiếm lòng lề đường trên địa bàn Hà Nội, Đại tá Nguyễn Xuân Đình, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự Công an Hà Nội, đánh giá sau 3 năm triển khai “Năm văn minh đô thị”, thủ đô đã khang trang hơn, song lại phức tạp vào ngoài giờ hành chính.
Nói về tình trạng vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn, Đại tá Đình cho hay ở nội thành việc bày bán hàng hóa, gia công trên ra vỉa hè rất phức tạp, đặc biệt là bán bia hơi trên các phố Tăng Bạt Hổ, Hào Nam…; kinh doanh cà phê giải khát chiếm vỉa hè ở đường Trúc Bạch, Hồ Đắc Di; bán đồ ăn ở Hàng Lược, Bạch Mai, Trần Khát Chân…
“Khu vực quanh cổng bến xe, tình trạng xe dù, bến cóc phức tạp. Bãi giữ xe sai phép, trái phép tồn tại ở các khu vui chơi giải trí, đình đền chùa”, Trưởng phòng CSTT Công an Hà Nội báo cáo.
Trong số hơn 900 điểm lấn chiếm vỉa hè để trông giữ xe ở Hà Nội, có hơn 600 điểm có phép, 244 nơi không phép. Ảnh: Zing.vn
Ở khu vực ngoại thành, vị Đại tá cho hay đang tồn tại 26 khu chợ cóc nằm trên đường giao thông, tuyến quốc lộ, tỉnh lộ… gây nguy hiểm nhưng không giải quyết được.
Trưởng phòng CSTT Hà Nội thừa nhận “nóng” nhất hiện nay là tình trạng giữ xe trái phép. Trong năm 2016, Công an Hà Nội đã kiểm tra hơn 939 điểm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để giữ xe, trong đó có 245 điểm giữ xe dưới lòng đường.
Trong số hơn 900 điểm lấn chiếm vỉa hè để giữ xe, ông Đình nói có hơn 600 điểm có phép, 244 nơi không phép. “Có tình trạng giữ xe không phép ở các cơ quan hành chính, cơ quan càng to thì càng không chấp hành”, ông Đình nhấn mạnh.
Một bãi trông giữ ôtô, xe máy trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Để xảy ra thực trạng như trên, Đại tá Nguyễn Xuân Đình cho rằng có lỗi của cơ quan cấp phép. Theo đó, nhiều cơ quan cấp phép (Sở GTVT và UBND quận) không yêu cầu đơn vị xin cấp có sơ đồ điểm giữ xe nên họ “muốn kẻ vạch thế nào thì kẻ, lấn chiếm hết vỉa hè của người đi bộ”. Theo ông Đình, trước tình trạng trên, trong năm 2016, Phòng CSTT đã xử phạt hơn 83 tỷ đồng.
Về tình trạng giữ xe trái phép, lấn chiếm vỉa hè, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói: “Các đồng chí bí thư, chủ tịch quận, phường ngồi đây có dám cam đoan với tôi là các bãi giữ xe ở địa phương không có người nhà hay không có bãi giữ xe của ông bí thư, chủ tịch quận, phường không? Có đó các đồng chí. Tôi xin nói với các đồng chí đều có cả!”
“Các đồng chí phải là người quán triệt, giáo dục, bảo người nhà chấm dứt, là giảm nạn chiếm vỉa hè. Nếu lần này các anh không làm, tôi sẽ chỉ đích danh bãi giữ xe nào của ông bí thư, chủ tịch quận, nơi nào của ông chủ tịch phường…”, ông Chung cứng rắn.
Q.A.
3. Dẹp tham nhũng vỉa hè
Lê Thanh Phong
Công an Hà Nội nhắc nhở một người đậu xe trái quy định trên vỉa hè. Ảnh: Long Nguyễn.
“Tôi thống kê, hơn 180 quán bia vỉa vè thì có trên 150 quán bia có công an đứng đằng sau… Các bí thư, chủ tịch quận ngồi đây dám cam đoan với tôi các điểm trông giữ xe dưới phường có người nhà, có bãi đỗ xe của bí thư, chủ tịch không? Có đấy. Tôi xin nói các đồng chí có cả. Các đồng chí phải quán triệt, về bảo người nhà thôi thì sẽ đỡ đi rất nhiều rồi”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nói thẳng băng như vậy tại hội nghị quán triệt, triển khai kế hoạch về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị diễn ra ngày 4.3.
Rõ ràng, không né tránh, cụ thể đến con số, vậy thì chắc chắn ai có tên trong danh sách “đứng đằng sau” hơn 150 quán bia vỉa hè, ông Chủ tịch đã biết.
Công an đứng sau quán bia, còn bí thư, chủ tịch quận đứng sau các điểm trông giữ xe. Vậy thì ai mà dẹp được lòng lề đường, cho nên bao nhiêu năm lòng lề đường vẫn y như cũ, các đợt ra quân như ném đá ao bèo.
Cán bộ nhà nước là những người khai thác kinh doanh lòng lề đường, dân nào có thể tôn trọng pháp luật.
Đừng coi thường nguồn lợi từ các quán bia, của các điểm trông giữ xe vỉa hè. Nó không ồn ào trăm tỉ ngàn tỉ như các vụ trọng án tham nhũng, nhưng tiền cứ âm thầm chảy vào két sắt của các vị, chảy từng ngày. Lòng lề đường là tài sản quốc gia, khai thác sử dụng nguồn tài sản này để bỏ vào túi riêng là tham nhũng. Không phải tham nhũng vặt mà tham nhũng to đấy.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung ra điều kiện các vị tự thu xếp để trả lại vỉa hè trước, nếu không, ông sẽ chỉ rõ chỗ nào, bí thư quận nào, chủ tịch, trưởng phường, kể cả lãnh đạo sở cũng có.
Người dân quan tâm một điều, tại sao biết rõ như vậy nhưng vẫn cứ để tồn tại bao nhiêu năm nay?
Lần này, Chủ tich Nguyễn Đức Chung ra tối hậu thư, sau đó thì xử lý những cá nhân công an, chủ tịch, bí thư không chấp hành trả lại vỉa hè như thế nào?
Thử đặt ra tình huống xử lý, cán bộ công an nào không tự dẹp các quán bia lấn chiếm vỉa hè thì kỷ luật đuổi ra khỏi ngành. Bí thư, chủ tịch nào không tự dẹp các điểm trông giữ xe lấn chiếm lòng lề đường thì kỷ luật cách chức.
Xử lý những đối tượng trên, không phải giữ gìn trật tự công cộng, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, xây dựng đô thị văn minh, mà còn là dẹp nạn “tham nhũng vỉa hè”.
Không chỉ công dân Hà Nội, cả nước đang chờ đợi hành động quyết liệt của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung.
L.T.P.
Nguồn: http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/dep-tham-nhung-via-he-643628.bld