Lời từ nhiệm của Ban Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng

Thưa các anh chị em,

Sau gần ba năm tự nguyện nhận nhiệm vụ điều hành hoạt động CLB Lê Hiếu Đằng, nay chúng tôi đã suy nghĩ với nhiều trăn trở, và có lời tâm sự chân thành gởi đến anh chị em hôm nay, để xin chấm dứt vai trò Ban Chủ nhiệm của mình, nhường quyền lại cho tập thể quyết định việc bầu ra một Ban Chủ nhiệm mới, với mong mỏi sẽ có những hoạt động khởi sắc hơn.

Chúng tôi khẳng định cả ba chúng tôi đã tự nguyện đảm nhận việc điều hành CLB. Gọi là tự nguyện vì thực ra không thông qua một cuộc bầu cử chính thức nào của toàn thể thành viên, sau khi có ý kiến đề xuất thành lập bởi một nhóm anh em rất nhiệt tâm với hình ảnh anh Lê Hiếu Đằng, có thể xem đó là nhóm sáng lập: vài tháng sau khi anh Lê Hiếu Đằng, anh Huỳnh Tấn Mẫm gặp hai chúng tôi – Huỳnh Kim Báu và Lê Công Giàu – bàn nhau thực hiện ý tưởng đó và lập nên Ban Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng. Chúng tôi được sự đồng tình và hợp tác rộng rãi của mọi người, không có một lời phản đối nào.

Chúng tôi là những người bạn gần gũi và sát cánh bên nhau trong năm tháng chiến tranh với anh Lê Hiếu Đằng, tình bạn rất sâu nặng. Những giọt nước mắt cuối đời của anh trong những tháng ngày nằm bệnh đã cỗ vũ cho chúng tôi thêm động lực tinh thần và trách nhiệm. Trong giọt nước mắt ấy không có bóng dáng về thân phận cá nhân, mà chỉ có niềm ray rứt về một lý tưởng dân tộc – dân chủ mà vì nó cả đời anh dấn thân, không một tiếc nuối. Ngày xưa, nhận tin bị đối phương kết án tử hình, anh chỉ cười nhẹ.

Vì thế, chúng tôi bước ra với tinh thần tự nguyện để gánh vác một chút trách nhiệm với trí lực nhỏ nhoi còn lại của mình.

CLB đã hoạt động được hai năm rưỡi, do sự tích cực của các thành viên, nên đã gây được tiếng vang đáng kể về lập trường độc lập dân tộc, chống xâm lược và đấu tranh thúc đẩy tiến trình xây dựng xã hội dân chủ như tâm nguyện của anh Đằng, như tâm nguyện của tất cả chúng ta trong quá khứ và cả hôm nay. Thành viên CLB, cho đến nay, chưa có một ai bị tai tiếng nào đáng trách, như lạm dụng công quỹ, lạm dụng danh nghĩa CLB để mưu cầu việc riêng, hoặc làm điều sai trái đối với mục tiêu và quan điểm của CLB, mặc dù tổ chức hoạt động của CLB còn lỏng lẻo, thiếu quy chế ràng buộc. Bởi vì, CLB là một nơi gặp gỡ trong sáng, gồm những con người của nhiều miền đất nước khao khát cống hiến vì lý tưởng của dân tộc.

Riêng Ban Chủ nhiệm chúng tôi, trong quá trình điều hành CLB cũng có nhiều thiếu sót, nhược điểm, phần nào đã không hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Đó là do tuổi cao, sức yếu, bệnh tật di căn từ thời chiến tranh, tinh thần không còn mạnh mẽ như xưa, trong khi tình hình phức tạp của đất nước hiện nay đặt ra yêu cầu ngày càng cao cho chúng tôi. Nhưng cũng tự gượng an ủi như thế đã là một sự cố gắng, dù rất nhỏ nhoi.

Con đường Độc lập, Tự do còn mịt mù vì chưa có Dân chủ. Sự nghèo đói đang làm kiệt quệ sức sống dân tộc, cộng với sự nhận thức của giới cầm quyền đang làm thui chột đất nước, làm cho tụt hậu toàn diện so với cộng đồng các nước trong khu vực, và đang trở thành một miếng mồi ngon cho các thứ chủ nghĩa bành trướng nham hiểm của thời đại. Bối cảnh ấy lại là bóng mát cho một số người vong thân.

Anh chị em hiện diện hôm nay ở đây, phần lớn đã trải qua chinh chiến và nỗ lực gần cả đời người, đều thấy hoang mang và cay đắng. Có người đến cuối đời mới sực tỉnh và ân hận về cuộc dấn thân của mình. Có người đã ra đi không còn kịp để thức tỉnh. Có người thì sớm thức tỉnh nhưng đành ngồi bó gối trong vòng vây. Và cũng có những người sáng suốt mà can trường đã bị hãm hại, phải đánh đổi mạng sống của mình.

Nhưng những người trung nghĩa của đất nước này hiện nay không thiếu. Trong nhân dân và cả trong bộ máy nhà nước càng ngày càng có nhiều người thức tỉnh và dấn thân.

