Nhiều người, hoặc có thể nói không một người dân nào, thích nghe cái loa phường. Và dường như cũng không một ai nhận ra loa phường không phải là phương tiện thông tin như nhiều người có thể ngộ nhận.
Đảng CS và nhà nước VN độc quyền nắm trong tay, nghe nói, đến 800 (tám trăm) tờ báo, và các đài phát thanh truyền hình trong cả nước. Như thế cái loa pường cổ lổ sỉ có cạnh tranh được với các phương tiện thông tin hiện đại đó không?
Vả lại, đã ở thế kỷ 21 rồi, công nghệ thông tin đã phát triển đến mức gần như cho người ta phép lạ: chỉ cần nhấn đầu ngón tay vào bàn phím máy tính hay điện thoại di động người ta có thể có được thông tin mình cần, từ giá cả một món hàng ở chợ đến những tri thức mang tính bác học.
Số người VN sử dụng ĐTDĐ là bao nhiêu?
Bà Tammy Phan – Giám đốc đối tác chiến lược và Kênh bán hàng Việt Nam của Google cho biết: Đến năm 2020 cứ 10 người Việt sẽ có 8 người dùng điện thoại di động, nghĩa là chỉ 3 năm nữa, số người dùng DTDĐ ở Việt Nam là khoảng 72 triệu người trên tổng số (tính tròn) 90 triệu dân. (Số người còn lại không có ĐTDĐ có lẽ là từ học sinh cấp I đến trẻ sơ sinh.)
Thế thì Đảng và Nhà nước VN có nhất thiết cần phải dùng loa phương để truyền thông tin đến tận tai mỗi người dân không?
Cho dù xã hội được… nông thôn hóa thì người ta cũng tiến tới… “nông thôn mới” cả nước, chớ không phải nông thôn cũ hàng thế kỷ trước mà cần đến cái loa công cộng công suất lớn quát vào tai từng người.
Hầu như hiếm có một gia đình nào ở Việt Nam không có ít nhất một cái TV. Vậy mà chiếc loa công cộng này vẫn có mặt bền bỉ và đều khắp trong cả nước, không chỉ ở thôn quê mà trong mọi ngóc ngách (phường) ngay giữa lòng các thành phố lớn nhất nước như thủ đô HN và thành phố HCM.
Hệ thống loa công cộng, mà nhiều người quen gọi là “loa phường,” không nhằm mục đích truyền phát thông tin mà chỉ để thể hiện sức mạnh của chính quyền như lời thừa nhận của PGĐ CA Hà Nội, Tướng Bạch Thành Định.
Sức mạnh này được thể hiện như thế nào?
Chiếc loa phường không phát ra điều gì mới mẻ hay tin tức gì cấp bách như thông tin trong thời chiến tranh, mà chỉ chuyển tiếp chương trình phát thanh của đài phát thanh nhà nước, mà người nghe đã biết biết qua các hệ thống thông tin khác, nhưng không muốn nghe cũng không được. Nhất là mới 5 giờ sáng, đang ngủ ngon, tiếng loa oang oang ong óng đánh thức mình dậy dù mình không có việc gì phải dậy sớm, nuốn ngủ tiếp cũng không được. Thậm chí người bệnh hoạn mất ngủ suốt đêm đến gần sáng mới chợp mắt được cũng bị lôi dậy lúc 5 giờ. Đến 5 giờ sáng cả nước phải thức dậy như trong một trại lính.
Vào những năm 1980, Linh mục Trần Tam Tỉnh, một giáo sư sử học thân cộng tại Canada, tác giả sách “Thập giá và lưỡi gươm”, đã ghi nhận rằng: tất cả các nhà thờ tại Canada không được phép rung chuông trước 8 (tám) giờ sáng.
Thế mà người dân VN trong cả nước bị tiếng loa phường dựng dậy lúc 5 giờ! Nếu không có việc gì cần hay cấp bách, không ai muốn dậy sớm như thế cả. Nhưng không muốn thì làm được gì nhau?
Chẳng làm được gì hết. Phản đối đã không tới đâu. Mà phản đối với ai?
Đã không phản đối được, không làm gì được để thay đổi, thì người ta buộc phải cắn răng cam chịu. Dần dần sẽ quen. Lâu ngày, người ta sẽ cam chịu một cách tự nhiên mà không cần… cắn răng. Sự cam chịu sẽ trở thành bản tính giúp người ta cam chịu không chỉ đối với chiếc loa phường, mà cam chịu đủ thứ. Không cam chịu cũng không làm gì được. “Nói ra thì được gì?” Nói “HS – TS – VN” là muốn nói các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam? Vậy là bị bắt, bị đánh đập, bị tù.
Không chỉ việc tưởng nhớ các chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong trận tử chiến bảo vệ biển đảo quê hương năm 1974, mà tưởng nhớ các liệt sĩ bỏ mình trong cuộc chiến chống quân TQ xâm lăng vào năm 1979 cũng bị bắt bớ, đánh đập đổ máu, thậm chí bị bỏ tù nữa. Vậy phản đối làm gì? “Có được gì đâu mà nói?”
Những câu nói “Nói ra thì được gì?”, “Có được gì đâu mà nói?” thường xuất hiện trên Fb, không chỉ từ miệng các DLV mà từ nhiều người dân bình thường khác, đã cho thấy hiệu quả khủng bố mạnh mẽ của hệ thống loa phường đàn áp tâm trí con người, làm cho người dân trở nên thụ động, thuần thục, dễ bảo và sẵn sàng thần phục ý muốn của Đảng và Chính quyền CS như thế nào.
Tướng Bạch Thành Định, Phó Giám đốc CA Hà Nội chả cần ngần ngại gì khi nói rõ LOA PHƯỜNG LÀ SỨC MẠNH CỦA CHÍNH QUYỀN
Và ông ta nói đúng.
Còn muốn bỏ loa phường nữa thôi?
Nguồn: https://www.facebook.com/thieukhanh/posts/10206410718346870