Mọi sự hy sinh đã qua không mất đi, nó làm thức dậy và tái sinh một sức mạnh mới, cách nhìn mới trong các tầng lớp nhân dân, từ người già đến người trẻ, từ nông dân đến trí thức đều có ý thức vượt lên trên màn khói của giáo điều, vô nghĩa và hủ lậu.

Lịch sử Việt Nam là một lịch sử của đau thương, đồng thời cũng là lịch sử của một dân tộc kiên cường, vì thế nó mới tồn tại đến ngày nay. Và hôm nay đất nước lại đang đứng trước một thử thách gay go mới: Người Việt tự trói người Việt bằng một cơ chế bất nhân và một chủ thuyết cuồng tín do người ngoài gieo giống, cổ súy và nuôi dưỡng, biến sự tồn vong của một đất nước lệ thuộc vào sự vong tồn của một nhóm người thích tín điều và tham vọng. Nhìn ra thế giới, ta ngưỡng mộ biết bao nhiêu về sự tiến bộ của con người; nhìn vào đất nước, ta càng thấy buồn khổ và tủi nhục. Người dân đói cơm thiếu nước, thanh niên nam nữ thất nghiệp lang thang khắp nước và nước ngoài, môi trường đang bị hủy hoại, giới cầm quyền thì quyết liệt giành nhau và chia chác những chiếc ghế vấy bùn mà cũng đẫm máu.

Là một nghịch lý khắc nghiệt, nhưng tiếc thay nó đang là hiện thực.

Nhưng cái gì không hợp lý, thì sẽ không tồn tại.

đang diễn biến, và đang tự chuyển hóa mạnh mẽ trên nền tảng ý thức của dân tộc, trong đó có một thành phần không nhỏ trong bộ máy đang cầm quyền.

Buồn cười thay, xu thế “tự chuyển hóa” sục sôi đáng mừng, để thoát khỏi cơ chế bất nhân bất chính và hủ lậu này lại trở thành lời kêu than thất thần đến lạc giọng của một số người cầm đầu thiển cận.

Thưa anh chị em,

Trong phong trào đấu tranh đòi hòa bình ở Sài Gòn trước đây, nữ sinh viên Nhất Chi Mai đã “chết mới nói được nên lời”, thì hôm nay trước các anh chị em, tôi còn sống mà được thổ lộ đôi lời này, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc. Nhà văn Hemingway trong tác phẩm Ngư Ông và Biển Cả, từng lặp lại nhiều lần: “Suy nghĩ là hạnh phúc”; tôi cũng cho rằng nói được cũng là hạnh phúc. Mong rằng mọi người, cả 90 triệu nhân dân ta, đều có được ngày càng nhiều thứ hạnh phúc căn bản và quý báu này. Được nói, và có quyền nói. Nói, không phải là một loại vũ khí gây sát thương, nhưng nó chứa đựng năng lượng nhân bản có tác dụng đẩy lùi cái xấu và cái ác. Tình thế hôm nay đòi hỏi mỗi người dân và mọi người dân phải cất lên tiếng nói của mình, bất cứ ở đâu và lúc nào, về mọi vấn đề. Và rõ ràng ngày càng rất đông tiếng nói cất lên từ mọi miền đất nước. Nói là một hạnh phúc, và cũng là trách nhiệm. Anh Lê Hiếu Đằng đã nói trong tiếng nấc những lời tâm huyết, cùng dòng nước mắt chảy ra khi anh dừng lại hơi thở cuối cùng trên giường bệnh để chấm hết một cuộc đời đấu tranh không ngừng của mình.

Chúng ta thương nhớ anh ấy mà lập nên CLB mang tên anh. Trong phạm vi nhỏ này, chúng ta đã đoàn kết, thông cảm và chia sẻ cùng nhau những ưu tư về vận mệnh đất nước. Sự nỗ lực của mỗi người trên sự tự tin của mình, là điều quý báu đáng trân trọng. Chúng ta có trách nhiệm với thế hệ đi sau bằng lời nói và việc làm, dù hoàn cảnh nào, vẫn giữ mãi niềm tin vào sự vươn lên của dân tộc mình, thoát khỏi họa phương Bắc, giữ vững độc lập tự chủ, xây dựng dân chủ và phấn đấu để phồn vinh, là lẽ sống của mọi thế hệ, là phương hướng hành động của CLB chúng ta. Các thành viên CLB đều không phải là những chính khách chuyên nghiệp, hay là những nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp; chúng ta là những công dân có ý thức, và đang nắm chặt tay nhau trong niềm tin mạnh mẽ.

Hôm nay, tôi thay mặt Ban Chủ nhiệm, nói lời cảm ơn tất cả, và cũng để kết thúc nhiệm kỳ này nhằm bầu lên một Ban Chủ nhiệm mới.

Cảm ơn các bạn rất nhiều.

Chúc mọi người sức khỏe và nhiều may mắn.

Huỳnh Kim Báu

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.